Monday, 3 October 2016

VỤ FORMOSA : CẦN "LẤY DÂN LÀM GỐC" (BBC Tiếng Việt)




2 tháng 10 2016

Trong vụ người dân địa phương ở Việt Nam kiện doanh nghiệp sản xuất thép Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan, chính quyền cần 'lấy dân làm gốc', theo ý kiến của giới phản biện, giám định xã hội và chính sách công tại Tọa đàm của BBC.

Trao đổi với Bàn tròn của BBC Việt ngữ tuần này với chủ đề 'Đơn kiện Formosa và tín hiệu từ xã hội dân sự', Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn, chuyên gia phản biện xã hội từ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nêu quan điểm về tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' của nhà nước và chính quyền trong vụ kiện, ông nói:

"Trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng lời giải nằm ở mấu chốt là khi có những mâu thuẫn xảy ra, thì phải biết làm sao giải quyết bài toán cân bằng lợi ích của các bên trong tiến trình phát triển.
"Trong tiến trình phát triển này chúng ta thấy trụ cột bao giờ cũng có ba chủ thể đấy là những quyền lợi của nhà nước, chúng ta thấy rõ trong tiến trình vừa qua, nhà nước cố gắng bảo vệ quyền lợi nhà nước thế nào, thứ hai là quyền lợi của doanh nghiệp.
"Nhưng mà cái thứ ba chúng ta phải giải quyết trong trường hợp này, đấy là quyền lợi của người dân, quyền lợị của bên xã hội dân sự, và như thế nếu chúng ta đặt bài toán giải quyết phải cân bằng quyền lợi, lợi ích của ba bên, tức là lợi ích của người dân không được bỏ qua, không được xem nhẹ, thì tôi nghĩ cái tâm trước hết của những người tham gia giải quyết phải đứng trước góc độ như thế thì chúng ta (Việt Nam) sẽ tìm được lời giải."

Và nhà quan sát xã hội dân sự này nói thêm:

"Ở đây có thể nói các cụ thời xưa đã dạy việc lấy dân làm gốc, thì trong trường hợp này cũng vậy thôi, chúng ta cũng phải xét, giải quyết vấn đề xuất phát từ vấn đề của người dân, hay nói khác đi, nếu người dân đã có những bức xúc, đã có việc đưa đơn, thì việc trước mắt là tiếp nhận đơn để thụ lý giải quyết, tôi nghĩ đấy là một điều hợp tình, hợp lý. Bước tiếp theo là phải thực tâm giải quyết vấn đề này...," Tiến sỹ Trần Tuấn nói với Bàn tròn của BBC.

'Không được từ chối'

Bình luận về khả năng vụ kiện Formosa sẽ được nhà nước Việt Nam xử lý như thế nào, từ Văn phòng luật sư Hưng Đạo - Thăng Long, Luật sư Lê Văn Luân nói:

"Vì thế lưỡng nan rơi vào việc (Chính phủ) đã nhận tiền bồi thường của Formosa, thế nhưng một bên người dân, có những ngư dân không đồng ý và đang thực hiện thủ tục khởi kiện, thì đương nhiên Chính phủ là một cơ quan hành pháp, không phải tư pháp, nên việc nói rằng có can thiệp hay không thì chúng ta chưa thể khẳng định, biết trước được.
"Nhưng về mặt pháp luật tố tụng, hiện tại cơ quan Tòa án không được tự chối thụ lý vụ án dù bất cứ lý do nào, vì thế nếu có sự từ chối thụ lý thì đây chính là từ chối thực hiện pháp luật, mà điều này là điều nghiêm cấm ở trong Bộ luật Tố tụng mới (2015).
"Thì điều này theo tôi đặt ra hoàn cảnh cho Chính phủ vô cùng khó khăn về việc nếu không thụ lý, xử lý, thì đây sẽ là việc từ chối thực hiện pháp luật, cực kỳ nguy hiểm đối với việc thượng tôn pháp luật và duy trì pháp luật, kể cả việc từ Hành pháp thò tay sang Tư pháp - cái đó là cái mà chúng ta đang cần phải tách bạch.
"Mà trong quá trình thượng tôn pháp luật, tuyệt đối chức năng của ba cơ quan khác nhau thì phải có những hành xử khác nhau, và như (nhà hoạt động) Nguyễn Anh Tuấn đã nói là phải độc lập.

"Và pháp luật cũng đã quy định là chỉ có tuân theo pháp luật thôi, Tòa án không bị can thiệp bởi bất cứ điều gì khác, nên việc này các ngư dân đương nhiên cũng đã được tư vấn, được trợ giúp pháp lý từ các luật sư, nên tôi nghĩ rằng việc từ chối thụ lý đơn vô cùng khó.
"Đây là những cái tôi nhận định về việc này vì đây là thảm họa vô cùng lớn, kể cả quốc tế cũng còn quan sát, nên chuyện này tôi nghĩ sẽ kéo dài thời gian thôi, chứ còn việc thụ lý, tôi nghĩ vẫn phải có," Luật sư Lê Văn Luân nói với Bàn tròn thứ Năm.

'Tình thế bế tắc?'

Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Thị Loan đưa ra bình luận:

"Tôi nghĩ vấn đề này rất là khó, không biết là sẽ giải quyết thế nào, nhưng nếu để giải quyết thấu đáo, tôi e rằng là rất khó.
"Tôi cũng có những cảm nhận rằng có thể sẽ có sự kéo dài và có thể có sự thỏa thuận ngầm nào đấy.
"Nhưng nếu không giải quyết một cách thấu đáo, mà từ chối đơn thư, hoặc không xử lý, không giải quyết cho người dân, thì nó sẽ nảy ra những câu chuyện đằng sau, kéo dài đằng sau và những ý kiến nảy sinh ra nữa sẽ còn nữa.
"Còn nếu giải quyết cho người này, thì cũng sẽ có rất nhiều ý kiến, rất nhiều đơn thư khác nữa và không chỉ có ngư dân đâu, mà dịch vụ, tất cả những ngành nghề liên quan đến biển, đến môi trường..., tôi không biết là chính phủ sẽ giải quyết thế nào được.
"Và tôi cảm nhận cái này sẽ rơi vào tình thế bế tắc rất là khó khăn.
"Cho nên, giải quyết cho thấu đáo cũng không giải quyết nổi. Mà không giải quyết, thì cũng không thể được, cho nên không hiểu là sẽ đi theo con đường nào.
"Còn nếu giải quyết một cách duy ý chí, để rồi dập nó đi, thì cũng không hiểu rồi cái gì sẽ xảy ra?

"Cho nên ba hướng ấy, tôi đều không hình dung được nó sẽ xảy ra như thế nào và kết thúc nó sẽ như thế nào," cựu Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan nói với BBC.

'Không thể yên thân'

Từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ nêu quan điểm:

"Tôi vẫn thiên về hướng là chính quyền cần phải có một thái độ cởi mở để tiếp nhận đơn của tất cả. Còn sau khi đó giải quyết như thế nào thì đây là một vấn đề rất phức tạp. Chúng ta không chỉ bàn đến tiền, tức là bồi thường bao nhiêu, mặc dù chưa thực sự hoàn thiện, nhưng trong những luật của chúng ta (Việt Nam), đã quy định rõ và lúc ấy bắt đầu có một cái tính toán và thỏa thuận giữa người bị thiệt hại, tức là các (người) dân sống và chịu những thiệt hại này cũng như bên gây thiệt hại...
"Mặc dù Formosa như nói vừa rồi, từ chối trách nhiệm, nhưng tôi nghĩ... việc Formosa định đẩy quả bóng này sang cho chính quyền khi mà chính quyền đã có vẻ đồng ý với mức bồi thường 500 triệu đô-la rồi, thì cũng không phải là yên thân làm ăn ở khu vực đó cũng như ở đất nước ta (Việt Nam) được.
"Mà Formosa cũng nên có một thái độ cầu thị, có nghĩa là anh cũng phải tham gia vào quá trình này, làm lại đi! Thế còn không có, thì không thể tồn tại ở đất nước này với những bức xúc như hiện nay về vấn đề môi trường, cũng như những chỉ thị của Thủ tướng gần đây về việc phải làm lại vấn đề về môi trường, không chỉ ở trên một địa bàn nào mà tất cả nước đều phải làm điều này.
"Cho nên tôi nghĩ Formosa không thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề này, mặc dù có thể khó khăn, nhưng Chính phủ, chính quyền cũng nên tiếp nhận các đơn và giải quyết một cách trình tự. Và trong khi giải quyết theo trình tự, nó sẽ nảy sinh những vấn đề khác, thí dụ như vấn đề mức bồi thường thiệt hại là bao nhiêu, những gì được bồi thường, những gì không được bồi thường phải theo đúng quy định của pháp luật, cũng như có thể có những vận dụng những ứng xử khác.
"Mà trong đây vẫn còn những cơ hội thỏa thuận, chứ không phải là người dân đưa ra một mức bồi thường thiệt hại nào thì chính phủ cũng phải chấp nhận, bởi vì trong luật cũng quy định rõ rồi, chứ không phải là với (bất cứ) mức nào.

"Và do đó cũng có thể có những thỏa thuận nữa và chính sự thỏa thuận này cũng là một lối thoát cho chính quyền và hơn nữa, khi nhìn thẳng vào sự thật thì chính phủ phải rút ra những bài học kinh nghiệm ứng xử đối với trường hợp Formosa vừa rồi, thì tôi nghĩ Formosa phải chấp nhận, chứ không phải là chuyện chúng ta kêu gọi đầu tư với mọi giá, như là Thủ tướng (Nguyễn Xuân) Phúc đã từng nói là không thể đánh đổi kinh tế lấy vấn đề môi trường mà như hiện nay như vậy," nhà phân tích chính sách công nói với BBC.

------------------------------

Tin liên quan





No comments:

Post a Comment

View My Stats