Thursday 27 June 2019

BUỔI TRIỂN LÃM VÀO CUỐI ĐỜI CỦA HỌA SĨ TRỊNH CUNG (Trịnh Thanh Thủy tường thuật)




Trịnh Thanh Thủy tường thuật
27/06/2019

"Nằm trong chủ đề Câu Chuyện Một Di Dân Mới ở Cali, loạt tranh này mang tính truyện, kể câu chuyện về một người di dân có thể gọi là điển hình, đến từ một quốc gia thuộc thế giới chưa phát triển, người di dân này là da màu . Họ ở khu Bolsa, nơi có nhiều người lao động nghèo, có nhiều người vô gia cư đẩy xe chở mùng mền quần áo, người cầm bảng Homeless xin tiền, người đi thu lượm lon về tái chế, những người chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ. Những người này đi mua sắm ở Goodwill."

Đó là một đoạn phát biểu của nhà văn Đặng Thơ Thơ khi bà nói về loạt tranh mới sáng tác của Hoạ Sĩ Trịnh Cung trong buổi triển lãm vừa qua của ông.

Pic 1. HS Trịnh Cung

Pic 2. Thi sĩ Du Tử Lê

Vào hai ngày cuối tuần giữa tháng Sáu, 15 và 16, 2019 mới đây, hoạ sĩ Trịnh Cung đã tổ chức một buổi triển lãm hội hoạ lớn nhất trong các buổi triển lãm ông từng có trong đời cầm cọ của mình. Buổi triển lãm được diễn ra tại phòng tranh của Nhật Báo Người Việt ở Quận Cam, California. Đối với ông, phải nói đây là buổi triển lãm vô cùng quan trọng, vì ông tiết lộ đây rất có thể là lần cuối ông triển lãm và ra mắt sách những tác phẩm cuối đời của mình. Ông dốc hết toàn lực sung mãn trong khả năng có được để thực hiện những bức tranh mới bao gồm các phong cách Trừu Tượng và Hiện Thực Đơn Sắc. Riêng loạt tranh đặc biệt mới được giới thiệu dưới chủ đề  “Câu chuyện của Một Di Dân Mới ở California”, ông vẽ theo khuynh hướng Hiện Thực Đơn Sắc Trắng Đen với khổ lớn bằng chất liệu sơn dầu.

Đồng thời, ông cũng ra mắt một cuốn sách mới có nhan đề là  “Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ”. Sách in trên khổ lớn, giấy láng, mịn, đẹp với  nhiều tranh màu được nhà xuất bản Văn Học Press do nhà văn Trịnh Y Thư làm chủ ấn hành. Ngoài câu chuyện tự bạch chân thật (cả cái hay và dở) trong 56 năm cầm cọ của đời mình, ông còn ghi lại những bối cảnh lịch sử có giá trị tham khảo. Có thể nói đây là một hồ sơ tư liệu đặc biệt về lịch sử Mỹ Thuật VN từ năm 1954 tới 1975 cho những ai muốn tìm hiểu thêm .

Pic 3. Nhà Văn Trịnh Y Thư

Pic 4. Nhà Văn Đặng Thơ Thơ và LĐNhất Lang

Buổi triển lãm thu hút được sự tham dự đông đảo của các giới truyền thông báo chí, thân hữu và đồng hương. Bên truyền thông ghi nhận có: Đài Truyền Hình SBTN, Đài Sài Gòn TV, Nhà báo, truyền hình Nam Quan. Bên báo Người Việt có nhà báo Đằng Giao, Đỗ Quý Toàn, Phạm Quốc Bảo, Phạm Phú Minh, Đinh Quang Anh Thái, Đỗ Dũng, Đỗ Thắng, Dân Huỳnh. Bên Việt báo có: ÔB Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Nina Hoà Bình. Bên Điện Ảnh có nữ tài tử Kiều Chinh. Bên Hội Hoạ có các hoạ sĩ: ÔB Nguyên Khai, ÔB Nguyễn Đình Thuần, ÔB Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp, Rừng, Cao Bá Minh, Đàm Quốc Cường, Phan Khánh, Nguyễn Việt Hùng, Lê Thuý Vinh, Lương Trường Thọ, Nguyễn Văn Bảy, Võ Tá Đồng, Phạm Kim Khai, Pauline Ngọc. Bên Văn, Thơ, Nhạc có: ÔB Cung Tích Biền, Thành Tôn, Du Tử Lê, Đặng Phú Phong, Đặng Thơ Thơ, Trịnh Y Thư, Trịnh Thanh Thủy, Lê Đình Y Sa, Lê Đình Nhất Lang, Trần Yên Hoà, Trần Thế Phong, NS Diệu Hương, CS Bích Liên, và nhiều cựu sinh viên trường Mỹ Thuật Huế v..v…

Buổi nói chuyện về chủ đề và nội dung Tranh của Trịnh Cung được 5 diễn giả lần lượt lên bày tỏ cảm nghĩ và ý tưởng của mình. Nhà báo Đặng Phú Phong điều hợp chương trình đã điểm sơ về nội dung của cuốn sách "Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ". Tiểu sử, tính cách con người, sự nghiệp, tác phẩm cùng các thành công của ông được tóm gọn qua các giai đoạn sống khác nhau. Theo ĐPPhong, thời kỳ vẽ theo Trừu Tượng, là thời kỳ rất sung mãn, tài hoa nhất của Trịnh Cung, những nhà phê bình sẽ căn cứ vào thời kỳ vẽ Trừu Tượng của ông như là một căn bản trong sự nghiệp của người họa sĩ tài ba này.

Kế đến là phần phát biểu của Du Tử Lê. Theo ông thì một tài năng, chỉ có thể được ghi nhận là lớn lao, khi có đủ hai yếu tố: Thẻ nhận dạng riêng và, những tác phẩm gắn liền với định mệnh dân tộc, theo chiều dài lịch sử chìm, ngập máu, xương giống nòi. Trong lịch sử hội họa VN hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta có khá nhiều những tài năng mà đóng góp trí tuệ của họ, rất đáng cho chúng ta trân trọng ghi nhận. Nhưng, đa số, hầu như đã chọn sống bập bềnh, bay, trôi ngoài định mệnh dân tộc. Trịnh Cung / Nguyễn Văn Liễu thì, ngược lại là một trong những tài năng hiếm hoi thuộc lãnh vực hội họa của chúng ta, dù ở Việt Nam hay, quê người. Tranh của họ Nguyễn ở giai đoạn nào, cũng vằng vặc tính văn học (như những bài biên khảo, nhận định của ông về hội họa). Tựa đó là định mệnh khu biệt của một tài hoa lớn mà đời sống, thời thế đã chọn ông, làm phát ngôn viên chính thức cho lộ trình nhân gian phủ đầy khăn tang này.  DTLê sẽ không chút ngạc nhiên, nếu ngày nào, những bức tranh như “Mùa thu tuổi nhỏ”, “Treo mình trên giá vẽ” hoặc “Cái mền mua ở Goodwill” của Trịnh Cung được trả về cho Saigon, như bức “Guernica” của Picasso, sẽ không bao giờ nữa, rời khỏi Madrid. Và những suy nghiệm của ông về nghệ thuật hội họa hôm qua, ngày mai, sẽ là những bảng chỉ đường hữu ích cho một hội họa Việt Nam khác, trong tương lai. 

Nhà văn Đặng Thơ Thơ đã nói chuyện và phân tích về loạt tranh mới của HS Trịnh Cung. Bà đặc biệt chú trọng về vấn đề di dân trong thời đại toàn cầu hoá mà HS Trịnh Cung đã dùng làm chủ đề cho cuộc sống của chính mình và gia đình khi vừa đặt chân lên Hoa Kỳ. Bức tranh Đơn Sắc Trắng Đen "Cái mền mua ở GoodWill" của ông đã nói lên được tình gia đình của mọi nhóm di dân nói chung, thường là thương yêu, hỗ trợ, khắng khít với nhau vì họ đã trải qua sống chết có nhau. Tuy nhiên hai bức tự hoạ khoả thân "Tôi đến đây trần truồng" và "Hoang vu phía trước, thuốc đàng sau" được bà thích nhất  . Bà cũng không quên nói đến tác động lịch sử và nghệ thuật của loạt tranh xã hội này.

Pic 5. Tranh "Gặp nhau ở Bolsa của Trịnh Cung"

Pic 6. Sách “Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ”

Nhà văn Trịnh Y Thư chủ trương nhà xuất bản Văn Học Press đã lên tâm sự về nỗi khó khăn khi đặt in tập sách "Trịnh Cung Treo Trên Giá Vẽ". Ông bảo Trịnh Cung là một hoạ sĩ ngoại khổ, đã giao cho ông một tác phẩm ngoại khổ, khiến TYThư cũng khổ!!! Vì cuốn sách có một kích cỡ không đúng tiêu chuẩn và các nhà in không ai chịu in !!! Đi tìm nhà in không ra, TYT đành chịu thua. Sau tình cờ ông tìm được 1 nhà in là MeKong với máy móc trang bị tối tân, chịu in sách ngoại khổ cho TCung. Tuy nhiên với 1 giá không rẻ. TCung đồng ý trả thêm. TYThư lại khổ thêm vì phải đối đầu với một TCung có nghệ sĩ khó tính như những nghệ sĩ khác. Không những thế, ông khó tính cả với nghệ thuật của ông nên ông đã bay lên thoát xác, hoá thân, đi tìm những phong cách mới, chân trời nghệ thuật mới. Ông đi từ Biểu Hiện, Khoả Thân, Chân Dung rồi Trừu Tượng tới Đơn Sắc. TYThư đã mượn 2 câu thơ của Trần Dần để miêu tả TCung.

"Tôi khóc những chân trời không có người bay,
  lại khóc những người bay không có chân trời”

TCung chính là người bay ở chân trời nghệ thuật.

Nhà văn Trịnh Thanh Thủy là diễn giả cuối, lên trình bày về "Nghệ Thuật Hội Hoạ Đơn Sắc Trắng Đen của Trịnh Cung". Những thuật ngữ chuyên môn của hội hoạ như "Đơn Sắc" và "Trắng Đen" được giải thích tỉ mỉ để cử toạ có thể hiểu thêm về cách phối màu và việc sử dụng "Ánh sáng Đơn Sắc" trong tranh, và vì sao nó được gọi là "Trắng Đen" trong nghệ thuật nhiếp ảnh và tạo hình. TTThủy cũng giải thích vì sao TCung sử dụng phong cách Hiện Thực trong loạt tranh Trắng Đen có cùng 1 nội dung như một cuốn tiểu thuyết mà mỗi bức là một chương kết dính với nhau như có mắt xích. Điểm nổi trội hơn là ông dùng sơn dầu để vẽ và đã can đảm từ bỏ thế giới màu sắc mà ông rất yêu thích trong 56 năm qua để đi ngược về các thời kỳ đầu của nghệ thuật nhân loại mà thử nghiệm lối vẽ Hiện Thực Trắng Đen.

Một thiếu nữ trẻ là Thúy Trần đã lên chia sẻ cảm xúc và tỏ bày sự ái mộ tranh của TCung.

Trịnh Thanh Thủy tường thuật





No comments:

Post a Comment

View My Stats