S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Wed, 02/10/2016 - 11:08 — tuongnangtien
Một nền báo chí mà không có tiếng nói phản biện và
những phân tích độc lập, thì phải nói là một nền báo chí buồn chán, nếu không
muốn nói là một nền báo chí chết lâm sàng.
*
Mới đầu năm/đầu tháng mà blogger Nguyễn
Văn Tuấn đã nói chuyện chết chóc (nghe) thấy ghê chết mẹ:
Theo dõi báo chí chung quanh sự kiện Đại hội đảng
CSVN, tôi thấy nền báo chí bên nhà (hình như gọi là “báo chí cách mạng”) thật
là u ám. Thuở đời nay một sự kiện tương đối quan trọng và có ảnh hưởng đến
tương lai đất nước, mà báo chí không hề có một bài bình luận chung quanh sự kiện.
Không hề có một bài phân tích các ứng viên. Không có tranh luận công khai. —
đành rồi. Nhưng cũng chẳng có một diễn thuyết nào của bất cứ một ứng viên nào về
viễn kiến và tương lai của đất nước.
Thay vào đó là những cái tít mang tính thông cáo hơn
là phân tích, như “Hôm nay bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư khoá mới”, “Nhiều ủy
viên Bộ Chính trị được giới thiệu tái cử”, rồi giả bộ “Trung ương giới thiệu
ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng” hay “Trung ương giới thiệu ông Nguyễn Phú
Trọng ở lại làm Tổng Bí thư” trong khi báo lề trái ai cũng đã tỏ tường!
...
Một nền báo chí mà không có tiếng nói phản biện và
những phân tích độc lập, thì phải nói là một nền báo chí buồn chán, nếu không
muốn nói là một nền báo chí chết lâm sàng.
Làm gì có chuyện “phản biện” và “phân tích
độc lập” tại Việt Nam, hả Trời? Ở xứ sở này, tuyết mà còn phải
rơi đúng lề và đúng hướng luôn nữa đó – theo như tin loan
của TTXVN:
Sáng 24/1 tại Sa Pa, băng tuyết đã phủ trắng thị trấn
kéo dài từ khu vực Trạm tôn đến địa phận xã Trung Chải dài khoảng 25km, độ dày
tuyết phủ có nơi lên tới 10cm.
Du khách thích thú
ngắm tuyết rơi tại Sa Pa. Chùm ảnh: Lê Phú
Theo quan sát của phóng viên, hiện tuyến đường 4D từ
thành phố Lào Cai đi Lai Châu, giao thông đi lại khó khăn một phần do tuyết
trơn, một phần do lượng người và các phương tiện đổ xô lên Sa Pa ngắm tuyết rơi
quá đông, gây tắc nghẽn cục bộ nhiều đoạn. Đặc biệt lưu ý đối với những du
khách di chuyển bằng phương tiện xe hơi cá nhân nên di chuyển chậm tránh những
đoạn đường xấu bị băng tuyết đóng dày khá nguy hiểm.
Hiện chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực
lượng cảnh sát giao thông, công an xã tham gia giữ trật tự an toàn giao thông để
hướng dẫn các phương tiện, nhất là những du khách đến từ các tỉnh xa.
Ai ai cũng muốn lưu
lại cho mình một tấm ảnh đẹp giữa trời tuyết trắng. Chùm ảnh: Lê Phú
Bên lề kia, lề trái – còn gọi là lề
dân, hay Thông Tấn Xã Vỉa Hè – cảnh tuyết rơi (hơi) khác.
Những ngày cuối đông này, khi thời tiết Tây Bắc giá
lạnh đến mức đổ tuyết, đóng băng với nhiều hình ảnh thương tâm, chúng tôi đã đến
thăm một xóm nhỏ người H'Mông tại Tây Bắc.
Câu chuyện được kể qua hình ảnh.
Câu chuyện được kể qua hình ảnh.
Ảnh: JB
Nguyễn Hữu Vinh
Thời tiết khắc nghiệt, nhiều nơi khí hậu xuống dưới
0 độ, tuyết rơi dầy đặc khiến cho trâu bò lợn gà chết hàng loạt, hoa màu tan
nát, trẻ em ko có đủ tấm áo ấm để mặc đến trường, tấm chăn ấm để đắp... Cuộc sống
của người dân vốn vất vả, thiếu thốn trăm bề nay năm hết tết đến rồi lại trở
nên cơ hàn hơn.
Ấy vậy mà ở đâu đó cs tốt đẹp hơn, một bộ phận giới
trẻ lại tỏ ra rất hào hứng, phấn khích với hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt
đó và hò reo nhau bỏ tiền bỏ của, bỏ công bỏ việc, bỏ học hành đi để...ngắm, để
cười đùa thỏa thích bên cạnh những gương mặt khắc khổ cơ hàn.
Thiết nghĩ nếu các bạn ấy thấu hiểu được nỗi
đau của đồng loại, cũng với chuyến đi đó, cũng với tinh thần đó nhưng là đi để
hỗ trợ, giúp đỡ cho đồng bào mình dù chỉ là manh áo cũ, tấm chăn mỏng hay vài
đôi dép cho con đường đến trường của các em nhỏ bớt lạnh hơn,...chắc hẳn chuyến
đi của các bạn sẽ ý nghĩa hơn và tình người cũng sẽ ko bị rơi theo những bông
tuyết lạnh giá ấy!
Ảnh: Nông Đức
Giỏi
Cảnh “thương tâm” ở Tây Bắc (“trâu bò lợn gà chết
hàng loạt, hoa màu tan nát, trẻ em ko có đủ tấm áo ấm để mặc đến trường, tấm
chăn ấm để đắp”) có thể làm mờ nét “ưu việt” của XHCN nên không thể
lọt vô ống kính của nhà báo thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam. Họ tác
nghiệp có định hướng mà.
Cũng vì cái “hướng” này nên, đôi lúc, “các
nhà báo cách mạng” của ta đã đi quá xa sự thực.
Cách đây chưa lâu, TTXVN đi tin
tỉnh rụi:
Việt Nam đối thoại thành công về chống phân biệt chủng
tộc.
Trong các ngày 21 - 22.2, tại Ủy ban Công ước chống
phân biệt chủng tộc (CERD) ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), đoàn đại biểu Chính phủ
Việt Nam và Ủy ban Công ước chống phân biệt chủng tộc đã có hai phiên đối thoại
rất bổ ích, cởi mở và thẳng thắn về báo cáo của Việt Nam thực hiện Công ước quốc
tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc giai đoạn 2000-2009.
Ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,
Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam cho biết, đoàn Việt Nam đã trả lời hơn
40 câu hỏi của các thành viên Ủy ban Công ước chống phân biệt chủng tộc, xoay
quanh vấn đề đảm bảo các quyền của người dân tộc thiểu số do công ước quy định.
Nhiều câu hỏi đề cập đến các biện pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế
xã hội cho người dân tộc thiểu số trong thời gian tới, những khó khăn thách thức
khi thực hiện các chương trình, chính sách cho họ, việc bảo tồn văn hóa các dân
tộc thiểu số trong hội nhập kinh tế và hiện đại hóa, giáo dục…
Ảnh: baoquangngai.vn
Ảnh:soha
Cùng sự kiện trên nhưng BBC và VOA loan tin
khác hẳn :
BBC: VN bị chất vấn về chính sách dân tộc.
VOA: Việt Nam bị chỉ trích tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Vụ này khiến blogger Thiên
Lý phải vò đầu, bứt tóc:
“Đọc những tin như thế, người đọc dù IQ thấp cở nào
cũng có thể phán đoán tin nào là tin chính xác. Hậu quả là hiện nay báo lề Đảng
ngày càng giảm số lượng người đọc, từ dạng báo in cho đến báo mạng...
Nhà báo Nguyễn
Công Khế cũng than phiền tương tự: “Tôi thấy chính sách thông tin
như hiện nay, ta chỉ từ thua đến thua.”
Thua me gỡ bài cào!
Ta (bèn) bắt
giam “đối thủ cạnh tranh” của mình cho ...đỡ tức. Một trong những nạn
nhân của vụ “gỡ gạc” này là ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh
Thúy, theo tin của báo Pháp
Luật – số ra ngày 10 tháng 5 năm 2014:
“Như đã đưa tin,
ngày 5/5, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã thực hiện lệnh bắt, khám xét
khẩn cấp đối với Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy về hành vi ‘Lợi dụng
các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp
của tổ chức, công dân’.
Khoảng năm 2009,
trên mạng Internet lần đầu tiên xuất hiện một trang blog có tên ‘anhbasam’ mà
ngay khi vừa xuất hiện, trang blog này đã thu hút sự chú ý của nhiều người thường
xuyên truy cập Internet, thậm chí có ngày đã đạt lượng truy cập hàng trăm nghìn
lượt...”
Chính vì trang “anhbasam” có “hàng trăm
nghìn lượt truy cập” nên những người điều hành Thông Tấn Xã Vỉa Hè
mới bị bắt giam vô thời hạn, không có ngày xét xử. Hôm 13 tháng 1
vừa qua, BBC vừa
(buồn bã) cho hay:
Blogger Nguyễn Hữu Vinh bị bắt ngày 5/5/2014 với cáo
buộc từ trang thông tin của Bộ Công An là "đã có hành vi đăng tải các bài
viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất
lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định
tại Điều 258 – Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội thông báo hoãn phiên xử
ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy trong tuần tới "sang một
ngày khác".
Trước đó cũng tòa này thông báo sẽ xét xử blogger
Anh Ba Sàm, tức ông Vinh, và bà Thúy vào sáng 19/1, một ngày trước Đại hội Đảng
XII. Thời điểm thông báo đã gây ra nhiều đồn đoán về các phe cánh trong Đảng
dùng phiên tòa được dư luận chú ý để sát phạt lẫn nhau.
Đại Hội Đảng XII đã qua nhưng phiên toà “xét xử
Anh Ba Sàm, tức ông Vinh, và bà Thúy” vẫn tiếp tục bị trì
hoãn. Chắc tòa án Nhân dân TP Hà Nội vẫn chưa “nghĩ ra” được tội
danh cho hai nhân vật này. Thôi, tôi đề nghị cứ mang họ ra xử (đại) đi.
Làm mất hết độc giả của TTXVN cũng là một trọng tội chớ bộ, đúng
không?
No comments:
Post a Comment