Tác giả: David
W.P. Elliott
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng |Hiệu
đính: Lê Hồng Hiệp
Nghiên cứu Quốc tế 16-2-2016
Mùa hè năm 1990, những biến chuyển bắt nguồn từ những
sự kiện trong năm trước đó đã bắt đầu làm thay đổi các động lực của ngoại giao
quốc tế. Hồi ký của Trần Quang Cơ về giai đoạn rất quan trọng
trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Trung đã minh họa đầy đủ sự chuyển
dịch này. Trong khi Bộ Chính trị (Việt Nam) vẫn tiếp tục tranh luận xem nên cố
gắng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc dựa trên ý thức hệ chung (tức “giải
pháp đỏ” [cho vấn đề Campuchia]) hay là nên tham gia vào giải pháp ngoại giao với
kết quả khó dự đoán hơn thông qua Liên Hợp Quốc, tức là sẽ bao gồm cả Hoa Kỳ và
ASEAN, ông Cơ đã xin ý kiến ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là “cố vấn” Ban chấp hành
Trung ương Đảng. Ông Đồng nói với ông Cơ đầu tháng 8 năm 1990, “Phải dám chơi với
Liên Hợp Quốc, với Hội đồng Bảo an, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố
Mỹ trong tình hình mới… Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được…
Không nên đặt yêu cầu quá cao ‘giữ vững thành quả cách mạng (Campuchia)’… Đi
vào tổng tuyển cử bạn giành 50% là lý tưởng.”
Không lâu sau cuộc trò chuyện này, Trung Quốc bất ngờ
gửi lời mời khẩn tới Thủ tướng Đỗ Mười (không lâu sau thay thế Nguyễn Văn Linh
làm TBT) và Phạm Văn Đồng tới gặp tại Thành Đô xa xôi (phía Trung Quốc nói cần
họp ở đó để dễ giữ bí mật) để tham gia vào một nỗ lực giải quyết vấn đề
Campuchia và đạt được bước đột phá trong việc bình thường hóa quan hệ Trung –
Việt. Điều này là rất bất ngờ do đến thời điểm đó Trung Quốc vẫn kiên quyết khẳng
định rằng vấn đề Campuchia phải được giải quyết theo ý Trung Quốc trước khi có
thể đàm phán bình thường hóa quan hệ.
Phân tích của Trần Quang Cơ là Trung Quốc giờ phải
thay đổi lập trường do ưu tiên hàng đầu của họ là phát triển kinh tế đã bị cản
trở bởi các biện pháp trừng phạt sau vụ Thiên An Môn.
Ngoại giao được tăng tốc bởi các bên khác (bao gồm Mỹ,
Nhật, và ASEAN) và việc mất đi yếu tố chính giúp đoàn kết lập trường của Trung
Quốc với ASEAN (việc Việt Nam đóng quân ở Campuchia), cùng với mối lo ngại ngày
càng tăng của ASEAN về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực, đang làm đe dọa đến
khả năng kiểm soát kết quả giải quyết vấn đề Campuchia của Trung Quốc – từ đó dẫn
tới việc Bắc Kinh có động lực muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Việt
Nam.
Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn
Việt Nam tới Thành Đô vào đầu tháng 9 năm 1990, đáng chú ý là không có Bộ trưởng
Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, vốn được Bắc Kinh xem là người cương quyết chống
Trung Quốc. Trong các cuộc họp của Bộ Chính trị ông Thạch đã lên tiếng phản đối
cả “giải pháp đỏ” ở Campuchia và việc đánh cược mọi con bài ngoại giao của Hà Nội
dựa trên lợi ích chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc chung sức “bảo vệ
chủ nghĩa xã hội,” như Nguyễn Văn Linh và một số lãnh đạo Bộ Chính trị khác ủng
hộ.
Lập trường của ông Thạch đã suy yếu do không thể chứng
minh bất kỳ kết quả nào thu được từ “lá bài Mỹ.” Cuối cùng, giới lãnh đạo Đảng
đã quyết định gạt bỏ ông Thạch vốn gay gắt chống Trung để xoa dịu Bắc Kinh.
Bất chấp những chỉ dấu mơ hồ từ phía Trung Quốc rằng
Đặng Tiểu Bình sẽ tham dự hội nghị Thành Đô (để thuyết phục Phạm Văn Đồng tới dự
và tranh thủ thâm niên và uy tín của ông vào dịp này), Đặng đã không xuất hiện,
và Giang Trạch Dân cùng Lý Bằng là người đại diện cho Trung Quốc. Sau này Võ
Văn Kiệt cho rằng đây là một sự xúc phạm cố ý đối với Việt Nam, và phái đoàn Việt
Nam đã “sập bẫy” bằng cách gửi đến một nhà lãnh đạo cấp cao mà Trung Quốc không
đáp lại tương xứng.
Phái đoàn Việt Nam nhanh chóng phát hiện ra phía
Trung Quốc không hề quan tâm đến “giải pháp đỏ” hay bất kỳ hình thức liên minh
ý thức hệ nào với Việt Nam. “Tình hình quốc tế hiện nay nếu để hai đảng cộng sản
bắt tay nhau là sách lược không có lợi cho chúng ta,” phía Trung Quốc nói. Dù
miễn cưỡng viện dẫn sự đoàn kết ý thức hệ trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ
liên đảng giữa các phe phái cộng sản đối lập tại Campuchia, nhưng Trung Quốc vẫn
qua mặt Bộ Ngoại giao có xu hướng chống Trung Quốc của Việt Nam để làm việc trực
tiếp với Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN. Với việc Trung Quốc nhấn mạnh việc duy
trì quan hệ với Việt Nam chủ yếu là trên cơ sở phi ý thức hệ giữa hai nhà nước,
lẽ ra hoạt động ngoại giao giữa hai nước nên được thực hiện thông qua các kênh
liên lạc của chính phủ thay vì các kênh đảng. Điều này cho thấy Trung Quốc chỉ
viện đến sự đoàn kết giữa hai đảng khi nào tình hình phù hợp với lợi ích riêng,
và tiếp tục khước từ lời kêu gọi của Việt Nam là thay thế Liên Xô làm “thành
trì xã hội chủ nghĩa” trong một thế giới đang thay đổi.
Gọi hội nghị Thành Đô là một thất bại ngoại giao đối
với Việt Nam, Trần Quang Cơ cho rằng lý do chính là Việt Nam đã tự huyễn hoặc
mình bằng cách bám vào niềm tin rằng Trung Quốc có quan tâm đến một liên minh ý
thức hệ để chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các nước đế quốc nhằm lật
đổ các nước cộng sản còn lại. Sự sụp đổ của những nỗ lực thất bại nhằm đạt được
một “giải pháp đỏ” là bước quan trọng cuối cùng dẫn tới vai trò ngày một phai
nhạt của bóng ma “diễn biến hòa bình” vốn được các phần tử bảo thủ của Việt Nam
lấy làm cái cớ để phản đối các lực lượng theo xu hướng hội nhập của một hệ thống
hậu Chiến tranh Lạnh đang toàn cầu hóa.
Như xát muối vào vết thương, Trung Quốc hân hoan tiết
lộ nội dung hội nghị cho Hun Sen và một loạt các bên khác rằng các nhà lãnh đạo
Việt Nam đồng ý chấp nhận cho các thế lực chống Hun Sen chiếm ưu thế trong
chính phủ liên minh – trên thực tế là bán đứng phe được Việt Nam bảo trợ vốn
đang là thế lực thống trị ở Campuchia trong thời gian đó. Một trong những mục
tiêu của việc tiết lộ cuộc đàm phán được cho là bí mật này là nhằm xây dựng một
hình ảnh Việt Nam tráo trở và không đáng tin cậy với đồng minh, đồng thời gây
chia rẽ trong giới lãnh đạo Việt Nam. Trong vấn đề này Trung Quốc đã thành
công: trong một cuộc họp Bộ Chính trị giữa tháng 5 năm 1991, Phạm Văn Đồng bày
tỏ ân hận vì bị đẩy vào ủng hộ một chính sách không khôn ngoan. Thủ tướng Đỗ Mười
cũng lấy làm tiếc về kết quả, với lý do nó sẽ khiến Việt Nam trở thành người bạn
không đáng tin cậy trong con mắt các đối tác. Nguyễn Cơ Thạch cũng nói với TBT
Linh rằng ông đã mắc một sai lầm nghiêm trọng.
Vào ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1990, một
ngày trước khi diễn ra hội nghị bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Thành
Đô, bài phát biểu của Thủ tướng Đỗ Mười nhân dịp này đã ghi nhận lời kêu gọi của
Lý Bằng rằng “hai nước láng giềng” (không phải “hai bên đồng chí”) cần khôi phục
quan hệ bình thường và tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Ông Mười
nhắc lại sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho Việt Nam trong thời kỳ đấu
tranh vũ trang, và nói rằng “Trong công cuộc đổi mới của đất nước ngày nay, sự
giúp đỡ của bạn bè quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng.”
Một ý nghĩa của điều này là Việt Nam có dấu hiệu
đang chuyển từ những bước đi địa chính trị trên bàn cờ toàn cầu sang phát triển
kinh tế – trong quá trình đó việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ có
lợi, nhưng không sống còn như trong lĩnh vực chiến lược. Trước đó trong bài
phát biểu của mình, Đỗ Mười nói, “Tình hình quốc tế đang diễn biến hết sức phức
tạp. Khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu rất nghiêm trọng, không phải
là không có tác động đáng kể đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Các thế lực thù địch đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá sự nghiệp phát
triển và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.”
Như một chỉ dấu nữa cho thấy quan điểm của giới lãnh
đạo Việt Nam về bản chất của quan hệ quốc tế đang thay đổi, Đỗ Mười vạch ra những
đường nét rộng lớn của hiện tượng sau này được gọi là “toàn cầu hóa.” “Cuộc
cách mạng khoa học công nghệ và xu thế quốc tế hóa nền kinh tế thế giới đang
cho người dân thế giới nhiều cơ hội lớn để phát triển.” Thừa nhận rằng “đã có
nhiều sai lầm” trong chính sách kinh tế “trong nhiều năm,” ông Mười nói rằng
“Hiện nay chúng ta phải đối mặt với thực tế là mức sống và trình độ phát triển
của nhân dân ta đang quá thấp. Đây là tình hình bức bách và thách thức lớn đối
với nhân dân ta.”
Động lực cho sự nhượng bộ ở Thành Đô nhằm bình thường
hóa quan hệ với Trung Quốc vừa là chính sách thực dụng (bù đắp cho sự thiếu hụt
hỗ trợ từ Liên Xô và thừa nhận thực tế là vị thế chiến lược của Trung Quốc đã cải
thiện) vừa mang tính ý thức hệ (duy trì và tăng cường số lượng giảm sút của các
nước cộng sản nòng cốt). Bài phát biểu tháng 9 năm 1990 của Đỗ Mười, một bản
chi tiết hơn của bài phát biểu tháng 12 năm 1989, cũng cho thấy Việt Nam đã cố
gắng suy tính những tác động của quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên mới, trong đó
cả chính sách (địa chính trị) thực dụng và các yếu tố ý thức hệ đều không mang
tính quyết định trong việc giải quyết vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam, đó là
sự lạc hậu về kinh tế. Ở thời điểm đó, giải thoát khỏi gánh nặng Campuchia và
tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc để Việt Nam có thể tập trung phát triển là điều
cần thiết.
Mặc dù phái đoàn Việt Nam ở Thành Đô đã đưa ra sự
nhượng bộ lớn là chấp thuận đề xuất của Trung Quốc vốn có thể làm nghiêng cán
cân sang hướng có lợi cho các đối thủ của Hun Sen, nhưng Nguyễn Văn Linh và Bộ
trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh đã bay tới Phnom Penh và cố gắng thuyết phục Hun
Sen đồng ý hợp tác với các lực lượng Pol Pot, do bức tranh toàn cảnh là các nước
đế quốc đang cố gắng tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, và Campuchia có thể tự cứu
mình bằng cách đạt được hòa giải giữa phe cộng sản của Hun Sen và phe Khmer Đỏ.
Nguyễn Văn Linh nói với lãnh đạo Campuchia, “Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc
cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia. Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn
này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc.”
Lập luận này được Lê Đức Anh mở rộng thêm: “Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để
xóa cộng sản. Nó đang xóa ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xóa cộng sản trên toàn thế
giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng
minh này là Trung Quốc.” “Giải pháp đỏ” vẫn còn trong tâm trí hai nhà lãnh đạo
đảng và quân đội này của Việt Nam, nhưng khi không có sự ủng hộ của Trung Quốc,
giải pháp này đành chịu thất bại.
“Giải pháp đỏ” cũng làm đồng minh Campuchia của Việt
Nam trở nên xa lánh. Đại sứ Việt Nam thông báo rằng sau cuộc họp này thái độ của
Hun Sen đối với Việt Nam đã thay đổi – điều này cuối cùng dẫn đến cảnh Đại sứ
Ngô Điền “đơn độc” buộc phải chứng kiến sự tan rã của Đảng Cộng sản Campuchia.
Kết cục là Việt Nam không còn nước cộng sản nào bảo trợ cho mình, và cũng không
còn nước cộng sản nào để mình bảo trợ nữa. Trần Quang Cơ có lẽ đã không đơn độc
khi kết luận rằng hội nghị Thành Đô là “vết nhơ về ngoại giao của Việt Nam.” Việt
Nam đã không chỉ bộc lộ mong muốn theo đuổi một chính sách lạc hậu dựa trên sự
đoàn kết ý thức hệ với Trung Quốc, mà sự tiết lộ ranh mãnh của Trung Quốc về thất
bại của Việt Nam trong việc đạt được một “giải pháp đỏ” và sự phản bội người đồng
minh của mình đã làm suy yếu nỗ lực đa dạng hóa chính sách và mở rộng không
gian đối ngoại của Việt Nam. Lập trường của Trung Quốc đã biến việc đa dạng hóa
chính sách đối ngoại trở thành con đường ngoại giao khả thi duy nhất thay thế
cho sự phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Ngay cả cuốn hồi ký thẳng thắn của Trần Quang Cơ về
hội nghị Thành Đô giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc cũng không đề cập
đến một đề xuất đi xa hơn vấn đề Campuchia của Trung Quốc. Một tờ báo Anh dẫn
nguồn tình báo phương Tây cho rằng Trung Quốc đã đề nghị cung cấp cho Việt Nam
các loại hàng hóa cơ bản mà nay Liên Xô không còn có thể cung cấp, và trả lại một
phần đáng kể quần đảo Trường Sa (khu vực có trữ lượng dầu lửa tiềm năng). “Để đổi
lại, Trung Quốc đề nghị Hà Nội ‘điều phối’ – nói cách khác là điều chỉnh theo
hướng lệ thuộc – chính sách đối ngoại của Việt Nam theo chính sách của Bắc
Kinh. “Hà Nội đã tiến rất gần [đến việc chấp nhận],” theo một nguồn tình báo ở
Bangkok. “Và đó là điều thực sự làm tôi ngạc nhiên, chứ không phải là lời từ chối
cuối cùng của họ. Củ cà rốt giơ ra trước mặt Hà Nội là rất lớn, và họ đã phải
suy đi nghĩ lại trước khi khước từ toàn bộ. Nó cho thấy Việt Nam đã tuyệt vọng
đến mức nào.” Trên thực tế, vị thế chiến lược xấu đi của Việt Nam đã nhanh
chóng buộc nước này phải miễn cưỡng chấp nhận vai trò cửa dưới mà Trung Quốc đề
nghị – ngay cả khi không còn những củ cà rốt.
David W. P. Elliott là giáo sư ngành quản trị và
quan hệ quốc tế tại Pomona College. Tựa đề bài viết do Nghiencuuquocte.net tự đặt.
Nguồn: Elliott, David W.P., 2012, Changing Worlds: Vietnam’s Transition from Cold War to
Globalization (pp. 112-116). Oxford University Press.
------------------------
Xem
thêm:
Tác
giả: Lý Gia Trung[1] | Biên dịch: Nguyên Hải
Tháng 11 năm 1991, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt
Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức thăm
Trung Quốc, lãnh đạo hai nước ra Thông cáo chung, tuyên bố thực hiện bình thường
hóa mối quan hệ Trung –Việt, từ đó kết thúc trạng thái đối lập trong mối quan hệ
giữa hai nước kéo dài tới 13 năm. Cần nói rằng để đạt được mục tiêu ấy, cả hai
bên đều đã có những cố gắng lớn, trong […]
chuyện trở thành mợt tỉnh tự trị của trung quốc thì thật sự là phù phiếm, chúng ta càn nhìn nhận thực tế chỉ vài năm nữa thôi là đến năm 2020, nếu lúc đó mà không bán nước cho tàu thì thông tin đó sẽ được kiểm chuwnwgs.
ReplyDeletethêm vào nữa nếu mà nhà nước mà cố ý muốn bán nước dâng biển đảo cho tàu thì chẳng bao giò người dân sẽ ủng hộ, nếu bán nước thì nhân dân sẽ đập chết ngay chứ không phải là chuyện nói mồm chơi. những người cộng sản thừa hiểu được vấn đề không cần mấy tay cờ vàng dạy bảo
ReplyDeleteviệc kinh tế Trung Quốc tác động là điều không bao giờ có thể tránh khỏi, nhưng mà nó sẽ không bao giờ đi đến con đường lệ thuộc, đơn giản bởi vì chính sách độc lập tự chủ, nhất quán đã được thống nhất trong hệ thống chính trị, do vậy cái việc nói rằng lệ thuộc là điều vớ vẩn.
ReplyDeleteNhìn nhận năm vừa qua, việc Thủ tướng chèo lái con thuyền của đất nước đi hội nhập với thế giới đã được nhiều những hiệp định có giá trị cao trong đời sống, nói sẽ len lỏi và từng người trong dân cư. việc văn hóa phương tây và kinh tế phát triển sẽ là điều kì vọng lớn.
ReplyDelete