Friday 12 January 2018

TRÍ THỨC VIỆT NAM HÃY TỰ XÉT & ĂN NĂN (Việt Tuệ)



11/01/2018

Ngày nào chế độ độc tài này còn tồn tại thì ngày đó nhân dân Việt Nam còn đau khổ và còn nhiều lầm than. Trí thức Việt Nam hãy mạnh dạn thoát ra khỏi cái bóng của kẻ sĩ, xin các vị hãy đảm nhiệm đúng vai trò và trách nhiệm của mình trước quốc gia và dân tộc. Mong các vị hãy nhớ rằng không có triều đại nào, không có chế độ chính trị nào là vĩnh cữu, tất cả chỉ là nhất thời, chỉ có đất nước và dân tộc mới trường tồn.

Dẫu biết là đất nước có lúc hưng thịnh có lúc suy vong, trách nhiệm đều thuộc về tất cả mọi người. Thế nhưng dù ở xã hội nào và giai đoạn lịch sử nào thì những mối quan tâm và ưu tư về đất nước, xã hội, luôn luôn chỉ là của một thiểu số nhỏ, là tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc, còn lại đại đa số bộ phận quần chúng họ có những mối quan tâm riêng của mình như phải lo lắng về đời sống của cá nhân và gia đình.

Con người đã xuất hiện và sinh sống trên trái đất này hàng triệu năm, từ thuở hoang dại cho đến văn minh ngày nay, và trong dòng lịch sử đó thì tất cả các cuộc hành trình của mọi dân tộc trên thế giới này đều là những cuộc hành trình tìm về tự do và dân chủ. Những cuộc hành trình này đều luôn được khởi xướng và được lãnh đạo bởi tầng lớp trí thức. Mọi đất nước, mọi dân tộc đều ở trong cuộc hành trình này và không loại trừ nước Việt Nam chúng ta.

Đất nước chúng ta có một chiều dài lịch sử dài hàng ngàn năm nhưng trong những năm tháng đó chúng ta là dân nô lệ, trong cả hàng ngàn năm đó thì đến giữa thế kỷ XX tự do và dân chủ đã chỉ mới ló dạng tại miền Nam và sau đó vụt tắt đi nhanh chóng. Chúng ta có chủ quyền và có độc lập dân tộc nhưng chúng ta chỉ là nô lệ của một dòng vua nào đó. Người Việt cũng thường hay tự hào là ông cha của mình đã đánh đuổi quân ngoại xâm, quân Hán, quân Mông, quân Minh... nhưng nhiều người không biết rằng chúng ta chỉ đổi một ách nô lệ ngoại bang lấy một ách nô lệ bản xứ.

Giai đoạn hiện nay rất quan trọng vì dòng lịch sử sắp thay đổi, đất nước chúng ta đang và sắp chuyển mình về kỷ nguyên của dân chủ. Một trang sử mới đang được mở ra, tuy nhiên có một điều bất bình thường và cũng rất đáng buồn là tầng lớp trí thức Việt Nam không đảm nhiệm đúng vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong mọi giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Tầng lớp trí thức luôn luôn là thành phần quyết định cho mọi hành trình của dân tộc vì những cuộc hành trình này phải được họ khởi xướng, cũng như lãnh đạo và dẫn dắt. Nhưng thật thất vọng để nói rằng đất nước chúng ta chưa có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa như vậy. Đó chính là lý do tại sao chúng ta có một bề dài lịch sử nhưng đến nay dân tộc chúng ta vẫn là một dân tộc bị tước đoạt và chưa có những quyền con người cơ bản nhất. Và đó cũng chính là lý do tại sao ách độc tài này còn đè đầu cưỡi cổ và cai trị chúng ta dù nó là một chế độ tội ác và gây đổ vỡ nhiều nhất nhất trong lịch sử. Chỉ có thể khẳng định rằng đất nước Việt Nam không có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa vì văn hóa của chúng ta không thể đào tạo ra các trí thức mẫu mực.

1. Tầng lớp trí thức Việt Nam là ai ?

Sẽ có ích khi làm rõ khái niệm và định nghĩa đúng người trí thức là người như thế nào, vì danh từ này rất hay bị lạm dụng cho nên chúng ta phải làm rõ trước khi đi sâu vào vấn đề. Nhiều người Việt Nam thường hay hiểu trí thức là người có học vị cao, có nhiều bằng cấp, có một địa vị xã hội… nhưng thực tế không hề đúng như vậy, vì rõ ràng có nhiều người không lên đại học, họ tự học và họ giỏi hơn những người có học đại học rất nhiều. Nếu dùng bằng cấp để định nghĩa người trí thức thì hoàn toàn không đúng, và cũng có nhiều người không giữ một chức vụ nào nhưng nhân cách và đạo đức của họ còn đáng kính hơn vạn lần so với nhiều quan chức.

Trong từ điển tiếng Anh thì từ intellectual (trí thức) có nghĩa là người có công việc não bộ, tức là lao động trí óc, đó là định nghĩa thông thường trong các loại từ điển. Còn văn hóa của Trung Hoa dùng những danh xưng như : sĩ, nho, thánh hiền, văn nhân (hay thu nhân) tức là người thích đọc sách bởi vì họ cho rằng người trí thức là người thích đọc sách, tìm hiểu những sự cần thiết trong sách vở tức là người thông thái. Ở Hy lạp, La Mã cổ đại trí thức được định nghĩa là những triết gia hay những nhà hiền triết ưa thích sự tranh luận (philosopher). Một học giả người Trung Hoa định nghĩa trí thức là người hiểu biết, biết trước và tiên liệu được tương lai và dùng những điều đó đóng góp cho đất nước và dân tộc.

Đảng cộng sản Việt Nam trong nghị quyết 27 NQ/TW năm 2008 định nghĩa trí thức là những người lao động trí óc có năng lực tư duy độc lập.

Vậy thế nào là người trí thức ?

Xin được chia sẻ nhận định của ông Nguyễn Gia Kiểng (nhà tư tưởng, nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XXI) định nghĩa người trí thức là : 

Những người do được đào tạo hay tự học đã đạt tới một trình độ hiểu biết và lý luận trên trung bình, quan tâm tới những vấn đề chính trị và xã hội, suy nghĩ một cách lương thiện, biết tự đặt cho mình những câu hỏi và tìm câu trả lời của mình cho những câu hỏi đó và sẵn sàng thách thức mọi thế lực để bảo vệ quan điểm của mình. Người trí thức phải suy nghĩ một cách độc lập và do đó không thể chấp nhân một sự chỉ đạo tư tưởng nào cả.

Nhận định này được xem là đúng đắn nhất và được chia sẻ bởi các học giả và các trí thức trên thế giới.

Sau khi đã định nghĩa và phác họa chân dung của một người trí thức thì chúng ta thấy rằng Việt Nam hiện nay không phải là không có trí thức nhưng đây là một thiểu số rất nhỏ và chưa đủ đề hình thành lên một tầng lớp trí thức. 

Một câu hỏi nhức nhối được đặt ra sau đó là tại sao dân tộc chúng ta có một bề dài lịch sử, có một nền văn hiến lâu đời nhưng chúng ta không có nổi một tầng lớp trí thức đúng đắn ? Chỉ có thể trả lời rằng văn hóa của chúng ta tồi, văn hóa của Việt Nam không thể đào tạo ra các trí thức mẫu mực mà chỉ có thể đạo ra những con người mà mộng đời là được làm tay sai không điều kiện cho các bạo quyền để hà hiếp và bóc lột những người dân cùng khổ. Họ dành cả cuộc đời để học những kinh điển cũ kỹ không liên quan gì tới thực tế và được bổ nhiệm làm quan cai trị sau khi đậu những khóa thi thơ phú vớ vẩn.

Nhân loại từ thời thượng cổ cho đến những thế kỷ gần đây đều theo đuổi và chịu ảnh hưởng cùng một triết lý duy nhất của thế giới là nhất nguyên, và ngay cả bây giờ tư tưởng nhất nguyên vẫn còn rất mạnh. Tư tưởng nhất nguyên hiện diện và thống trị trong mọi sinh hoạt của xã hội con người, từ chính trị cho đến văn hoá. Dân tộc chúng ta cũng đã chịu đựng và nuôi dưỡng một triết lý nhất nguyên đó là Nho giáo. Trong giai đoạn đầu của một ngàn năm bắc thuộc chúng ta được người phương bắc đến giáo hóa và bắt đầu kể từ giai đoạn này nước ta chính thức hấp thụ Nho giáo và coi nó như một chân lý.

Nho giáo (còn được gọi là Khổng giáo mà theo tiếng Anh gọi là Confucianism) là một hệ tư tưởng lấy Nho gia hoặc Nho sĩ làm căn bản cho mình, bao gồm các chuẩn mực về đạo đức, triết lý và tôn giáo, được thực hành nhằm bảo tồn một nền chuyên chế bền vững, theo đó cả ba quyền lực khác nhau : lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều được tập trung vĩnh viễn vào một cá nhân duy nhất được gọi là Vua hoặc Thiên tử.

Theo Hán tự, chữ "Nho" () được tạo thành bởi chữ "Nhân" (, tức là Người) ghép với chữ "Nhu" (, tức là Cần thiết hoặc Nhu cầu). Chuyển dịch đầy đủ, "Nho" có nghĩa là người cần thiết cho việc gì đó hoặc người cần được dùng vào việc nào đó. Từ đó suy ra rằng, "Nho" có nghĩa là con người công cụ hoặc con người được dùng làm phương tiện (cho người khác sử dụng). Quả thật, thực tế xã hội đã chứng thực rằng, nho sĩ (hoặc "nhà nho" theo Việt ngữ) chẳng qua chỉ là người cần thiết để các vua chúa trị nước mà thôi, tức là tầng lớp được đào tạo để làm tay sai hoặc đầu sai cho vua chúa cai trị tất cả các tầng lớp dưới. Vậy Nho giáo ( ) chính là một hệ tư tưởng vong thân, tức là cái hệ tư tưởng làm cho người ta bị đánh mất mình.

Khổng Tử chỉ là một trong nhiều người đã tham gia phát triển Nho giáo nhưng ông là người đã đóng góp nhiều nhất khiến Nho giáo được hiểu thành Khổng giáo như đã thấy về thuật ngữ ở trên.

Nho giáo rất phát triển ở Đông Á châu, bao gồm nước Tàu, Việt nam, Triều tiên, và Nhật bản. Ở đó, những người chuyên thực hành các chuẩn mực tín điều được xác lập bởi Nho giáo được gọi là Nho sĩ, hoặc nhà Nho theo Việt ngữ.

Một triết lý được thể hiện nhiều lần trong Luận ngữ mà Khổng Tử dạy các học trò của mình : "Nước nguy thì chớ vào, nước loạn thì chớ ở, hoàn cảnh tốt thì ra làm quan, hoàn cảnh xấu thì ẩn mình". Triết lý này của Khổng Tử rõ ràng là triết lý vô tổ quốc, nó chối bỏ cái trách nhiệm trước cộng đồng và quốc gia, rõ ràng ông không nhìn nhận bất cứ một bổn phận nào đối với đất nước cả, ông chỉ coi nước là của một chủ, kẻ sĩ thấy phục vụ ông chủ đó có lợi thì làm không có lợi thì thôi.

Cái triết lý ở ẩn mà Khổng Tử nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Luận Ngữ và sau này đã trở thành cả một đạo sống của nho sĩ, thái độ của kẻ sĩ rất rõ rệt : Chỉ mưu lợi cho mình và sống trung thành với nghề sĩ, nghĩa là nghề đi học và làm quan của mình. Phải nói rằng các nho sĩ rất có đạo lý nghề nghiệp. Họ trung thành tuyệt đối với người chủ đã dùng họ và dù được làm quan hay thất nghiệp họ vẫn hãnh diện với nghề của mình và tôn trọng những giá trị của nó. Những nhà nho không có tổ quốc, họ chỉ biết tới các tổ nghề, nghĩa là các thánh hiền của họ, và người chủ tuyển dụng họ, nghĩa là nhà vua.

Nguy hiểm hơn nữa là hệ tư tưởng này coi đất nước là của riêng một dòng vua, trong xã hội Khổng giáo thì đất nước chỉ là một tài sản, một vùng sở hữu của riêng vua, những con người sống trên đất nước đó thì chỉ là nô lệ của vua. Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt mà chúng ta coi là một bài thơ yêu nước cũng chỉ nhắc lại quan niệm đó : Nam quốc sơn hà Nam đế cư (núi sông nước Nam là của vua nước Nam).

2. Sự khủng hoảng của tầng lớp trí thức Việt Nam

Rõ ràng là chúng ta đã thấy sự khủng hoảng này kéo dài từ trong lịch sử cho tới tận đến ngày hôm nay, không phải là một vấn đề mới xuất hiện gần đây mà nó đã là một nỗi đau trường tồn, một nỗi nhục của trí tuệ và con người Việt Nam trong hàng ngàn năm. Đó là sự khủng hoảng của nhân cách, của trí tuệ, của vai trò cũng như trách nhiệm của tầng lớp trí thức Việt Nam.

Tình hình đất nước hiện nay rất nguy ngập, những bất công và sự lạm quyền của tầng lớp cai trị nó phá hoại và gây đỗ vỡ trong tất cả mọi địa hạt. Những vấn nạn của xã hội, con người, văn hóa, đạo đức, chủ quyền, giáo dục, y tế, môi trường, thực phẩm v.v. đều đã hạ cấp một cách trầm trọng, và quan trọng hơn nữa chúng ta là một đất nước đã mất chủ quyền, chúng ta mất chủ quyền ngay trên chính đất nước mình.

Chúng ta mất quyền làm chủ đất nước mình vì chúng ta bị tước đoạt những quyền con người cơ bản nhất và đảng cộng sản Việt Nam hành xử như một lực lượng chiếm đóng và còn ngang nhiên tuyên bố tự cho mình cái quyền cai trị đất nước một cách vô thời hạn. Đây là một thái độ xấc xược và đảng cộng sản đang thách đố toàn thể nhân dân Việt Nam. Chúng ta cũng mất những mảnh đất thiêng liêng mà ông cha của mình đã phải bỏ xương máu ra để gìn giữ và xác lập chủ quyền. Thác Bản Giốc, Nam Quan, Lão Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa đều đã được đảng cộng sản dâng cho Trung cộng.

Phải nói là đảng cộng sản đã là một tai họa cho đất nước chúng ta. Sẽ không thể có một giải pháp nào cho Việt Nam hiện nay nếu chế độ độc tài cộng sản còn tồn tại, mọi hy vọng về cải tổ chế độ từ bên trong hay chờ đợi sự sụp đổ về kinh tế hoàn toàn sai lầm mà thậm chí còn tai hại.

Đảng cộng sản đã quá phân hóa đến nỗi không thể lấy được một quyết định chung. Và cũng không một ai trong đảng có đủ khả năng và đạo đức để chuyển biến tình hình, các nhóm quyền lực, lợi ích đang mâu thuẫn và xử lý lẫn nhau qua chiêu bài chống tham nhũng.

Đảng cộng sản đang có xu hướng chuyển từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Và đáng buồn thay là "cá nhân độc tài" này lại là một ông lão 73 tuổi và nổi tiếng là "lú". Tương lai của đảng cộng sản cứ nhìn vào ông ta thì rõ.

Theo các thống kê hiện nay thì Việt Nam có khoảng 60.000 ngàn thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư. Những con người này họ là các giảng viên trong các trường đại học, hoặc là những chuyên viên có trình độ và họ hiểu biết hơn quần chúng. Trong 60.000 ngàn người thì có một con số lạc quan là khoảng 50% trong số họ là người có thực học và có năng lực còn lại là những người mua bằng cấp và sử dụng những tấm bằng này để mưu cầu địa vị xã hội của riêng mình.

Những người này và nhiều người khác là hậu duệ của giai cấp sĩ ngày trước, như đã giải thích ở trên, những người mà mộng đời chỉ là được làm quan, nghĩa là làm công cụ, tay sai cho các vua chúa để thống trị dân chúng. Và tâm lý kẻ sĩ vẫn còn rất mạnh, đại đa số những người này vẫn còn coi chính trị là dơ bẩn và tìm cách xa lánh chính trị. Những người này không khác gì tầng lớp sĩ phu trước đây, có hơn là sự hiểu biết của họ đã dồi dào hơn thế hệ trước. Ngày hôm nay họ vẫn chấp nhận và cúi đầu trước bạo quyền và còn mong muốn được nhận sự ân sủng của nó và thậm chí họ còn đàn áp và chống lại nguyện vọng của nhân dân hiện nay.

Phải nói rằng trí thức Việt Nam đã thiếu trái tim để đau, thiếu tinh thần dân tộc để thấy nhục và họ cũng thiếu nhân cách để nhìn nhận và đảm lãnh vai trò của mình. Thật không quá đáng khi nói họ và tầng lớp sĩ phu trước đây là một nỗi nhục của trí tuệ và con người Việt Nam.

Trước tất cả những nỗi đau đã xảy ra trên đất nước này thì xin hỏi là trí thức Việt Nam đã làm gì để sống xứng đáng với vai trò của mình ?

Trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam ngày hôm nay là đưa đất nước ra khỏi hoàn cảnh bế tắc hiện tại và mau chóng thiết lập một nền dân chủ. Nhưng giải pháp của Việt Nam hiện nay khó lòng có thể trông mong gì ở tầng lớp "trí thức" hiện tại, chỉ khi nào họ ý thức được số phận của mình gắn liền với vận mệnh đất nước và họ kết hợp được với nhau trong một tổ chức cũng như đồng thuận trên một dự án chính trị thì nước Việt Nam mới có tương lai.

Cái cây Khổng giáo đã chết đứng nhưng cái rễ của nó vẫn còn ăn sâu và ngự trị trong văn hóa của Việt Nam. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể lạc quan về tương lai, vì trong một, hai thập niên gần đây đất nước chúng ta đã hình thành lên một lớp người mới. Lớp người này chưa từng xuất hiện và chưa từng có trong lịch sử Việt Nam đó là tầng lớp trí thức chính trị, những người này đại đa số họ đều là những người trẻ, là những sinh viên trong trường đại học, là những người trẻ có tấm lòng với đất nước. Họ dứt khoát đấu tranh và đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam ngay tức khắc, và họ cũng nhất quyết bác bỏ thứ văn hóa nô lệ Khổng giáo, những người trẻ này chính là sức sống và niềm tự hào của Việt Nam trong tương lai.

Trên đây chỉ là đôi điều suy nghĩ của một công dân, tôi chỉ nói sự thật và mong quý vị đón nhận. Vị thuốc cay đắng nhất cũng là vị thuốc bổ nhất vì nó giúp chúng ta chữa được chứng bệnh của bản thân mình.

Việt Tuệ
(11/01/2018)









No comments:

Post a Comment

View My Stats