Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-02-13
2016-02-13
Lượng kiều hối gởi về Việt Nam trong những năm gần
đây chiếm tỷ lệ 1/3 dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy có nhiều
nghi vấn cho rằng kiều hối thực tế còn có một góc khuất như một kênh rửa tiền,
bên cạnh những đồng đô la chắt chiu của người Việt hải ngoại và người đi lao động
ở nước ngoài gởi về giúp gia đình.
Tiền
tham nhũng rửa qua kênh kiều hối?
Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2015 đạt 12,25 tỷ USD
tăng khoảng 0,25 tỷ USD so với năm 2014. Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới,
Mỹ là nguồn kiều hối lớn nhất gởi về Việt Nam với 7 tỷ USD. Trước đó dòng tiền
kiều hối về Việt Nam tăng vọt đáng ngạc nhiên từ mức 3,15 tỷ USD năm 2005 đã
tăng lên 6,80 tỷ USD vào năm 2008, sau đó chững lại một thời gian rồi tiếp tục
tăng chóng mặt.
Giáo
sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà
Nội nhận định về khả năng tiền tham nhũng được rửa qua kênh kiều hối. Ông nói:
“Có thể có, nếu như trong nước không quản lý tốt để
cho những khoản thu nhập bất chính nào đó mà người ta gởi ra nước ngoài bằng
con đường nào đó và chúng ta không kiểm soát được và bây giờ người ta dùng con
đường kiều hối ấy chuyển về nước để hợp pháp hóa. Chuyện này là có thật, nhưng
chưa được thống kê một cách kỹ lưỡng. Trước đây chúng ta cũng nói gởi tiền qua
Thụy Sĩ không thống kê được vì người ta giữ bí mật đến mức tối đa. Nhưng bây giờ
không chỉ có Thụy Sĩ mà có nhiều con đường khác nhau, chuyện này là có thể. Tôi
cho rằng chuyện dùng con đường kiều hối để rửa tiền quay đi quay lại đối với một
quốc gia là có nhưng không nhiều lắm.”
Phân tích các số liệu thống kê từ nhiều nguồn khác
nhau như Ngân hàng Nhà nước VN, Ngân hàng Phát triển Á châu… Năm 2015 TS Vũ
Quang Việt nguyên chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc, có bài phân tích trên
mạng Diễn Đàn nêu ra một số vấn đề về những dòng tiền bất hợp pháp ra vào Việt
Nam. Bài viết được Báo điện tử Đất Việt đăng lại và gây sôi nổi dư luận. Trong
bài, dựa vào bảng cân đối thanh toán quốc tế của Ngân hàng Nhà nước và dự trữ
ngoại tệ, TS Vũ Quang Việt sử dụng các tính toán chuyên môn và cho biết từ năm
2008 đến 2013 khoảng 33 tỷ USD đã bị tuồn bất hợp pháp ra nước ngoài.
Theo số liệu chính thức năm 2013 kiều hối về Việt
Nam đạt 8,9 tỷ USD trong đó con số 1,6 tỷ USD mà 500.000 người đi xuất khẩu lao
động gởi về trong tổng lượng kiều hối một năm là điều có thể tin được, vì như
thế mỗi người gởi về Việt Nam khoảng 3.200 USD. Phần còn lại là 7,1 tỷ USD
không thể là tiền gởi về nước của 4 triệu Việt Kiều, đặc biệt năm đó phía Việt
Nam cho biết 57% lượng kiều hối là từ Hoa Kỳ. Với 1,3 triệu người Việt ở Mỹ
tính đổ đồng thì mỗi người đã gởi 3.900 USD về Việt Nam, hoặc 1 gia đình 3 người
đã gởi tới 11.700 USD một năm. Đây là điều mà TS Vũ Quang Việt, hiện cư
trú ở New York nói là không thể tin được.
Trong bài viết, TS Vũ Quang Việt bác bỏ lập luận cho
rằng người Việt chuyển tiền về nước để gởi ngân hàng ăn chênh lệch lãi suất.
Theo ông, khó ai tin vào sự ổn định giá trị tiền đồng VN và dù không có bằng chứng
nhưng ông cho rằng khả năng có việc rửa tiền là hợp lý.
Đối với việc chuyển ngân bất hợp pháp từ Việt nam ra
nước ngoài qua con số 33 tỷ USD trong 6 năm từ 2008 tới 2013, TS Vũ Quang Việt
cho rằng có thể chủ yếu để nhập lậu hàng hóa từ Trung Quốc, số liệu năm 2013 là
khoảng 11,7 tỷ USD. Còn rửa tiền qua kênh kiều hối, TS Vũ Quang Việt cho rằng
xuất phát từ thu nhập bất chính của người có chức có quyền ở Việt Nam. Tiền lại
quả cho quan chức có thể được trả vào tài khoản thiết lập ở nước ngoài, sau đó
được rửa sạch.
Tại
sao phí gởi tiền về VN quá rẻ?
Không cần phải là chuyên gia, người Việt Nam sống ở
Hoa Kỳ cũng từng tự đặt câu hỏi là tại sao phí gởi tiền về Việt Nam ở các công ty
gởi tiền của người Việt lại rẻ như bèo so với các hãng chuyển tiền quốc tế. Thí
dụ gởi 100 USD trả phí 02 USD hoặc thấp hơn, gởi nhiều thì phí còn giảm nữa. Mức
phí này được cho là không đủ trang trải chi phí thuê mướn trụ sở và nhân viên.
Trong khi đó phí chuyển tiền của các công ty quốc tế như Western Union hay
Moneygram thường cao hơn rất nhiều.
Trên báo Đất Việt, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn
Trí Hiếu từng đề cập tới những cách thức rửa tiền thông thường nhất. Đó là
đi lòng vòng qua trung gian, tiền được chuyển dịch tại hai quốc gia nhưng lượng
tiền không được chuyển dịch qua hai lãnh thổ. Ví dụ một người gọi là A chuyển
tiền cho người thân là B ở nước ngoài. Người A muốn chuyển ngoại tệ cho người B
chỉ cần giao dịch qua người C ở trong nước và người C sẽ giao dịch với người D ở
nước ngoài, người B sẽ nhận được ngoại tệ từ người D. Tiền người B nhận được ở
nước ngoài trở thành tiền sạch, có thể rửa thêm một lần nữa qua đầu tư vào bất
động sản.
Nhận định về khả năng rửa tiền qua kênh kiều hối,
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội kêu gọi Nhà
nước phải có biện pháp thực sự để ngăn chặn và trong sạch hóa nền kinh tế. Ông
nói:
“Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc đổi mới kinh
tế một cách thực chất thì vấn đề phải đổi mới thể chế, hay là chế tài thì nói
phải đi đôi với làm. Phải thực sự thay đổi tư duy thì mới hạn chế được, ngăn chặn
được hiện tượng rửa tiền, những đồng tiền bất chính không làm ra bằng mồ hôi nước
mắt mà bằng cách bòn rút nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam, bằng cách bòn rút
tiền của những người làm ăn chân chính, người ta đổ mồ hôi nước mắt để tạo ra.
Nhưng đồng tiền đó lại rơi vào tay những kẻ tham nhũng, những kẻ làm ăn bất
chính. Những kẻ đó lại biến những đồng tiền đó thành tiền sạch thông qua rửa tiền
dưới dạng kiều hối.”
Rửa tiền là một vấn nạn trên toàn thế giới, các quốc
gia phát triển có hệ thống pháp luật nghiêm minh cũng chỉ giới hạn được vấn đề
này. Luật pháp Hoa Kỳ trừng phạt tội rửa tiền rất nặng, nhiều ngân hàng và tổ
chức tín dụng từng bị phạt hàng tỷ đô la vì liên quan đến rửa tiền. Vấn đề của
Việt Nam càng khó khăn hơn vì pháp luật lạc hậu và thói quen sử dụng tiền mặt.
Cải cách thể chế ở Việt Nam chậm và vướng mắc Hiến pháp Xã hội Chủ nghĩa độc đảng.
Hơn nữa tình trạng thể chế không minh bạch, chính là điều các quan chức tham
nhũng trong bộ máy công quyền không bao giờ muốn thay đổi.
No comments:
Post a Comment