Tuesday, 11 October 2016

SAU MẸ NẤM LÀ AI ? (Mặc Lâm)




Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-10-11

Chỉ là mở đầu?

Tin blogger Mẹ Nấm bị bắt tại nhà riêng cho tới giờ này vẫn là tin được quan tâm nhiều nhất trên mạng xã hội bởi nó liên quan trực tiếp tới vụ kiện Formosa cũng như các tiếng nói xã hội dân sự độc lập. Những người hoạt động dân chủ nhân quyền biết rằng việc Mẹ Nấm bị bắt chỉ là mở đầu cho một loạt các vụ đàn áp khác sắp tới và họ đã chuẩn bị cho tình trạng xấu nhất.

Bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức Mẹ Nấm và tạm giam theo khoản 1, điều 88 Bộ luật Hình sự về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước” và tiếp theo là bản án nếu nhẹ nhất là 3 năm và nặng nhất có thể lên tới 20 năm tù, cho thấy quyết tâm của chính quyền trong việc ngăn cản những tiếng nói phản biện về các vấn đề mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải lo đối phó trong giai đoạn hiện nay đó là thảm họa Formosa cùng những hệ lụy mà nó để lại.

Ngay sau khi Mẹ Nấm bị bắt, nhiều kênh TV nhà nước đã quay phim tại chỗ và tang vật được trình chiếu lên là những tờ giấy in các khẩu hiệu công an thu được như: “Khởi tố Formosa”, “Formosa gets out”, “Cá cần nước sạch, nước cần minh bạch”.

Những hình ảnh ấy như cỗ xe bị đổi hướng đi, ngược với ý muốn thuyết phục dân chúng về tội trạng của Mẹ Nấm.

Mẹ Nấm có thể nói là một blogger nổi tiếng nhất hiện nay, chị được nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài phỏng vấn trong đó có CNN để phản biện tình hình Việt Nam ra với thế giới.

Mẹ Nấm cũng vinh dự đoạt giải “Người bảo vệ nhân quyền 2015” của tổ chức Civil Rights Defenders (CRD) Giải thưởng này có lẽ là mối quan tâm sâu xa nhất của nhà nước đối với Mẹ Nấm bởi danh tiếng của chị đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và được quốc tế thừa nhận.

Nhà báo công dân, cũng là một blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh nhìn trường hợp của Như Quỳnh là một tất yếu khi lò lửa Formosa cần được che đậy để sức nóng của nó không tràn ra ngoài:

“Do tình hình Formosa càng lúc càng căng thẳng mà mọi người cho đó là điểm “tử” của chế độ, thì đấu tranh của người dân ở 3 tỉnh miền Trung càng lúc lên càng mạnh bởi đối phó của nhà cầm quyền không thỏa đáng với yêu cầu của người dân. Những vấn đề tiền đền bù và vụ kiện Formosa ra tòa. Sắp tới sẽ có những cuộc biểu tình càng lúc càng căng thẳng và đông đảo người tham gia. Chính vì vậy cho nên chính quyền mới tìm cách trấn áp những người hoạt động xã hội dân sự.
Chuyện họ bắt nhóm của Luật sư Lê Công Định sinh hoạt xã hội dân sự ở Vũng Tàu và mới đây nhất họ bắt Mẹ Nấm thì tôi nghĩ nó nằm trong loạt trấn áp trước, đề phòng trước chuyện biểu tình nổ ra càng lúc càng đông và mạnh ở miền Trung.”

TS kinh tế Phạm Chí Dũng, thành viên sáng lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam cùng cái nhìn của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, ông nói:

“Có khả năng đây là chiến dịch tấn công cả giới báo chí quốc doanh lẫn các blogger lề dân và chắc chắn trong đó cũng nhằm làm loãng đi cái không khí phẫn nộ của người dân, giáo dân biểu tình ở Formosa. Tôi cho rằng đây là một chiến dịch trấn áp và đặc biệt chiến dịch này được khởi động bằng cái thông báo của Bộ công an liên quan tới tổ chức Đảng Việt Tân. Có thể trong thời gian tới không khí trấn áp sẽ gia tăng.”

Tin Mẹ Nấm bị bắt được nhà báo Trương Duy Nhất chia sẻ, trước tiên qua điều 88 rất phi lý mà ông là người từng có kinh nghiệm:

“Các anh em chúng tôi đấu tranh làm sao để dần dần từng bước những điều luật mơ hồ như 88, như 258 mà trường hợp của tôi và Ba Sàm, những điều luật mơ hồ như thế phải loại bỏ. Hồi xưa ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn đương chức Chủ tịch quốc hội khi bàn về sửa Bộ luật tố tụng hình sự khi đề cập đến điều này ông ta đã nói rằng: không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt đâu có được? Tiếc rằng trong việc xây dựng luật của chúng ta thì những người cấp tiến dám nói lên làm tác động chỉnh sửa theo xu hướng cởi mở thì nó chưa thắng thế. Cơ bản một điều luật mơ hồ muốn bắt ai thì bắt cho nên thế nào nó cũng bắt được hết.”

Blogger Phạm Thanh Nghiên, với tư cách đồng sáng lập Mạng lưới blogger Việt Nam với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết việc Mẹ Nấm bị bắt:

“Trước nhất về mặt tình cảm con người thì đối với tôi bất cứ một ai bị bắt, những người tranh đấu ôn hòa nào bị bắt thì nói chung là cũng buồn, rất xúc động và lo lắng cho họ mặc dù sự lo lắng của mình không giải quyết được vấn đề gì cả nhưng rất đồng cảm. Riêng trường hợp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì là một cộng sự, người mà hai chị em chúng tôi có thời gian dài làm việc với nhau, chia sẻ với nhau trong Mạng lưới blogger Việt Nam thì việc bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đương nhiên là thử thách rất lớn cho Mạng lưới blogger Việt Nam.
Hỏi tôi có lo sợ không cho các thành viên khác của Mạng lưới hay cho cá nhân thì tôi khẳng định rằng diều đó không gây bất cứ một tổn hại nào về tinh thần đối với chúng tôi cả nếu hiểu theo cái nghĩa lo sợ bị bắt bởi vì dù cho bị bắt thì điều ấy cũng không có gì phải khiến cho mình hoang mang hay quá lo lắng, sợ hãi. Xác quyết một điều rằng chúng tôi đang có những nổ lực, đấu tranh để có được tự do cho bản thân mình, mặc dù sự tự do ấy có thể đánh đổi bằng nhà tù. Tự do cho bản thân mình cũng như cho Việt Nam, tất cả đều phải được hưởng quyền con người mà lẽ ra chúng ta phải được hưởng.”

Sau Mẹ Nấm là ai?

Đó là câu hỏi mà hầu như ai cũng muốn biết tuy không người nào trả lời chính xác được câu hỏi này, kể cả an ninh, người phụ trách việc phân loại và bắt giữ những ai bị đưa vào danh sách đen vì chống nhà nước. Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết:

“Cỡ như chị Quỳnh Mẹ Nấm mà còn bắt được thì khả năng sắp tới ai cũng có thể bị bắt có thể vào vòng lao lý được. Cách ứng xử, cách xây dựng pháp luật như thế tới cách người ta ứng dụng pháp luật như thế thì mọi công dân có thể thành tù nhân dự khuyết. Bất cứ ai cũng có thể thành Mẹ Nấm cả. Cơ bản làm thế nào để mà loại bỏ những điều luật mơ hồ đó, còn cái việc họ bảo Mẹ Nấm là chống phá tuyên truyền làm ảnh hưởng lợi ích của nhà nước, nhưng mà lợi ích gì chứ?”

Ông Phạm Chí Dũng, một cán bộ đảng viên của UBND thành phố Hố Chí Minh từng bị bắt giữ vì các bài viết khác với lập trường của Đảng, cũng không thể trả lời cho chính các thành viên của Hội nhà báo độc lập mà ông là người sáng lập trước câu hỏi này:

“Thực sự ra ở Việt Nam không thể biết rõ được ai là người tiếp theo tại vì nó tùy thời điểm, tùy tính chất và tùy từng người nữa. Tùy từng người và tổ chức thành thử đối với Hội nhà báo độc lập thì tôi không có bình luận gì.”

Blogger Phạm Thanh Nghiên bên cạnh vai trò là một đồng sự với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn là một người đàn bà tranh đấu nên chị hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của Quỳnh khó khăn thế nào khi bị bắt:

“Bất cứ sự hy sinh nào cũng có cái giá của nó đặc biệt trong một đất nước như ở Việt Nam không có quyền con người. Qua đây xin gửi đến mẹ của Như Quỳnh là bà Tuyết Lan cũng như hai đứa con của Như Quỳnh, một bé 10 tuổi và một cháu mới hơn 2 tuổi phải xa con xa mẹ trong hoàn cảnh chia lìa đấy tôi cũng từng trải qua rồi phải nói rất ngậm ngùi tuy nhiên tôi tin chắc rằng một người mạnh mẽ như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bất thử thách nào thì Quỳnh cũng sẽ vượt qua thôi.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng chia sẻ sự quan tâm của ông:

“Cũng giống như trường hợp cô Minh Thúy trong vụ anh Ba Sàm, cô Minh Thúy cũng có hai con và người mẹ vào trong tù hai con bơ vơ không biết như thế nào. Trước anh em cũng góp được một số tiền để giúp gia đình cô Minh Thúy. Trong trường hợp này tôi cũng có nêu ra đề nghị với anh em để giúp cho gia đình cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đẻ nuôi hai đứa nhỏ bởi có khả năng nếu công an khởi tố điều 88 thì cổ sẽ phải nằm hơi lâu. Tôi cũng mong qua đài RFA để nhờ bà con trong nước cũng như hải ngoại, những người quan tâm tới dân chủ nhân quyền và tình cảnh của Mẹ Nấm có đóng góp giúp dỡ cho gia đình Mẹ Nấm.”

Người dân chú ý tới một điều rất cơ bản đó là những người tranh đấu bị bắt sau khi ra khỏi tù họ càng hoạt động hăng say hơn, chủ động hơn và nhất là nỗi sợ lao tù hầu như không làm chùn ý chí đấu tranh của họ. Giải pháp bắt người phản biện trong một giai đoạn nào đó chẳng những không hiệu quả mà còn làm nóng hơn tình thế nhất là hiện trạng bờ biển miền Trung trong lúc này.


No comments:

Post a Comment

View My Stats