Tuesday, 16 February 2016

TẾT TRONG TRẠI TÙ (Văn Quang)





February 15, 2016 6:39 PM

Tổng cộng đã có hơn 80 mùa xuân đi qua trong cuộc đời tôi. Nhưng 12 mùa xuân trong những cái được gọi là “trại cải tạo” là những mùa xuân đáng nhớ nhất. Từ Nam chí Bắc, từ Sơn La, Vĩnh Phú đến Hàm Tân, mùa xuân nào đến cũng mang đầy dấu tích buồn như những vết sẹo trong tận cùng tâm khảm, đến nỗi đến bây giờ có đêm còn nằm mơ thấy mình đang bị đày đọa trong lao tù khiếp đảm ấy. Giật mình tình dậy mừng như khi vừa được thả từ trại tù ra.

Tuy nhiên, con người ta thật lạ, sống lâu trong tù rồi cũng… quen. Đó là bản năng sinh tồn hay con người phải thích ứng với từng hoàn cảnh để sống, dù để sống cho qua ngày chờ đợi một cái gì sẽ đến. Nhưng cái gì sẽ đến ở trong một thứ tù đày không có án, không có thời hạn là điều đáng sợ hơn nữa. Tù cải tạo làm gì có thời hạn. Thích bắt thì bắt, thích thả thì thả, người ra trước, kẻ ra sau, chẳng bao giờ biết lý do, tất cả chỉ là suy đoán.

Tôi đã sống như thế suốt 12 năm. Khoảng 8-9 năm, khi đã là “tù cũ”, có lẽ tụi cai ngục cũng “xuê xoa” cho một đôi phần, không còn xiết chặt cùm kẹp như mấy năm đầu nữa. Tôi bị đưa từ trại tù miền Bắc vào miền Nam, bởi hồi đó miền bắc dân đói quá thiếu mọi thứ thực phẩm kể cả ngô khoai sắn, không thể nuôi thêm tù. Chúng tôi bị cùm hai tay suốt ba ngày hai đêm trên xe. Cho đến khi vào đến trại Hàm Tân mới được tháo cùm. Tôi nhớ hôm đó là ngày 19 tháng 5 năm 1978 và biết đó là ngày Sinh nhật “Bác” vì xe chạy qua mấy con đường có dăng mấy cái khẩu hiệu đỏ chót “Nhiệt liệt chào mừng sinh nhật Bác”. Một sự trùng hợp khá thú vị, được trở lại miền Nam cũng như sống lại vậy. Không nhớ sao được.

Gặp lại người bạn cũ

Thật ra chế độ tù cải tạo từ Bắc chí Nam chẳng có gì khác nhau, cũng đi lao động mệt phờ phạc và tối tối lại ngồi kiểm điểm -chúng tôi gọi là “ngồi đồng”– cho đến khi mệt rũ, chẳng còn nghĩ được gì ngoài việc lăn ra ngủ. Có lẽ đây cũng là một “đòn” kìm hãm mọi suy tư của bọn tù được gọi là trí thức. Chế độ ăn khá hơn ở ngoài Bắc, nếu ở Sơn La – Vĩnh Phú, trước khi đi làm buổi sáng chỉ có một củ khoai nhỏ như ba ngón tay thì ở miền Nam được ăn một bát nhỏ bắp nấu hoặc bát bo bo. Nhà văn Đặng Trần Huân thường có cái muỗng nhỏ xíu bằng nhựa, thứ đồ chơi của trẻ con, ông ấy cứ nhấm nháp từ từ cho đến hết buổi sáng. Ông truyền “bí kíp” rằng ăn như thế có cảm tưởng như lúc nào cũng được ăn, quên cái cảm giác đói đi. Tôi không biết có bao nhiêu “tín đồ” tin theo bí kíp này, riêng tôi theo không nổi, vì đói quá, không nhịn được, ăn luôn một lèo, chỉ ba phút là hết nhẵn nên anh em có câu nói cửa miệng là “ăn rồi cứ tưởng là mình chưa ăn”.

Tôi ở trại này chẳng nhớ bao lâu thì bỗng một ngày năm 1985, thấy mấy anh cai tù đưa một đoàn tù từ nơi khác đến. Đám tù này còn rách rưới, gầy còm xanh xao hơn chúng tôi nhiều. Tôi là tù cũ nên tiến lại gần khi tù mới vừa được ngồi xuống bên hàng rào. Lúc đó tôi mới biết đó là những người bạn tù ở các trại tận Pleiku, Kontum và ở những trại nổi tiếng là “ác ôn” nhất như Gia Trung, Bù Gia Mập… Tôi nhận ra trong đó có nhiều ông bạn văn nghệ sĩ tôi đã từng là bạn tôi khi còn viết báo và làm trong các đài Phát Thanh ở Sài Gòn.

Người đầu tiên tôi gặp là ông Thái Thủy với cặp kính cận mất gọng, chỉ có hai chiếc dây vải buộc vào mắt kính. Câu đầu tiên tôi hỏi là “đói không?” Thái Thủy chỉ gật. Thế là tôi tức tốc chạy về phòng lấy một ít mì sợi của tôi và anh Nguyễn Gia Quyết để chung trong một cái thùng sắt mang chia cho Thái Thủy. Hồi đó chúng tôi ở trại này gần Sài gòn, đã được “thăm nuôi” vài tháng một lần nên cuộc sống cũng tạm dễ chịu.

Sau đó tôi mới được gặp lại một loạt các ông Nguyễn Viết Khánh, Trần Dạ Từ, Mặc Thu, Nguyễn Sỹ Tế, Thảo Trường. Ông nào cũng đói trơ xương.

Mấy hôm sau, trại cho bán thịt heo, tôi chỉ còn đủ tiền mua đúng một kí lô thịt heo mang cho ông Trần Dạ Từ, nhưng ông này lại bảo “tớ còn chịu đựng được, ông đưa cho ông Nguyễn Sĩ Tế đi”. Thế là tôi lại phải tìm cách gặp ông Nguyễn Sĩ Tế.

Mỗi người ở một buồng giam khác nhau. Cuộc sống cứ thế trôi đi, anh em gặp nhau mỗi buổi sáng thường chỉ còn biết nhìn nhau.

Con gà mất tích

Cho đến khi tôi được coi tủ sách – gọi là thư viện – của trại, tôi ở trong một căn nhà tranh nhỏ nằm ngay lối cổng trại ra vào. Bữa đó là chủ nhật, Trần Dạ Từ nhờ tôi mua một con gà của một anh cũng là tù nhưng được gọi là “Trại viên tự giác” ở ngoài trại. Anh ta làm thợ mộc và có nuôi thêm mấy con gà con vịt để ăn và thỉnh thoảng bán lấy tiền mua thuốc hút. Tôi đích thân mang con gà vào trại đưa cho Trần Dạ Từ. Nhưng buổi chiều ông Từ chạy lên tôi kêu toáng lên: Con gà của tôi mất rồi ông ơi, nó giẫy dụa làm tuột dây cột chân rồi chạy mất. Tôi đi tìm hoài không có.

Tôi cũng chẳng biết làm thế nào hơn, nhưng bỗng nảy ra một“sáng kiến” là đợi hoàng hôn khi gà lên chuồng, có thể con gà sẽ tìm về chuồng cũ, tôi sẽ ra hỏi chủ của nó xem. Từ đành phải về ngồi chờ.

Tối đó, chờ giờ điểm danh xong, tôi bò ra ngoài gặp anh chủ gà, anh ta cũng là người ngay thẳng nên đưa tôi ra chuồng gà, chỉ có chừng chục con. Không thấy con gà mái buổi trưa đã bán đâu. Chắc nó lưu lạc trong cái trại tù mênh mông đó, không tìm được đường về chuồng cũ hoặc có anh nào tóm được nó rồi. Hôm sau cũng không tìm thấy con gà. Thế là ông Trần Dạ Từ đành nhịn ăn thịt gà.

Còn ông Nguyễn Viết Khánh có tuổi nên được giao cho chức“trực buồng”, không phải xếp hàng đi lao động, chỉ ở buồng dọn dẹp vệ sinh cho đội. Các ông Mặc Thu, Nguyễn Sĩ Tế, Thảo Trường vẫn phải đi làm như tất cả mọi người khác.

Ông Mặc Thu xỉn

Có lần con ông Mặc Thu lên thăm bố. Mang theo thức ăn và cả đồ nhắm cùng rựơu ngon cho bố. Ông Mặc Thu cao hứng đánh chén tì tì. Đến khi vào trại, đi xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu, mồm sặc mùi rượu. Tay trưởng trại, ở ngay phòng trực trước cổng trại, gọi ông Mặc Thu vào. Lúc đó Mặc Thu còn sặc mùi rượu, nói năng lè nhè lung tung nên buổi chiều bị nhốt ngay vào nhà lao, cùm hai chân.

Cái nhà lao bằng tranh nhỏ xíu nằm gần phía sau trại chỉ có một lối nhỏ dẫn vào. Hằng ngày mấy tay gọi là “thi đua” trong trại phải mang cơm đưa vào cái cửa ô cửa nhỏ, đồng thời lấy cái bô vệ sinh của anh tù ra ngoài mang đi đổ. Tôi phải nói mãi với tay thi đua để mang thêm cho ông ấy ít cơm và thức ăn. Vài ngày sau ông Mặc Thu được thả, bởi thật sự nếu để ông ấy nằm trong nhà lao cái kiểu ấy, có thể chết bất cứ lúc nào.

Từ đó đó mỗi lần bọn cán bộ trại có tổ chức đám cưới, liên hoan, lễ Tết thường bắt mấy anh tù có tài vặt đến trang trí hội trường. Tôi lại lôi ông Mặc Thu lên ngồi vẽ, cắt dán đủ thứ. Được cái ông này rất có tài vẽ vời và cắt dán khiến mấy anh“cán” rất mê. Từ đó ông dễ thở hơn rất nhiều.

Cho đến khi được thả, tôi thường đến thăm ông Mặc Thu. Khi ra tù, những năm sau này, ông bà Mặc Thu đã được con gái lớn bảo lãnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Nhưng ông bà đông con, một số con cháu không thể cùng đi. Vậy là cả ông lẫn bà đã trở lại Sài gòn trong những ngày cuối đời. Khi ông sắp mất, ông nhất định bắt con trai gọi tôi đến. Khi gặp ông, lúc đó có lẽ ông biết chắc sắp ra đi nên nắm tay tôi bùi ngùi nói lời từ biệt:“Không thể quên cậu và anh em trong tù được”. Và quả nhiên đêm hôm đó ông ra đi mãi mãi.

Ăn Tết trên chiếu rách

Đúng là không thể quên. Một buổi chiều cuối năm 1986, trại tù tổ chức cho trại viên trình diễn văn nghệ, họ giao cho tôi tổ chức ban hợp ca. Tôi lôi tuốt mấy ông văn nghệ sĩ vào ban văn nghệ. Thảo Trường khỏi “đi rừng”, ngồi ở buồng viết kịch. Một bạn tù trong đội thợ mộc tự chế được một cây violon. Ông Nguyễn Sĩ Tế được tặng cây violon cà cộ này, mang kéo cho ban nhạc. Trần Dạ Từ biến thành nhạc trưởng bất đắc dĩ, lo bắt giọng cầm nhịp. Ông Mặc Thu râu dài đóng vai đạo diễn. Trưởng trại tù sau đó mang ra phê phán “toàn những ông trốn việc quan đi ở chùa. Nhạc sĩ gì mà chơi đàn cò cử, hát cứ như làm hề”. Tôi biết lão ta nói đúng nhưng vẫn cãi cối rằng anh em như thế là làm hết sức rồi, nên thưởng mới đúng chứ. Đề nghị được mấy tay đội trưởng vỗ tay tán thành. Thế là cả ban nhạc được nghỉ thêm vài ngày sau Tết.

Tết đó, tôi để dành phần quà thăm nuôi của tôi và anh Nguyễn Gia Quyết để làm bữa cơm “thịnh soạn” mời tất cả mấy anh em lên ăn trưa, có cả rượu trắng đàng hoàng. Buổi họp mặt đông đủ chẳng thiếu ông nào. Địa điểm tôi nhờ chỗ bên bệnh xá vắng người. Bàn tiệc là chiếc chiếu rách trải trên chiếc giường tre. Vậy mà chén chú chén anh, đấu hót cũng xôm trò. Khi tàn tiệc, ông Mặc Thu lại lảo đảo đi ngật ngưỡng giữa trưa nắng trong sân trại. Cũng may tên lính gác trại tù nhìn thấy nhưng ngày Tết nó tha, không nói gì. Hôm sau nó vào gặp tôi kể công về cái sự“nhân từ” đó, tôi đành phải đi xin một con gà cho nó mới yên. Vào thời kỳ đó ông nào cũng trên 10 năm tù cả rồi nên không khí bớt ngột ngạt hơn.

Cho đến tháng 9 năm 1987 chúng tôi mới được tha về, nhưng Thảo Trường còn phải nằm lại trong tù thêm mấy năm nữa cho đủ 17 năm.

Như tôi đã viết trong một bút ký, khi ra tù, chúng tôi được chở trên xe từ trại tù Hàm Tân về hội trường trại giam Chí Hòa. Tôi mạn phép bạn đọc cho tôi nhắc lại đoạn bút ký đó:

“Vào buổi chiều tháng 9 năm 1987. Khi đoàn xe thả tù cải tạo bị giữ lại nhà giam Chí Hòa nghe các ông quan chức trấn an về số phận chúng tôi khi được trở về, khoảng hơn 5 giờ chiều chúng tôi mới được thoát ra khỏi cánh cửa sắt nhà tù Chí Hòa. Ngay từ cổng trại tù đã có đoàn quay phim đợi sẵn để quay cảnh “vui mừng đoàn tụ” của tù nhân, chắc là để chứng tỏ cái sự “khoan hồng bác ái” của nhà nước cho những thằng may mắn không chết trong ngục tù. Lại là lần thứ hai tôi đặt chân lên đất Sài Gòn nhưng với tư cách khác giữa một thành phố đã đổi chủ.

Thấy cái cảnh sẽ bị quay phim, Trần Dạ Từ kéo tôi lên vỉa hè đi lẩn trong đám thân nhân được vận động ra đón tù cùng những người dân tò mò nhìn “cảnh lạ”. Tránh được cái máy quay phim, chúng tôi đi gần như chạy ra khỏi con phố nhỏ này. Ra đến đường Lê Văn Duyệt, chúng tôi đi chậm lại, nhìn đường phố mà cứ thấy đường phố như đang nhìn chúng tôi với một vẻ xa lạ và xót thương?

Trần Dạ Từ còn lại ít tiền, anh rủ tôi ghé vào đường Hiền Vương ăn phở. Chẳng biết là bao nhiêu năm mới lại được ăn tô phở Hiền Vương đây. Tôi chọn quán phở ngay sát cạnh tiệm cắt tóc Đàm mà mấy chục năm tôi cùng nhiều bạn bè vẫn thường đến cắt tóc. Có lẽ Trần Dạ Từ hiểu rằng anh về đoàn tụ cùng gia đình chứ còn tôi, vợ con đi hết, nhà cửa chẳng còn, sẽ rất cô đơn, nên anh níu tôi lại. Ngồi ăn tô phở tưởng ngon mà thấy đắng vì thật ra cho đến lúc đó tôi chưa biết sống ra sao giữa thành phố này.

Tưởng nhớ

Vậy mà tôi vẫn phải sống như thế cho đến hôm nay. Các bạn tôi đã ra đi hết, người còn kẻ mất, đôi khi chẳng còn biết tin tức gì về nhau. Nhưng kỷ niệm vẫn còn đấy ắp trong tôi. Đêm cuối năm Ất Mùi này, chỉ cần chớp mắt là thấy hình ảnh từng người một xuất hiện. Thảo Trường luôn tưng tửng, ngang ngang, cứ như bất cần đời; Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh lúc nào cũng thanh thản chẳng thèm nghĩ gì đến cái thân phận tù đầy. Ông Mặc Thu có chùm râu tơ, luôn thích vuốt râu khi “đối ẩm” với trà và rượu cùng những việc vẽ vời lặt vặt cho “lãng quên đời”. Ông Nguyễn Sỹ Tế rất kiệm lời và vẫn nét mặt trang nghiêm của những “thầy đồ”. Trong trại tù, có lúc ông Tế nằm cạnh Trần Dạ Từ. Mỗi lần Nhã Ca lên thăm nuôi, Từ rủ mấy anh em bù khú. Có lần tôi nhập bọn, ông Tế còn mang cây violon do bạn tù tự chế ra biểu diễn nhạc cổ điển tây phương. Sau màn nghiêm chỉnh thưởng thức, chúng tôi cùng cười vui khi nghe Trần Dạ Từ nói nhờ chiều nào anh cũng được ông Tế bắt nghe Schubert bằng cái đàn lạc giọng này mà thừa sức lao động.

Trong số các bà thăm nuôi ngày đó, Nhã Ca là dân cùng nghề văn, cũng đã từng đi tù rồi nuôi tù nên quen biết mọi người. Tôi nhớ chuyện kiếp trước, một sáng mùa xuân nào đó thời đầu 1960, khi có dịp ra Huế, tôi đã cùng Thanh Nam lái xe đến gặp Nhã Ca và Từ ở ngôi nhà khu Bến Ngự. Thanh Nam đã ra đi từ lâu. Thái Thủy cũng vậy. Ba tên bạn thân của Sài gòn ngày nào, nay chỉ còn mình tôi. Mới đó đã là 30 năm, từ ngày được chia với Thái Thủy gói mì khi đoàn tù tả tơi từ Gia Trung chuyển trại về Hàm Tân.

Cũng chỉ mới đó thôi, khi Trần Dạ Từ – Nhã Ca ghé thăm từ biệt tôi để ra đi, nay đã là hơn một góc thế kỷ. Bây giờ, trong đám bạn tù nhà văn, Mặc Thu, Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sĩ Tế, Thái Thủy, Thảo Trường đều đã ra đi, chỉ còn lại Trần Dạ Từ và tôi.

Đêm cuối năm, mỗi chớp mắt là thấy lại một người, một thời. Đúng như thơ Tản Đà: Thời gian ngựa chạy… Vù một cái, tôi thấy mình nhận lời chúc xa xôi của Từ cho “Bát Tuần Thượng Thọ”. Tết này, dù không thắp hương cho bạn, nhưng tự trong đáy lòng tôi có hương khói tưởng nhớ đến những người bạn trong tù. Nhận lời Từ hỏi thăm mừng thọ 80 niên, tôi viết bài này để cùng bạn tưởng nhớ.

Ước gì lại có một cái Tết được hội ngộ cùng các bạn tôi dù chỉ trên một chiếc giường tre, nhưng nó không phải là trong trại tù mà là ở một khung trời tự do đầy nắng vàng. Chúng ta đâu cần gì hơn thế.


Sài Gòn một đêm cuối năm
Văn Quang




No comments:

Post a Comment

View My Stats