Mon, 02/08/2016 - 09:30 — tuankhanh
Những ngày cuối năm, khi đang ngang con đường đó,
tôi vẫn thấy chiếc xe đẩy, đựng lỉnh kỉnh những những món đồ vá - sửa xe của chị,
người đàn bà mà tôi có dịp trò chuyện trong một lần xe cán đinh, vô tình ghé lại.
Sài Gòn, trung tâm thành phố những ngày thường, cái
góc nhỏ của chị vốn đã bé mọn, vào những ngày vắng vẻ của ai về nhà nấy đón năm
mới, cái góc nhỏ ấy lại càng lẻ loi hơn. Chị Đa, tên của người đàn bà làm nghề
vá - sửa xe ấy, nhiều năm đã không còn về quê nữa. Chị chọn đón Tết trong căn
phòng trọ thuê ở tận quận Tân Phú, xa nơi chị làm việc đến gần 15 cây số đường
đi, mỗi ngày.
Một trưa nắng đến điên người, xe lại bị xì bánh, tôi
đẩy xe đến góc đường đó và được chị mời chào vá xe. Ngồi nhìn đôi bàn tay thoăn
thoắt của người đàn bà giấu mình vào khẩu trang, nón trùm và áo khoác dày cộm để
chống lại cái nắng Sài Gòn, có lẽ ai cũng không khỏi ngạc nhiên vì sao công việc
rất 'đàn ông' ấy, lại được một phụ nữ đảm đương một cách hoàn hảo như vậy. Trò
chuyện mới biết chị Đa đi từ Thanh Hoá vào Nam lập nghiệp từ lúc còn trẻ. Cuộc
sống nghèo khổ khiến người chồng bỏ đi lúc chị đang có 2 con nhỏ. Thế là chị
thay vào công việc của người chồng để nuôi con. Hơn 15 năm sống ở nhà trọ, vá
xe trên vỉa hè, chị chọn vùng đất này là nơi để sông sót và hy vọng.
"Hai đứa con của em giờ vào đại học cả rồi anh ạ",
chị Đa nói. Trong những huyền thoại về sinh tồn, có lẽ những câu chuyện về những
bà mẹ vô danh như chị Đa đã lặng lẽ dựng nên những cuộc đời khác, đầy hy vọng
cho con cái mình, từ những giọt mồ hôi cần lao và kiên nhẫn, là điều bình thường
và kỳ diệu nhất. Nhưng ít có sách vở nào nói về họ.
Chị Đa kể rằng chị nhịn không về quê - vì quá đắt đỏ
- suốt 15 năm để dành dụm cho hai đứa con đủ tiền ăn học. 15 cái Tết trong đời
mình chị đón giao thừa cùng hai đứa con trong phòng trọ với những câu chuyện về
miền quê chôn nhau cắt rốn của mình. 15 cái Tết nhìn con cái lớn dần và chào mẹ
để bước ra đi chơi với bè bạn, chị lại ngồi một mình, ăn những bữa cơm ngày Tết
một mình.
Không ai dạy cho chị Đa làm mẹ. Cũng như không ai dạy
cho hàng triệu người phụ nữ Việt Nam làm mẹ. Ngôi trường bí ẩn nào đó của thiên
nhiên đã ban tặng cho những người mẹ bài học về tình yêu thương bao la, sự chắt
chiu qua khốn khó và dựng nên từng thế hệ. Chị Đa làm tôi nhớ mẹ mình lắm. Nhớ
những những ngày Tết mà khi còn mẹ, chốc chốc tôi cứ muốn quay về nhà để xem mẹ
ra sao.
Sài Gòn hay Hà Nội, những ngày chuẩn bị đón giao thừa,
hàng hàng lớp lớp người khăn gói lên đường về nhà, về quê. Chắc rất nhiều người
trong đó, thật ra là về với mẹ. Cái Tết ở Việt Nam nhiều năm nay, mỗi lúc một
thiếu đi nhiều phong tục. Tết chỉ còn là một ngày nghỉ dài hơi. Tết có thể là
cuộc chạy trốn ngày thường đô thị để tìm về sự giản dị của cha, của mẹ.
Nhưng không phải người mẹ cũng được niềm vui như vậy.
Đôi vợ chồng bạn quen với tôi, từ khi làm ăn khấm khá, vài năm trước đã tham
gia trào lưu mới của xã hội, là xách vali đi đón Tết ở nước ngoài. Ngày mùng một,
họ gọi điện thoại về a lô chúc Tết mẹ. Bà mẹ già cười trong điện thoại mà mắt
buồn buồn. Tôi nghĩ đến những đứa con của chị Đa. Chị cũng thúc mấy đứa nhỏ đi
chơi để hội nhập đời sống của chúng - năm chỉ có một lần. Nhưng bữa ăn một
mình, chắc rồi chị cũng buồn hiu.
Những năm mẹ tôi còn sống, sức yếu rồi nhưng bà cứ lụm
cụm, lén ra sân ra tuốt lá mai, vì sợ tôi thấy rồi ngăn. Bà cứ làm những chuyện
mà tôi cứ nghĩ là chỉ làm mệt người, do chỉ là thói quen ngày Tết như gọi người
đi đánh bóng lại bộ lư đồng, mua ít hoa, nhắc mặc đồ mới. Ấy vậy mà khi mẹ
không còn, thiếu những điều tưởng chừng như vặt vãnh ấy, Tết đi đến mọi nơi
nhưng không còn ghé vào nhà tôi nữa. Mẹ như một mùa xuân bí mật mà thượng đế đã
ban tặng cho mỗi gia đình, mà khi không còn, sự cô quạnh và tiếc nuối sẽ đeo đẳng
đến tận cuối đời, nhắc lại trong từng giấc mơ khắc khoải.
Chắc những đứa con của chị Đa còn chưa biết đủ về
món quà mà thượng đế ban tặng cho chúng. Hay đôi vợ chồng bạn tôi vẫn chưa tìm
thấy được cái Tết thật sự với mẹ mình. Tôi nhìn thấy nhiều cái Tết mà bạn bè
mình kể nôn nao được về với Cha, Mẹ... dù đó là nơi vẫn còn thiếu con đường nhựa,
chưa có những cây cầu đủ cho chiếc xe đạp chạy qua. Đó là những chuyện kể ấm áp
lòng người, mà chỉ nói với nhau thôi, cũng đã nghe xôn xao như Tết đến.
Anh bạn nhà văn của tôi đã hơn 50 tuổi, không cần Tết
đến, mỗi khi nhớ mẹ là anh leo lên chiếc xe 3 bánh dành cho người khuyết tật của
mình, đi cả trăm cây số để về nhà, đôi khi chỉ đề rờ vào mẹ mình, leo lên võng
nhìn mẹ qua lại. Một người bạn khác của tôi, sống bằng nghề ca sĩ và hoạt náo,
có đêm gần Tết bỗng gọi điện thoại để tâm sự vì không còn biết nói với ai, rằng
anh ta nhớ mẹ quá, rồi khóc rưng rức trong điện thoại. Khi còn mẹ, Tết cho mỗi
người cảm giác là trẻ con, bất luận bao nhiêu tuổi. Khi mất mẹ rồi, Tết là cảm
giác phải làm một người lớn một mình, mới héo hắt làm sao.
Năm nay, tôi không thấy đôi vợ chồng người bạn quen
chuẩn bị vali để đón xuân ở nơi khác nữa. "Mẹ yếu rồi, nên năm nay ở nhà
thôi", người chồng nói như vậy. Tự nhiên lòng tôi mừng như trẻ nhỏ. Vậy là
bà cụ được một năm mới bên con cháu đề huề. Dẫu muộn, nhưng rồi xuân đã thật sự
ghé đến ngôi nhà đó. Tôi cũng ước hai đứa con chị Đa sẽ ở nhà, ăn bữa cơm với mẹ
nhiều hơn. Rồi sẽ có lúc chúng bừng tỉnh và hiểu rằng không có tượng đài nào vĩ
đại hơn người mẹ với đôi tay chai sần ấy, cho chúng được ôm chầm lấy từng ngày.
Thế gian này, nếu ai cũng thương và nhớ đến mẹ mình, thì đó là lúc cõi hiền
lương phủ sáng mặt người.
Không còn mẹ, chẳng còn ai nhắc chuyện đi tuốt lá
mai hay đem bộ lư đồng đi đánh bóng. Tết ghé qua ngôi chùa nhỏ, nhìn những phần
thạch táng cao như núi, trong đó có mẹ, sao mà mọi thứ nguy nga và nhạt nhẽo đến
vậy. Khói hương chỉ nhắc Tết và những ngày tháng đẹp nhất đã đi qua. Người đàn
ông đứng gần đó, cứ rì rầm nói chuyện với người đã khuất như một điều kỳ lạ và
dịu dàng. Tết không có quá khứ, không có kỷ niệm về Cha, về Mẹ, chắc chỉ là những
mùa thụ hưởng của bản năng, vô vị.
Mồng một Tết. Hãy nhớ đốt một nén hương trầm với
lòng kính nguyện. Với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là
mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình mà chúng ta cần níu giữ.
No comments:
Post a Comment