Saturday 19 December 2015

Theo Phan Bội Châu: Chống tham nhũng - Chống áp bức (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Friday, December 18, 2015 8:21:13 PM

Trong bài trước, mục này đã đề nghị những đảng viên ký tên dưới bức thư gửi Bộ Chính Trị và toàn thể đảng Cộng Sản Việt Nam phải hành động, khi những lời họ yêu cầu đảng thay đổi không được đại hội đảng kỳ thứ 12 đáp ứng. Họ cần cộng tác với các nhà tranh đấu dân chủ ngoài đảng, cùng tạo ra một thực thể chính trị mới, có như vậy Việt Nam mới có thể bắt đầu tiến trình dân chủ hóa noi gương Myanmar. Thực thể chính trị mới không nhất thiết là một đảng, một tổ chức chặt chẽ, mà chỉ cần bùng lên như một phong trào tự động, tự phát, sẽ tác động trên tinh thần của tất cả đồng bào, nhất là giới thanh niên.

Người ta sẽ làm gì để gây thành một phong trào như vậy? Hãy hành động như Luật Sư Nguyễn Văn Ðài. Ông Nguyễn Văn Ðài vừa bị bắt giam và sẽ bị đưa ra tòa, chỉ vì ông đi từ nhà ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào tận xã Nam Lộc, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, thuyết trình trước 70 người dân Việt Nam. Ông chỉ nói với đồng bào về các quyền căn bản của con người và của các công dân Việt Nam, căn cứ trên bản hiến pháp hiện đang thi hành. Cần hàng ngàn, hàng vạn người trong giới trí thức và thanh niên Việt Nam noi theo gương hành động của Nguyễn Văn Ðài. Ông chỉ làm một công việc mà Phan Bội Châu, trước đây hơn một thế kỷ, đã khuyên dân ta phải thực hiện.

Năm 1903, trong cuốn Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư (Lá thư mới viết bằng máu và nước mắt, từ quần đảo Lưu Cầu,) Phan Bội Châu nói tới ba nhu cầu thay đổi của nước ta: Học Thuật, Nhân Tài, và Dân Khí. Ðổi Học thuật, ngày nay chúng ta nói phải thay đổi tư tưởng, học hỏi khoa học kỹ thuật tiến bộ và nếp sống xã hội, chính trị tự do dân chủ mà nhân loại đã thực hiện trên khắp trái đất. Dưỡng Nhân Tài, bây giờ gọi là nhu cầu cải thiện giáo dục và đào tạo thanh niên. Phan Bội Châu viết: “Trong ba điều nói trên thì chấn dân khí là trước hết,” ưu tiên số một trong số ba việc cần làm. (Phan Bội Châu Toàn Tập, xuất bản năm 1990, cuốn 1, trang 145).

Nguyễn Văn Ðài đã làm cả ba công việc, theo đúng lời khuyên của Cụ Phan: Giúp đồng bào thay đổi, tập suy nghĩ theo tinh thần dân chủ, căn cứ vào hiến pháp; tập nói thẳng những điều mình thấy là đúng mà không sợ hãi trước cường quyền. Nếu tất cả quý vị đã ký tên trong bức thư gửi đảng Cộng Sản cũng làm được như vậy, họ cũng sẽ góp công vào việc chấn dân khí.

Nhưng muốn chấn dân khí, có thể làm những công việc cụ thể hơn. Cụ Phan đã nêu lên hai việc quan trọng nhất. Một: “Cốt yếu là phải tuyệt đường hối lộ để khích lệ lòng liêm sỉ.” Hai: “Phải bớt lệnh áp bức để cổ võ chí khí cương cường.”

“Tuyệt đường hối lộ,” và “Bớt lệnh áp bức.” Khi đọc hai mệnh đề đó, chắc nhiều vị độc giả không biết đó là những phương thuốc trị bệnh cho nước Việt Nam do Phan Bội Châu đề nghị từ thế kỷ trước.

Chống tham nhũng, chống áp bức là những việc tất cả mọi người Việt Nam đều có thể tham dự, kể cả các đảng viên cộng sản. Các đảng viên có lợi thế hơn người khác vì họ “nằm trong chăn” nên dễ biết những con rận đang chui rúc ở đâu. Các đảng viên cần cộng tác với các nhà tranh đấu ngoài đảng thì mới tác động được trên tất cả mọi người. Mười năm trước đây, cựu Ðại Tá Phạm Quế Dương và Giáo Sư Trần Khuê đã nộp đơn xin thành lập “Hội Nhân Dân Việt Nam ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng,” nhưng “vừa làm đơn gửi đi được mấy ngày đã ‘rách chuyện’ ngay lập tức...” như ông kể lại. Bởi vì muốn chống tham nhũng thì xã hội Việt Nam phải thay đổi, Phạm Quế Dương nói, “trước hết là phải đa nguyên, đa đảng, cái thứ hai là phải có tự do báo chí, cái thứ ba là phải có tự do bầu cử.”

Các đảng viên đã gửi bức thư cho Bộ Chính Trị cũng đề nghị thay đổi như vậy: “Ða nguyên, đa đảng, tự do báo chí, tự do bầu cử.” Các nhà tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Ðài đang bị tù hay Linh Mục Phan Văn Lợi, Nguyễn Ðan Quế, còn được tự do, cũng theo đuổi các mục tiêu tương tự. Ðã tới lúc các đảng viên cộng sản tỉnh ngộ và các nhà tranh đấu dân chủ phải hành động đồng nhịp với nhau. Một bên là các đảng viên cộng sản gây phong trào chống tham nhũng. Bên kia là các nhà tranh đấu đẩy mạnh phong trào chống đàn áp. Cả hai sẽ góp công chấn hưng dân khí, theo lời khuyên của Phan Bội Châu.

Hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đều coi việc chấn dân khí là quan trọng nhất trong công cuộc phục hồi phẩm giá và danh dự cho dân tộc Việt Nam. Một trăm năm sau, điều này vẫn đúng. Chấn Dân Khí là làm sao con người Việt Nam không hèn nhát, không ỷ lại, không ích kỷ, không sợ cường quyền.

Phan Bội Châu viết rõ ràng: “Con đường hối lộ chưa chặn hẳn thì dân khí không sao chấn được!” (Toàn Tập, cuốn 1, trang 146). Cụ Phan coi chống tham nhũng là một phương tiện để nâng cao khí tiết. Xây dựng đức liêm sỉ là cứu cánh. Phải chấm dứt nạn tham nhũng hối lộ, thì mới tập cho người dân Việt biết thế nào là liêm sỉ. Trong một xã hội mà giới trẻ lớn lên thấy muốn gì cũng phải đút lót; họ thấy nếu có tiền thì cái gì cũng mua được; trong một xã hội như vậy, thanh niên không thể nuôi dưỡng khái niệm về đức liêm sỉ.

Trong tiểu thuyết Lạc Ðường của nhà văn Ðào Hiếu, một nhân vật thú nhận: “Hồi trẻ tôi thường nghĩ: Làm người thì phải có lý tưởng, phải tin vào một cái gì đó và phải biết ước mơ ... Hàng triệu thanh niên cũng nghĩ như tôi vậy. Nhưng thật tội nghiệp cho thế hệ thanh niên ngày nay... khi lịch sử đã chứng minh rằng lý tưởng chỉ là cái mớ giẻ rách...” Hồi trẻ của Ðào Hiếu là thời ông lớn lên ở miền Nam, được giáo dục trong gia đình và các trường học của Việt Nam Cộng Hòa. Chính trong nếp sống xã hội và hệ thống học đường đó, ông được dạy dỗ phải sống theo một lý tưởng. Ông đã tin vào lý tưởng cộng sản, hoạt động nội thành, gia nhập đảng. Sau năm 1975 ông đã thất vọng, vì tính bộc trực, không chịu luồn cúi không được chế độ mới chấp nhận. Nhưng tại sao một người gần 70 tuổi lại tỏ ý chán chường đến nỗi phải kết luận: “lý tưởng chỉ là cái mớ giẻ rách,” như Ðào Hiếu đã viết? Một nhân vật trong Lạc Ðường còn khuyên giới trẻ: “Ðừng tin ai, đừng trung thành với ai, đừng hy sinh vì cái gì cả... Cả lũ chúng ta đang bị lừa.” (Lạc Ðường, in 2008, trang 118).

Chúng ta biết nhà văn chỉ nói như vậy để các thanh niên đời nay tự nghĩ ra rằng muốn sống ra con người thì phải thay đổi. Phải dám tin tưởng. Phải trung thành với niềm tin của mình. Phải biết hy sinh cho một lý tưởng.

Hơn 100 năm trước, Phan Bội Châu nhận xét “Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ!” Và nêu ra các triệu chứng: Người dưới làm điều đê tiện mà không biết hổ, chịu sự ô nhục mà không biết thẹn; người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho yên thân.”

Dù trong nước Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều người “đê tiện” và “ô nhục” nhưng khi nhìn nụ cười tươi của nhạc sĩ Việt Khang khi được tự do trở về nhà, chúng ta biết dân khí nước ta hiện nay đã tiến hơn thời 100 năm trước. Chàng thanh niên Nguyễn Việt Dũng dám nói và làm những việc biết trước sẽ đưa mình vào tù, nhưng vẫn cương quyết làm và nói những điều mình tin tưởng. Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Việt Dũng, Việt Khang, Nguyễn Văn Ðài và bao nhiêu nhà tranh đấu dân chủ khác đã “chấn dân khí” bằng hành động.

Hành động của họ gửi một thông điệp hùng hồn nhưng rất giản dị: Con người có thể sống với lý tưởng. Nhà văn Ðào Hiếu đã “cường điệu” khi mô tả một nhân vật bi quan về lý tưởng. Nhưng trong lịch sử nhân loại không thiếu gì những vụ lừa đảo, những vụ lừa đảo hàng loạt, lừa đảo cả một thế hệ, lừa đảo một nửa loài người vào bẫy. Như các người trí thức đảng viên cộng sản dám vạch ra: “Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Ðảng Cộng Sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin.” Họ cho thấy chính họ đã bị lừa đảo.

Nhưng cuối cùng, suốt lịch sử, sẽ tới lúc loài người biết mình bị lừa. Khi tỉnh ngộ, người ta lại đứng dậy, tiếp tục giữ niềm tin vào những giá trị cao hơn cuộc sống cá nhân mình. Loài người vẫn nuôi nhiều giấc mộng lý tưởng. Lý tưởng có thật. Lý tưởng không phải là “những cái giẻ rách.” Nó giúp cho đôi mắt của Việt Khang lúc nào cũng sáng ngời. Lý tưởng biến Nguyễn Việt Dũng tự tin không khuất phục cường quyền. Họ là những bản tuyên ngôn “Chấn dân khí” gửi đến tuổi trẻ Việt Nam.

Phan Bội Châu mô tả tình trạng Dân Khí tồi tệ với những kẻ “Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như nghe sấm sét; thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như Thục khuyển phệ Nhật, Việt khuyển phệ tuyết” (Chó nước Thục, ở phía Bắc khi thấy mặt trời thì lạ quá, bèn sủa, chó nước Việt ở miền Nam sủa nếu trông thấy tuyết).

Phản ứng của các lãnh tụ đảng Cộng Sản cũng sợ hãi khi thấy Nguyễn Văn Ðài dõng dạc đòi dân Việt Nam được quyền sống như những con người; đúng là “khiếp sợ như nghe sấm sét!” Ðám công an Cộng Sản thấy Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Việt Dũng dám nói chống Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa thì cũng kinh ngạc không khác gì những con chó ở nước Thục cất tiếng sủa khi trông thấy mặt trời, chó ở nước Việt thì sủa khi thấy tuyết. Khi hàng ngàn, hàng vạn người, kể cả các đảng viên cộng sản, cùng hành động như Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Ðài thì họ sẽ tạo thành một “công luận vững như sắt đá, chính lý sáng từ cổ kim; búa rìu không uy hiếp nổi, uy quyền không đe dọa được.” (Phan Bội Châu, ibid, trang 147).

“Tuyệt đường hối lộ,” và “Bớt lệnh áp bức.”
Người Việt Nam phải bắt đầu thực hiện những lời khuyên cụ thể của Phan Bội Châu.

--------------------------------

Thư gửi Bộ Chính trị… Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9/12/2015
.

.
.
.
.
.
.








No comments:

Post a Comment

View My Stats