Tuesday 24 April 2018

BẢN TIN TỐI 24-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo VnExpress đưa tin: Trung Quốc xây tượng đài phi pháp trên đá Chữ Thập. Reuters dẫn tin từ Nhật báo Quân Giải phóng Trung Quốc, một đài tưởng niệm vừa được Trung Quốc hoàn thành ngày 23/4 trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó là công trình trái phép “đánh dấu dự án bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp mà nước này tiến hành trên Biển Đông trong nhiều năm qua”.

Báo Tuổi Trẻ có bài phân tích: Âm mưu vẽ lại ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc là phi lý, nguy hiểm. Ông Lê Nghiêm, cựu cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, cho biết: Chuyện Trung Quốc nối liền “đường lưỡi bò” là bước đầu tiên để giải thích rõ yêu sách trên Biển Đông với công luận quốc tế. “Sắp tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành các bước khác để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý này”.

Ông Nghiêm lưu ý: Chuyện Trung Quốc vẽ lại “đường lưỡi bò” không nguy hiểm bằng những hành động khác trên thực địa, điển hình là “việc Trung Quốc muốn các nước liên quan cùng khai thác chung ở Biển Đông”.

TS Trần Công Trục nhận định: Trung Quốc dùng chiêu gì đi nữa, cũng không thể biến “lưỡi bò” thành “lưỡi hổ”. TS Trục phân tích: “Không có quy định nào cấm việc vẽ ra các đường biên giới, ranh giới, hay thậm chí cả việc bỏ tiền, bỏ công sức ra để xây dựng cả một hệ thống cột mốc ở giữa biển. Tuy nhiên, những việc làm này là vô bổ, thậm chí là rất ‘buồn cười’; thể hiện sự bất cập thông tin về công nghệ, khoa học kỹ thuật biển”.

Theo ông Trục, dù Trung Quốc thay đổi hình thức thể hiện, vẽ 9 đoạn hay 10 đoạn, vẽ đường đứt đoạn hay đường liên tục, thì cũng không thể biến “lưỡi bò” thành “ lưỡi hổ” để “dọa thiên hạ”, vì “trong nhiều thập kỷ, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông rất tối tăm, mơ hồ với lúc thì 9 nét, lúc thì 10 nét đứt đoạn, không hề có tọa độ rõ ràng”.

RFI bàn về Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32: Năm điểm thảo luận tại Singapore. Trong năm chủ đề chính sẽ được thảo luận, chủ đề đầu tiên là tình hình “căng thẳng trên Biển Đông được chú ý nhất trong bối cảnh Trung Quốc quân sự hóa nhiều thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, nơi nhiều nước… có tranh chấp chủ quyền”. Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải do Hải Quân Mỹ thường tiến hành trong khu vực.


Hai khúc củi ở Bộ 4T đang bị cho vào lò
Thanh tra Chính phủ chính thức chuyển vụ MobiFone mua AVG sang Bộ Công an, đồng thời kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, theo báo Pháp Luật TP HCM. Lãnh đạo Bộ Công an xác nhận thông tin này và cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ xem xét hồ sơ và làm rõ theo quy định pháp luật.

Bài viết lưu ý: Thanh tra Chính phủ xác định thương vụ Mobifone – AVG có những sai phạm “gây thiệt hại về kinh tế rất nghiêm trọng”. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ “giao cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra để xem xét, khởi tố điều tra”.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Sau khi chuyển cho Bộ Công an, vụ AVG sẽ xử lý như thế nào? Một lãnh đạo cấp Vụ của Thanh tra Chính phủ cho biết: “Do lượng hồ sơ lớn nên việc bàn giao dự kiến sẽ hoàn thành trong 1-2 ngày tới. Về mặt lý thuyết, sau khi hoàn tất việc bàn giao thì trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ sẽ chấm dứt”.

LS Nguyễn Thế Truyền phân tích: “Trường hợp vụ việc bị kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng”.


Vài nhánh “củi” cho chiến dịch “đốt lò”
Trong kỳ họp thứ 24 ngày 23/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng ở mức cao nhất, theo Zing. Bên cạnh trường hợp ông Thăng, UBKTTƯ còn đề nghị thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; ông Nguyễn Ngọc Dũng, Đội trưởng Đội Điều tra của Công an huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, liên quan đến dự án gây bất bình cho người dân ở Đồng Nai, UBKTTƯ kết luận rằng sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là “rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, ảnh hưởng xấu tới uy tín tổ chức đảng và cá nhân bà Thanh.


Nhân quyền ở Việt Nam
Về phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, trong bản tin sáng, chúng tôi đưa tin, gia đình ông Bình đã được vào dự phiên toà. Sau đó ông Hoàng Nguyên, em ông Bình cho biết: Mặc dù bốn người trong gia đình đã qua được các cổng kiểm soát an ninh, nhưng khi vào đầu cổng toà thì bị từ chối. Họ chỉ cho cha mẹ ông Bình vào, do lo sợ hai người con ở bên ngoài sẽ bị đánh đập như ở phiên sơ thẩm, nên cha mẹ ông Bình không vào dự phiên tòa.
Ông Hoàng Nguyên có clip phỏng vấn LS Hà Huy Sơn, là người bào chữa cho nhà hoạt động Hoàng Bình tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay: https://www.facebook.com/100023862953633/videos/200606900744740/

Trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay, tòa tuyên y án 14 năm tù cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, theo BBC. LS Hà Huy Sơn cho biết: “Phiên toà anh Hoàng Đức Bình mở lúc 8:00 kết thúc lúc 11:15. Kết quả y án sơ thẩm 14 năm… Tôi cho rằng hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm bất công, vi phạm luật tố tụng. Toà không trình chiếu các video clip diễn biến sự việc. Toà chỉ dùng các lời khai một phía từ các nhân viên công vụ”.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định trong thông cáo gửi đi ngày 24/4: “ ‘Tội’ duy nhất của Hoàng Đức Bình là luôn yêu cầu chính phủ tôn trọng nhân quyền nhưng trong chế độ độc tài độc đảng của Việt Nam thì như vậy đã đủ cho một án tù dài”.

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại phiên phúc thẩm hôm nay. Ảnh: TTXVN


Các vụ “ăn đất”
Vụ Công ty Tân Thuận bán rẻ đất công ở huyện Nhà Bè, Sài Gòn, cho Quốc Cường Gia Lai, báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ông Tất Thành Cang nói gì về vụ bán rẻ hơn 32 ha đất công?Ông Cang cho biết, đã nắm được thông tin vụ này và nói thêm: “Vụ này Ủy ban Kiểm tra đang làm, sắp tới sẽ có kết luận. Ai đúng, ai sai, trách nhiệm đến đâu sẽ được làm rõ và xử lý theo quy định”.

Từ lúc thương vụ Tân Thuận – Quốc Cường Gia Lai bị phanh phui, trên mạng xã hội đã xuất hiện các lời đồn không mấy khả quan về số phận chính trị của ông Tất Thành Cang. Trước đó, ông Cang đã phải nhập viện mà cư dân mạng cho rằng liên quan tới vụ này. Phải chăng bài viết này đang “dọn đường” cho ông Cang vào “lò”?

Trang BNews đưa tin: Thanh Hóa sẽ cưỡng chế 16 hộ dân, bàn giao mặt bằng cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Theo đó, UBND huyện Tĩnh Gia “sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của 16 hộ dân thuộc 5 xã Xuân Lâm, Hải Yến, Hải Bình, Trường Lâm, Nguyên Bình để đảm bảo mặt bằng cho Khu kinh tế Nghi Sơn” trong tháng 5/2018, tổng diện tích thu hồi hơn 600m2.

Bài viết lưu ý, trường hợp của gia đình ông Nguyễn Ngọc Vỹ, ông Nguyễn Bá Dũng và ông Đỗ Văn Muông, là các trường hợp điển hình chưa đồng ý với biện pháp bồi thường, giải tỏa thu hồi đất, rồi cho rằng chính quyền địa phương cưỡng chế đất trong vụ này là “đúng quy định”. Có thể “đúng quy định” nhưng chắc chắn làm cho dân thêm phẫn nộ.

Dời đồn biên phòng, xây resort
Báo Phụ Nữ bàn về cái chỉ tay của ông Quyết và công văn dời đồn biên phòng của ông Căng. Theo đó, “một dự án resort, nghỉ dưỡng mang tên quần thể du lịch nghi dưỡng và đô thị FLC Bình Châu Lý Sơn do FLC đề xuất lấy trọn hàng ngàn hecta đất ven biển huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ‘rốt ráo’ chưa từng thấy”.

Nhiều quan chức ở Quảng Ngãi bày tỏ sự băn khoăn và lo lắng bởi vì dự án đã “lấy hàng ngàn hecta đất ven biển huyện Bình Sơn; nơi mà người dân sống bằng nghề vươn khơi, và là nơi người dân gắn bó nhiều nhất với quá trình khai thác và bám giữ Hoàng Sa, Trường Sa”.


Chuyện thuế, phí
Sáng nay, trong buổi họp do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, kể rằng nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng xin lỗi dân vì ‘bệnh’ của ngành thuế, theo VietNamNet.

Ông Lộc nói thêm: “Nguyên Thủ tướng đã trực tiếp xuống làm việc với 2 cơ quan hải quan và thuế chứ không ngồi ở Bộ Tài chính chỉ đạo. Sau đó, Bộ Tài chính đã ngồi với DN để triển khai chứ không đóng cửa ngồi với cục, vụ”.

Trong tình hình, cái “lò” của TBT Trọng càng lúc càng nóng, liên tiếp nhận thêm “củi” từ các đường dây liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phe nhóm của “đồng chí X”, quan chức VCCI và Bộ Tài chính có ý gì khi khen chính sách thuế của thời “đồng chí X”, giai đoạn bắt đầu thời kỳ đen tối và để lại rất nhiều hệ lụy cho kinh tế Việt Nam?


Lạm quyền ở địa phương
Trang Infonet đưa tin: Chủ tịch xã trần tình chuyện bị tố cáo “dọa giết cựu chiến binh”. Vụ ông Nguyễn Trung Chi, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội đe dọa giết ông Nguyễn Trung Dật, cựu cán bộ Quân đội đã nghỉ hưu, do ông Dật đã phản ánh, tố cáo hiện tượng tham nhũng đất đai, kinh tế ở địa phương, ông Chi trần tình:

“Tôi không dọa giết ai, bản thân là Chủ tịch một xã tôi luôn tuân thủ quy định ứng xử mà TP đặt ra cũng như quán triệt các cán bộ xã về việc này… tôi cũng chưa biết nguyên nhân vì đâu mà ông ấy tố tôi dọa giết. Về tranh chấp đất đai thì đã diễn ra nhiều năm nay từ 2007”.

Chuyện ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình: Thanh tra đột xuất vụ Chủ tịch huyện tự thanh tra mình, theo báo Một Thế Giới. Ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đã yêu cầu thanh tra đột xuất vụ ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tự ký quyết định… thanh tra đề án vệ sinh môi trường do chính ông Vũ ký.


Công an “nhân dân”
Trang Infonet đặt câu hỏi vụ CA Vĩnh Phúc đánh người ở Tuyên Quang: Lãnh đạo CA Sơn Dương nói gì? Về clip hàng chục công an cùng hành hung một người dân vừa được lan truyền trên mạng xã hội, ông Ma Quang Trung, Trưởng Công an huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thừa nhận, có chuyện này, nhưng nói thêm: “Đoạn đầu clip thì như anh biết là bị cắt mất rồi” và cho rằng người bị hành hung gây sự trước, hàng chục công an chỉ… “tự vệ”?!

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi về vụ ở Hà Nội: Tại sao CSGT quật ngã tài xế taxi trước cổng bệnh viện Bạch Mai? Bài viết bàn về clip ghi lại cảnh một CSGT quật ngã tài xế taxi giữa đường. Phòng CSGT Công an TP Hà Nội xác nhận thông tin này, nhưng cho rằng người tài xế này đã phạm luật, “khi xuống xe thì tài xế không chấp hành xuất trình các giấy tờ liên quan và muốn xem hình ảnh vi phạm”. Phía CSGT cho rằng, người tài xế gây sự trước và viên CSGT quật ngã người này chỉ “tự vệ”.

Các vụ công an hành hung người dân liên tiếp diễn ra. Những viên công an có liên quan đều trả lời báo chí theo cùng một bài bản: Lỗi ở dân chứ không phải công an, phía công an, dù áp đảo về số lượng và vũ khí, luôn chỉ… “tự vệ”?!


Kinh tế Việt Nam
Kiếm sống trong nước khó khăn, khiến hàng vạn người Việt tìm mọi cách để ra nước ngoài, làm nô lệ kiểu mới. Báo Lao Động có bài: Người lao động Việt Nam chịu mức phí đi xuất khẩu lao động cao hơn so với các nước.

Báo “lề đảng” tự hào đưa tin: “Việt Nam thuộc Top nhận kiều hối lớn nhất thế giới, theo VnExpress. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năm 2017, Việt Nam nhận 13,8 tỷ USD kiều hối. Kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm đều ở mức rất cao. Đây được coi là một cứu cánh khá quan trọng của đảng CSVN.


Vụ cà phê nhuộm pin
Báo Pháp luật TP đưa tin: Đã xác định mục đích làm cà phê nhuộm pin. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, cơ sở trên ngâm phế phẩm cà phê với pin Con Ó và đá nhằm mục đích chế biến thực phẩm, trộn với tiêu. Ba tấn hỗn hợp trên đã được bán cho một cơ sở sản xuất tiêu tại Bình Phước. Cơ quan công an cũng thu giữ 9 tấn tiêu đã được trộn với hỗn hợp trên của cơ sở ở Bình Phước.

Sau khi sự việc xảy ra hàng tuần và cơ quan điều tra sắp kết thúc, Bộ Nông nghiệp và PTNT lập tức lập tổ xác minh gấp vụ cà phê lõi pin, theo Vietnamnet. Tổ công tác được thành lập nhằm “xác minh, làm rõ thông tin báo chí nêu liên quan tới vụ việc phụ phẩm cà phê nhuộm đen bằng pin tại tỉnh Đắk Nông và tiêu thụ tại tỉnh Bình Phước”.


Ô nhiễm môi trường
Báo Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin: Thừa Thiên Huế: Trạm trung chuyển rác tiền tỷ “án binh bất động”, gây ô nhiễm nặng. Một trạm trung chuyển rác quy mô ở Thừa Thiên Huế được đầu tư gần 10 tỉ đồng nhưng không hoạt động. Rác thải được đưa đến nằm ngổn ngang ngoài trạm, và lối đi, có “mùi hôi nồng nặc bốc ra từ trạm cộng với ruồi nhặng dày đặc khiến cuộc sống người dân sống xung quanh vô cùng khổ sở”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Phân bùn xả thẳng ra sông Nhuệ, trách nhiệm thuộc về ai? Người dân tố cáo, sông Nhuệ ô nhiễm có nguyên nhân xuất phát từ chính công ty môi trường của Hà Nội. Nhiều lần yêu cầu nhưng không được chính quyền giải quyết, dân lại phải tiếp tục sống chung ô nhiễm. Theo mô tả, dòng nước thải của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội đục ngầu, chứa chất thải sinh hoạt bẩn ào ào xả ra sông Nhuệ, nước thải chưa qua xử lý bức tử dòng sông cả ngày lẫn đêm.


Giáo dục mục nát
Nghi vấn cô giáo mầm non dán băng dính vào miệng, trói tay chân, dốc ngược bé gái 4 tuổi, theo VTC. Phụ huynh tố cáo cô giáo trường Mầm non Tam Hợp ở tỉnh Vĩnh Phúc, có hành vi bạo hành dã man đối với con gái mình: “Cô Quyên lấy băng dính dán vào miệng vì không ngủ trưa. Khi cháu khóc, cô giáo lấy tay bịt miệng và lấy nước đổ vào để bóc băng dính ra”.

Ngoài ra, cháu bé còn kể, “cô giáo trói tay, chân và dốc ngược lên rồi thả xuống mạnh. Cô giáo còn bắt cháu đứng vào xó rồi lấy gậy thể dục đánh vào đầu”. Hiện tại, cháu bé trong tình trạng hoảng sợ, đêm ngủ thường giật mình, khóc la. Cháu cũng không dám tới lớp. Gia đình tố cáo, công an điều tra, nhưng sau đó “chìm xuồng”. Cô giáo lại được chuyển tới dạy ở trường trung tâm. Về phía nhà trường, lãnh đạo cho biết cô giáo không làm những hành động như gia đình tố cáo.

Báo VietNamNet đưa tin: Thầy giáo quấy rối học sinh bị đình chỉ dạy 12 tháng. Trần Huy Khôi, giáo viên Văn của trường THPT Hàn Thuyên, quận Phú Nhuận, bị học sinh tố cáo lệch lạc tư cách giáo viên. Theo học sinh: “Ông Khôi sử dụng quỹ thời gian phí phạm, nói chuyện riêng và những việc không liên quan tới bài học, thường kể về các bạn không tương tác với thầy trên Facebook, các câu chuyện mang hàm ý phản cảm”.

Ngoài ra, nếu ghét học sinh nào, thầy giáo sẽ ví như con vật. Thầy giáo này còn bị tố “có lời lẽ và hành động thô tục, không đứng đắn về chuyện người lớn” và “dùng những từ ngữ, lời nói khiêu gợi, khiêu khích”.

Tiếp tục thông tin về thầy giáo dâm ô học sinh ở Bình Dương, Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin: Thêm một thầy giáo bị điều tra về hành vi dâm ô học sinh. Sau khi bị đình chỉ công tác, công an đang điều tra về hành vi dâm ô trẻ em của một giáo viên Tiểu học, trường THCS T.L, Phú Giáo, Bình Dương. Thời gian qua, liên tiếp những sự kiện phản giáo dục xảy ra, cho thấy nền giáo dục Việt Nam vốn dã “dột từ nóc” đang lan xuống mọi ngõ ngách. Bộ trưởng Nhạ vẫn tiếp tục mắc bệnh mù, câm, điếc…


***

Tin thế giới

Tin Armenia
Hàng chục ngàn người dân Armenia xuống đường biểu tình ở thủ đô Yerevan, cho rằng Thủ tướng Sargsyan tham quyền. Cuối cùng thủ tướng Armenia, đã phải từ chức sau nhiều ngày đối mặt với biểu tình, các hãng truyền thông đưa tin.

Cuộc biểu tình do nghị sĩ đối lập Nikol Pashinian lãnh đạo, chống lại Thủ tướng Serzh Sargsyan, 63 tuổi. Ông Sargsyan từng giữ chức tổng thống Armenia suốt 10 năm. Ngày 17/4, Quốc hội Armenia bỏ phiếu bầu ông làm thủ tướng, nhưng nghị sĩ Pashinian đã lãnh đạo người dân, đứng lên lật đổ ông Sargsyan chưa đầy một tuần sau đó.

Hàng chục ngàn người tham gia biểu tình ở Erevan, lật đổ thủ tướng Armenia. Ảnh: Sputnik

Báo Đất Việt có bài: ‘Cách mạng nhung’ Armenia bùng nổ, đối lập lật nhào Thủ tướng. Báo chí Armenia dẫn lời Thủ tướng Sargsyan, nói: “Tôi nói với quý vị lần chót với tư cách người đứng đầu Nhà nước. Ông Nikol Pashinyan đứng đầu phe đối lập đã đúng, tôi đã sai. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay có mấy giải pháp, nhưng tôi sẽ không đi tới bất kỳ giải pháp nào trong số đó, bởi đó không phải là cách của tôi. Tôi rời khỏi cương vị lãnh đạo đất nước chúng ta“.















No comments:

Post a Comment

View My Stats