Tuesday 9 February 2016

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TỰ DO & DÂN CHỦ (John T. Wenders, FEE)





John T. Wenders, FEE
Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Feb 9, 2016

Chuỗi sự kiện chấn động ở Đông Âu trong vài tháng qua đã tạo ra những niềm kinh ngạc, cú sốc, niềm hy vọng, và sự tán thưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất của chuỗi diễn biến này, không phải là thời khắc cáo chung của chính phủ độc tài ở các nước xã hội chủ nghĩa, mà là động lực để chúng ta xem xét mối liên hệ giữa lĩnh vực chính sách công và tư ở mọi quốc gia.

Trái ngược với quan niệm thường được phổ biến bởi các phương tiện truyền thông rằng tự do đồng nghĩa với dân chủ, sự thay thế đơn thuần một nhà nước cộng sản bằng một nhà nước dân chủ, dẫu vẫn là một bước tiến, thực chất không thể một mình thúc đẩy diễn trình của tự do.

Tự do và dân chủ khác nhau. Một nền dân chủ luôn xem xét cách hiện thực hóa mọi vấn đề trong lĩnh vực quyền lợi công. Một nền dân chủ sẽ càng hùng mạnh khi công dân bỏ phiếu để xác định cách giải quyết những vấn đề thuộc lợi ích công. Mặt khác, tự do lại thiên về mối liên hệ giữa những chủ đề trong khu vực quyền lợi cá nhân. Tự do có nghĩa là con đường cá nhân có quyền lựa chọn để tương tác với xã hội trên cơ sở tự nguyện, bên ngoài phạm vi quản lý của nhà nước.

Tựu trung, dân chủ có nghĩa là bạn có thể bỏ phiếu trong lĩnh vực quyền lợi công; tự do có nghĩa là bạn có thể xác định cách thức tương tác với những người khác trong khu vực quyền lợi tư.

Làn sóng tin tức và tranh luận về quá trình cải cách ở Đông Âu chỉ tập trung vào khuynh hướng vận động hướng đến dân chủ trong lĩnh vực quyền lợi công, và bỏ qua những truy vấn còn quan trọng hơn về khả năng phân bố hành động của công dân giữa khu vực quyền lợi công và tư. Người ta hoàn toàn có thể hình dung đến một nhà nước độc tài, nhưng lĩnh vực quyền lợi công chỉ ở quy mô nhỏ, thực tế tự do cá nhân ở đó lại ở mức lớn hơn nhiều so với một nhà nước dân chủ, nhưng duy trì bộ máy quyền lợi công đồ sộ.

Điều cốt yếu là một bản hiến pháp xác lập ranh giới giữa quyền lợi công và tư, cũng như giữa dân chủ và tự do. Quan trọng hơn, vai trò của hiến pháp là để bảo vệ quyền tự do trước dân chủ và quyền của cá nhân trước đám đông.

Một số quyền tự do thuộc lĩnh vực dân sự, như tự do ngôn luận, tôn giáo, và lập hội. Tu chính thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ xác lập quy chế để khu biệt quyền ngôn luận, báo chí khỏi lĩnh vực quyền lợi công. Nếu bị bỏ mặc trong một tiến trình chính trị dân chủ, tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế nghiêm trọng bởi chính các nhà lập pháp, nỗ lực phổ biến tự do ngôn luận sẽ bị ngăn chặn bởi các tòa án, và còn nhiều vấn đề hơn nữa sẽ bị hạn chế bởi những tiền lệ như vậy. Chính hiến pháp bảo vệ vị thế của quyền tự do ngôn luận trước dân chủ.

Trong lĩnh vực kinh tế, tự do có nghĩa là cá nhân có quyền sở hữu, mua, bán tài sản như ý muốn của họ trong thị trường tự do. Trong những thế kỷ trước, một cuộc xâm lược ổn định của hoạt động thị trường vào các tiến trình chính trị đã hiện diện ở khắp mọi nơi. Ngay cả ở các nước tư bản chủ nghĩa như Hoa Kỳ, lĩnh vực quyền lợi công đã không ngừng mở rộng. Khi hoạt động kinh tế được giải quyết bằng các quá trình chính trị, ngay lập tức nó trở thành đối tượng để bị thao túng bởi những kẻ – thường là thiểu số – dựa vào những thủ đoạn kinh tế – chính trị để trục lợi. Khi chính trị tìm cách kiểm soát thị trường, nó cũng bóp nghẹt cả quyền tự do ngôn luận, hiện tượng này được chứng thực bởi các tập thể báo chí thương mại, những hậu vệ tận tụy của quyền tự do ngôn luận đã nỗ lực thành công để ngăn chặn sự cạnh tranh từ các công ty điện thoại, những kẻ muốn lấn sân cả vào lĩnh vực xuất bản điện tử.

Sự sụp đổ của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến động trong những năm qua. Tuy nhiên, quan niệm phổ biến về sự sụp đổ kinh tế này có thể được bổ sung bằng một tiến trình chính trị cải cách dân chủ.

Ngược lại, chúng ta có thể đạt được cải cách kinh tế chỉ bằng cách khu biệt kinh tế khỏi chính trị. Trừ khi quy mô và phạm vi của lĩnh vực quyền lợi công ở các nhà nước ở Đông Âu – giờ đã phì đại – được thu hẹp đáng kể, không thì sẽ có rất ít thay đổi. Sự khác biệt duy nhất là công dân có quyền bỏ phiếu để quyết định chính cách thức chính sách công khống chế quyền tự do của họ.

Những bài học từ quá khứ luôn sống động, miễn là Đông Âu chịu nhìn đến. Bất cứ nơi nào nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ (như ở Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Hàn Quốc, Ấn Độ, hầu hết khu vực châu Phi và Nam Mỹ), bởi xã hội chủ nghĩa hay không, thì nền kinh tế ấy đều bị bỏ xa bởi chính những nền kinh tế định hướng bởi thị trường trong cùng khu vực – như Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Chile, Hoa Kỳ, và các quốc gia thịnh vượng nói chung.

Cơ sở hiến pháp cho một nền kinh tế thị trường rất đơn giản: quyền sở hữu phải được trao cho các cá nhân hoặc các hiệp hội tự nguyện của cá nhân. Những quyền này, cũng như quyền tự do của chúng ta về tư tưởng và tôn giáo, phải được xác định rõ ràng và được bảo vệ thường xuyên (như quyền tự do ngôn luận) trước sự xâm lấn từ lĩnh vực quyền lợi công. Quyền sở hữu đối với tài sản và dịch vụ phải được tự do chuyển nhượng.

Có những người phản đối việc khu biệt lĩnh vực quyền lợi công khỏi hoạt động kinh tế tư nhân bởi họ cho rằng thị trường không phải lúc hào cũng vận hành suôn sẻ. Tuy nhiên, chính những kẻ chủ tâm lên án các thị trường không làm việc lý tưởng lại muốn để mặc nó trong vòng kiểm soát của một hệ thống chỉ đạo chính trị, một chu trình còn tồi tệ hơn. Lựa chọn hợp lý nhất là cân đối lợi ích và chi phí của mọi giải pháp. Chỉ có cá nhân trong cuộc mới hiểu rõ mọi giải pháp thay thế của họ, và chỉ những cá nhân trực tiếp gánh chịu hậu quả của sự lựa chọn mới có thể cân nhắc được những giải pháp đúng. Mọi lựa chọn được kiểm duyệt bởi chính trị và áp chế đảm bảo rằng người ta sẽ không bao giờ có thể biết đến hoặc xét đến mọi giải pháp thay thế khả dĩ. Thị trường tự do chắc chắn là không hoàn hảo, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với thứ bị thao túng, kinh nghiệm xương máu từ Đông Âu đã khẳng định điều này.

Có một sự khác biệt giữa dân chủ và tự do. Tự do phải được bảo vệ trước dân chủ. Một hiến pháp chuẩn mực sẽ làm được điều đó. Chỉ khi các nước Đông Âu và mọi nơi khác thông qua và thực thi hiến pháp như vậy thì họ mới đạt được bước tiến chắc chắn trong kinh tế.

© 2007-2016 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info





No comments:

Post a Comment

View My Stats