Wednesday, 19 October 2016

TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI VIỆT KHÔNG TỔ QUỐC TRÊN ĐẤT MỸ (Ngọc Lan/Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
October 18, 2016

WESTMINSTER, California (NV) – “Tôi không chỉ là một thiếu niên, tôi còn là một người tù khổ sai, một người không quốc tịch Mỹ. Tôi đến Mỹ hai năm trước khi bị vào tù, không nói được tiếng Anh. Nhưng từ trong nhà tù, tôi đã lấy được GED, và bằng cao đẳng… Tôi từng nghĩ khi mãn hạn tù, tôi có thể hoàn toàn là một con người mới. Nhưng hiện tại, tôi lửng lơ trong tình trạng có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào. Tôi được trả tự do, nhưng tôi phải sống cuộc đời bất định, bởi vì một ngày nào đó, người ta có thể bắt tôi phải xa lìa vợ tôi, gia đình tôi.”

Tùng Nguyễn, một người Việt không tổ quốc trên đất Mỹ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ðó là những gì Tùng Nguyễn bắt đầu phần nói chuyện của mình trước các nhà lập pháp tại Quốc Hội Mỹ ở Washington, DC, hôm 28 Tháng Chín như thế, trong chương trình lên tiếng góp phần vào việc đề nghị có những thay đổi cho một điều luật được ký từ 20 năm trước liên quan đến việc trục xuất người phạm tội sau khi thụ án, do trung tâm Southeast Asia Resource Action Center (SEARAC) đề xướng.

Ngược dòng quá khứ

Năm 1993, ở tuổi 16, Tùng bị bắt vào tù vì liên đới đến một vụ giết người, dù Tùng không phải là hung thủ.

Bản án “25 năm đến chung thân vì tội giết người cấp độ 1” được ấn lên người chàng trai chưa kịp đến tuổi trưởng thành một cách lạnh lùng.

Theo luật, ở lứa tuổi 16, đúng ra Tùng phải được đưa vào tù dành cho trẻ vị thành niên, và đến 25 tuổi sẽ được về nhà. Thế nhưng, với những nghịch lý mà không phải ai cũng có điều kiện và sự hiểu biết để đòi lấy công bằng, Tùng bị đưa thẳng lên “nhà tù lớn” với bản án không đổi là 25 năm đến chung thân.

Tuy nhiên, với những thay đổi tích cực mà Tùng làm được trong thời gian ở tù, đến năm 2011, anh là tù nhân duy nhất được Thống Ðốc California Jerry Brown ký lệnh tha ngay lập tức sau 18 năm thụ án.

Tùng ra tù và sống với tâm niệm mà anh đã nói với nhân viên giám sát của sở cảnh sát rằng, “Bây giờ tôi không chỉ sống cho một mình tôi, mà tôi sống cho cả người đã chết trong vụ án của tôi ngày trước, dù tôi không phải là người làm anh ấy chết.”

“Anh ấy chết khi mới 19 tuổi, mất hết tương lai, mất tất cả những gì ảnh chưa kịp có. Khi đó tôi cũng không còn gì, cũng mất hết. Nhưng bây giờ, tôi được ra ngoài, tôi phải sống cho cả anh ấy, bởi vì điều tôi có hôm nay anh ấy không có, ba mẹ anh cũng không thể có,” Tùng nói sau khi ra tù vào Tháng Tư, 2011.

Luật trục xuất tội phạm không phải công dân

Từ ngày ra tù đến nay đã năm năm rưỡi, Tùng vừa phải lo cho cuộc sống mưu sinh, vừa tham gia nhiều những hoạt động cộng đồng, nhằm tìm ra các phương cách giúp đỡ cho những người ở trong hoàn cảnh tương tự như anh, cũng như để làm tròn lời hứa của mình với người đã khuất.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống với những luật lệ khắt khe, dường như là một thử thách nghiệt ngã đến tận cùng với những người như Tùng.

Vào tù năm 16 tuổi, tuổi chưa đủ để tự xin cho mình cái quyền được trở thành công dân Hoa Kỳ, và rồi cái quyền đó anh cũng vĩnh viễn không có. Dĩ nhiên, tấm thẻ xanh của anh cũng bị thu hồi.

Không dừng lại ở đó, cuối Tháng Chín, 1996, Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành đạo luật mang tên Luật Cải Cách Di Dân Bất Hợp Pháp và Trách Nhiệm của Người Nhập Cư (IIRAIRA).

Tùng Nguyễn tại buổi nói chuyện ở Quốc Hội Hoa Kỳ. (Hình: Tùng Nguyễn cung cấp)

Nội dung của đạo luật này liên quan đến việc bắt giam và trục xuất bắt buộc đối với những người không phải công dân Mỹ hoặc không có giấy tờ mà có tên trong danh sách vô số những tội danh được liệt kê, bao gồm cả tội ăn cắp ở siêu thị, giả mạo chữ ký, tàng trữ ma túy. Luật này áp dụng với cả những người đã phạm tội từ hàng chục năm trước.

“Luật đó cho rằng bất cứ người nào trước khi trở thành công dân Mỹ mà phạm tội mang án tù từ một năm trở lên sẽ ngay lập tức bị đưa vào chương trình trục xuất về nước sau khi mãn án tù,” Tùng giải thích thêm.

Với luật mới này, tất cả những ai ở tù một năm, năm năm hay 10 năm và hơn nữa, sau khi mãn hạn, ra tù, sẽ bị đưa sang Sở Di Trú chờ ngày trục xuất về cố quốc.

“Tuy nhiên, đó là với những nước có hiệp định dẫn độ. Năm 2008, Việt Nam có hiệp định dẫn độ với Mỹ, nhưng họ không chịu nhận những người đến Hoa Kỳ trước năm 1995. Cho nên những người như tôi được tiếp tục sống ở đây, chờ khi nào hai nước thỏa thuận xong thì họ trả về,” Tùng nói tiếp.

Thực tế đắng ngắt với người chưa có cơ hội trở thành công dân Mỹ

Tùng cho biết, “Theo lẽ bình thường, khi ra tù ai cũng có cơ hội làm lại cuộc đời, có cơ hội nhận đầy đủ những phúc lợi từ chính phủ về bảo hiểm y tế, việc làm, học hành, an sinh xã hội từ cấp tiểu bang hay liên bang.”

“Nhưng đó là đối với người có quốc tịch Mỹ,” anh nói. “Ðối với người sống trong tình trạng ‘không có giấy tờ’ như tôi thì bên cạnh việc không được hưởng bất cứ quyền lợi gì, cuộc sống cũng hoàn toàn bấp bênh, vô định.”

Anh nói với nụ cười chua chát, “Quá khứ tôi làm tội, tôi bị tù, coi như tôi đã trả nợ xong hết rồi. Giờ tôi ra làm lại cuộc đời, nhưng mà lệnh trục xuất cứ như sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trước mặt. Tôi sống ở đây trong tình trạng một năm, năm năm, 10 năm, hay 20 năm nữa, không biết, đùng cái Việt Nam thông báo chấp nhận việc trục xuất, thế là họ xách đầu những người như tôi trả lại Việt Nam.”

“Tôi và những người như tôi sống với tâm trạng của người vô chính phủ, không quê hương, không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì của Hoa Kỳ, nhưng để đi về nơi gọi là quê hương thì cũng không ai nhận hết, mà đó có còn là Việt Nam của mình đâu,” anh cắn môi, nén tiếng thở dài.

Theo lời Tùng, với những người trong tình trạng chờ ngày trục xuất như anh, chính phủ Hoa Kỳ cũng tạo điều kiện cho đi tìm việc làm nếu nộp đơn xin giấy phép đi làm (work permit).
“Nhưng muốn có giấy này thì phải đóng lệ phí $380 mỗi năm. Những người ra tù, không gia đình, không người thân, không có gì hết thì tìm đâu ra số tiền đó để mà đóng? Vì như tôi đã nói, họ không có quốc tịch, không giấy tờ gì nên không được hưởng bất cứ quyền lợi tối thiểu nào hết. Ngay cả khi có được giấy phép đi làm, vài tháng, chủ muốn cho làm toàn thời gian, kiểm tra thấy lý lịch tù tội, cho nghỉ việc, lại đi tìm kiếm việc, ngó qua ngó lại, hết năm, giấy phép đi làm hết hạn, lại kiếm tiền đóng để có giấy mới, mà khi giấy hết hạn cũng không thể xin tiền thất nghiệp luôn,” Tùng nói.

Không dừng lại ở đó, khi lệnh trục xuất vẫn còn treo lơ lửng, mỗi năm một lần, những người như Tùng lại phải đến trình diện Sở Di Trú. “Nhưng đi vô rồi có đi ra hay không là hoàn toàn không biết, vì họ có quyền giữ mình bất cứ lúc nào, và điều này có thể xảy ra cho bất cứ ai.”

“Tôi còn một năm rưỡi nữa là hết án quản chế của án lệnh. Nhưng án của liên bang về trục xuất thì cứ lơ lửng treo trên đầu suốt đời không biết bao giờ họ thực hiện,” Tùng cho biết.
Hiện tại, Tùng có gia đình. Vợ anh có quốc tịch Mỹ, nhưng vẫn không thể bảo lãnh cho anh để sau này trở thành công dân Hoa Kỳ vì đạo luật IIRAIRA.

“Ðó cũng là lý do tôi không dám có con, dù vợ chồng tôi rất muốn. Tôi không thể nào chịu đựng nổi hình ảnh một ngày nào đó tôi đột ngột bị tống về Việt Nam, xa lìa con tôi. Ðau lắm…,” nước mắt người đàn ông lặng lẽ rơi. Một khoảng lặng trống lốc.

Tùng có mặt ở Quốc Hội Mỹ cùng Trung Tâm Southeast Asia Resource Action Center hôm cuối Tháng Chín cũng là để góp tiếng nói yêu cầu có sự thay đổi một phần của điều luật này.

Sau 41 năm, vòng tay cộng đồng vẫn khép chặt với người lầm lỡ

Tùng chia sẻ, “Theo thống kê, so với mật độ của người Châu Á, thì Việt Nam có tỉ lệ tù cao nhất. Và những người ở tù trước năm 1995 không có quốc tịch, nằm trong tình trạng sẽ bị trục xuất khi có thể cũng nằm ở mức cao nhất so với tất cả sắc dân Á Ðông.”

“Cũng theo những điều tôi tìm hiểu thì người tù bước ra từ cộng đồng nào thì sau khi mãn hạn tù họ cũng trở về với cộng đồng đó. Tuy nhiên, trong khi các sắc dân khác đều có các tổ chức giúp đỡ cho những người này, từ người Trung Quốc, người Cambodia, người Triều Tiên… thì cộng đồng Việt Nam ở Orange County lại hoàn toàn không có một sự giúp đỡ nào hết,” anh cho biết.

Theo Tùng, điều này phản ánh nhận thức của cộng đồng về sự an toàn xã hội.

“Cuộc đời ai cũng có những xui rủi không nói trước được. Sau khi trả nợ cho những tội lỗi của mình, ra tù ai cũng muốn làm lại cuộc đời, đâu ai muốn vô tù trở lại. Nhưng ra ngoài không có được sự giúp đỡ nào hết, họ trở nên hoang mang, bất mãn. Không xin được việc làm, họ lại đi ăn cắp vặt để kiếm cái ăn. Sống trong tâm trạng chán nản đó, họ lại tìm đến ma túy để quên đi thực tại. Khi nghiện rồi thì lại phải kiếm tiền để thỏa mãn cơn nghiện, vậy là lại đi gây tội lỗi. Lại vô tù. Rồi ra tù. Nó như một cái vòng lẩn quẩn,” Tùng lý giải.

Chính vì nhìn thấy điều này, nên các cộng đồng khác đều đưa tay ra giúp đỡ cho những người rơi vào hoàn cảnh như vậy. Họ chấp nhận con người mới của một người mới ra tù, họ tạo điều kiện cho những người này làm lại cuộc đời, chứ không phải họ tiếp tục đạp những người này xuống. Giúp cho những người tù làm lại cuộc đời, cũng là giúp cho sự an toàn của chính cộng đồng họ.

Riêng với cộng đồng Việt Nam, điều này hoàn toàn bị lãng quên.

Trong khi Tùng lại luôn cảm thấy sứ mạng của mình nằm ở đó.

Tùng cho biết, “Hiện giờ tôi đang xin một ngân khoản. Nếu được, tôi hy vọng số tiền này sẽ đủ để tôi dành toàn thời gian đi kêu gọi, tìm kiếm sự giúp đỡ để làm một nơi chuyên giúp đỡ cho những người mới ra tù. Lấy kinh nghiệm từ chính bản thân tôi, đi tìm sự giúp đỡ, chỗ này chỉ qua chỗ kia, chỉ tùm lum hết, cuối cùng không có chỗ nào hết. Rồi đi xin việc làm bị kỳ thị, họ nhìn mình bằng cặp mắt ghẻ lạnh. Mệt mỏi lắm chị.”

Anh nói như chắt lòng, “Nếu tôi chuyển đến ở miền Bắc California thì cuộc sống tôi nhẹ nhàng, thoải mái hơn, vì nơi đó họ dành nhiều cơ hội cho những người như tôi. Nhưng tôi vẫn muốn trụ lại đây, vì tôi muốn phải gầy dựng được điều đó ngay nơi này, vì cộng đồng Việt Nam nơi này là đông nhất.”

“Với tôi, đây là một việc làm đạo đức. Tôi có thể bỏ hết để sống cuộc đời bình thường như bao người, nhưng tôi không tha thứ cho tôi điều đó được. Vì tôi vẫn thấy mình còn món nợ mang suốt đời với người đã chết trong vụ án của mình. Anh ấy không thể sống lại để làm những gì anh chưa làm. Nên tôi không cho cho phép mình bỏ cuộc,” anh trầm ngâm.

“Tôi muốn mình làm được điều đó, cho những người đi sau. Dù mệt mỏi lắm, nhưng tôi vẫn hy vọng sau cùng tôi sẽ được sự giúp đỡ. Trước khi nhắm mắt, tôi hy vọng tôi sẽ phải làm được điều đó, cho cộng đồng mình,” Tùng nói sau nụ cười đi cùng ánh mắt nhẫn nại.

Bao lâu nữa, các tổ chức cộng đồng người Việt nơi đây sẽ thực sự là nơi đồng hương gốc Việt tìm đến để có được những sự giúp đỡ thiết thực nhất cho cuộc sống hiện tại, trước khi họ có thể yên tâm dấn thân cho những mục đích cao cả và xa vời hơn?

—————
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats