Thursday 26 April 2018

BẢN TIN TỐI 26-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
BBC đưa tin: Indonesia bắt hai tàu đánh cá Việt Nam. Theo tin từ hãng AFP, “hai tàu cá Việt Nam bị phát hiện lúc đang đi song song dọc theo Biển Đông, gần đảo Natuna của Indonesia”, lực lượng tuần tra Indonesia đã ra lệnh cho họ chạy chậm lại, nhưng hai tàu này đã tăng tốc độ và bị cơ quan an ninh hàng hải Indonesia đuổi theo và bắt giữ.

Phát ngôn viên của cơ quan an ninh hàng hải Indonesia, ông Mardiono, cho biết: “Họ mới bắt đầu cuộc hải hành và trên tàu có khoảng 300 kg cá. Tổng cộng 21 người trên tàu đã bị bắt giam”.

Trong khi ngư dân Việt Nam liên tiếp bị tàu Trung Quốc tấn công, bị cấm đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống, phải chuyển ngư trường, bị các nước láng giềng khác bắt giữ , thì ở trên bờ, quan chức CSVN tiếp tục làm trò cười. Trang Infonet đưa tin: Nghệ An: Trao tặng 500 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân để ra khơi, bám biển.

UBND tỉnh Nghệ An tặng 500 lá cờ Tổ quốc cho các ngư dân, và cho rằng, “đây là động lực giúp họ yên tâm để ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương“. Rất tiếc là đống cờ này không thể bảo vệ ngư dân trước sự hung hãn của hải giám Trung Quốc và sự bắt bớ của lực lượng hải quân các nước láng giềng. Cần có biện pháp khác để bảo vệ chủ quyền, thay vì mang ngư dân ra làm “tấm bia sống” cho mục đích tuyên truyền về biển, đảo.


Tập đoàn FLC và dự án ở Lý Sơn
Báo Đất Việt bàn về vụ FLC lấy đất Lý Sơn: Bài học công viên nghĩa trang! GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung phân tích: “Đây là rừng phòng hộ bờ biển chống gió bão và bảo vệ cát bay, dự án muốn lấy hàng trăm ha, trong khi 50ha đã phải xin phép. Rõ ràng, chỉ cần xem đánh giá tác động môi trường là biết không thể làm được”.

Về ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Facebooker Uy Vũ viết: Chuyện bên lề : “Cánh” đó mạnh lắm. Tác giả hỏi một số đảng viên nghỉ hưu về thế lực nâng đỡ cho ông Trịnh Văn Quyết và tập đoàn FLC, thì nhận được câu trả lời: “Nó à? Nó thuộc cánh Thanh Hóa của đồng chí Phiêu nhà ta, cũng khá mạnh đấy, đồng chí Kiểm (Công ty Huy Hoàng) chủ sân golf Long Thành cũng thuộc cánh của đồng chí Phiêu nhà mình đấy, nếu không có ông Phiêu nâng đỡ thì đồng chí Kiểm đã chết từ lâu!”

Khi hỏi về cô Phương, em gái ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Uy Vũ nhận được câu trả lời: “Cánh đó mạnh lắm! Ông Trọng không động vào được đâu! Động vào là gia tộc đó lại ‘móc’ ra những chuyện khác thuộc hàng ‘thâm cung bí sử’ thì coi như ‘thúi’ hết cả đám. Thôi thì để yên vậy“.


Bất ổn ở các ngân hàng Việt Nam
400 tài khoản Agribank bị hack, nhiều người mất tiền trong đêm, theo Zing. Bắt đầu từ tối 25/4, nhiều cán bộ, nhân viên làm việc tại kênh Truyền hình Nhân Dân, Hà Nội, nhận được tin nhắn điện thoại báo rằng, tài khoản của họ liên tục bị rút tiền dù họ không thực hiện giao dịch nào. Các nạn nhân đã lập tức gọi cho Agribank để khóa tài khoản.

Một người bị mất tiền cho biết: “Tôi rất bất ngờ vì sau khi ngân hàng đã xác nhận việc khóa tài khoản nhưng tiền vẫn bị rút ra. Đến rạng sáng ngày 26/4 tôi vẫn có thể rút được tiền. Điều này có nghĩa là thao tác khóa tài khoản của ngân hàng vẫn chưa hoàn tất”.

TS Nguyễn Minh Phong đặt câu hỏi: “Hệ thống kỹ thuật của Agirbank quá kém hoặc có nội gián?” Ông Phong phân tích: “Khách hàng thông báo đến Agribank về việc bị hack, Agribank đã đóng tài khoản, nhưng tài khoản vẫn tiếp tục bị rút tiền. Việc này có thể là có nội gián của chính Agribank hoặc hệ thống, hàng rào bảo mật của Agribank có vấn đề”.

Trang Pháp Luật và Đời Sống có bài phỏng vấn LS Nguyễn Chiến: Trách nhiệm người liên quan thuộc kho quỹ của Ngân hàng NN Việt Nam ở đâu? Về vụ án “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” xảy ra tại NHNN, chi nhánh tỉnh Hưng Yên, ông Chiến phân tích:

“Khi đại diện Cục kho quỹ của NHNN đã kiểm tra, nhận đủ, niêm phong lại với tên và chữ ký của mình, sau đó đã mang tiền không đủ điều kiện lưu thông do chi nhánh tại tỉnh Hưng Yên bàn giao về kho quỹ trung ương quản lý”, thì NHNN chi nhánh tỉnh Hưng Yên không còn phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào.


Thị trường chứng khoán Việt Nam
Hôm nay, VN-Index rơi thẳng đứng sau đợt lễ ngắn ngày, theo VnExpress. Bài báo cho biết: “Mở cửa phiên chiều, áp lực bán tháo bắt đầu xuất hiện khiến tâm lý hoảng loạn lan trên diện rộng. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM rơi thẳng đứng, có thời điểm mất hơn 40 điểm, tương đương 3,76%. GAS và VIC dẫn đầu nhóm cổ phiếu khiến VN-Index giảm điểm mạnh nhất”.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, các cơn sóng ngầm trong chính trường Việt Nam, cùng với sự kiệt sức của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, đã và đang tác động xấu đến thị trường chứng khoán. Chiều nay, “toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ, riêng VPB giảm sàn xuống còn 53.100 đồng và trắng bên mua”.


Doanh nghiệp nhà nước: Ăn tàn, phá hại
Báo Đất Việt có bài: DNNN đóng góp…nợ: Ưu đãi lớn, nợ khủng. Nhiều ưu đãi như, vốn từ tiền thuế của dân, thị trường độc quyền, chính sách riêng… khiến doanh nghiệp nhà nước đóng góp nhiều nhất vào nợ công quốc gia. Cũng dễ hiểu, bởi doanh nghiệp nhà nước chỉ là sân sau của các quan chức, để bòn rút tiền của dân, luôn làm ăn thua lỗ vì tham nhũng, lãng phí. Những DNNN này ngụy trang dưới vỏ bọc “kinh tế xã hội chủ nghĩa”.

Báo Đầu Tư có bài: “Quả đấm thép” một thời Đạm Hà Bắc lỗ khủng hơn 2.330 tỉ đồng. Theo Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, tính đến hết năm 2017, nợ ngắn hạn của công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn 476,7 tỉ đồng, lỗ luỹ kế hơn 2.331 tỉ đồng. Tổng tài sản của công ty giảm hơn 200 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu giảm 606,7 tỉ đồng (giảm hơn 58%).

Đạm Hà Bắc do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu vốn lên tới 97,66%. “Từng là ‘quả đấm thép’ của ngành sản xuất đạm Việt Nam, tuy nhiên, Đạm Hà Bắc đang nằm trong danh sách 12 đại dự án yếu kém phải tái cơ cấu”.

PVC lo khó trả 3.200 tỉ đồng nợ, rủi ro thua lỗ kéo dài, theo báo Một Thế Giới. Kết quả kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam, doanh thu chỉ đạt 3.899 tỉ đồng (11% kế hoạch năm); lỗ trước thuế 415,26 tỉ đồng; lỗ sau thuế hợp nhất 416,32 tỉ đồng. Lỗ lũy kế của công ty mẹ trong năm 2017 là 3.253 tỉ đồng, nợ hơn 3.200 tỉ đồng.
Không dừng lại ở đó, năm 2018, PVC tiếp tục đối mặt nguy cơ thua lỗ, khó trả nợ, thậm chí là các năm tiếp theo. PVC là do Trịnh Xuân Thanh điều hành trước đây, liên quan đến hàng loạt cán bộ cấp cao tham nhũng.


Công an “nhân dân”
Trang Trần Đình Sang và Những Người Bạn chia sẻ clip, ghi lại cảnh kẻ trộm “cấu kết với cảnh sát giao thông, tháo đồ của các phương tiện vi phạm. Sự việc diễn ra hàng ngày. Khi các phương tiện bị bắt đưa về bãi tập kết thì chúng thi nhau dùng các đồ phá khoá chuyên dụng để tháo xăng, tháo đồ tốt của xe: https://www.facebook.com/Sangcangyb21/videos

Sau khi video này được phổ biến, các báo “lề đảng” vội đăng bài trấn an dư luận. Báo Giao Thông có bài: Sự thật về clip CSGT “luộc” đồ xe vi phạm tại bãi trông giữ? Về video clip ghi lại cảnh khoảng 5, 6 thanh niên mặc thường phục “nhưng trên tay cầm các vật dụng thay nhau mở cốp của các xe vi phạm”, Thượng tá Lê Văn Hoan thừa nhận, những người này đang công tác tại Đội CSGT số 4, nhưng chống chế:

“Các cán bộ của đội xuất hiện trong clip làm nhiệm vụ bình thường, công minh. Cả 3 người là cán bộ của Đội CSGT số 4 đang mặc thường phục để đến bãi xe kết hợp với chủ bãi đưa từng chiếc xe vi phạm đã tồn kho hơn một năm để cà số khung, số máy làm thủ tục tịch thu”.

Chuyện ở Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk: Phó công an xã bắt sòng bạc rồi nhận tiền con bạc, theo báo Người Lao Động. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Công an xã Ea Nuôl đã bị khởi tố và bị cấm rời khỏi nơi cư trú. Trước đó, trong lúc bắt đánh bạc tại một nhà dân, ông Dũng đã nhận tiền hối lộ để bỏ qua, không xử lý hành vi đánh bạc.


Vụ rút ruột bảo hiểm xã hội ở Đắk Nông
Trang Infonet đưa tin: Đắk Nông: Khai trừ khỏi Đảng đối với Giám đốc BHXH huyện Tuy Đức. Sáng nay, ông Nguyễn Huynh, Giám đốc BHXH huyện Tuy Đức đã bị khai trừ đảng, do ông Huynh đã “tự ý lập quỹ riêng trái quy định để dùng vào mục đích cá nhân với số tiền lên đến 193 triệu đồng”.

Trước đó, BHXH tỉnh Đắk Nông đã nhận được đơn tố cáo ông Nguyễn Huynh, về nhiều sai phạm trong quản lý tài chính. Cơ quan này đã kiểm tra và thừa nhận, ông Huynh đã “thiếu minh bạch trong các khoản thu chi, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ”.


Ô nhiễm môi trường
Thanh Hóa: Khu xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, theo ANTV. Người dân tại xã Hoằng Trường, thuộc tỉnh Thanh Hóa tố cáo tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải. Khu xử lý hoạt động vào tháng 11/2017, nhưng hệ thống xử lý rác chưa hoàn thiện. Lượng rác thải luôn trong tình trạng ứ đọng, gây ô nhiêm nghiêm trọng, mùi khói khét khó thở, ngày đêm xả ra không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe dân.

Báo Kinh Tế Đô Thị đưa tin: Bình Phước: Hàng chục tấn cá chết do thiếu oxy. Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, đã lấy mẫu cá chết và mẫu nước trong đập Bình Hà 1, huyện Bù Gia Mập để xét nghiệm nguyên nhân gây ra cái chết bất thường cho hàng chục tấn cá. Cơ quan này cho biết, “bước đầu qua xét nghiệm mẫu cá và nước cho thấy nguyên nhân cá chết đột ngột không phải do dịch bệnh mà do lượng oxy giảm xuống đột ngột đến mức tối thiểu”.

Sở này chống chế với đủ nguyên do, như “lượng oxy hạ xuống thấp tới mức tối thiểu có nhiều nguyên nhân: có thể do biến đổi khí hậu, lượng chất thải phát sinh bị tuồn xuống vùng hồ đập hoặc bị đầu độc khiến cá đột ngột chết”. Trước đó vài ngày, hàng chục tấn cá chết trắng đập, cả cá nuôi lẫn cá tự nhiên đều chết. Người dân nghi ngờ do nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến tình trạng trên.


Vấn nạn “cát tặc”
Thời báo Ngân Hàng đưa tin: Đắk Lắk tái phát vấn nạn “cát tặc”. Hậu quả do “cát tặc” hoành hành: “Nhiều khúc sông bị sạt lở nghiêm trọng do bị hút theo kiểu hàm ếch dưới bờ sông. Nhiều thửa ruộng bị lở dần, trôi theo con nước”.

Người dân cho biết, họ đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, “song không hiểu vì lý do gì, nạn hút cát trái phép vẫn diễn ra, sông ngày càng lở ăn sâu vào tận nhà dân”. Bài viết nhận định thêm: “Các cơ quan chức năng đang mất kiểm soát trong việc quản lý hoạt động của các phương tiện hút và vận chuyển cát trên địa bàn”.


Nền giáo dục bị băng hoại
Trực trạng giáo dục Việt Nam dưới thời CS: “12 năm phổ thông học theo mẫu, sao đòi người trẻ sáng tạo?”, theo Dân Trí. Giám đốc trung tâm Khoa học tư duy CTS Bộ KHCN cho rằng, “người trẻ hô hào rất nhiều, nói về đam mê, khát vọng rất lớn, thể hiện rất máu lửa nhưng rất kém sáng tạo”. Thực tế giới trẻ Việt Nam đa phần thụ động, không có sự tư duy, phân tích, sáng tạo. Đó là kết quả của hệ thống giáo dục nhồi nhét, định hướng, triệt tiêu tư duy phân tích, sáng tạo của học sinh.

Một nam sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, chính việc học phổ thông đã giết chết tính sáng tạo: “Mọi người đang nói về sự sáng tạo, đòi hỏi người trẻ sáng tạo. Nhưng 12 năm học ở phổ thông, học sinh khi học Văn thì làm theo văn mẫu, học Toán thì giải theo những cách đã có sẵn. Làm khác thì bị cho là sai”. 

Từ một nghề cao quý, dưới sự cai trị của chế độ CSVN, giáo dục chưa bao giờ rẻ rúng như thế, nhiều giáo viên, sinh viên sư phạm hoang mang với nghề. Kết quả khảo sát, sinh viên trường ĐH Sư Phạm TPHCM và giáo viên, nhân viên phổ thông cho thấy: Có 11% sinh viên cảm thấy mất tự tin, xấu hổ khi đang học ngành sư phạm, và khoảng 46,5% sinh viên cảm thấy lo lắng, hoang mang về công việc tương lai.

Riêng các giáo viên đang dạy ở các trường phổ thông, có đến 55% cảm thấy lo lắng, hoang mang; 15% cảm thấy xấu hổ, tự ti vì là giáo viên. Đáng chú ý, có 25% sinh viên tỏ ra không quan tâm đến những vấn đề bạo lực, bê bối giáo dục gần đây. Lý do các em đưa ra là do họ quen với việc đó khi còn đi học và hiện tại, em cháu của họ cũng bị như thế.

VTC đưa tin về lớp học vách nứa nằm cheo leo sườn núi ở Thanh Hoá. Lớp học của trẻ em bản Sậy (Thanh Hóa) là căn phòng trống trải bên sườn núi cheo leo, gió lùa tứ phương, mái lợp lá cọ, vách bằng phên nứa, cột kèo bằng thân cây luồng. Mùa hè lớp nóng như lò thiêu, mùa đông gió lùa lạnh buốt. Lớp 3 và lớp 4 học cùng 1 phòng. Thầy giáo chia bảng ra, và dạy song song 2 lớp.


***

Tin thế giới

Bán đảo Triều Tiên
Trang Zing có bài: Thượng đỉnh Hàn – Triều: ‘Cuộc chiến’ 70 năm đến hồi khép lại? Ngày mai, ông Kim Jong Un sẽ là nhà lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên của chính quyền Bình Nhưỡng, kể từ khi chiến tranh liên Triều kết thúc năm 1953, băng qua biên giới ở khu phi quân sự tại vĩ tuyến 38, để vào lãnh thổ Nam Hàn, gặp Tổng thống Moon Jae-in.

Trang Zing phỏng vấn ba vị tiến sĩ: TS Peter Hayes (Úc), TS Trương Bảo Huy (Hồng Kông) và TS Nah Liang Tuang (Singapore), về các chủ đề chính trong cuộc gặp gỡ lịch sử này, như: Ai mạnh hơn trên bàn đàm phán? Ông Kim Jong Un muốn khẳng định vai trò? TT Moon Jae In có thể giành Nobel Hòa bình?



Tin Philippines
Báo Lao Động đưa tin: Kuwait “đuổi” Đại sứ Philippines về nước sau bê bối giải cứu lao động. Vụ lao động người Philippines bị ngược đãi ở Kuwait, như người lao động Philippines đã phải tự tử do bị các ông chủ Kuwait ngược đãi, đã gây ra căng thẳng giữa hai nước trong 3 tháng qua.

Gần đây, nhân viên đại sứ quán Philippines đã tìm cách “giải cứu” người lao động Philippines khi có tin họ bị những người chủ Kuwait bạo hành. Ngày 25/4, Kuwait ra lệnh cho đại sứ Philippines phải rời khỏi nước này trong vòng một tuần, Kuwait cũng triệu đặc phái viên của họ ở Philippines về nước.





***









No comments:

Post a Comment

View My Stats