Friday, 12 January 2018

TUẦN HOÀN CỦA LỊCH SỬ (Lê Mạnh Hùng)



Lê Mạnh Hùng
January 10, 2018

Trong thế kỷ thứ 19, các diễn biến chính trị tại nước Anh thường sau đó được lặp lại tại các nước Châu Âu khác, tuy rằng nhiều khi dưới một hình thức bạo lực hơn. Chuyện này tưởng như đã chấm dứt vào thế kỷ thứ 20, nhất là khi đế quốc Anh chìm xuống để nhường chỗ cho đế quốc Mỹ chi phối thế giới.

Nhưng những chuyện xảy ra trong hai năm gần đây đã cho thấy những đề tài vốn làm trọng tâm trong đối thoại chính trị tại Anh vẫn có giá trị đối với các chính thể dân chủ khác.

Tony Benn và Enoch Powell là hai nhà chính trị gây nhiều tranh cãi vốn chi phối chính trị Anh trong một phần quan trọng của nửa sau thế kỷ thứ 20.

Đứng về cánh hữu là Enoch Powell. Enoch Powell có tất cả để thành công về chính trị, vừa là một học giả sáng giá, một sĩ quan có nhiều huân chương và một nhà cải cách thành công hệ thống y tế Anh, ông Powell đã nằm trên quỹ đạo để lên đến các chức vụ cao nhất cho đến khi bài diễn văn nảy lửa của ông, “núi xương sông máu” đã đẩy ông ra khỏi các chức vụ lãnh đạo đảng Bảo Thủ và dần dà ra khỏi đảng này luôn để trở thành một dân biểu đại diện cho đảng cực hữu Bắc Ireland Ulster Unionist.

Thế nhưng, những lý luận ông đưa ra trong các thập niên 1960 và 1970 nay đã có âm hưởng trên khắp thế giới. Một bên là sự nổi lên hầu như không thể chặn lại của cánh hữu mị dân từ bà Marine Le Pen tại Pháp, đến ông Viktor Orban tại Hungary và quan trọng nhất là ông Donald Trump tại Hoa Kỳ. Bên kia là sự rạn nứt không thể hàn gắn được bên trong đảng Bảo Thủ Anh mà được phản ánh qua sự rạn nứt trong đảng Cộng Hòa tại Mỹ. Đó là vì chính trị cả hai nơi nay bị vấn đề di dân chi phối, mà nghị trình tranh cãi được thực hiện qua những lý luận hầu như có thể lấy thẳng từ những bài diễn văn của Powell.

Đọc lại bài diễn văn nổi tiếng năm 1968 của ông vẫn còn làm người ta trăn trở khi đọc những lý luận trong đó vẫn còn có thể nhận thức rõ ràng trong các cuộc tranh cãi về di dân tại Anh và tại Mỹ.

Trước hết là một ám ảnh với những con số. Powell đặt câu hỏi: “Nếu nó không thể hoàn toàn ngăn chặn được, liệu nó có thể giới hạn được không?” Đây là một quan điểm vốn đã có một tiếng vọng trong các chính sách của chính phủ Bảo Thủ giới hạn di dân xuống còn vài chục ngàn hoặc của chính phủ Trump trong việc cắt giảm số người có thể đoàn tụ gia đình.

Rồi thì đến lý luận áp lực đối với các dịch vụ công ích. Và sau cùng nổi bật nhất là cái quan điểm rằng chính nhưng người dân bản xứ là nạn nhận của di dân, một quan điểm mà ông Trump đã lợi dụng trong các cuộc vận động tranh cử của ông. Những lý luận mà trong những năm 1960-1970 bị coi là ghê tởm và không thể chấp nhận được nay đã trở thành dòng chính.

Về phía tả, Tony Benn là một chính trị gia mà sự nghiệp giống như Enoch Powell sụp đổ giữa dòng nay cũng thấy những chính sách của mình được phục hồi lại trong những người cánh tả. Một vị bộ trưởng thành công trong chính phủ Harold Wilson trong những năm 1960 nhưng sau khi đảng Lao Động thất bại một cách bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử 1970, Tony Benn đã quay mạnh sang tả và uốn nắn chính sách của đảng Lao Động trong thập niên 1970 và 1980 với các chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa cực đoan.

Ông là tác giả của tuyên ngôn năm 1983 của đảng Lao Động được gọi là “bản tuyên ngôn tự sát dài nhất trong lịch sử” mà đã dẫn đến việc đảng Lao Động thất bại liên tiếp trong 13 năm. Phải đến khi Tony Blair vất bỏ những chính sách của Tony Benn và chuyển hướng đảng Lao Động đi sang chiều hướng mới, đảng Lao Động mới có cơ hội trở lại.

Người ta đã tưởng rằng các chính sách đó của Tony Benn nay đã bị vất vào sọt rác của lịch sử. Nhưng cuộc khủng hoảng năm 2008 và những hậu quả của nó đã khiến cho xã hội chủ nghĩa trở thành như có ý nghĩa trở lại.

Tại Anh, lãnh tụ đảng Lao Động Jeremy Corby nay đã mang lại một sức sống mới cho những lời kêu gọi thời 1970 của Benn về quốc hữu hóa và nhà nước can thiệp vào cuộc sống kinh tế qua đầu tư trực tiếp.

Còn tại Hoa Kỳ, ứng cử viên Bernies Sanders đã kích động một thế hệ thanh niên trẻ với những chính sách phúc lợi kiểu xã hội chủ nghĩa trong chiến dịch tranh cử thất bại của ông chống lại bà Hillary Clinton.

Dù chúng ta có ghét hay thích họ, các ông Benn và Powell đều là những người đáng được tìm hiểu một cách cặn kẽ để có thể biết được những gì sẽ xảy ra khi trung khu chính trị sụp đổ và những tư tưởng biên duyên nổi lên lấn chiếm vị trí của chúng. (Lê Mạnh Hùng)








No comments:

Post a Comment

View My Stats