Ngô
Nhân Dụng
Tuesday,
December 15, 2015 7:21:12 PM
Trong
ba năm qua, mọi người hồi hộp chờ đợi xem dân tộc Myanmar (Miến Ðiện) có thực
hiện được tiến trình dân chủ hóa hay không; nhiều người vẫn nghi ngờ, lo ngại.
Cuộc bỏ phiếu ngày 8 tháng 11, 2015 khiến cả thế giới nức lòng: Bỏ phiếu thực sự
tự do và trong sạch. Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ (NLD) thắng lớn mà phe quân phiệt
chấp nhận thua, sau khi đã thống trị nước Myanmar hơn nửa thế kỷ.
Giới
quân phiệt Myanmar và Ðảng Ðoàn Kết Phát Triển (USDP) chứng tỏ họ thực sự yêu
nước và đủ thông minh, hiểu biết. Không những chịu rút lui, họ còn giúp đảng đối
lập sắp nắm quyền được dễ dàng hơn. Hai đảng USDP và NLD đang cử ra mỗi bên một
tiểu ban phụ trách về chuyển giao quyền hành. Tiểu ban của đảng USDP sẽ ra lệnh
các viên chức trong chính phủ phải gặp các thành viên trong tiểu ban của NLD để
giải thích họ “đang làm những việc gì và làm thế nào” cho những người suốt đời
phải đóng vai đối lập.
Cả
thế giới muốn giúp công cuộc thay đổi thể chế ở Myanmar tiến hành tốt đẹp. Thượng
Viện Hoa Kỳ làm một nghị quyết “Ca ngợi dân tộc Myanmar đã chọn chế độ tự do
dân chủ và đang lo phát triển một xã hội dân chủ.” Bản nghị quyết (S.Res.320)
yêu cầu chính phủ Mỹ “tiến những bước mới bình thường hóa bang giao với
Myanmar.” Một bước mới là chính quyền Obama đã xóa bỏ một số lệnh cấm vận cụ thể.
Biện pháp được thử “trong sáu tháng” để coi tình hình trước khi xóa bỏ hẳn. Một
hậu quả là từ nay các công ty thương mại Mỹ có thể mua bán hàng qua hải cảng
Yangoon, cửa ngõ của Myanmar. Trước khi có lệnh mới này, giao thương còn bế tắc
vì công ty làm chủ và quản trị hải cảng này vẫn nằm trong danh sách bị Mỹ cấm vận
từ thời chế độ độc tài ngự trị!
Những
nhà trí thức ký bức thư ngày 9 tháng 12 gửi cho Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt
Nam có thể đã chịu ảnh hưởng của cuộc bầu cử dân chủ hóa xứ Myanmar tháng trước.
Họ nhắc tới tấm gương Myanmar trong phần chót, viết, “bài học chuyển đổi thể chế độc tài sang dân chủ một cách hòa bình ở nhiều
nước, đặc biệt là ở Myanmar mới đây,...”
Nhận
xét đầu tiên, là quý vị đảng viên ký vào bức thư này coi như đã “đương nhiên” từ
bỏ đảng. Họ chỉ cần minh xác điều này một cách chính thức, ngay sau đại hội đảng
kỳ thứ 12 vào năm tới.
Các
đảng viên trên đã “đương nhiên” từ bỏ đảng khi ký tên, vì trong thư họ công
khai bác bỏ và chống lại đảng trên cả lý thuyết lẫn hành động. Trên mặt lý thuyết,
các tác giả bức thư vạch rõ: “Sự phát triển
của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Ðảng Cộng Sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn
dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-Viết dựa
trên chủ nghĩa Mác-Lênin.”
Những
lời này phủ nhận những điều mà lãnh tụ đảng vẫn hãnh diện khoe “đã giác ngộ chủ
nghĩa Mác-Lênin” hay, “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.”
Trong
thực hành, bức thư lên án “thể chế độc tài toàn trị” của Ðảng Cộng Sản Việt Nam
bám... với bộ máy cầm quyền... dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự
do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân,... ức hiếp dân.” Hậu quả của nền
cai trị độc tài này là “so với nhiều nước,
nhất là các nước trong khu vực,...Việt Nam đã tụt hậu xa hơn cả về kinh tế,
khoa học công nghệ và giáo dục,... văn hóa xuống cấp; đạo đức xã hội bị băng hoại...”
Người có lương tâm và
biết tự trọng khi biết đảng của mình đã làm hại đất nước đến như vậy thì phải
rút ra khỏi đảng.
Ít nhất, để bảo vệ danh dự, phẩm tiết của mình. Các vị đang là đảng viên ký bức
thư trên chưa tuyên bố rút ra khỏi đảng chắc vì họ hy vọng có thể khuyên đảng
công nhận các sai lầm mà thay đổi.
Nếu
sau kỳ đại hội tới mà không có gì thay đổi, người có khí tiết chắc chắn phải trả
lại thẻ đảng. Không những thế họ còn phải cùng dân Việt Nam tranh đấu xóa bỏ chế
độ tội lỗi chính họ từng góp sức dựng lên. Chúng tôi tin tất các người ký tên đều
yêu nước và tự trọng sẽ chọn con đường đó. Họ không có lựa chọn nào khác.
Những
người ký tên bức thư gửi Bộ Chính Trị đã nhắc tới tình cảnh nước Việt Nam đã chịu
tụt hậu thua Nam Hàn, Ðài Loan, thua cả các nước Ðông Nam Á khác “trong đó có
những nước cách đây không lâu còn ở trình độ phát triển ngang hoặc kém nước
ta).” Ai cũng biết là các nước Nam Hàn và Ðài Loan trong thập niên 1960 cũng chỉ
tiến ngang với miền Nam nước ta. Từ thập niên 70, 80, họ đã thực hiện hai cuộc
cách mạng song song: Dân chủ hóa và phát triển kinh tế. Ai cũng thấy Myanmar
đang vượt xa mình về tiến bộ chính trị, mà cơ chế chính trị mới sẽ tạo động lực
phát triển kinh tế nhanh hơn. Trước cảnh đó, người yêu nước phải lên tiếng đòi
thay đổi, để nay mai hy vọng theo kịp Myanmar!
Nhưng
giới cầm quyền ở Myanmar khác những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Các
tướng lãnh chủ trương độc tài vì họ thực tình không tin vào chế độ dân chủ. Tuy
nhiên họ vẫn giữ được nền nếp văn hóa cổ truyền của dân tộc, trong đó mỗi người
phải tự thoát khỏi ba chất độc “tham, sân, si.” Họ vẫn đề cao tình thương và
coi việc cứu giúp đồng bào là một bổn phận, không ai xúi giục hận thù và đề cao
những kẻ giết người để cướp đoạt của cải, theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhờ vậy,
khi biết mình chọn sai đường, giới quân phiệt thay đổi dễ và nhanh chóng.
Những
người cầm đầu đảng Cộng Sản ở nước ta được đào tạo theo lối hoàn toàn khác. Cho
nên họ không thể nào chấp nhận theo lời khuyên của những nhà trí thức bên ngoài
đảng mà thay đổi.
Bức
thư đề nghị những hành động cụ thể như “đổi tên đảng (không gọi là Ðảng Cộng Sản);
đổi tên nước (không gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa); trả lại tự do cho những
người khác chính kiến đang bị giam giữ; chấm dứt sự trấn áp... sửa đổi Hiến
Pháp; xây dựng... (những đạo) luật bảo đảm thực hiện quyền tự do dân chủ của
nhân dân...” Bức thư cũng đòi tách rời ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp
ra khỏi quyền kiểm soát của đảng Cộng Sản và “Quốc Hội được bầu cử thật sự dân
chủ, có thực quyền...”
Làm
cách nào đạt được những mơ ước trên? Bức thư chính thức yêu cầu “Các đại biểu đại
hội (thứ 12 của đảng, sang năm),... bãi bỏ những quy định của Ban Chấp Hành
Trung Ương khóa XI” trong việc bổ nhiệm hàng lãnh đạo mới. Lại yêu cầu “đại hội
được bầu trực tiếp tổng bí thư,” (với nhiều người tự ứng cử).
Chúng ta có thể đoán
trước phe bảo thủ trong đảng Cộng Sản sẽ phản ứng, sẽ đoàn kết với nhau cùng cứng
rắn hơn.
Họ sẽ hỏi: Những người ngoài này có quyền gì mà “xía vô” công việc nội bộ của đảng
họ? Các đảng viên ký tên trong bức thư thì phải theo các thủ tục trong đảng,
theo đúng hệ thống cấp bậc; tại sao lại viết thư trực tiếp cho cả nước được đọc?
Gửi thư xin đảng Cộng Sản thay đổi toàn
diện là một hành động quá lạc quan. Ðã hàng trăm lần nhiều người từng làm như
thế rồi, trong đó có những người đang trong Bộ Chính Trị; tất cả đã thất bại. Vì vậy bức thư tâm huyết do 127 người ký
tên sẽ không thể giúp đảng Cộng Sản thay đổi.
Trước
thực tế đó, quý vị đảng viên ký tên phải tính trước những bước sẽ làm sau kỳ đại
hội 12 sắp tới.
Vì danh dự, họ phải công bố rút
ra khỏi đảng Cộng Sản, từ bỏ các chức tước, địa vị và quyền lợi mà đảng Cộng Sản
đã cho. Hàng trăm đảng viên Cộng Sản có tiếng công khai trả thẻ đảng, lôi kéo
hàng chục ngàn đảng viên khác làm theo. Họ có thể mời những nhà tranh đấu dân
chủ, những người còn ở trong tù hoặc đã ra khỏi nhà tù, cùng hợp tác trong một
liên minh chính trị. Liên minh này không nhất thiết phải là một tổ chức chặt chẽ.
Những người đồng ý chỉ cần ký tên cùng chấp nhận một số mục tiêu chung: Ðòi
thay đổi thể chế chính trị, xây dựng dân chủ với các quy tắc tôn trọng quyền
làm người và các quyền công dân, những điều mà ai cũng đồng ý.
Sau
đó, những người đã ký tên trong bức thư trên cùng các nhà tranh đấu dân chủ đồng
loạt ghi danh ra ứng cử trong cuộc bàu quốc hội sắp tới. Họ cùng nêu ra những mục
tiêu kể trên trong chương trình tranh cử. Họ có thể thỏa hiệp chọn một khẩu hiệu
chung, một huy hiệu chung, mặc dù vẫn không được coi là cùng một đảng chính trị,
vì đảng Cộng Sản ngăn cấm. Chúng ta sẽ thấy một thực thể chính trị mới ra đời;
lần đầu tiên dưới chế độ Cộng Sản.
Tất
nhiên, đảng Cộng Sản sẽ không chấp nhận cho người ngoài tự ứng cử Quốc Hội.
Nhưng toàn dân Việt Nam sẽ chứng kiến một hiện tượng: Hàng trăm, hàng ngàn người
yêu nước và có ý kiến xây dựng đất nước đã bị nhà cầm quyền cấm đoán và đàn áp.
Sau
đó toàn thể dân Việt sẽ biết có những người đang sẵn sàng nhận trách nhiệm lãnh
đạo quốc gia thay thế đảng Cộng Sản. Cuộc tranh đấu lúc đó thực sự bắt đầu,
trong một thực tế chính trị mới. Có như vậy, mới hy vọng học tấm gương tiến trình
dân chủ hóa lối Myanmar.
--------------------------------
Thư gửi Bộ Chính trị… Đảng Cộng sản Việt Nam
ngày 9/12/2015
.
.
.
Thư gửi Bộ Chính trị,
Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn
thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (Bauxite Việt Nam)
No comments:
Post a Comment