Tuesday 12 March 2019

NƯỚC NHÀ THÀNH BẠI, AI TRÁCH NHIỆM (Phạm Phú Khải)




13/03/2019

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, người thường trong xã hội cũng phải chịu trách nhiệm.

Thành ngữ này không rõ có từ khi nào. Chắc lâu lắm, thời phong kiến. Nhưng người dân trong thời phong kiến hay quân chủ có tiếng nói gì, có quyền hạn gì, để phải chịu trách nhiệm về sự hưng vong của đất nước?

Quan niệm này, theo tôi, là vô lý, bất công và thất sách. Kêu gọi người dân có trách nhiệm với nước nhà thì đúng đắn, nhưng đặt trách nhiệm lên họ về sự hưng vong là sai trái.
Quan niệm này chỉ phục vụ và củng cố cho các chế độ độc tài.

Lãnh đạo (chính trị) quốc gia nào phải chịu trách nhiệm đối với sự thành bại, hưng vong của đất nước mình. Lãnh đạo, trong mọi địa hạt, nói chung, phải can đảm nhận lãnh trách nhiệm về mình khi có những quyết định sai lầm.

Ngày nay chúng ta cần đặt lại vấn đề, và định nghĩa lại vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo, nhất là lãnh đạo quốc gia. Nguyên tắc căn bản là càng nắm quyền lực trong tay, càng giữ các vai trò quan trọng và quyết định hệ trọng, thì càng phải có trách nhiệm trước người liên hệ, người dân.

Lãnh đạo, trong mọi địa hạt, công hay tư, chính phủ hay phi chính phủ, được trao phó, ủy quyền để điều hành và quyết định các vấn đề hệ trọng. Do đó sự thành bại, hưng vong, của tổ chức hay quốc gia là chủ yếu nằm ở chỗ lãnh đạo có khả năng để thực hiện vai trò và trách nhiệm của họ hay không. Không thì phải từ nhiệm, hoặc người liên hệ phải có quyền để ngăn chặn sự bất tài và phá hoại của người đứng đầu.

Không xây dựng được văn hóa trách nhiệm giải trình này thì mọi sự thay đổi, kể cả thay đổi chế độ độc tài hiện nay, cũng trở thành vô ích.

Mấu chốt của các vấn đề hệ trọng của Việt Nam hôm nay, cũng như trong vài thập niên tới, theo tôi, là vấn đề lãnh đạo, là mục tiêu xây dựng một thế hệ lãnh đạo mới xứng đáng với tiềm năng quốc gia mình. Lãnh đạo trung tầng, và nhất là lãnh đạo thượng tầng, trong mọi địa hạt quốc gia, nhất là giáo dục, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng và chính trị.

Hơn bốn thập niên qua trên toàn nước và bảy thập niên tại miền Bắc, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) thiết lập nền cai trị toàn diện và tuyệt đối. Họ cai trị bằng bạo lực, tuyên truyền và bưng bít, thay vì lãnh đạo. Tên gọi là “cộng hòa”, và “xã hội chủ nghĩa”, nhưng quyền lực tập trung vào một thiểu số chóp bu không có ý định chia sẻ quyền lực với ai. Người dân vẫn không có tiếng nói hay quyền lực đáng kể nào cả.

Mặc dầu chế độ cầm quyền thiếu chính nghĩa như thế, các tổ chức đối lập hoặc đối kháng trong và ngoài nước, phần lớn, nếu không phải là tất cả, cũng gặp khủng hoảng lãnh đạo. Khủng hoảng lãnh đạo ở đây là về cả phẩm lẫn lượng. Vẫn chưa có những khuôn mặt nào hay tổ chức nào có khả năng, uy tín và tài năng lãnh đạo để quy tụ nhân tài/lực và xây dựng thế liên minh cần thiết hầu cân bằng quyền lực và tạo thay đổi.

Trong cuộc vận động dân chủ hiện nay, và trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam thời hậu độc tài, lãnh đạo đóng vai trò quyết định cho mọi sự thành bại.

Có lẽ vì nhận thức lãnh đạo quan trọng như thế nên trước đây có nhiều người từng mong ước một minh quân xuất hiện để giải quyết vấn đề của Việt Nam. Theo tôi thì ước mong này thiếu thực tế. Nó sẽ không bao giờ xẩy ra. Thứ nhất, thiên tài lãnh đạo không bao giờ tự nhiên xuất hiện cả. Họ đều phải trãi qua quá trình luyện tập, thực tập, trao dồi và phát triển không ngừng. Thứ hai, lãnh đạo một phần là do bản tính cá nhân, nhưng phần quan trọng nhất là do môi trường tác động, do đào tạo và kinh nghiệm rèn luyện, cái không thể thiếu. Thứ ba, lãnh đạo trổi lên, nhất là trong môi trường hoạt động, là do sự tương tác và qua đó thuyết phục và chứng minh được tài năng, tiềm năng và ý chí của mình, chứ không phải do áp đặt. Thời nay không còn kiểu cha truyền con nối, ngoại trừ trường hợp như Bắc Hàn. Và sau cùng, dù là thiên tài lãnh đạo thì một cá nhân cũng không thể kéo cả một con tàu có bản chất ù lì và bảo thủ, không chịu sẵn sàng thay đổi chính mình trong hoàn cảnh mới để thay đổi xã hội. Thiên tài lãnh đạo tài giỏi mấy cũng sẽ bó tay trong hoàn cảnh này. Trong lịch sử Việt Nam cũng như nhân loại, những người lãnh đạo tài giỏi và thành công thường có một đội ngũ xuất sắc không kém, bổ túc cho những thiếu sót hoặc sở đoản của nhau.

Một cách lý tưởng nhất của một tổ chức, dù đó là chính quyền hay một công ty kinh doanh đa quốc, là lãnh đạo có thể thay thế bất cứ lúc nào. Một khi có hệ mệnh gì đến một lãnh đạo nào đó thì có người khác sẵn sàng thay thế gánh vác nhiệm vụ. Một tổ chức có quan niệm và có nhân sự sẵn sàng như thế mới thật sự là tổ chức mạnh. Còn một tổ chức mà phụ thuộc quá nhiều vào một hay vài cá nhân nào đó thì đó là tổ chức không linh động và hiệu quả, dễ rơi vào lòng luẩn quẩn và độc đoán.

Vấn đề khủng hoảng lãnh đạo, thật ra, là hiện tượng chung trên toàn cầu hiện nay, không riêng gì của Việt Nam.

Lý là là vì làm lãnh đạo trong thời đại này khó. Rất khó. Rất khác với những thập niên về trước. Và hoàn toàn khác với một thế kỷ trước. Vì nhiều nguyên do, xin được liệt kê vài điểm sơ khởi ở đây.

Một, là vì tác động của thông tin, kiến thức và nhận thức quá nhanh và quá sâu rộng. Xưa, người ta trông cậy lãnh đạo cung cấp thông tin và kiến thức, và qua đó đường đi, nước bước. Nay, khi cần thông tin, trong mọi lĩnh vực, người ta tìm đến Google hay các nguồn truyền thông khác. Nhanh, gần như tức khắc, và mức độ chính xác và khả tín rất cao nếu biết nguồn gốc thông tin, biết chọn lọc và có suy nghĩ phê phán. Nhưng trong thời đại thông tin tràn ngập như thế này, nó dễ tạo cho người ta cảm tưởng rằng họ biết hết mọi vấn đề. Đặc biệt đối với các tổ chức chính trị tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, yếu tố “kiến thức là quyền lực” này ủy quyền cho người nhận thông tin, trong khi gia giảm ảnh hưởng của người lãnh đạo, một tiền lệ được định hình trước đây. Cũng từ hệ quả này, người ta không thấy có nhu cầu để gặp mặt nhau, trao đổi và thảo luận, hoặc tranh luận, để tìm mối tương đồng và điểm chung để cùng làm việc như trước đây. Đây là thử thách mà lãnh đạo ở mọi tầng xã hội trong mọi quốc gia đều gặp phải hiện nay.

Hai, tốc độ cạnh tranh ngày gia tăng và mức độ ngày càng gây gắt. Trước thực tế này, các tổ chức công cũng như tư, chính phủ cũng như phi chính phủ, cầm quyền cũng như đối lập, đều phải chứng tỏ khả năng điều hành và quản lý để tiếp tục lèo lái hướng đi của tổ chức mình, để tiếp tục được sự tín nhiệm của cổ đông hay của người dân mình. Thay đổi trở thành điều bình thường (the only constant is change) để tồn tại, và điều chắc chắn duy nhất là sự bất định (the only certainty is uncertainty). Lãnh đạo ngày nay vì thế có lắm rủi ro và bất an vì áp lực từ mọi phía. Đây cũng là một trong các lý do mà chủ nghĩa dân túy trổi lên bởi vì các nhà dân túy dám đưa ra các hứa hẹn phần lớn không đáp ứng được nhưng lại là điều người dân muốn nghe, trong khi các lãnh đạo chính trị chân chính không dám hứa hẹn điều gì trước tương lai bất định vì không biết có hoàn thành được không. Tóm lại, một trong các thách thức và cũng là yêu cầu thiết yếu của lãnh đạo ở mọi tầng xã hội hiện nay là khả năng đáp ứng và quản lý thay đổi.

Trong khi đó, đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại và các tổ chức đấu tranh cho dân chủ, tôi có cảm tưởng như là mọi sự vẫn như cũ, cách thức làm việc vẫn như xưa, và cũng vì thế nên không những không nắm bắt được cơ hội để chủ động mà phần lớn bị động và phản ứng. Họ không thể lãnh đạo hiệu quả trong bối cảnh hiện nay vì thiếu khả năng và nhân sự chuyên môn, thiếu hế hoạch và kế sách để điều hướng thay đổi, và không nắm bắt được tình huống và cơ hội, kể cả cơ hội về khoa học kỹ thuật, để thay đổi. Phần lớn có lẽ nhìn thấy tốc độ thay đổi liên tục như mối đe dọa.

Ba, trong mọi tổ chức, không chủ động thay đổi thì sẽ bị bắt buộc thay đổi; và khi ở thế bị động, và không có khả năng lãnh đạo để tìm cách nắm bắt tình thế và thực thi kế hoạch thay đổi, tổ chức đó trước sau gì cũng bị đào thải. Quy luật xã hội trước nay là thế. Ngay cả đối với các tổ chức một thời thành công và uy tín. Trong trường hợp Việt Nam, bao nhiêu tổ chức đấu tranh trước đây giờ này bất lực, có tiếng chứ không có miếng. Có tấm lòng hơn thực chất. Có mong muốn và mục tiêu hơn là viễn kiến, kế hoạch, chiến lược và kiến thuật. Những khó khăn khác là nhân sự. Đấu tranh chính trị luôn đòi hỏi tính chuyên môn, khác với đấu tranh cách mạng cần lực là chính. Thêm vào đó, số người Việt trong và ngoài nước mong muốn đem lại thay đổi cho Việt Nam và nỗ lực để thực hiện điều này cũng chỉ là một thiểu số rất lẻ loi và cô đơn, thiếu huấn luyện và đào tạo về kỹ năng mềm và các kiến thức về chính trị. Nói chung là thiếu thốn mọi mặt. Đó là chưa kể những người vẫn còn trông cậy hay mơ tưởng Hoa Kỳ hay các thế lực ngoại bang can thiệp về dân chủ hay nhân quyền cho Việt Nam. Đó là một suy nghĩ viễn vong, không thực tế chút nào, kể cả sự kỳ vọng vào những người như Donald Trump hay các chính sách và chủ trương “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”.

Trong thời gian qua, tôi đã dành thời gian để tìm hiểu về lãnh đạo. Lãnh đạo ở mọi tầng xã hội, mọi địa hạt và mọi quốc gia, đều quan trọng. Đối với công việc có lương bổng hẳn hoi, nhân viên sẵn sàng bỏ việc vì cấp trên (boss) dở. Trong cuộc nghiên cứu toàn cầu trên 10 năm với hơn 200 ngàn nhân viên và quản trị do tổ chức O.C. Tanner Learning Group (White Paper) thực hiện, 79 phần trăm những người bỏ việc làm của mình cho biết lý do là vì thiếu sự ghi nhận nỗ lực/đóng góp từ cấp trên [1]. Ngay cả khi chấp nhận ở lại làm việc thì tại Hoa Kỳ, khoảng 75 phần trăm nhân viên không hoàn toàn chú tâm (fully engaged) vào công việc của mình. Cũng trong nghiên cứu này thì người ta công nhận rằng những người lãnh đạo hiệu quả, tài năng là những người biết đặt đúng mục tiêu, biết truyền thông giỏi, tạo sự tin tưởng/tín nhiệm và có trách nhiệm giải trình.

Đó là công việc có lương bổng.

Còn việc “ăn cơm nhà vác ngà voi” thì lại càng cần lãnh đạo biết lắng nghe, dám dấn thân, trân quý ghi nhận sự đóng góp của mọi thành viên, và có khả năng truyền sức sống và cảm hứng cho người khác v.v… Tối thiểu là thế, chưa kẻ các yếu tố như tầm nhìn, khả năng chiến lược và sức động viên thuyết phục người khác. Nhưng tìm người có điều kiện căn bản như thế đã là rất khó.

Không có lãnh đạo nên tình trạng bấy lâu nay bát nháo, điều mà ĐCSVN không gì hài lòng và an tâm hơn. Phần lớn các hoạt động hiện nay rời rạc, tản mác, tùy hứng và tùy tiện. Vui, thích thì làm, không thì thôi, hoặc tẩy chay; tệ hơn thì ném bùn, chụp mũ, vu khống v.v…

Tôi cũng dành thời gian quan sát, nhất là qua một số phương tiện truyền thông xã hội, thì nhận thấy rằng nhiều người Việt, có lẽ vì quá có lòng và quan tâm đến các vấn đề Việt Nam, nên dễ nóng lòng và bất bình khi thấy chuyện lẽ ra phải lên tiếng mà người ta lại vô tư. Vì thế nên dễ đi đến kết luận vội vàng, dán nhãn hiệu người khác là “vô cảm”, đẩy họ về phía đối nghịch, tẩy chay hoặc bất cần.

Lãnh đạo hiểu biết và chân chính đâu có ai dám coi thường người dân đến thế! Nếu không thuyết phục được thì tìm cách khác, hoặc nhận ra sự bất tài của mình, chứ ai lại đi chửi đổng lên như thế. Phần lớn vì thiếu lãnh đạo nên người ta hành động cho cái lợi trước mắt, bất kể cái hậu ra sao!

Nói chung, hầu như trong mọi hoạt động chính trị và đấu tranh hiện nay, thay vì vận dụng tranh thủ và thuyết phục, người ta chửi, mắng để hy vọng người nghe nhận thức. Thay vì nhận thấy cách làm của mình không hiệu quả và cần thay đổi, và nhận trách nhiệm về phía mình, người ta vẫn một mực cho mình đúng và có chính nghĩa. Thay vì tìm hiểu tâm lý con người, nhất là kiến thức về khoa học thần kinh (neuroscience) để vận dụng các phương pháp thích hợp và hiệu quả, để tìm ra phương thức tối ưu hầu vận động đa số người dân ủng hộ các quyết định khó khăn nhưng chính đáng của đất nước thay vì áp đặt và áp bức, thì người ta vẫn chủ yếu phản ứng từ trong tìm thức cách suy nghĩ và hành động đã được định hình từ lúc bé đến giờ. Từ văn hóa đã thấm nhuần, ăn sâu vào máu mủ và tim óc, và tác động lên họ một cách vô thức từ trước đến nay.

Muốn thật sự thay đổi Việt Nam, những người quan tâm và yêu nước cần phải thay đổi chính mình trước. Tất cả cần mở mang học hỏi các kiến thức khoa học dựa trên các khám phá mới nhất về con người. Tất cả cần học hỏi các văn hóa văn minh dân chủ và các tấm gương lãnh đạo sáng ngời và thành công trên thế giới. Tất cả cần thành thật nhìn nhận rằng vì chúng ta dở, vì văn hóa chúng ta có vấn đề, nên đất nước mới ra nông nổi này. Không thì bốn thập niên nữa, nếu vẫn còn sống, chúng ta sẽ tiếp tục hỏi tại sao đất nước vẫn không có gì đáng để hãnh diện, tự hào.

Tất cả các vấn đề này đều liên quan đến lãnh đạo, đến quan niệm của người Việt về lãnh đạo, đến việc bầu chọn trực tiếp lãnh đạo hiện nay và tương lai, trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như cho đất nước Việt Nam. Quan niệm đúng đắn sẽ giúp người Việt tránh bầu chọn những lãnh đạo bất tài, những nhà dân túy, mị dân hay những người trí trá mở miệng hứa hẹn dân chủ nhưng khi lên nắm được quyền thì chỉ muốn bóp nghẹt các tiếng nói khác biệt.

Tôi sẽ lần lược trình bày chi tiết các vấn đề này trong các kỳ tới.

(Úc Châu, 12/03/2019)





No comments:

Post a Comment

View My Stats