Monday, 22 February 2016

VIỆT NAM KHÔNG CÓ DÂN CỬ, DÂN BẦU - CHỈ CÓ ĐẢNG CỬ, ĐẢNG BẦU (Thiện Ý)





22.02.2016

Trong buổi họp báo ngày kết thúc Đại hội XII của đảng CSVN Tổng Bí thư tái cử Nguyễn Phú Trọng đã bác bỏ những chỉ trích về chế độ độc đảng, độc tài toàn trị của đảng CSVN. Theo ông, đó là một chế độ “dân chủ tập trung” do tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, «dân chủ hơn hẳn» một số nước có tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu ra những người lãnh đạo cao nhất nước “nhân danh là dân chủ nhưng cá nhân quyết định tất”.và cho rằng Việt Nam “dân chủ đến thế là cùng”.

Nhưng sự thật là như thế nào?

I/- Việt Nam không có dân cử, dân bầu

Việt Nam không có dân cử, dân bầu, vì không có chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng. Nghĩa là một chế độ trong đó người dân được quyền chọn lựa, thông qua một quốc hội lập hiến gồm những đại biểu do người dân bầu ra qua phổ thông bầu phiếu tự do, trưc tiếp và kín. Quốc hội lập hiến có nhiệm vụ soạn thảo ra một bản hiến pháp thiết định chế độ chính trị theo đúng ý muốn của người dân, với các cơ quan công quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được tổ chức và điều hành bởi những người dân cử và công cử (công chức) lhưởng lương do tiền thuế của dân. Trong một chế độ như thế, bất cứ người dân nào có năng lực và hội đủ điều kiện cũng có quyền tự do ứng cử với tư cách cá nhân hay đảng phái chính trị để được người dân tuyển chọn vào các chức vụ dân cử ; hay tự do ứng tuyển vào các chức vụ công cử (công chức) để được thẩm quyền các cấp các ngành tuyển chọn vào các cơ quan công quyền quốc gia - gọi chung là bộ máy Nhà nước, với cơ chế của một chính quyền của dân, do dân và vì dân, làm nhiệm vụ quản lý đất nước mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung, theo đúng ý nguyện của người chủ đất nước là nhân dân.

Muốn làm theo đúng ý nguyện của nhân dân, những công bộc dân cử hay công chức các cấp các ngành phải lãnh đạo, quản lý đất nước theo hiến pháp và hệ thống pháp luật do các cơ quan dân cử có thẩm quyền (quốc hội, cơ quan dân cử các cấp…) lập ra, có hiệu lực cưỡng hành và chế tài vi phạm đối với mọi người dân cũng như những công bộc làm việc cho dân trong guồng máy công quyền quốc gia, từ trung ương đến các địa phương.

Trên đây là những yếu tính đặc trưng của một chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng. Việt Nam không có những yếu tính đặc trưng này. Vì sự hình thành chế độ chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không xuất phát từ ý nguyện của nhân dân, mà chỉ là sự áp đặt đơn phương của đảng CSVN. Vì hiến pháp làm căn bản pháp lý thiết lập chế độ này không do một “quốc hội  của dân, do dân và vì dân” do dân cử, dân bầu; mà do một “quốc hội của đảng, do đảng và vì đảng CSVN” do đảng cử, đảng bầu, với quyền thống trị độc tôn (Điều 4 Hiến pháp hiện hành) trong một chế độ độc tài toàn trị.

II/- Việt Nam chỉ có Đảng cử, Đảng bầu

Việt Nam không có dân cử, dân bầu, mà chỉ có đảng cử, đảng bầu, vì là một chế độ độc tài toàn trị, độc đảng, quyền làm chủ của nhân dân đã bị đảng CSVN tước đoạt hoàn toàn. Bởi vì, trong chế độ này không người dân nào được quyền tự do bầu cử và ứng cử các chức vụ dân cử từ trung ương đến các địa phương. Các chức vụ lãnh đạo lớn bé trong guồng máy công quyền đều là đảng viên CS hay có lý lịch được đảng CSVN đánh giá theo quan điểm, lập trường chính trị của đảng CS.

Đó là một thực tế không cần nói ra thì nhân dân Việt Nam ở trong nước lẫn hải ngoại cũng như quốc tế đều biết Ông Tổng Trọng đã nói láo không biết ngượng. Những người lãnh đạo cao nhất nước ở các quốc gia dân chủ là do chính người dân bầu chọn trong số các ứng cử viên tự do hay do đảng phái chính trị đưa ra, trong các cuộc bầu cử tự do. Trong khi tại Việt Nam, những người đứng đầu nước, như tổng bí thư đảng CSVN, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng chính phủ  lại do đại hội đảng CSVN cử ra, sau đó đưa ra cho một “quốc hội của đảng, do đảng và vì đảng CSVN” biểu quyết thông qua. Hầu hết đại biểu của quốc hội này là đảng viên CS, trước đó đều phải được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN, gạn lọc giới thiệu làm ứng cử viên cho dân bầu trong các cuộc bầu cử chiếu lệ, hình thức do “Chính quyền của đảng, do đảng và vì đảng” tổ chức, kiểm soát; người dân không có sự chọn lựa nào khác vì các ứng viên không do dân cử, dân bầu.

Đến đây cũng cần vạch trần sự khoe khoang láo khoét của Ông Tổng Trọng khi coi việc bầu bán các chức vụ chóp bu của đảng và nhà nước qua Đại hội Đảng XII vừa qua là “dân chủ đến thế là cùng”. Vì qua cách ứng cử và bầu cử vẫn theo nguyên tắc “Đảng cử, đảng bầu” như đối với nhân dân, mà còn chặt chẽ hơn nhiều. Các ứng cử viên không được tư ứng cử mà phải được các ủy viên Bộ Chính trị đề cử, để được một Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Các ứng viên này được giới thiệu cho khoảng 1500 đại biểu do các cấp bộ đảng cử ra tham gia đại hội để bầu ra các chức vụ cao nhất đảng và nhà nước. Nếu có sự đề cử ở đại hội, người được đề cử phải từ chối. Nếu sau đó đa số đại biểu tham dự đại hội biểu quyết không cho từ chối mới được coi là ứng cử viên để đại hội biểu quyết bầu chọn.Mọi người ai cũng thấy qua Đại hội XII của Đảng CSVN phe cánh Ông Tổng Trọng đã khai thác triệt để nguyên tắc “Đảng cử, đảng bầu” để loại trừ nhau, làm gì có nguyên tắc dân chủ trong đảng để Ông Trọng dựa vào đó mà tự hào “dân chủ đến thế là cùng”?

III/- Kết luận

Hiển nhiên Việt Nam không có “Dân cử, dân bầu” mà chỉ có “Đảng cử, đảng bầu” kể từ khi đảng CSVN áp đặt chế độ độc tài, độc đảng, bởi vì dưới chế độ này các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền đều bị đảng CSVN tước đoạt.

Thực tế cũng như thực chất là thế, nhưng người đứng đầu  đảng CSVN là Ông Nguyễn Phú Trọng đến giờ này vẫn khoe khoang vế cái gọi là “nền dân chủ tập trung” trong chế độ độc tài, độc đảng là «dân chủ hơn hẳn» các nước dân chủ thứ thiệt khác trên thế giới. 

Để tự soi lại mình, đề nghị Ông Tổng Trọng cần nhìn qua cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và các chức vụ dân cử hiện đang diễn ra sôi nổi, dân chủ như thế nào để biết thế nào là “dân cử, dân bầu” các chức vụ dứng đầu nhà nước. Đồng thời, nếu Ông Trọng có thiện chí muốn Việt Nam có được chế độ do “dân cử, dân bầu” thực sự  như Hoa Kỳ, xin Ông và đảng của Ông hãy nhìn qua nước láng giềng Miến Điện, hỏi Tổng thống Thein Sein và tập đoàn quân phiệt Miến Điện xem họ đã chuyển đổi sang chế độ chính trị “dân cử, dân bầu” ra sao.

Chú thích: Nhớ lại trước khi qua Hoa Kỳ đoàn tụ gia đình vào năm 1972, đến chào tạm biệt một người bạn thân, “một đảng viên cộng sản chân chính”, chúng tôi có trao cho bạn một tập vở học trò dầy 100 trang, trong đó góp ý chi tiết về hai vấn đề căn bản của đất nước: Chính trị và kinh tế. Riêng về chính trị, chúng tôi đề nghị hai điểm:

- Một là dân chủ hóa trong đảng. Theo đó các chức vụ hàng đầu của đảng CSVN như tổng bí thư chẳng hạn, nên để cho tất cả các đảng viên có Thẻ Đỏ được bầu trực tiếp, với các ứng viên ở mọi cấp được tự ứng cử hay đề cử. Cách này để tránh tập trung quyền lực quá lớn trong một nhóm nhỏ (Bộ Chính trị…), nạn bè phái, phân hóa, ngăn cản các tài năng mới của đảng vươn lên….. 

- Hai là, để quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng, nếu Đảng không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, có thể vẫn duy trì “Nhất nguyên xã hội chủ nghĩa” nhưng với lưỡng đảng Mác-xít. Ví dụ Đảng CSVN và Đảng Xã hội  Việt Nam (XHVN) chẳng hạn. Vì về mặt lý luận Mác-xít vẫn đúng: Đảng CSVN hay Đảng XHVN vẫn là đảng của giai cấp vô sản, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp vô sản. Tương tự như đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ đều là đảng của giai cấp tư sản, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp tư sản….

Vào khoảng năm 1988, trong một cuộc thuyết trình tại trụ sở Hội Luật gia TP HCM,về công cuộc cải tổ ở Liên Xô, với thuyết trình viên từ Trung ương Hà Nội, chúng  tôi lần đầu tiên đã đưa ra đề nghị trên. Thuyết trình viên đã trả lời rằng “Ý kiến của đồng chí độc đáo đấy. Ở Liên Xô cũng có người đề nghị như thế, nhưng đã bị đồng chí Mikhail Gorbachev bác bỏ…” .Lần thứ hai vào khoảng 1989-1991, chúng tôi đã trình bầy chi tiết hơn trong bài thi môn chính trị cuối khóa học chuyên tu kéo dài 16 tháng có trả học phí (khoảng 1.5 chỉ vàng y) dành cho những người có cử nhân luật và tốt nghiệp Quốc gia hành chánh như là để hợp thức hóa văn bằng chế độ cũ ở Miền Nam. Kết quả tôi bị đánh rớt môn học này, nhưng được thi lại để được tốt nghiệp.

------------------------------
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.







1 comment:

  1. tại sao lại không có dân bầu, nhìn người dân được cầm lá phiếu của mình đi bầu đó thôi, thế thì thử hỏi rằng đó có phải là dân bầu không, nó còn sung sướng hơn mấy nhà dân chủ dởm đời không có kiến thức gì tự vỗ ngực là ta đây giỏi lắm để mà tự ứng cử vào đại biểu quốc hội

    ReplyDelete

View My Stats