Thursday, 25 January 2018

CHUNG QUANH CHUYỆN MỪNG BÓNG ĐÁ U23 VIỆT NAM (Đào Tiến Thi)



Đào Tiến Thi
26 Tháng Một, 2018

TẤN XÚ KỊCH THỜI HIỆN ĐẠI

Năm 1924, khi Phạm Quỳnh đề xướng phong trào cổ súy Truyện Kiều một cách cực đoan, cụ Ngô Đức Kế gọi ngay đó là “tà thuyết” và viết một bài luận văn đanh thép, có thể nói là cụ đã phang ông chủ báo Nam phong Phạm Quỳnh một đòn chí mạng (bài Luận về chính học cùng tà thuyết). 

Ngoại trừ vài ý kiến bài bác Truyện Kiều một cách hơi quá lời, quan điểm của cụ nghè Ngô rất xác đáng. Truyện Kiều là một kiệt tác văn chương nhưng đề cao đến mức như Phạm Quỳnh (coi là quốc hồn, quốc túy, coi Truyện Kiều còn tiếng ta còn,…) thì quả là không được. Nhất là vào lúc cái đáng quan tâm hơn cả Truyện Kiều, ấy là cái nhục mất nước, là cảnh nhân dân lầm than khổ cực.

Có lẽ sau cú đòn ấy nhà tân học Phạm Quỳnh cũng hiểu ra nên không dám thanh minh lại nhà cựu học họ Ngô nửa lời.

Hôm nay, đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng đội Iraq cũng đáng vui mừng, đáng tự hào chứ. Nhưng vui mừng, đáng tự hào đến mức một số đàn bà, con gái tụt hết cả quần áo thì có nên không?

Nhưng điều đáng xấu hổ gấp cả trăm lần hành động cởi truồng, ấy là đất nước đang lúc vận bĩ, nội xâm, ngoại xâm, nhìn đâu cũng đáng lo đáng lo đáng sợ thì có nên vui mừng, tự hào về 1 trận thắng bóng đá đến mức như thế không?

Sao lúc Tàu Cộng lấn chiếm biển đảo, bắt bớ, đánh đập ngư dân, thì có mấy ai xuống đường? Mà khi một nhúm người xuống đường thì bị hàng đàn CS xanh, vàng, đen, đỏ bắt bớ, đánh đập và truyền thông thì vu cáo rằng “gây rối trật tự công cộng”!

Còn biết nói thế nào nữa đây? Xin dẫn lại lời cụ nghè Ngô trong bài báo nói trên: “Lúc vận nước đã suy thì trăm ngàn người phò trì chính học mà không đủ, một người xướng lên tà thuyết mà hãm hại nhân tâm thế đạo có thừa, gớm ghê thay! [...] Thế đạo nhân tâm hiện ra một tấn xú kịch: nước không thành nước, người không thành người”.

(FB Thi Đào ngày 22-1-2018)

*

NÓI TIẾP VỀ TÌNH CẢNH NƯỚC KHÔNG THÀNH NƯỚC, NGƯỜI KHÔNG THÀNH NGƯỜI
“Thế đạo nhân tâm hiện ra một tấn xú kịch:
nước không thành nước, người không thành người”
(Ngô Đức Kế, 1924)

Hôm trước, nhân cảnh mấy đứa đàn bà, con gái cởi truồng (chính xác phải gọi là “bỏ L…”, như trong câu tục ngữ “Người dại bỏ L…, người khôn xấu hổ”) để mừng U23 Việt Nam thắng Iraq, tôi đã bày tỏ nỗi khó chịu của tôi. Khó chịu chủ yếu chưa phải vì chuyện cởi truồng (chuyện này khi nào có thì giờ sẽ nói) mà ở cái lẽ: một trận đá banh thắng hay thua thì có ý nghĩa gì so với nguy cơ mất nước, so với tình cảnh dân tộc “không chịu phát triển”, mà phải cuồng nhiệt đến như thế?

Từ chiều tối hôm qua (23-1) và ngày hôm nay (24-1), tôi còn phải mục kích cảnh cuồng nhiệt gấp bội khi U23 Việt Nam thắng U23 Qatar. Nhưng hôm nay tôi không so sánh cảnh vui sướng đến cuồng nhiệt với chuyện mất nước, chuyện Việt Nam tụt hậu – những vấn đề vẫn còn quá xa xỉ, “không đáng quan tâm” với đa số người Việt Nam hiện nay – mà chỉ đặt nó trong tương quan với những điều thường nhật. Xin kể lại ba câu chuyện xảy ra cùng lúc với cuộc cuồng nhiệt mừng U23 Việt Nam rung chuyển đất trời Việt Nam.

Chuyện thứ nhất
Chiều tối 23-1, khi cả Hà Nội như đang cuồng lên về trận đấu U23 Việt Nam – U23 Qatar, tôi đi làm về, vừa vào tầng hầm để xe của chung cư đã thấy nồng nặc mùi xăng. Chả phải tìm đâu xa, một đống cát lù lù gần ngay lối vào thang máy. Thì ra người ta lấy cát san trùm lên chỗ xăng đổ, cát vẫn còn đẫm xăng. Dựng xe xong, tôi quay ra hỏi bảo vệ về cơ sự này. Họ bảo do một cái xe ga to bị đổ, nắp bình xăng quên vặn nên xăng trào ra.

Tôi bảo:
– Sao không bắt chủ xe dọn sạch đi?
– Đã đổ cát lên còn gì.
– Không được. Các bác không thấy cát đẫm xăng như thế, chỉ cần có tí lửa là cháy liền sao? Dứt khoát phải xử lý.
Họ “vâng” một cách chiếu lệ, chứ cả 3 vị bảo vệ (hai bác lớn tuổi và một cậu trẻ tuổi) đều thờ ơ, như chả ai thèm để ý đến ý kiến của tôi.

Tôi lên nhà, thấy dưới sân chung cư người ta vây kín một quán cà phê, reo hò ầm ĩ. Họ đang say sưa trận Việt Nam – Qatar. Lát sau kết trận, người ta còn đập trống loạn lên và gọi nhau ra đường. Vợ tôi về, cũng rất lo lắng về chuyện xăng đổ. Thế là tôi lại xuống xem sao. Lúc vào thang máy gặp ba bố con cậu thanh niên cùng tòa nhà, vẻ mặt hớn hở. “Chú đi cổ động U23 phải không?”. Đang bực mình, tôi bảo “Tao không rồ mà đi” khiến cậu ta ngạc nhiên và chưng hửng. Tôi xuống tầng hầm, đống cát đẫm xăng vẫn y nguyên. Tôi gọi điện thoại cho bác tổ phó phụ trách ca trực này nhưng thái độ của bác ta cũng chẳng hơn gì mấy bác kia. Cuối cùng chúng tôi phải gọi ban quản lý chung cư, yêu cầu xử lý, nếu để xảy ra hỏa hoạn, các ông hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Chuyện thứ hai
Sáng nay, lúc sắp đi làm, vợ tôi bảo: “Anh thử nhờ các bạn anh ở cơ quan xem có ai có mối quen ở các trường, cố giúp cho cái Th. đi dạy, chứ để mãi nó thế này sao”. Th. là đứa cháu con cậu em trai vợ tôi, tốt nghiệp ĐHSP Thái Nguyên năm vừa rồi, nay đang dạy hợp đồng để lấy 1 triệu 3 trăm nghìn đồng/ tháng. Tôi đến cơ quan, bày tỏ sự tình, các bạn tôi đều bảo: “Anh tìm việc cho cháu ở đâu chứ đừng tìm đến trường học làm gì. Vào được đó, giờ cũng không còn cái giá hai, ba trăm triệu nữa đâu. Một bạn bảo: “Em còn phải bỏ trường về đây, bỏ chỗ kiếm trên hai chục triệu, về đây lấy chục triệu, thì hiểu cái trường bây giờ nó thế nào. Được dạy thêm đã khó, nhưng dạy thêm thì sung sướng gì? Như con trâu kéo cày, đầu tắt mặt tối, bỏ hết cả việc gia đình. Lại còn bị bóc lột dã man nữa”.

Chuyện thứ ba
Chiều nay (24-1) tôi đến Viện Mắt khám bệnh. Vẫn thấy nhiều bàn tán, hoan hỷ vì trận thắng của U23, nhiều ô tô vẫn cắm cờ đỏ. Đưa xe vào chỗ gửi gần cổng số 1, một cô đến đưa vé, thu ngay 10.000đ và còn hỏi:
– Khám bệnh hay đi đâu? (nói trống không; tôi năm nay sang tuổi sáu mươi, còn cô ta chỉ độ ngoài ba mươi).
– Đến bệnh viện không khám bệnh thì đi đâu – tôi đáp miễn cưỡng.
– Có cần khám ngay không? (vẫn nói trống không)
Tôi biết ngay cô này trông xe kiêm cò mồi nên bảo:
– Tôi khám thế nào kệ tôi.
Khám xong, ra lấy xe, một ông trạc gần năm mươi, ngồi vắt vẻo trên một xe máy cạnh đó, hất hàm hỏi:
– Trả tiền chưa?
– Trả rồi. Tôi đã đưa tiền cho cái cô…
Nhưng tôi lục tìm mãi chẳng thấy chìa khóa đâu. Bỗng một cô trạc bốn mươi, không phải cô lúc nãy, tiến đến hỏi:
– Có thấy chìa không?
– Không.
– Thấy sao được! Nộp phạt vì quên chìa nhé. Lẽ ra 20.000, nhưng đây lấy 10.000 thôi.
Vừa nói cô ta vừa giơ ra chiếc chìa khóa xe của tôi. Tôi đưa cô ta 10.000 và nhận lại chìa. Nhưng cô ta chưa buông tha:
– Có vui vẻ không? Không vui thì thôi.
Tôi nghiêm sắc mặt:
– Vui thì tôi không vui, chẳng cô qua “phạt” thì tôi phải chịu, nhiều hơn nữa chắc tôi cũng phải nộp. Ở cơ quan, tôi vẫn quên chìa khóa xe luôn, nhưng bao giờ bảo vệ cũng cất giúp, và tôi hỏi thì họ đưa lại ngay, không cần điều kiện gì. Khi đó tôi rất vui, còn trường hợp này tôi không thể vui.
– Bác so sánh với cơ quan thế nào được (lúc này cô ta mới gọi tôi là “bác”, chấm dứt nói trống không).
– Tôi nghĩ hoàn toàn giống nhau thôi cô ạ. Ở đâu tôi cũng là người bỏ tiền ra thuê trông xe, và người nhận tiền tôi thì đều có trách nhiệm như nhau, nếu không tôi bỏ tiền ra để làm gì?

Trên đường về tôi nghĩ mãi về một Hà Nội “thanh lịch”, “văn minh” như người ta thường tự hào, về một Việt Nam “huy hoàng” – “Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng” – như các cô cậu thanh niên gào lên suốt mấy ngày nay. Chả biết đứa cháu tôi lương 1 triệu 3 nó có nhập vào đoàn đi gào đường hay không; có thể lắm, vì xem bắn pháo hoa, theo một lãnh đạo Tuyên giáo Hà Nội, còn làm cho người ta quên đói nghèo nữa là đá banh thắng Qatar.

QĐ thưởng toàn thể nhân viên nhân U23 Việt Nam thắng Qatar (nguồn: Tintin.vn)

Như bài trước tôi đã nói, tôi không phủ nhận nỗi mừng vui khi đội bóng của ta thắng (chính tôi cũng vui mà). Nhưng vui đến mức coi là tất cả, tự huyễn hoặc mình, cố tình quên đi, lờ đi những điều vô lý, trái tai gai mắt thường nhật; trước đã vô trách nhiệm, vô văn hóa, trong và sau chiến thắng đá banh này, càng vô trách nhiệm, vô văn hóa hơn, thì sự suy đồi đã tệ hại đến mức nước không thành nước, người không thành người thực rồi.

(FB Thi Đào ngày 25-1-2018)








No comments:

Post a Comment

View My Stats