Sunday, 28 January 2018

BẢN TIN TỐI 28/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Giáo Dục Việt Nam bình luận: Chiến lược của ông Donald Trump ở Biển Đông đang dần rõ ràng hơn. Bài viết lưu ý, “nếu Trung Quốc độc chiếm được Biển Đông thì về cơ bản sẽ kiểm soát được các quần đảo và bán đảo ở Đông Nam Á, đồng thời sẽ chi phối tây Thái Bình Dương và kiểm soát toàn bộ tuyến đường hàng hải chiến lược giữa Đông Á và Trung Đông”, đó là một viễn cảnh mà người Mỹ không thể chấp nhận.

Tác giả bàn thêm: “Tổng thống Donald Trump đã cho phép Lầu Năm Góc, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương được ‘tiền trảm hậu tấu’, tiến hành các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải mà không cần xin phép trước. Do đó, trong năm 2017, Hải quân Mỹ đã tiến hành tổng cộng 6 cuộc tuần tra” vì tự do hàng hải ở Biển Đông.


Quan hệ Việt – Mỹ
Báo VnExpress đưa tin: Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính trị, quân sự Mỹ sắp đến Việt Nam. Bài báo dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Đại sứ Tina Kaidanow, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị – quân sự, sẽ đến thăm Việt Nam và Singapore từ ngày 28/1 đến ngày 7/2”.

Bài báo còn cho biết thêm: “Tại Việt Nam, bà Kaidanow sẽ tham dự Đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng Việt – Mỹ lần thứ 9. Các chủ đề dự kiến được thảo luận tại sự kiện gồm hợp tác an ninh, thương mại quốc phòng, an ninh hàng hải, gìn giữ hoà bình và các vấn đề khác”.

Ngày xưa các lãnh đạo CSVN không tiếc mạng binh lính để “kháng chiến chống Mỹ”, giờ họ chỉ mong tàu tuần tra thứ hai Mỹ có thể chuyển giao cho Việt Nam, theo báo VnExpress. Bài viết dẫn tin từ báo Naval Today, cho biết:

“Tàu tuần tra xa bờ USCGC Sherman (WHEC-720) hồi đầu tuần kết thúc chuyến tuần tra cuối cùng kéo dài 76 ngày trên Biển Bering. Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) sẽ loại biên con tàu này vào ngày 29/3 và dự kiến chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam”. Vậy là đích thân Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phải “đề nghị” Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis sớm “chuyển giao” một con tàu đã qua sử dụng của Mỹ cho Việt Nam hôm 25/1/2018.

Tàu tuần tra xa bờ USCGC Sherman. Ảnh: USCG

VnExpress cho biết thêm: “USCGC Sherman nhiều khả năng sẽ là tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai được Mỹ chuyển cho Việt Nam theo chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA)”.


Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng
Báo Dân Trí bàn về vụ Trịnh Xuân Thanh và chiếc vali tiền gây choáng váng. Tác giả thừa nhận rằng, “kinh doanh trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, có những doanh nghiệp vật lộn cả năm chỉ mong không lỗ… Hay khi làm ra khoảng chục triệu đồng mỗi tháng, những người lao động chân chính… phải nộp thuế thu nhập kha khá rồi”.

Tuy nhiên, hàng chục tỷ đồng trong vụ án tham nhũng ở PVP Land, “một giao dịch ngầm như thế, chẳng những vô lý, ăn trên lưng doanh nghiệp, trên lưng hàng trăm lao động mà còn là ăn trên từng đồng thuế của Nhà nước, trên mồ hôi, nước mắt của nhân dân”.

Hôm nay, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa Trịnh Xuân Thanh để làm rõ ‘địa chỉ’ 19 tỉ đồng tham ô, theo báo Thanh Niên. Trước đó, đại diện VKS cho rằng “số tiền 19 tỉ đồng bị Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt” đã được chuyển lại cho Thái Kiều Hương, rồi được Lê Hòa Bình sử dụng để “thanh toán tiền mua cổ phần cho Công ty Vietsan”.

Bài viết cho biết, đến phiên xử sáng nay, đại diện VKS lưu ý tình tiết mới: Phía Công ty Vietsan khẳng định, sau khi Bộ Công an tiến hành khởi tố vụ án, thì chuyện mua bán cổ phần giữa Công ty Minh Ngân của Lê Hòa Bình và Vietsan đã “bị hủy bỏ. Vietsan đã trả lại 95 tỉ đồng cho Lê Hòa Bình, trong đó có cả khoản tiền 19 tỉ đồng tham ô”.

Tác giả cho biết thêm: Đại diện VKS đã “đề nghị tạm hoãn phiên tòa để xác minh làm rõ thêm. Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để cơ quan chức năng xác minh nội dung trên, đến ngày 2.2, phiên tòa sẽ tiếp tục”.


Chuyện ông Đinh La Thăng và tính “nhân đạo” của tòa án CSVN
Báo Đất Việt có bài: Luật sư ông Thăng nói khả năng được về chịu tang bố. Bài viết dẫn tin từ “hai trong số ba luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho hay đang tiếp tục gửi đơn xin cho ông Thăng và em trai được làm tròn đạo hiếu với người bố”.

Tác giả trích lời một LS bào chữa cho ông Thăng: “Về mặt tố tụng, không có quy định nào được về chịu tang người thân mà đây là vấn đề được xem xét dưới góc độ có cho tại ngoại được không. Lý do đưa ra ở thời điểm này là trông chờ quyết định mang tính nhân văn”.

Luật sư cho biết gia đình gửi đơn tới cơ quan chức năng mong ông Đinh La Thăng, Đinh Mạnh Thắng được tạo điều kiện về tang bố. Ảnh: ĐV

Về tính “nhân đạo” của tòa án CSVN, nhà văn Phạm Đình Trọng, cựu Đại tá quân đội NDVN, đã từng bình luận chuyện tù nhân chính trị Bùi Đăng Thủy, cựu sĩ quan không quân VNCH, chết trong trại giam Xuân Lộc, người thân không được mang xác về, rằng: “Điều đó thể hiện sự man rợ của nhà nước này, tức là đến chết mà người ta vẫn còn giam cầm. Hành động đó không phải là con người nữa”, theo bài: Tù chính trị: Chết vẫn còn bị “giam”, trên RFA.

Bài viết nêu trên có dẫn lời chia sẻ của cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển: “Theo quy định thi hành án phạt tù thì người tù sau khi qua đời ở trong trại giam có thể được đem thi hài trở về với gia đình an táng. Tuy nhiên, đối với tù nhân chính trị cũng như tù nhân lương tâm thì điều này sẽ không xảy ra!”

Trong bài Việt Nam Là Nước Giam Giữ Tù Chính Trị Nhiều Nhất Trên Thế Giới, được đăng trên trang Thư Viện Hoa Sen, có đoạn: “Trong số 1.321.506 người bị giam cầm, đã có 165.000 tù chính trị Việt-Nam Cộng-Hòa bị cộng sản Việt-Nam giết chết trong các trại tù và 100 ngàn người khác bị xử bắn tại chỗ”.

Cũng có thể ông Đinh La Thăng sẽ được cho về nhà chịu tang cha, được đối xử “nhân đạo” hơn từ những người “cựu đồng chí”, vì ông là tù nhân đặc biệt, là cựu ủy viên BCT, nên khác với tù thường. Ở VN không có cái gọi là “trước pháp luật mọi người đều bình đẳng”.

Cảng “chiến lược” Quy Nhơn vào tay tư nhân
Báo Công An TP HCM đặt câu hỏi: Vụ cảng Quy Nhơn bán giá ‘bèo’: Liên minh nào “thâu tóm” cảng Quy Nhơn? Về sự kiện Công ty Hợp thành thâu tóm cảng Quy Nhơn, bài viết lưu ý rằng Vinalines đã “bán toàn bộ vốn nhà nước” ở Công ty CP Cảng Quy Nhơn dựa trên “đề án của Chính phủ về tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012-2015”.

Đến đầu năm 2014, ông Đinh La Thăng, lúc đó là Bộ trưởng Bộ GTVT  đã “có văn bản thông báo kết luận lấy cảng Quy Nhơn làm thí điểm cổ phần hóa, đồng ý bán hết cổ phần nhà nước”.

Bài viết dẫn lời ông Nguyễn Văn Thiện, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho rằng: “Mọi vấn đề về cổ phần hóa, bán cho ai, bán như thế nào ở cảng Quy Nhơn là trách nhiệm Bộ GTVT, Vinalines”

Trụ sở Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Ảnh: CATP

Khoảng lặng giữa vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Báo Người Việt bình luận: Phiên tòa Trầm Bê lộ ra những lỗ hổng chết người về ‘dòng tiền cho vay’. Bài báo dẫn lời LS Phạm Hoài Nam nhận định: “Đại án Phạm Công Danh-Trầm Bê sẽ là ‘cuộc chiến’ của nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo và luật sư bảo vệ cho các ngân hàng (BIDV, Sacombank, TP Bank) bên cạnh các cáo buộc của Viện Kiểm Sát”.

Tác giả lưu ý: “Đến nay, Viện Kiểm Sát vẫn bảo lưu đề nghị thu hồi 6,000 tỷ đồng (hơn $264.1 triệu) của ba ngân hàng Sacombank, TP Bank và BIDV”. Về vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Thành viên Hiệp hội nói chung và ba ngân hàng nêu trên nói riêng đều rất hoang mang, lo ngại về tác động tiêu cực của việc xử lý theo hướng này đối với hoạt động của mình”, theo bài viết trên trang VnEconomy.

Về phiên xử ngày 27/1/2018, trang VnExpress viết: Ngân hàng CB có thể bị ông Phạm Công Danh kiện đòi 4.500 tỷ. Theo đó, “số tiền 4.500 tỷ đồng ông Danh tăng vốn điều lệ cho VNCB, mà các luật sư đề nghị cấn trừ vào thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng của vụ án, cơ quan công tố dẫn chứng việc đại diện CB… xác định số tiền này đã hòa vào dòng tiền của ngân hàng”.

Tác giả cho biết thêm: “Về vai trò, trách nhiệm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước tại VNCB, VKS cho biết họ đã bị khởi tố trong một vụ án khác về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên không xem xét trong phạm vi vụ án này”.


Kinh tế Việt Nam
Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp bàn về “sức ép” tỷ giá 2018. Bài viết dẫn thông tin từ thống kê của Chứng khoán Rồng Việt, cho biết: “Từ năm 2018-2021, sẽ có xấp xỉ 60% nợ trong nước phải đáo hạn. Trong đó, riêng 2018, dự phóng số tiền phải trả nợ khoảng hơn 5 tỷ USD. Cùng với đó, nợ công đã áp sát trần 65%, các nguồn thu bên ngoài từ thuế nhập khẩu, viện trợ và vay ưu đãi giảm, sẽ tạo áp lực dịch chuyển nguồn thu”.

Diễn biến tỷ giá VND/USD năm 2017. Ảnh: NHNN/Enternews

Tác giả trích lời một chuyên gia tài chính, bình luận về chuyện “bán lúa giống” ở các doanh nghiệp nhà nước: “Không thể không kể đến tác động của hoạt động IPO và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đối với tỷ giá năm 2018. Trong trường hợp có nhiều vụ thoái vốn thành công như Nhà nước đã làm với Vinamilk và Sabeco vừa qua, đây sẽ nguồn thu đáng kể bù đắp, trang trải cho những khoản phải sử dụng khi trả nợ”.

Người nông dân mang án tử vì “tội” giữ đất
Báo Tuổi Trẻ có bài tổng hợp: Án tử hình cho ông Đặng Văn Hiến: Khoảng cách nào giữa pháp lý và đạo lý? Bài viết nhắc lại sự kiện: “Gia đình 2 bị hại Dương Văn Tiến, Điểu Tào đã có đơn bãi nại gửi Tòa án cấp cao tại TP.HCM xin tha tội chết cho ông Đặng Văn Hiến – người trực tiếp bắn chết con họ trong vụ tranh chấp đất đai sáng 23/10/2016 ở Đắk Nông”.

Tác giả dẫn lời bà Điểu Thị Mai, mẹ nạn nhân Điểu Tào, viết trong đơn gửi TAND cấp cao tại TP.HCM: “Tôi thấy các bị cáo phạm tội do quá bức xúc, phẫn uất trước việc làm ngang tàng của Công ty Long Sơn. Họ cũng là người lao động nghèo, hiền lương như gia đình chúng tôi, cũng có những đứa con thơ dại như gia đình tôi. Bản án mà TAND tỉnh Đắk Nông tuyên xử cho họ là quá nghiêm khắc, nặng nề”.

Ông Đặng Văn Hiến tại phiên tòa. Ảnh: TT

Chiều ngày 3/1/2018, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên án tử hình bị cáo Đặng Văn Hiến trong vụ án nổ súng ở Đắk Nông. Theo bài viết trên VOA: Hỗn loạn sau khi tòa tuyên tử hình ‘người nông dân cầm súng’ ở Đắk Nông“sau khi TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến… nhiều người dân đã gây hỗn loạn ngay trước cửa tòa án để phản đối phán quyết của tòa”, vì HĐXX đã không nghĩ đến hoàn cảnh ông Hiến phải nổ súng do bị “dồn đến bước đường cùng”.

Báo Pháp Luật TP HCM từng đặt câu hỏi: Ai đã đẩy bị cáo Hiến đến cảnh khốn cùng? Bài báo lưu ý tình tiết Công ty Long Sơn “nhiều lần huy động người đến cưỡng chế, san ủi cây trồng mà không bồi thường, hai bên nhiều lần xô xát, người dân đã nhiều lần kêu cứu nhưng không cơ quan nào giải quyết”.

Báo Dân Việt từng viết: “Vụ bắn chết 3 người: Đặng Văn Hiến lĩnh án tử, người dân phản đối”. Bài viết phân tích, nông dân Đặng Văn Hiến đã buộc phải nổ súng tự vệ trong hoàn cảnh “hơn 30 người được trang bị hung khí, khiên, giáp tiến vào san ủi hàng trăm cây điều lâu năm của ông Hoàng Văn Thắng và ông Đặng Văn Hiến tại tiểu khu 1535. Thấy vậy Hiến đã cùng Ninh Viết Bình sử dụng súng thể thao bắn vào những người của Công ty Long Sơn”.

Vấn đề “cải cách giáo dục” ở Việt Nam
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Các thầy cô hãy tưởng tượng, áp dụng dạy 2 môn tích hợp thì sẽ thế nào nhỉ? Bài viết cho rằng: “Học sinh sẽ là người gánh chịu hậu quả của sự thất bại, học sinh phải chấp nhận học môn “thập cẩm” từ các thầy “thập cẩm” bất đắt dĩ”.

Tác giả phân tích: “Ông Tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên là Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cũng không thể nào nắm vững kiếm thức cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh… vậy là tốn thêm 3 ông Tổng chủ biên khác”, và đặt câu hỏi: “Vậy vai trò của ông Tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên là gì thưa ông?”


Chuyện thầy Tây “xúc phạm” Đại tướng
Báo Lao Động viết: Daniel Hauer – đừng làm xấu thêm hình ảnh của người Tây, đến tư cách người thầy. Bài viết trích lời ThS Trần Trung Hiếu, bình luận rằng: “Xúc phạm người khác là không chấp nhận được. Hơn nữa, người bị xúc phạm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật vĩ đại của dân tộc, thì lại càng đáng bị lên án”.

Ông Daniel Hauer và lời bình luận “xúc phạm” tướng Giáp trên mạng xã hội. Ảnh: ĐV

Những người “trí thức cộng sản”, được sự tiếp sức của Ban Tuyên giáo, tiếp tục phản ứng theo cách khá tương đồng với Bắc Triều Tiên, khi “lãnh tụ” Bình Nhưỡng bị xúc phạm, như báo Tuổi Trẻ từng đưa tin. Hồi cuối tháng 9/2017, một số quan chức CSVN đã đề nghị thêm hành vi cấm bôi nhọ lãnh tụ trong luật An ninh mạng, theo VietNamNet.

Từ một vấn đề rất nhỏ là lời nói đùa của một ông thầy giáo Tây, đã dẫn toàn bộ hệ thống tuyên truyền ở Việt Nam “vào cuộc”, để chứng minh cho thế giới thấy rằng họ sẵn sàng chính trị hóa, thậm chí hình sự hóa những vấn đề liên quan đến “lãnh tụ” và “thần tượng”.


***



Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Trong bức thư gửi Hội nghị Thượng đỉnh châu Phi diễn ra tại Ethiopia, TT Trump nói ‘tôn trọng sâu sắc’ người châu Phi. Sau phát ngôn hạ cấp về người Haiti và châu Phi, ông Trump đã nhận nhiều sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ. Các nước Trung Mỹ, châu Phi đều đã lên tiếng phản đối và cho rằng phát biểu của Trump mang tính kỳ thị chủng tộc, xúc phạm họ một cách nghiêm trọng.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, TT Trump có cuộc gặp TT Rwanda, ông Paul Kagame, cũng Chủ tịch Liên hiệp châu Phi. Tại cuộc gặp gỡ ông Trump gọi ông Kagame là “một người bạn” nhằm mục đích phủ nhận những phát biểu hạ cấp của ông ta về Haiti và châu Phi trước đó.

Không biết những lời nói xoa dịu mới đây của Trump, có giảm sự phẫn nộ của người châu Phi hay không, bởi người ta không chỉ biết đến Trump kỳ thị những người da đen, mà còn chế nhạo những sắc dân khác. Ông ta đã từng dùng từ ‘Pocahontas’ để nhạo báng Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, sau khi bà nhận rằng, tổ tiên của bà có nguồn gốc từ thổ dân da đỏ (Native American).

Báo Lao Động có bài: Đệ nhất phu nhân Mỹ lên tiếng về tin đồn trăng hoa của chồng. Sau hàng loạt tin đồn về thói trăng hoa của ông Trump, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, đã lên tiếng  về sự chung thủy của chồng. Bà Stephanie Grisham, người phát ngôn của bà Trump nói, những tin đồn về việc ông Trump có quan hệ với ngôi sao phim khiêu dâm Stephanie Clifford là “tin tức giả mạo và tục tĩu“.

Những đồn đoán về chuyện hôn nhân của TT Trump càng có cơ sở, khi mới đây Đệ nhất phu nhân hủy chuyến đi Davos cùng chồng. Ông Trump cũng, dính tin đồn có quan hệ với Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, tuy nhiên bà Haley đã bác bỏ và cho rằng đó là tin đồn “ghê tởm” và “xúc phạm”.

Một chuyện vừa khôi hài về đám cưới của Hoàng gia Anh, có liên quan đến TT Trump được BBC đưa tin: Trump ‘không hay biết’ về lời mời dự đám cưới hoàng gia. Theo đó, ông Trump vẫn chưa nhận được lời mời đám cưới của Hoàng tử Harry và diễn viên Meghan Markle, sẽ diễn ra vào ngày 19/5 tới.

Cựu TT Obama và Hoàng tử Harry là hai người bạn thân thiết. Harry và người vợ sắp cưới, Meghan Markle muốn vợ chồng Obama có mặt tại đám cưới của họ, nhưng họ không muốn mời Trump và Melania tới dự đám cưới. Lo sợ Trump sẽ nổi giận, chính phủ Anh đã cầu xin Hoàng tử Harry đừng mời cựu TT Obama.

Mời cả hai thì không được vì nước Anh và cả đôi tân lang và tân giai nhân không chào đón vợ chồng Trump. Còn mời vợ chồng Obama mà không mời vợ chồng Trump thì coi chừng Trump nổi cơn, sẽ lôi cả hoàng gia lên twitter để chửi.

Ai không dám, chứ Trump thì chuyện gì cũng dám làm. Trump đã từng lôi bà Thủ tướng Anh, Theresa May lên Twitter để chửi vụ Anh bị đánh bom trước đây. Trong lúc Anh đang điều tra, thì Trump tweet nói đó là vụ khủng bố. Bà Theresa May nói chưa chắc có phải là khủng bố hay không vì nước Anh đang điều tra, nên Trump đã lôi bà thủ tướng Anh lên Twitter ra nện lần đó.


Căng thẳng Trung Đông
Về Đại hội đối thoại dân tộc Syria sắp diễn ra ở Nga, báo Đất Việt có bài: Đối thoại Sochi: Nga cầm cương, gạt Mỹ qua một bên. Theo bài viết, cuộc đối thoại lần này được tổ chức ở Sochi, Nga vào ngày  29-30/1. Thành phần tham gia bao gồm: Chính quyền Syria, các nhóm đối lập, LHQ và các nước liên quan.

Tuy nhiên Mỹ không được mời tới đại hội này, vì nó do Moscow “cầm cái”, được Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Các nước châu Âu đang tỏ ra dè dặt, nghi ngờ về kết quả của cuộc đối thoại. Việc Mỹ bị gạt ra rìa cho thấy, Nga đang cố gắng lấy lại vị thế và ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông. Phe đối lập ở Syria đã tẩy chay không tham gia đại hội do Nga tổ chức và giật dây.

Báo Lao Động đưa tin: Thổ Nhĩ Kỳ ra “tối hậu thư” cho Mỹ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu đưa ra yêu cầu hôm 27/1: Mỹ phải rút quân khỏi vùng Manbij phía bắc Syria và chấm dứt hỗ trợ cho dân quân người Kurd trong khu vực. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi Thổ lên kế hoạch mở rộng chiến dịch “Nhành ôliu”, nhằm tiến quân vào thành phố Manbij, nơi có quân Mỹ đồn trú.

Liên quan đến Thỏa thuận hạt nhân Iran, Ngoại Trưởng Rex Tillerson cho biết, Washington và châu Âu làm việc để điều chỉnh thỏa thuận nguyên tử Iran. Theo đó, Mỹ và 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức là những nước có ký Thỏa thuận hạt nhân Iran, đang bàn bạc để điều chỉnh một số điều mà Mỹ xem là sai sót trong thỏa thuận.

Điều làm ông Trump không hài lòng là, việc xóa bỏ trừng phạt đã giúp Iran có điều kiện buôn bán thương mại, thu lợi rất lớn, tuy nhiên Trump cho rằng Tehran vẫn chưa dừng hẳn các chương trình hạt nhân theo thỏa thuận. Ngoài ra, Washington còn đưa ra lý do nhằm thay đổi thỏa thuận là, Iran ủng hộ phiến quân Houthi ở Yemen, hay cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố trong khu vực.


Bá quyền Trung Quốc
Trang Dân Việt dẫn nguồn từ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng có bài: Tiết lộ cách Trung Quốc tạo ra quân đội siêu hiện đại. Theo bài viết, với ngân sách quốc phòng khoảng 200 tỷ Mỹ kim trong năm 2017, Trung Quốc đang tăng cường tính hiện đại trong quân đội để bắt kịp Mỹ và các cường quốc khác.

PLA cho biết, hơn 95% các nhà nghiên cứu có học vị, đặc biệt là chuyên về công nghệ lượng tử và trí thông minh nhân tạo đang làm việc tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc. Mục tiêu của Bắc Kinh là trở thành siêu cường về kỹ thuật quân sự. Việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự, cùng với hàng loạt vụ gây hấn, cũng như không hề giấu giếm ý định bành trướng thời gian gần đây, đã làm thế giới phải dè chừng và lo lắng.


***

***










No comments:

Post a Comment

View My Stats