Trong
một chuyến du ký ở Việt Nam để tìm hiểu về dư âm của cuộc chiến 1979, nhà báo
Michael Sullivan có tìm đến một nghĩa trang ở Lạng Sơn. Khi chứng kiến một phụ
nữ thắp nhang cho người thân của mình, một binh sĩ đã hy sinh để chống lại quân
xâm lược Trung Quốc, Micheal Sullivan đã an ủi bà rằng thôi thì chiến tranh đã
chấm dứt. Nhưng rất dứt khoát, bà Phạm Thị Kỳ – tên của người phụ nữ – đã nói rằng
“Không, sẽ không bao giờ chấm dứt. Với Trung Quốc, làm sao mà chấm dứt được?”.
Khu
nghĩa trang nhỏ nơi bà Phạm Thị Kỳ đang viếng người thân, sẽ không bao giờ nói
lên đủ nỗi đau của một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt đó. Theo ước tính
chủ quan của các sử gia nước ngoài, ước tính có 50.000 người Việt đã thiệt mạng,
bao gồm binh sĩ cùng người già và trẻ con bị quân Trung Quốc tàn sát man rợ
trên đường rút chạy, để trả thù cho cuộc xâm lăng thất bại, với gần 100.000
lính bị thương và chết.
Ở
Việt Nam ngày nay, người ta không dễ tìm thấy một cách trọn vẹn những dữ liệu
mang tính chính thống cho cuộc chiến kỳ quặc và đau thương này. Hiếm có bộ phim
nào ra rạp với kịch bản về cuộc chiến biên giới phía Bắc – dù đó là nguồn đề
tài sử thi dồi dào. Rất ít sách nghiên cứu về hậu quả của cuộc chiến này, đối với
đất nước và con người Việt Nam. Thậm chí, không có dòng nào trong sách giáo
khoa lịch sử – so với hàng núi sách về cuộc chiến với người Pháp, người Mỹ và
miền Nam Cộng hòa được phổ biến rộng rãi – mà những đứa trẻ như con cháu bà Phạm
Thị Kỳ vốn vẫn thắc mắc khi đến viếng mộ người thân của chúng.
Đã
đến lúc Bộ giáo dục Việt Nam đưa câu chuyện chiến tranh này vào sách giáo khoa
chưa? Chí ít đó là một chương rất nhỏ và mờ nhạt về cuộc chiến này, để không
làm đau tủi hàng chục ngàn người Việt đã ngã xuống, đổ máu trong các cuộc đụng
độ biên giới, để chúng ta có thể ngồi yên ở đây, hôm nay?
Không
khác mấy ở Việt Nam. Cuộc chiến biên giới 1979 Việt – Trung cũng được nhắc đến
rất mờ nhạt ở Trung Quốc. Ngay trong sách giáo khoa của học sinh trung học đại
lục, chỉ có vài dòng ít ỏi mô tả để thế hệ sau không lãng quên quá khứ nhưng lại
không quên ghi rằng đó là một cuộc chiến tự vệ và đánh trả để chứng minh “sức mạnh
và chính nghĩa” của Trung Quốc. Giải thích về chuyện vì sao quân đội Việt Nam
không hề tiến qua biên giới, mà chính quân đội chính quy Trung Quốc lại thọc
sâu vào đất Việt Nam, các sử gia nhà nước đã ghi rằng bởi PLA (Quân đội Giải
phóng Nhân dân Trung Hoa) chấp nhận đáp trả thách thức của nước Nga, lúc đó
đang hậu thuẫn cho Việt Nam, khi đưa ra lời cảnh cáo nếu vượt biên giới thì Nga
sẽ pháo kích đánh trả.
Dù
ít, nhưng người Trung Quốc cũng được dạy rằng họ mang “chính nghĩa” đi khắp thế
giới, và Hoàng Sa và Trường Sa là của đất mẹ đại lục hiện vẫn chưa thu hồi được.
Cuộc chiến 1979 được Trung Quốc mô tả với hơn một tỷ dân của họ rằng Việt Nam
“kiêu ngạo và càn quấy” nên cần được dạy dỗ. Ký ức về cuộc “dạy dỗ” đầy man rợ
đó vẫn lưu truyền trong dân chúng, và những nấm mồ người dân Việt vô tội im lặng
nằm rải rác, dọc khắp biên giới Bắc là bằng chứng không thể chối cãi.
Vì
sao chúng ta cần những sự thật lịch sử? Vì sao phải cần ghi vào sách giáo khoa
cho con cháu về sau? Câu hỏi nghe chừng có vẻ ngớ ngẩn – nhưng không phải là
không cần đặt ra lúc này. Vì bởi lịch sử làm nên nhân cách và dân tộc tính của
mỗi quốc gia. Lịch sử tạo nên những con người có ý thức rằng dân tộc mình đã tồn
tại với thất bại và vinh quang như thế nào. Lịch sử dặn dò rằng con người nhỏ
nhoi nhất có thể trở nên vĩ đại nhất, nếu vượt qua và sống sót. Tựa lưng vào lịch
sử đầy đủ và trung thực, con người có thể tìm thấy cho mình cái nhìn sâu sắc,
giá trị giúp cho từng thế hệ đi tới.
Lịch
sử không để dùng nuôi giữ hận thù hay phục vụ cho mục đích nào đó, ngoài việc
dâng tặng cho tri thức tử tế và sinh tồn. Lịch sử là kho kinh nghiệm vô giá để
loài người soi lại chính mình. Cố tình lãng quên sự thật và lịch sử mới chính
là cách dùng súng bắn vào quá khứ một cách đê tiện.
Ở
Trung Quốc lúc này, việc đòi hỏi minh bạch cuộc chiến 1979, đưa vào sách vở
chính thống cũng đang rộ lên trên các diễn đàn tiếng Hoa. Trên tờ New York
Times, khi ký giả Howard. W. French hỏi vài cựu chiến binh Trung Quốc đã tham
gia cuộc chiến 1979 rằng họ có biết ý nghĩa của cuộc chiến đó là gì không, họ
đã lắc đầu nói “tôi không biết”. Long Chaogang, tên của người cựu binh này, nói
rằng khi con cháu hỏi về cuộc chiến này, và vì sao, ông chỉ còn biết gạt phắt
đi và nói “không phải việc của tụi mày”.
Xu
Ke, tác giả một cuốn sách tự phát hành mang tên The Last War, từng là một cựu
pháo binh 1979, thì có những lý giải khác. Ông nói với ký giả Howard rằng cuộc
chiến đó là phần ký ức buộc phải xóa đi trong trí nhớ của người Trung Quốc, bởi
lý do của cuộc chiến đó không rõ ràng. Thậm chí, còn có lý thuyết rằng Đặng Tiểu
Bình dấy lên vụ xung đột biên giới để rảnh tay sắp xếp lại quyền lực của mình
trong bộ chính trị, vốn đang bị ám ảnh khuôn mẫu từ triều đại của Mao và đầy bất
lợi với họ Đặng.
Trung
Quốc làm ngơ và xóa ký ức của người dân Trung Quốc về cuộc chiến 17 tháng
2/1979 bởi họ không có chính nghĩa. Cả thế giới nhìn thấy đó là cuộc xâm lăng
điên cuồng. Nhưng người Việt thì không thể làm ngơ với lịch sử của mình, đặc biệt
khi đó là phần lịch sử bảo vệ tổ quốc, kiêu hãnh và lưu danh trong ký ức nhân
loại. Lịch sử phải được ghi lại, được giáo dục trong sách giáo khoa để ghi rõ
những quân đoàn Trung Quốc trên đường tháo chạy vẫn được tướng Hứa Thế Hữu (*)
truyền lệnh “sát cách vô luận” – tức thấy là giết, không cần lý lẽ. Đàn bà bị
hãm hiếp rồi giết, trẻ con bị đập chết, người già bị chôn sống… “chính nghĩa” của
đạo quân phương Bắc là vậy. Lịch sử phải được nhìn thấy đủ, để dấy động mọi tâm
can, cho những cuộc thắp hương tưởng niệm hàng năm phải được là lễ trọng, không
bị ngăn trở và vô vàn những bia, chữ tưởng niệm không bị vô-chủ tâm nhổ bỏ, hoặc
làm ngơ với phong sương.
17.2.1979
không phải là cuộc chiến riêng của vài tỉnh miền Bắc Việt Nam, cuộc chiến đó là
cuộc chiến của lòng ái quốc và lòng tự trọng của một dân tộc trước thách thức để
sinh tồn và độc lập. 17.2 cũng cần được kính trọng không khác ngày 2.9 trên đất
nước này. Vậy thì, khi nào sách giáo khoa Việt Nam sẽ ghi vào đó phần máu thịt
và đau thương của người Việt đã bị làm ngơ?
Khi nào?
Kết
thúc bài viết của mình tại Trung Quốc, ký giả Howard hỏi ông Xu Ke rằng ông sẽ
làm gì với cuốn sách của mình. Người cựu chiến binh Trung Quốc đó im lặng chốc
lát, và trả lời rằng ông muốn nhân dân mình được biết, tường tận về những gì đã
xảy ra. “Bọn đạo đức giả và phản bội đã che giấu sự thật”, ông Xu Ke nói.
(*) Tháng 9/2008, Tướng Trung Quốc Hứa Thế Hữu
từng được nhiều báo Việt Nam chia nhau đăng bài ca ngợi là tài năng xuất chúng,
mà “quên” bẳng ông ta chính là người cầm cánh quân tiến công vào Cao Bằng – Lạng
Sơn năm 1979, với chủ trương tàn phá mọi nhân lực và vật chất của Việt Nam.
-----------------------
Nhật Trường
.
Chủ Nhật, ngày 15 tháng 2 năm 2009
No comments:
Post a Comment