Friday, 12 January 2018

VIỆT NAM : CHỐNG THAM NHŨNG & ĐẤU ĐÁ NỘI BỘ GẮN KẾT NHAU NHƯ THẾ NÀO ? (Carlyle A. Thayer)



Carlyle A. Thayer
Anh Hồng dịch

Hỏi: Kể từ Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2016, đã xảy ra rất nhiều bất ổn trong đảng. Những thành viên lãnh đạo như Đinh La Thăng và một số người khác đã bị bắt. Bất ổn này thường bắt nguồn từ sự đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng. Ông có thể lý giải ai đang đấu đá với ai? Địa vị chính trị của các phe phái này là gì?

Trả lời: Tại kỳ họp Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, xin sử dụng cách nói của một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu David Brown, “mọi thứ, trừ chuyện liên minh với [Thủ tướng Nguyễn Tấn] Dũng”, đều được định trước và ngăn chặn ông ta trở thành Tổng Bí thư kế tiếp của Đảng.

Thủ tướng Dũng đã trải qua hai nhiệm kỳ năm năm. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ ấn tượng. Ông Dũng là một nhà lãnh đạo nổi tiếng hành động nằm ngoài các quy chuẩn của tập thể lãnh đạo. Ông là người đề xướng “Việt Nam trên hết”, là người đã bênh vực cho các tập đoàn doanh nghiệp lớn. Có thể nói, văn phòng Thủ tướng đã trở nên quyền lực hơn tổ chức đảng. Ông Dũng đã khoan dung và nhắm mắt làm ngơ trước mạng lưới quan chức tham nhũng gia tăng mỗi năm khi ông đang nắm quyền. Đúng vào lúc kết thúc nhiệm kỳ, ông Dũng buộc phải cho phép bắt giữ và xét xử cán bộ của Vinashin, công ty đóng tàu quốc gia và Vinalines, công ty vận tải quốc gia.

Kể từ Đại hội 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khôi phục lại việc ra quyết định tập thể dưới sự lãnh đạo của mình. Ông cũng đích thân đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng quốc gia mà mục tiêu chính là một mạng lưới bao gồm các cựu quan chức và những người đương nhiệm tại PetroVietnam (tập đoàn dầu khí quốc gia) và một số ngân hàng gồm Sacombank, Ocean Bank, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và những cơ quan khác.

Thuật ngữ “đấu tranh quyền lực” và phe phái là có vấn đề vì chúng được sử dụng lỏng lẻo và không có định nghĩa rõ ràng. Hệ thống chính trị Việt Nam có sự cân bằng tương đối vì các tiêu chuẩn của nó dựa trên sự đồng thuận và quyết định tập thể.

Kể từ khi thống nhất đất nước, thay đổi quyền lãnh đạo không phải là chuyện “người thắng lấy đi tất cả”. Các phe phái nhỏ được đưa vào cơ cấu quyền lực mới; cũng giống như sau Đại hội 12, những người ủng hộ cựu Thủ tướng Dũng đã được giữ lại trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.

Theo đánh giá của tôi, không có cuộc “đấu tranh quyền lực” do một phe phái nào tiến hành nhằm lật đổ quyền lãnh đạo hiện tại. Hầu hết các suy đoán đều lạc hậu và tập trung vào các báo cáo cho rằng khi Đại hội Đảng lần thứ 12 quyết định giữ ông Trọng đảm nhận chức Tổng Bí thư cho nhiệm kỳ thứ hai vượt quá tuổi về hưu thông thường, họ kỳ vọng ông sẽ từ chức vào giữa nhiệm kỳ. Một số người suy đoán rằng một Đại hội giữa kỳ đặc biệt sẽ được tổ chức (lần duy nhất là năm 1994).

Hai nhân vật được cho là sẽ thay thế vị trí khi ông Trọng về hưu, là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Huynh bị bệnh trầm trọng và đã được thay thế. Ông Quang cáo bệnh một tháng và đã trở lại vị trí của mình. Khoảng giữa năm nay sẽ là nửa nhiệm kỳ. Hiện tại không có dấu hiệu cho thấy ông Trọng sẽ nghỉ hưu hay một hội nghị giữa kỳ đặc biệt nào sẽ được tổ chức. Khi tôi hỏi những người Việt Nam quen biết tại Hà Nội hồi tháng 11 là liệu Tổng Bí thư có về hưu chăng thì tôi nhận được câu trả lời “tại sao ông ta phải làm vậy?”.

Tuy nhiên, rõ ràng là hiện nay chiến dịch chống tham nhũng với trọng tâm là mạng lưới PetroVietnam đã giăng bẫy được một thành viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng. Ông Thăng là Chủ tịch Hội đồng quản trị PetroVietnam và đã không hành động chống lại các cấp dưới tham nhũng. Vì vậy ông bị buộc tội, bị bắt và sẽ hầu tòa trong tuần này cùng với khoảng hai mươi quan chức khác.

Tại Đại hội 12, một nhóm chóp bu do Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã soạn thảo thành công những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc tuyển lựa ứng viên bầu cử vào Ban Chấp hành Trung ương mới. Sau đó, họ dùng các tiêu chí này để chọn các ứng viên do đại biểu Đại hội bầu ra. Đinh La Thăng không có tên trong danh sách này; nhưng một liên minh hình thành không chỉ để đưa tên ông vào danh sách bầu cử mà còn thành công khi bầu ông vào Ban Chấp hành Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương mới sau đó đã chọn ông vào Bộ Chính trị. Bộ Chính trị, trong một động thái gây ngạc nhiên cho những quan sát viên nền chính trị Việt Nam, đã bổ nhiệm ông Thăng làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Rõ là có một liên minh không chính thức liên kết lại xung quanh ông Thăng để thách thức nhóm chóp bu.

*
Hỏi: Ông có thấy bất kì cơ hội nào cho phe thua cuộc quay trở lại không?

Trả lời: Sự sụp đổ của Thăng cho thấy rằng liên minh của “mọi thứ trừ Dũng” do Tổng Bí thư Trọng lãnh đạo đã quyết tâm tiêu trừ sự phản kháng thụ động của phe ông Dũng đối với nghị trình chính trị của ông Trọng. Chiến dịch chống tham nhũng là một phương tiện để chấm dứt nó.

Vào giữa năm 2018, Đảng sẽ bắt đầu chuẩn bị kỳ họp Quốc hội khóa 13, lên kế hoạch dự kiến cho đầu năm 2021. Khi Ban Tổ chức được chỉ định và chịu trách nhiệm lựa chọn ứng cử viên cho Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ kế, chúng ta có thể chờ xem mánh khóe chính trị từ các phe phái và hệ thống nhằm thúc đẩy những chọn lựa của họ. Đó là hoạt động chính trị thông thường và không phải là cuộc đấu tranh quyền lực.

Tổng Bí thư tiếp theo phải được chọn từ thành viên của Bộ Chính trị hiện thời – theo tiêu chuẩn của Đảng – đã phục vụ ít nhất đầy đủ một nhiệm kỳ.

*
Hỏi: Chiến dịch chống tham nhũng đóng vai trò gì?

Trả lời: Như các quan chức đảng đã tuyên bố trong thập kỷ qua, nếu còn tham nhũng thì đó sẽ là mối đe dọa chính cho tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng được tạo ra để “một mũi tên trúng hai đích”. Trước tiên, nó nhằm tấn công vào mạng lưới các quan chức tham nhũng đã gian lận nhà nước hàng triệu đô la. Thứ hai, chiến dịch nhằm vào vây cánh đã phát triển mạnh dưới thời Thủ tướng Dũng.

*
Hỏi: Chiến dịch này đối với trường hợp của Trịnh Xuân Thanh có phát huy tác dụng không?

Trả lời: Khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu tập trung vào Petro-Việt Nam, nó phát hiện ra một mạng lưới quan chức tham gia vào các hành động tham nhũng. Lệnh bắt giữ được thi hành. Trịnh Xuân Thanh và gia đình chạy trốn khỏi Việt Nam sang Đức để thoát trừng phạt. Ông Thanh đã nộp đơn xin tị nạn và nếu thành công, ông có thể đã tiết lộ thông tin và công khai đưa tin bất lợi cho giới chức lãnh đạo. Sự hiện diện của ông tại Đức gây lúng túng lớn về mặt chính trị cho Bộ Công an và cựu Bộ trưởng Trần Đại Quang. Theo truyền thông Đức, Tổng cục 5 Bộ Công an đã tổ chức và thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức. Ông Thanh sẽ bị xét xử cùng các bị cáo khác trong tuần này. Nếu ông Quang quả thực đang tranh thủ vận động để trở thành lãnh tụ đảng kế tiếp một khi Tổng Bí thư Trọng từ chức trước khi hoàn thành nhiệm kỳ, cơ hội của ông có thể bị thu hẹp do xử lí của Bộ Công An về vụ Trịnh Xuân Thanh.

*
Hỏi: Còn về Phan Văn Anh Vũ và những sự kiện gần đây ở Đà Nẵng?

Trả lời: Phan Văn Anh Vũ phục vụ trong Bộ Công an cho đến khi nghỉ hưu và trở thành nhà phát triển bất động sản ở Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam. Theo báo cáo, ông làm chủ tịch một số công ty có mối dây liên hệ đến Bộ Công an và thân thiết với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Ông Xuân Anh bị miễn nhiệm khỏi vị trí này cũng như khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì tham nhũng, bao gồm các dự án phát triển đất thiếu minh bạch.

Vào tháng 12, Bộ Công an ban hành lệnh bắt giữ ông Anh Vũ vì tiết lộ bí mật nhà nước. Ông Vũ trốn sang Singapore và hi vọng kiếm được quyền lưu trú tại Đức. Ông bị chính quyền địa phương bắt giữ vì vi phạm Đạo luật nhập cư (ông có hai hộ chiếu với hai danh tính khác nhau, một từ Antigua và Barbuda) và bị trục xuất về Việt Nam.

Theo báo cáo của luật sư và báo chí Đức, ông Anh Vũ từng làm việc tại Tổng cục 5 Bộ Công an và sở hữu những tài liệu trực tiếp liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Vụ Anh Vũ bỏ trốn thành công lại là một lúng túng lớn khác cho Bộ Công an và tạo cơ hội cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2016, ông Trọng đã khởi phát những nỗ lực nhằm giảm bớt bộ máy chính phủ cồng kềnh, tập trung vào số lượng lớn quan chức nắm giữ các cấp bậc lớn và được nhận những bổng lộc kếch xù.

*
Hỏi: Quan hệ Đức-Việt quan trọng như thế nào đối với Việt Nam?

Trả lời: Quan hệ của Việt Nam với Đức rất quan trọng. Đức là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam thuộc Liên minh Châu Âu. Đức là quốc gia có nhiều Việt kiều [tiếng Việt trong nguyên bản – ND] sinh sống. Họ cũng là những đối tác chiến lược. Việt Nam có thâm hụt lớn về thương mại với Trung Quốc hi vọng sẽ được cải thiện. Việc Tổng thống Trump rút khỏi Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình dương là một đòn đánh vào Việt Nam vì Việt Nam đứng đầu trong lợi ích đạt được từ hiệp định này trong số mười hai nước đã kí kết ban đầu. Trong bối cảnh này, Việt Nam đánh giá cao một hiệp định thương mại tự do với EU. Vụ bắt cóc Thanh, liên quan đến vi phạm trực tiếp chủ quyền nước Đức, có thể đã đặt một rào cản lên việc phê chuẩn thỏa thuận thương mại. Tất cả các thành viên của EU phải đồng chấp thuận và trường hợp của ông Trịnh đã thu hút sự chú ý không chỉ ở Đức, mà còn những quốc gia khác thuộc EU.

*
Hỏi: Cuộc đấu tranh đang diễn ra trong Đảng gây bất lợi đến mức nào cho quan hệ quốc tế của Việt Nam, nếu có?

Trả lời: Theo tôi, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín quốc tế của Việt Nam. Hành động này là chưa từng có và vẽ ra chân dung Việt Nam như một quốc gia công an trị [quasi-police] không tôn trọng luật pháp. Sau cùng, Việt Nam đã có thể chờ xem Đức phản hồi như thế nào về lệnh truy nã Việt Nam đã đệ lên INTERPOL.

Sẽ tiếp tục có những căng thẳng giữa Berlin và Hà Nội chừng nào vấn đề này còn mưng mủ và một số hình thức trừng phạt có thể chờ chực. Nhưng có vẻ Đức sẽ không để cho mối quan hệ song phương đi đến chỗ sụp đổ.

Phan Văn Anh Vũ thất bại khi cố trốn thoát Việt Nam để đến Đức, đã làm cho giới truyền thông tập trung vào chuyện đấu đá nội bộ lộ liễu của Đảng. Điều này sẽ làm chấm dứt lời tuyên truyền của Việt Nam về một đất nước ổn định không có rủi ro chính trị.

Các tổ chức và nhà hoạt động nhân quyền có thể tập trung vào vai trò đàn áp của cơ quan an ninh.

C. A. T.
*
Carlyle A. Thayer, “Vietnam: Are Anti-Corruption and Factional Infighting Linked?” Thayer Consultancy Background Brief, January 5, 2018.








No comments:

Post a Comment

View My Stats