Thursday, 25 January 2018

VỀ ĐINH LA THĂNG (Phạm Hưng Quốc)



Về Đinh La Thăng
Phạm Hưng Quốc
24-1-2018

Trong cộng đồng cư dân mạng đang có những ý kiến trái chiều về vụ án Đinh La Thăng. Chúng tôi xin cung cấp thêm thông tin khách quan về con người này:

Khách quan mà nói Đinh La Thăng lớn lên trong một môi trường được giáo dục  lành mạnh. Sau chiến tranh với tiếng gọi thanh niên xây dựng đất nước, Đinh La Thăng đã trở thành một thanh niên bộc lộ nhiều tư chất vượt trội theo hướng lành mạnh và cũng đã được đưa vào những vị trí cao dần trong dự án xây dựng đập thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà. Cần lưu ý rằng dự án thủy điện Hòa Bình do Liên Xô tài trợ có tầm cỡ lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ nên dự án đã nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt từ chính phủ. Vật tư thiết bị, nhân tài vật lực ùn ùn đổ về dự án. Là cử nhân kế toán tài chính Đinh La Thăng dần nắm rất vững các kẽ hở trong hệ thống kế toán tài chính của cơ chế quan liêu lúc bấy giờ. Bước vào thời kỳ “đổi mới” tức là xóa bỏ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác để đi theo nguyên lý “thị trường”, thời kỳ mà “hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Để bạn đọc hiểu thêm về bối cảnh của Việt Nam trong thời kỳ này, chúng tôi xin tóm lược phân tích kỹ càng của một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập tại Việt Nam như sau: … Thời kỳ đổi mới là thời kỳ phát triển theo kiểu “dò đá qua sông” hay “ tự cứu mình trước khi trời cứu” … không có chủ thuyết, không kinh nghiệm, tất cả chỉ là sự dò dẫm trong một bối cảnh chính trị bề bộn cả trong lẫn ngoài nước. Ngay cả trong đội ngũ ban lãnh đạo cộng sản cao nhất của Việt Nam cũng có rất nhiều sự khác biệt về nhận thức thế nào là đường lối “đổi mới” do chính họ hô hào. Các vị này thiếu những kiến thức cơ bản về kinh tế, về quản lý kinh tế thị trường trong khi mà họ buộc phải rời bỏ những kiến thức quản lý nhà nước duy ý chí, giáo điều xã hội chủ nghĩa thời Liên Xô mà họ đã bị nhồi nhét trong nhiều thập kỷ… Đây là bối cảnh thuận lợi cho việc sản sinh ra một thế hệ tư bản hoang dã tại Việt Nam,

Lúc đầu xuất hiện một số nhà tư bản tư nhân (Liên Khui Thìn, Minh Phụng…) nhưng do tình trạng thiếu pháp luật nên việc sống, chết của các nhà tư bản Việt Nam rất bất chợt và rất tùy thuộc vào những cảm tính ngẫu hứng của các nhà lãnh đạo cộng sản tại địa phương và trung ương thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, giáo điều… Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ thiên theo hướng nhân trị thay cho pháp trị nên rất hỗn độn.

Sau hàng loạt các vụ bắt bớ, các nhà tư bản Việt Nam dần hiểu ra là muốn sống sót, họ phải gắn chặt với quyền lợi với tầng lớp lãnh đạo có quyền lực nhưng lại nghèo khó của chế độ cộng sản vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Đội ngũ lãnh đạo của đất nước bắt đầu bị mua chuộc, tha hóa. Các nhóm lợi ích hình thành….

Đinh La Thăng với tư chất thông minh và nhạy bén và đặc biệt là đang tràn trề sức sống cùng với những tham vọng lớn lao về cả kinh tế lẫn chính trị đã nhanh chóng hiểu mình cần phải làm gì trong một hoàn cảnh đặc thù này.

Thế hệ lãnh đạo cộng sản trước kia bị học thuyết Mác Lê Nin, bị các tư tưởng giáo điều kiềm chế nên không dám vượt qua cái bóng của thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm thời chiến tranh cùng các chuẩn mực về sự hạn chế khắt khe trong việc  hưởng thụ vật chất đã duy trì trong suốt nhiều thập kỷ trước đó…

Lúc bấy giờ đội ngũ lãnh đạo thế hệ 2, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt đã đưa ra một nhận định chung là trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới Việt Nam không thể tránh được tham nhũng. Hơn nữa họ còn nghĩ tham nhũng cũng là động lực cho sự phát triển... Do vậy họ đã quyết định sớm cho ra đời thế hệ lãnh đạo thứ ba là Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải và Trần Đức Lương….

Đinh La Thăng đã là một trong những cá nhân xuất sắc nắm bắt được thời cơ để bắt đầu một trào lưu hình thành các nhà tư bản đỏ. Nguyên lý hoạt động của các nhà tư bản đỏ là họ dùng một phần ngân sách nhà nước rót cho các tập đoàn, công ty nhà nước để đầu tư vào các công trình trọng điểm để mua chuộc các lãnh đạo cấp trên của họ một cách khéo léo để giúp họ thăng tiến cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Nguyên lý hoạt động này phát huy tính hiệu quả rất nhanh chóng. Nhất là khi Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng đã tạo ra một môi trường có thể gọi là hoàng kim cho các nhà tư bản đỏ. Nổi bật trong các nhà tư bản đỏ là: Trần Bắc Hà (BIDV) Phạm Thanh Bình (Vinashin) và Đinh La Thăng (PVN), trong đó Đinh La Thăng nổi bật với khả năng kết hợp giữa chính trị với kinh tế.

Ngay từ khi mới về PVN họ Đinh đã quan tâm ngay đến công tác tổ chức nhân sự của tập đoàn kinh tế số 1 này để thâu tóm quyền lực. Cụ thể đã gạt bỏ ngay lập tức nhưng lại rất khéo léo một cây đa cây đề trong ngành dầu khí là Trần Ngọc Cảnh. Họ Đinh hiểu rằng chừng nào còn để Trần Ngọc Cảnh làm Tổng giám đốc tập đoàn thì ông ta sẽ không thể hoàn toàn làm chủ được địa bàn này. Chỉ sau môt thời gian ngắn được sự hỗ trợ trực tiếp của Nguyễn Tấn Dũng, họ Đinh đã đưa Trần Ngọc Cảnh lên vị trí ngồi chơi xơi nước tại văn phòng thủ tướng với tư cách “đặc trách giúp thủ tướng theo dõi chỉ đạo ngành dầu khí”.

Ngay sau khi giải quyết được “con kỳ đà cản mũi” Trần Ngọc Cảnh, họ Đinh đã thâu dụng hàng trăm đệ tử từ khắp các nơi trong đó chủ yếu từ công ty Sông Đà về đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của tập đoàn và thành lập mới hàng trăm công ty con để tự tạo dựng nhóm lợi ích của riêng mình bao gồm những đệ tử tuyệt đối trung thành, biết vâng lời vô điều kiện và đặc biệt là tạo thế ma trân để làm bốc hơi hàng chục ngàn tỷ của nhà nước.

Họ Đinh cùng giới lãnh đạo các tập đoàn nhà nước khác đã tư vấn cho thủ tướng Dũng đưa ra trình Bộ chính trị mô hình tập đoàn đa ngành nghề (Quả đấm thép). Với cái bánh vẽ quả đấm thép đã làm cho cả Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ Việt nam một thời ảo tưởng say sưa ca tụng về tính ưu việt của “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tại các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Chính phủ … đâu đâu người ta cũng ca tụng vai trò của các quả đấm thép. Các quả đấm này trở thành xương sống của nền kinh tế Việt Nam.

Với tài biến báo các con số báo cáo trong một thời gian dài các quả đấm thép trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Vinashin chỉ trong một thời gian rất ngắn đã trở thành một công ty đóng tầu biển tầm cỡ thế giới. Ngay cả vương quốc Anh, Hà Lan …là những cường quốc đóng tầu trên thế giới  cũng trở thành khách hàng của Vinashin!... Mọi nguồn lực tài chính của đất nước đều được ưu tiên cho các quả đấm thép. Chỉ khi Vinashin bị đổ bể thì ảo ảnh của các quả đám thếp mới bắt đầu bị tan chảy. 

Khi Bộ Chính trị ra nghị quyết thoái vốn ra khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì họ Đinh với tài phù thủy biến báo các con số của ngành dầu khí để không bị mất vốn như trường hợp của Vinashin mặc dù trên thưc tế hàng chục nghìn tỷ đã bị bay hơi theo các dự án. Khi họ Đinh chia tay ngành dầu khí để lên làm Bộ trưởng Bộ Giao thông thì việc chuyển giao thực sự không êm ả. Bên Bộ Công an đã có những cuốn băng ghi âm về những cuộc cãi vã theo kiểu xã hội đen giữa họ Đinh với Hậu và Thực khi chia tay. Nếu không được Nguyễn Tấn Dũng hậu thuẫn và che chở thì họ Đinh đã chung số phận với Phạm Thanh Bình Vinashin rồi.

Sang Bộ Giao thông với tư chất của mình họ Đinh lại tiếp tục phát huy tối đa sở trường vốn có, nên đã triển khai hàng loạt dự án giao thông vốn ngân sách và BOT. Thế là một loạt các luật lệ ngầm được hình thành theo phạm vi liên Bộ: Giao thông – Kế hoạch Đầu tư -- Tài chính -- địa phương sở tại được hình thành. Các luật ngầm này quy định rất rõ tỷ lệ % mà các nhà thầu thi công, các chủ đầu tư phải cắt lại cho các cá nhân là đại diện cho các nhóm lợi ích tại các Bộ này không dưới 30% tổng giá trị công trình. Hãy làm phép tính 30% của hàng trăm nghìn tỷ là bao nhiêu tiền? Đến thời điểm Đại hội XI với khả năng biến báo siêu việt, sự quyết liệt trong tư duy và hành động cùng với một khối lượng tiền bạc khổng lồ tich lũy được, họ Đinh đã tự quy hoạch cho mình vào Bộ Chính trị (không nằm trong quy hoạch của Đảng), một hiện tượng vô tiền khoáng hậu… .

Kết luận: Đinh La Thăng là sản phẩm đặc trưng và tất yếu của quá trình đổi mới của chế độ cộng sản tại Việt Nam. Đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước không có chủ thuyết, không đường lối minh bạch, tất cả chỉ là hô hào các khái niệm mơ hồ để tùy nghi suy diễn theo cách hiểu của mỗi người. Có ý kiến cho rằng họ Đinh sẽ không chết trong tù như ông ta từng tuyên bố trước tòa mà ông ta sẽ chết tại những phiên tòa triền miên xét xử những vụ án mà ông ta có liên đới nếu như ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta thực hiện 1/10 lời hứa là sẽ xử lý đến cùng các vụ án tham nhũng. Rõ ràng rằng họ Đinh là thủ phạm của nhiều vụ án tham nhũng nhưng suy bản chất thì ông ta lại là nạn nhân của chính chế độ đã sản sinh ra ông ta.

Phạm Hưng Quốc

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 24-1-18








No comments:

Post a Comment

View My Stats