Monday, 22 February 2016

CHỈ CÓ DÂN CHỦ & KỶ CƯƠNG MỚI ĐẨY LÙI ĐƯỢC CHÊNH LỆCH THU NHẬP (Bùi Tín)





22.02.2016

Trong cuốn sách nổi tiếng Le capital au XXIème siècle(Tư bản trong thế kỷ XXI)(xin xem bài trước), kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty cho rằng có ba nan đề lớn nhất mà thế giới cần chung sức giải quyết là: nạn khủng bố quốc tế, bầu khí quyển nóng dần và nạn chênh lệch thu nhập gây nên đói nghèo bất công. Cũng theo tác giả, tình trạng chênh lệch thu nhập ngày càng doãng rộng hiện nay là mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với cuộc sống ổn định, hòa hợp và phồn vinh của cả loài người trên trái đất này.

Ở Việt Nam, vấn đề chênh lệch thu nhập chưa được nghiên cứu, dù là nghiên cứu sơ sài, khởi đầu. Tuy Đảng Cộng sản Việt Nam có cả một Học viện Chính trị/Hành chính cao cấp, có trường Đại học Xã hội và Nhân văn nhưng chưa có ai nghiên cứu để có một luận án, một cuốn sách về chủ đề quan trọng này.

Tại Việt Nam, sau cuộc đổi mới kinh tế và trong 40 năm qua, đã xuất hiện một số triệu phú, rồi tỷ phú đôla, như Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup; Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Công ty Cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai; Trương Gia Bình, chủ tịch hãng truyền thông FPT; Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công… Riêng trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, ở trong nước hiện nay đã có gần 200 nhà triệu phú đôla.

Nếu như các nhà kinh doanh tự do làm ăn một cách lương thiện, đúng theo luật pháp và trở thành triệu phú, tỷ phú ngày càng nhiều thì đó là điều rất tự nhiên và đáng mừng. Nhưng ở Việt Nam chưa có được điều ấy. Trong một nước dân chủ bình thường, khi kinh tế phát triển, giai cấp trung lưu làm các nghề tự do như tiểu thương tiểu chủ ngày càng nâng cao thu nhập chính đáng, mở rộng đầu tư, cạnh tranh hợp pháp là điều  có lợi cho toàn xã hội và rất đáng khuyến khích.

Ở Việt Nam, chế độ kinh tế chỉ huy và ‘’kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’’ đã thủ tiêu gần như triệt để nền kinh tế tư nhân. Tại đây các phe nhóm cầm quyền nắm độc quyền kinh doanh, vừa kinh doanh vừa lãnh đạo việc thi hành luật pháp, hình thành đội ngũ ‘’tư bản đỏ’’ lũng đoạn. Do đó một nét rất đặc thù ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc là xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú và tỷ phú hoàn toàn không do tài kinh doanh mà dựa vào quyền lực. Theo nguyên tắc, chênh lệch tiền lương trong ngành hành chính là 1/7, đến 1/12 - nghĩa là viên chức cao cấp nhất có tiền lương gấp 7 đến 12 lần người thấp nhất. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, các viên chức cao cấp ngoài lương còn có bổng, lộc, hối lộ, tiền hoa hồng, tiền thưởng, quà cáp, biếu tặng, tiền mừng đón và sau dự án, tiền đưa dưới mặt bàn…

Theo Trung tâm thông tin - tư liệu của Viện quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam, lương tối thiểu ở nước ta hiện nay là 2,5 - 3,5 triệu đồng/  người, tùy theo ngành. Việt Nam hiện vẫn là nước có thu nhập “mức trung bình thấp’’ là 996 US$/người/năm, chưa đạt ‘’mức trung bình’’ của thế giới là 12.195 US$. Hiện còn đến 20% dân số thu nhập mỗi tháng dưới 400 ngàn đồng (bằng 20 US$) ở nông thôn, và dưới 500 ngàn đồng (bằng 25$) ở thành thị.

Ở Việt Nam, số triệu phú cũng chỉ có nhiều trong hàng ngũ quan chức cộng sản và phe nhóm như các vụ án tham nhũng lớn nhất đã cho thấy. Bị can trong các vụ tham ô lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, đều là quan chức đảng viên cộng sản và gia đình.

Còn biết bao vướng mắc của công luận về những nguồn thu nhập bất chính, như nhà cửa biệt thự của Tổng Thanh tra Chính phủ, các vụ hối lộ để mua chức, mua ghế trong ngành Tổ chức đảng và Bộ Nội vụ, những bê bối liên quan đến Chủ tịch Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và gia đình, rồi cả lời tố cáo Bộ trưởng Công an nhận 1 triệu US$ hối lộ (theo lời khai của bị can Dương Chí Dũng trước khi bị án tử hình).

Trong Le capital au XXIème siècle, Thomas Piketty đề xuất hai biện pháp cơ bản để giải quyết nạn chênh lệch thu nhập quá lớn, đó là:

1/ - Một nền dân chủ thuần thục. Trước hết là sớm chấm dứt mọi chế độ độc tài - từ độc tài cá nhân đến độc tài đảng trị. Có ba quyền phân lập kiểm soát lẫn nhau. Viên chức trong sạch, lương đủ sống, có đạo đức để không cần, không dám, không nỡ ăn cắp của công. Pháp luật thật chặt chẽ, tòa án thật nghiêm minh. Xã hội có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do truyền thông để phát hiện tố cáo tham nhũng, nhũng lạm, hối lộ.

 2/ -  Như trên vẫn chưa đủ. Về mặt tài chính, tiền nong, thu và chi ngân sách ở mọi cấp, mọi ngành phải hết sức chặt chẽ, bịt chặt mọi kẽ hở, sơ xuất. Đây gọi là kỷ cương trong thu chi tiền bạc. Phải rất cặn kẽ, chi ly. Mua bán phải có hóa đơn, thu chi lớn nhỏ phải có biên lai. Ngành thuế, hải quan, tổ chức, quản lý nhân sự phải kén chọn người liêm khiết, không tham lam, tư lợi. Thuế các loại phải vừa phòng chống lạm thu - thu quá nhiều thuế và các loại phí, làm khổ dân, vừa phòng chống thất thu, dễ dãi buông lỏng làm thiệt công quỹ . Hệ thống kế toán phải rất chặt chẽ, tỷ mỷ, có tính chuyên nghiệp cao. Báo cáo ngân sách thu bao nhiêu cấp mình, nộp bao nhiêu lên cấp trên phải rành mạch. Cấm và nghiêm trị thêm bớt, sửa chữa các con số thu chi, nộp ngân sách. Chi phí công phải có tòa án công chuyên  kiểm tra quyết toán.

Những kinh nghiệm và bài học trên đây rất cần cho nền kinh tế - tài chính Việt Nam. Các nhà kinh tế thống kê Việt Nam chưa quan tâm nghiên cứu về thu nhập của các nhóm dân cư, chênh lệch ra sao, không hợp lý những chỗ nào, những sơ hở trong chi thu ngân sách ra sao, có lạm thu hay thất thu bao nhiêu, ba ngành thuế, hải quan và ngoại thương có được kiểm soát, thanh tra kỹ không, chi tiêu công có chặt chẽ không, và đặc biệt là việc chống tham nhũng có mạnh mẽ như xã hội chờ đợi hay không.

Có nhà kinh tế, thống kê có kinh nghiệm quốc tế cho rằng Việt Nam  có quá nhiều sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế tài chính, lạm thu thuế khá nhiều, thất thu cũng không ít, chống tham nhũng còn quá yếu , thu hồi tài sản mất không đáng kể, chi phí công rất lỏng lẻo - như cho viên chức sắp nghỉ hưu, cả anh lái xe... đi tham quan nước ngoài.

Ngày 12/2 vừa qua, bản tin của International Budget Partnership (Tổ chức Hợp tác quốc tế về Ngân sách) cho biết Việt Nam chỉ đạt 12 điểm trên 100 điểm về minh bạch quốc tế, gần đứng chót so với các nước khác. Điều này cho thấy ngân sách các cấp ở nước ta bị rỏ rỉ, xà xẻo, luộm thuộm, bất minh đến mức nào.

Chỉ cần chấn chỉnh việc thu chi, triệt để chống tham nhũng mạnh, thu hồi tiền mất mát cho đủ, bớt đi những lãng phí, phô trương là có thể dôi ra hàng trăm tỷ đôla để cải cách giáo dục và y tế, xây dựng trường học và cầu đường bền vững  Việc tăng lương sẽ không còn bị hoãn mãi.

Trong hội trường Đại hội XII có mấy khẩu hiệu rất gọn: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”. Nhưng thật ra đây là một thứ “Dân chủ” rất huyễn hoặc khi không có ứng cử, bầu cử tự do, không có tự do báo chí, nên khẩu hiệu trở nên rỗng tuếch. Chữ “Kỷ cương” cũng hoàn toàn thiếu thực chất vì nói “Kỷ cương” mà không quản lý chặt chẽ về ngân sách, thu chi kế toán, quyết toán, không chống tham nhũng lãng phí thật sự triệt để, không thực hiện minh bạch tài chính ở mọi cấp, khiến cho chênh lệch thu nhập tuy ước định 7,8 lần hoặc 12 đến 15 lần, nhưng thật ra có trường hợp chênh lệch đến 2 nghìn lần, khi so sánh một “triệu phú đỏ” có thu nhập 1 tỷ US$/năm với một nông dân vùng sâu vùng xa chỉ có 500 US$/năm.

Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và cán bộ chính trị, kinh tế - tài chính Việt Nam rất nên đọc cuốn Le capital au XXIème siècle của Thomas Piketty để vận dụng vào thực tế nước ta, thực hiện theo hai điểm cốt lõi là: xây dựng nền dân chủ của dân, do dân, vì dân và xây dựng kỷ cương thật nghiêm minh trong quản lý, điều hành đất nước.

---------------------------------
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

BÀI TRƯỚC :

[18.02.2016]

[10.02.2016]

[06.02.2016]






No comments:

Post a Comment

View My Stats