Tuesday 28 August 2018

CÓ BIỂU TÌNH VÀO NGÀY 2 THÁNG 9 2018? (Thảo Vy - VNTB)




29/08/2018

Rất nhiều lời kêu gọi trong tháng 8-2018 trên mạng xã hội facebook, và youtube về cuộc biểu tình yêu cầu thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Ngày 2 tháng chín, hoặc 4 tháng chín là thời gian để diễn ra biểu tình đó.

Liệu có xảy ra cuộc biểu tình như lời kêu gọi ấy? Ghi nhận ý kiến của linh mục Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, và nhà báo Trúc Giang, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

Người dân muốn tham gia vào việc thay đổi chính sách quốc gia

“Hôm Chủ nhật 26-8, tôi có ngồi với anh chị em ở Câu lạc bộ khám Chí Hòa, đa số những người trong câu lạc bộ này đã từng bị bắt vào khám Chí Hòa. Tôi ghi nhận là rất nhiều anh chị em cho rằng lòng dân thực sự muốn biểu lộ ra một cách công khai nơi chốn công cộng cho nhà cầm quyền và cho công dân khác biết là họ muốn gì?; và họ muốn nói với nhà cầm quyền là họ muốn tham gia vào việc thay đổi chính sách quốc gia qua việc biểu tình”. Linh mục Lê Ngọc Thanh kể.

Theo linh mục Lê Ngọc Thanh, biểu tình, bản thân nó là một hành vi chính trị của công dân. Đây là một hành vi được Hiến pháp công nhận. Do đó nhà nước cần lắng nghe tiếng nói chính trị của người dân từ những cuộc biểu tình đó, thay vì cho rằng đây là những hành động cố tình gây rối trật tự xã hội như cáo buộc tại phiên tòa hình sự ở tỉnh Đồng Nai vừa qua.

“Người dân ý thức việc biểu tình là bổn phận của mình để tác động thay đổi chính sách xã hội. Thế nhưng khi biểu tình thì người dân lại bị nhà nước xỉ vả bởi những tội danh như gây rối trật tự công cộng, thiếu ý thức pháp luật (!?).

Có lẽ cũng nên nhắc lại ý kiến của tướng Tô Lâm rằng những người xuống đường, đa số là du thủ, du thử, những con nghiện. Ông ấy quên rằng trong nhiều cuộc biểu tình có sự hiện diện của nhiều vị trí thức, những đảng viên cao cấp về hưu.

Các phát ngôn của chính khách Việt Nam hiện nay đã trở nên không đáng tin với người dân. Đó là sự nguy hại cho chế độ. Bởi vì khi những phát biểu của mình trở thành vấn đề mà người dân ai cũng biết là ‘xạo’, thì cái đó nguy hại cho chế độ. Chế độ bất tín nhiệm. Cần phải điều chỉnh, nếu không sẽ sụp chế độ”. Linh mục Lê Ngọc Thanh nhận xét.

Lòng dân Sài Gòn khác với lòng dân Hà Nội chăng?

Một thắc mắc được đặt ra, nếu đã gọi là lòng dân muốn thay đổi, thế thì phải giải thích thế nào khi sáng Chủ nhật 10-6 ở Hà Nội dường như cuộc biểu tình diễn ra với quy mô rất nhỏ, và Chủ nhật 17-6 thì Hà Nội hoàn toàn không có cuộc biểu tình nào?

“Tôi cũng thắc mắc, vì nếu điểm lại những cuộc biểu tình từ năm 2008 đến 2016, thì rõ ràng miền Bắc biểu tình sôi nổi hơn miền Nam. Miền Bắc dai dẳng đi một hành trình dài trong biểu tình. Vấn đề đặt ra là lạ, tại sao cái ngày mùng 10 tháng sáu đó, ngay khi Quốc hội đang họp ở Hà Nội, thì biểu tình lại nổ ra ở Sài Gòn mà không phải là ở Hà Nội?. Nó có bàn tay điều tiết chính trị, truyền thông hay tài phiệt nào chăng?”. Linh mục Lê Ngọc Thanh đặt nghi vấn.

Như vậy liệu ngày 2 tháng chín tới đây, có hay không diễn ra cuộc biểu tình?

“Một vị linh mục ở Hà Nội có nói rằng sở dĩ ngày 10 tháng sáu ở ngoài Bắc cuộc biểu tình quy mô nhỏ lẻ, vì thiếu những người tạm gọi là thành phần lãnh đạo cuộc biểu tình. Thật ra ghi nhận biểu tình mùng 10 tháng sáu tại Sài Gòn cũng vậy; cũng không có những nhà hoạt động chuyên nghiệp đi đầu. Mà là sự xuất hiện của những người rất là trẻ, rất là mới, rất là lạ. Họ đã xuất hiện với những băng – rôn in sẳn rất là đẹp. Họ tung ra và họ đi đầu.

Những nhà tạm gọi là lãnh đạo của các nhóm xã hội dân sự, không là các nhân vật chủ chốt của cuộc biểu tình hôm đó. Bởi vì thứ nhất, số lớn các vị này bị chặn, không ra khỏi nhà được. Còn một số đã lẫn đi trước mấy ngày, rồi sau đó nhập về thì len vào trong cái đoàn biểu tình chung với mọi người, chứ không phải là người dẫn đầu. Và thấy rõ sự khởi phát ấy không xuất phát từ những người của các nhóm xã hội dân sự.

Rõ ràng là cuộc biểu tình hôm đó có cái mức độ gọi là dùng điều tiết truyền thông để gây ảnh hưởng trên cộng đồng từng khu vực. Một vài anh em kinh doanh mà thường mua quảng cáo lớn ở facebook, họ cho biết rằng với kỹ thuật chuyển tin nhắn gần như đồng bộ với tất cả những người có mặt ở Sài Gòn và vùng lân cận, trong cái tuần từ mùng 3 cho đến mùng 8 tháng sáu đó, mỗi người nhận ít nhất là 3 tin nhắn biểu tình.

Lực lượng bán vũ trang thường được huy động trong ngăn chặn biểu tình tại Sài Gon. Ảnh: Facebook

Trong 3 tin nhắn thì ít nhất có 2 tin video chèn trong cái tin nhắn đó. Người làm truyền thông đều biết khi mà thông tin đăng trên fanpage, thì nó vẫn là khách quan bên ngoài với người đọc. Nhưng khi là một cái tin nhắn rồi, thì nó trở nên thân thiện hơn, đáng tin hơn, gần gũi hơn. Và cái đó tác động đến sự quyết định của con người ta nhanh hơn, thúc ép hơn. Ghi nhận về mặt truyền thông là như vậy.

Còn cái thế lực nào thì giờ không thể chứng minh được… Tôi nghĩ ngày 2 tháng chín là ngày rất là vui, bởi vì người dân được nghỉ làm việc, được nghỉ ngơi để bồi dưỡng về mặt sức khỏe và về mặt tinh thần. Và nếu họ cảm thấy trong chính sách thời gian vừa rồi là có nhiều điều không phù hợp thì họ sẽ phản ứng; và phản ứng bằng biểu tình là hành vi chính trị chính đáng”. Linh mục Lê Ngọc Thanh biện giải, và nói thêm rằng “nếu bình thường thì không thể kỳ vọng có cuộc biểu tình như hôm Chủ nhật 10-6”.

Những người kêu gọi biểu tình không phải ở Việt Nam?

“Tôi cho rằng lời kêu gọi biểu tình vào ngày 2 tháng chín và cả ngày 4 tháng chín đều xuất phát từ nước ngoài. Vì ở Sài Gòn, từ cuối giờ chiều ngày thứ sáu 31 tháng tám, công nhân đã lục đục về quê, vì họ được nghỉ đến hết ngày mồng 3 tháng chín. Người Sài Gòn cũng sẽ tranh thủ dịp nghỉ này để du lịch trốn cái nóng, hoặc hành hương đâu đó cho những ngày còn lại của mùa Vu Lan. Nhân lực ở đâu để tham gia xuống đường biểu tình?”. Nhà báo Trúc Giang đặt câu hỏi.

Theo lời kể của nhà báo Trúc Giang thì hôm sáng Chủ nhật 10-6, ông có mặt rất sớm ở khu vực trước Bưu điện Sài Gòn. Ông đã được tự do tác nghiệp, với những hình ảnh từng gương mặt đi đầu trong nhóm biểu tình ở khu vực này được thu đầy đủ trong ống kính video. Một vài gương mặt quen thuộc của các nhóm xã hội dân sự đã chọn việc đứng yên biểu tình phản đối dự luật an ninh mạng ngay tại phía lề đường cổng trường tiểu học Hòa Bình.

Đoàn người biểu tình tại đây và ở khu công viên Hoàng Văn Thụ, tính cho đến trước 10g ngày 10-6, hoàn toàn không bị ngăn trở. Hôm 8 và 9 tháng sáu, nhà báo Trúc Giang đã nhiều lần ‘quần’ quanh khu vực hứa hẹn sẽ diễn ra biểu tình, ghi nhận không có hàng rào kẽm gai chất bên đường hàm ý đe dọa như mọi lần. Ngay cả trước cổng Tổng Lãnh sự Quán Trung Quốc trên đường Hai Bà Trưng, cũng chỉ có số lượng lính gác như thường ngày.

“Tôi chưa rõ nếu có biểu tình ngày 2 hoặc 4 tháng chín thì sẽ yêu cầu vấn đề gì cho dân sinh? Nếu biểu tình với lời kêu gọi lật đổ chế độ như trên mạng đang lan truyền, thì tin rằng nếu như cuộc biểu tình vẫn đường hoàng diễn ra như hôm sáng Chủ nhật 10-6, thì chắc chắn thế lực thù địch này chẳng ở đâu xa, nhất là hiện đang trong thời gian cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng cầm quyền”. Nhà báo Trúc Giang nhận xét. 









No comments:

Post a Comment

View My Stats