Thursday, 18 February 2016

NĂM SỰ THẬT VỀ KHỦNG BỐ (Joseph Nye, Project-Syndicate)





Joseph Nye, Project-Syndicate
Phạm Nguyên Trường dịch, CTV Phía Trước
Posted on Feb 16, 2016

Nền chính trị Mĩ đã bị bọn khủng bố cầm tù. Tháng 12 năm 2015, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khoảng 16% người dân Mĩ hiện cho rằng chủ nghĩa khủng bố là vấn đề quốc gia quan trọng nhất, trong khi trước đó chỉ một tháng con số này là 3%. Trong suốt thập niên qua đây là tháng có nhiều người nhắc đến chủ nghĩa khủng bố nhất, mặc dù còn thấp hơn con số 46% số người được hỏi sau những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Ảnh hưởng của sự thay đổi trong dư luận xã hội đặc biệt mạnh trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Chắc chắn là nó đẩy ứng cử viên Donald Trump – một người có những lời lẽ bài Hồi giáo cứng rắn (nếu không nói là cố ý khiêu khích) – lên vị trí khá cao. Một số chính khách bắt đầu gọi cuộc chiến chống khủng bố là “Thế chiến III”.

Chủ nghĩa khủng bố là vấn đề của nước Mĩ, như cuộc tấn công ở San Bernardino, California, tháng 12 vừa qua đã cho thấy. Nhưng nó đã bị cả các ứng viên tổng thống lẫn các phương tiện truyền thông – chuyên theo đóm ăn tàn – thổi phồng lên. Muốn có quan niệm đúng về chủ nghĩa khủng bố, người Mĩ – cũng như các dân tộc khác – phải nhớ những điều sau đây.

Chủ nghĩa khủng bố là một loại hí trường. Bọn khủng bố quan tâm nhiều hơn đến dư luận và đưa những vấn đề của chúng thành những vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự hơn là số người chết mà chúng thực sự giết hại. Nhà nước Hồi giáo (IS) đặt biệt quan tâm tới kịch nghệ. Những vụ chặt đầu man rợ và được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng là nhằm gây ra những cú sốc và giận dữ – và bằng cách đó mà gây được chú ý của công luận. Khuếch đại ảnh hưởng của chúng và biến mỗi cuộc khủng bố thành tin tức nóng trên trang nhất là chúng ta đang tiếp tay cho chúng.

Trong các nước tiên tiến, chủ nghĩa khủng bố không phải là mối đe dọa lớn nhất mà con người đang phải đối mặt. Tai nạn ô tô và thuốc lá giết nhiều người hơn hẳn chủ nghĩa khủng bố. Thực ra, chủ nghĩa khủng bố thậm chí không phải là đe dọa lớn – hay nhỏ, nếu nói về chết chóc. Người ta dễ bị sét đánh chết hơn là bị khủng bố giết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong một năm, sác xuất một người Mĩ bị khủng bố giết là 1 trên 3,5 triệu. Người Mĩ có nhiều khả năng bị chết trong những tai nạn, trong đó có bồn nước tắm (1 trên 950.000), thiết bị trong nhà (1 trên 1,5 triệu), bị hươu húc chết (1 trên 2 triệu), hay tai nạn máy bay thương mại (1 trên 2,9 triệu). Mỗi năm có sáu ngàn người Mĩ chết khi đang nhắn tin hay đang gọi điện thoại trong khi lái xe. Gấp mấy trăm lần số người chết vì khủng bố. Những cuộc tấn công của những người bất mãn tại nơi là việc và bắn nhau trong trường học giết chết nhiều người Mĩ hơn là chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Chủ nghĩa khủng bố không phải là Thế chiến III.

Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu không phải là hiện tượng mới. Thường thường, phải một thế hệ thì khủng bố mới tự lắng xuống. Đầu thế kỉ XX, vì những lí tưởng không tưởng, phong trào vô chính phủ đã giết khá nhiều nhà lãnh đạo quốc gia. Trong những năm 1960 và 1970, các Lữ đoàn đỏ và Hồng quân của “cánh tả mới” đã từng bắt máy bay, bắt cóc và giết các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nhân (cũng như thường dân).

Bọn thánh chiến cực đoan ngày nay là hiện tượng chính trị đã có từ lâu, được khoác cho cái áo tôn giáo mà thôi. Nhiều người lãnh đạo phong trào này không phải là những người theo trào lưu chính thống, mà là những người bị quá trình toàn cầu hóa đánh bật gốc rễ và đang tìm ý nghĩa cuộc đời mình trong cộng đồng của nhà nước Hồi giáo thuần khiết mà họ tưởng tượng ra. Phải có thời gian và nỗ lực thì mới thắng được chúng, nhưng bản chất địa phương, hạn hẹp làm cho chúng khó có thể lôi kéo được nhiều người. Với những cuộc tấn công mang tính phe phái như thế, chúng không thể lôi kéo được tất cả người Hồi giáo, càng ít hấp dẫn hơn đối với người Ấn giáo, người Thiên chúa giáo và những tôn giáo khác. Cuối cùng, IS chắc chắn sẽ bị đánh bại, như những kẻ khủng bố xuyên quốc gia khác trong quá khứ.

Chủ nghĩa khủng bố cũng như môn jiu jitsu (nhu thuật Brazil – ND). Người nhỏ hơn tận dụng sức mạnh của người lớn hơn và thắng người lớn hơn. Không có tổ chức khủng bố nào có sức mạnh bằng một nhà nước, nhưng một vài phong trào đã từng lật đổ được một nhà nước. Nhưng nếu chúng xúc phạm được dân chúng và làm cho họ thất vọng, đẩy họ vào những hành động mà chắc chắn họ sẽ thất bại thì chúng có thể hi vọng thành công. Năm 2001, Al-Qaeda đã thành công trong việc lôi kéo Mĩ vào Afghanistan. IS được sinh ra trong đống đổ nát của cuộc xâm lược sau đó của Mĩ vào Iraq.

Cần phải có lực lượng thông minh thì mới thắng được khủng bố. Lực lượng thông minh là khả năng kết hợp sức mạnh cứng: quân sự và cảnh sát; và sức mạnh mềm để lôi kéo và thuyết phục. Sức mạnh cứng là để giết và bắt những tên khủng bố ngoan cố, ít kẻ trong số đó chịu để cho chúng ta lôi kéo và thuyết phục. Đồng thời, cần sức mạnh mềm để giữ những người còn đang đứng bên lề, tức là những người mà bọn khủng bố ngoan cố có thể chiêu mộ.

Đó là lí do vì sao phải chú ý tới cách trình bày và hành động của Mĩ trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng quan trọng và cần thiết chẳng khác gì độ chính xác của những cuộc tấn công từ trên không. Ngôn từ có tính đối kháng, làm cho người Hồi giáo xa lánh và làm cho họ không muốn cung cấp thông tin tình báo quan trọng là mối đe dọa chung cho tất cả chúng ta. Đấy là lí do vì sao thái độ bài Hồi giáo của một số ứng viên tổng thống là rất phản tác dụng.

Chủ nghĩa khủng bố là vấn đề nghiêm trọng, nó xứng đáng là ưu tiên hàng đầu của ngành tình báo, cảnh sát, quân sự và ngoại giao. Nó là thành tố quan trọng của chính sách đối ngoại. Và quan trọng nhất là không để vũ khí giết người hàng loạt rơi vào tay bọn khủng bố.

Nhưng chúng ta không được mắc bẫy khủng bố. Hãy để hành động của chúng diễn ra trong nhà hát không khán giả. Nếu chúng ta để chúng chiếm được diễn đàn chính của cuộc thảo luận công cộng của chúng ta là chúng ta đang làm xói mòn chất lượng đời sống xã hội và làm méo mó những ưu tiên của chúng ta. Lúc đó người ta sẽ dùng sức mạnh của chúng ta để chống lại chính chúng ta.
_______

Joseph S. Nye, Jr., cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, giáo sư Đại học Harvard. Ông cũng là tác giả cuốn Thế kỷ Mỹ đã chấm dứt? (Is American Century Over?)






No comments:

Post a Comment

View My Stats