Monday 28 December 2015

Xem báo chí 'lề phải' xử lý thông tin nhạy cảm (Nam Nguyên - RFA)





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-12-25

Báo chí các ngày 22-23 tháng 12, 2015.  Screenshot

Tuần lễ cuối cùng của năm 2015 không giống như những năm trước, khá nhiều thông tin được cho là nhạy cảm đã xảy ra trong thời gian này. Báo chí đã ứng xử với hàng loạt thông tin không có lợi cho nhà nước về chính trị, kinh tế, xã hội như thế nào? có những báo điện tử chọn cách xử lý thông tin như một công cụ bảo vệ chế độ, nhưng cũng có một số đơn vị chọn cách thông tin đa chiều.

Trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, tại Hà Nội đã xảy ra sự kiện chưa từng có, vài ngàn học sinh trung tiểu học ở xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm đã bãi khóa từ hôm 21 đến 23/12, để tham gia biểu tình phản đối chủ trương xây dựng Trung tâm thương mại bên cạnh trường trung học cơ sở và chiếm một phần đất công hiện là bãi đậu xe của người dân. Có lẽ ở những xã ngoại thành chòm xóm láng giềng gắn bó với nhau, trong mỗi gia đình có thể có một người chạy chợ hoặc gọi là tiểu thương. Khi toàn thể tiểu thương Ninh Hiệp phản đối xây thêm chợ mới cũng như trung tâm thương mại với quan điểm là chống lãng phí, lạm dụng cũng như bảo vệ sinh kế gia đình, thì họ được người dân ủng hộ và dẫn tới chuyện học sinh trung tiểu học không đến trường mà tham gia bãi khóa hậu thuẫn giới tiểu thương và cha mẹ mình.

Ý kiến của một người dân xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm hôm 22/12 thể hiện những điều vừa nêu:

“Học sinh bây giờ thì nó đang không đi học nữa, bởi vì đất bãi xe người ta bán đi, rồi chuẩn bị bán đi cả trường. Tôi không biết các em nghỉ bao lâu, tôi chỉ là tiểu thương trong chợ thôi… không biết các em sẽ nghỉ bao lâu…chắc phải có người vào cuộc xử lại những vụ này thì các em mới đi học được.”

Báo Tuổi Trẻ điện tử được ghi nhận là sớm đưa tin khi sự kiện học sinh Ninh Hiệp bãi khóa xảy ra. Tuy vậy vấn đề đã trở nên khá phức tạp khi Sở Công an Hà Nội vào cuộc để tìm cách xử lý, vì cuộc bãi khóa biểu tình kéo qua ngày thứ ba liên tiếp tức ngày 23/12. Báo mạng Một Thế Giới cho biết vào ngày 23/12 đã có 1.100 học sinh trở lại trường, trong tổng số 2.586 học sinh các trường ở Xã Ninh Hiệp. Tờ báo mạng cũng cho biết tiểu thương Ninh Hiệp đã chống lại chủ trương xây chợ mới và trung tâm thương mại từ 2 năm vừa qua với lý do lãng phí, nhiều chợ mới không kín chỗ, lại còn thêm trung tâm thương mại ngay cạnh trường học và chiếm đất bãi đậu xe. Tuy vậy chính quyền kiên quyết thực hiện các dự án của mình và đỉnh điểm sự phản kháng là sự kiện hàng ngàn học sinh bãi khóa trước cổng trường với các biểu ngữ đòi lại đất.

Blogger Hoàng Dũng từ Hà Nội nhận định:

“ Vụ Ninh Hiệp báo chí người ta rất dè đặt vào cuộc bởi vì nó liên quan đến những học sinh rất là trẻ mà đã xuống đường để đấu tranh cho quyền lợi của gia đình đâm ra người ta sợ có sự lây lan nào đó liên quan đến biểu tình hay là những trẻ em phải đối diện với những sự bất công. Tôi cho rằng báo chí lề Đảng rất sợ những thông tin đó lan ra trên mạng.”

Từ khi Sở Công an Hà Nội vào cuộc, cũng là lúc một số báo điển hình như Thanh Niên Online đã đưa tin, cho rằng học sinh được cho tiền để nghỉ học và đi biểu tình. Sự kiện này bị phụ huynh học sinh xã Ninh Hiệp xem sự một sự xúc phạm. Bài báo của Thanh Niên Online lúc đầu ký tên ba nhà báo Tuệ Nguyễn – Anh Đan – Hải Long, nhưng sau khi một phụ huynh gọi điện thoại chất vấn nhà báo Tuệ Nguyễn và đòi kiện vì đưa tin thất thiệt, thì tên Tuệ Nguyễn đã biến mất khỏi bài báo, Thanh Niên Online cũng bỏ thêm đấu hỏi trên tựa bài ‘Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại?’.

Blogger Hoàng Dũng từ Hà Nội nói với Đài ACTD:

“ Sau khi bài báo lên mạng thì tôi muốn xác nhận lại thông tin xem có đúng là các phóng viên báo chí đã xác nhận được thông tin đấy là học sinh đi biểu tình được nhận tiền hay không. Cô Tuệ Nguyễn từ chối cung cấp thông tin và cho biết bản thân không liên quan đến nội dung ấy, dù cô là một trong ba người ký tên bài báo ấy. Chuyện này là nội bộ của báo Thanh Niên người ta xử lý cái thông tin ấy, không biết là ban biên tập rút tên cô ấy ra khỏi bài báo hay là cô ấy đề nghị, đây là trách nhiệm của ban biên tập báo Thanh Niên.”

Các năm trước 10 ngày trước khi bước sang năm mới, hầu hết báo chí đưa lên mạng những bài tổng kết mang tính tô hồng thành quả kinh tế đạt được. Tuy vậy cuối năm 2015 trên các báo điện tử lại xuất hiện nhiều bài mà nội dung mang tính cảnh báo những rủi ro của nền kinh tế cũng như các khuyết tật của chế độ.

Tuổi Trẻ Online đưa lên mạng bài ‘Việt Nam chưa có môi trường kinh doanh công bằng’. Tờ báo trích lời ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói rằng, Việt Nam thiếu một chính sách toàn diện về cạnh tranh. Theo lời ông, hiện vẫn tồn tại tư duy quản lý nhà nước sợ thị trường coi nhẹ cạnh tranh công bằng, không nhận thức được cạnh tranh công bằng là động lực với doanh nghiệp và người dân.

Vẫn theo Tuổi Trẻ Online, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết, nhiều người đã kỳ vọng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để cải cách thể chế và hành động ở Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công liên quan đến ngân sách, minh bạch hóa, cải cách hành chính. Tuy vậy ông Cung bày tỏ sự thất vọng vì sự chung chung của các FTA, không có yêu cầu cụ thể liên quan cải cách thể chế trong nước, trừ quyền tự do lập hội của người lao động.

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhận định rằng, ngay với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, cũng chỉ nhấn mạnh yêu cầu bình đẳng giữa Doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam với các doanh nghiệp các nước thành viên TPP. Ông Cung nhấn mạnh, nội dung Hiệp định TPP không có nội dung nào đề cập tới sự bất bình đẳng, đặc quyền của Doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân trong nước…

VnExpress bản tin trên mạng ngày 24/12/2015 đưa tin lạm phát năm 2015 thấp nhất trong 15 năm. Tờ báo mạng dẫn số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cả năm 2015 ở Việt Nam chỉ có 0,63% so với năm 2014.

Trước đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần tán dương mức tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,5%. Làm thế nào để có tăng trưởng GDP cao trong khi lạm phát quá thấp như thế. Chúng tôi nêu câu hỏi với Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Bà nói, bản thân cũng không lý giải được về con số tăng trưởng 6,5% của năm nay, trong khi nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn và thông thường nếu như khu vực doanh nghiệp phát triển tốt thì nền kinh tế mới phát triển tốt được. Theo lời bà Phạm Chi Lan, năm nay số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vẫn tăng lên rất cao, mới từ đầu năm đến tháng 11 đã là hơn 62.000 thì như vậy rất khó lý giải về việc kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên bà nói, cũng có những giải thích cho là kinh tế năm nay tăng trưởng là nhờ công nghiệp tăng lên, dịch vụ cũng tăng lên. Công nghiệp tăng thì trước hết ở khối đầu tư nước ngoài thí dụ như những công ty lớn như Samsung vẫn tiếp tục xuất khẩu nhiều điện thoại di động từ Việt Nam, hoặc các mặt hàng điện tử khác của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng, hoặc một số hàng xuất khẩu khẩu như hàng may mặc, giầy dép, đồ gỗ … cũng tương đối khá cho nên lý giải tình hình kinh tế Việt Nam khá hơn. Có những thông tin cho là thị trường bất động sản khá hơn năm trước, mức độ tồn kho giảm xuống và có tín hiệu ấm dần lên. Chuyên gia Phạm Chi Lan tiếp lời:

“Tôi nghĩ có một số giải thích đó cho mức tăng trưởng 6,5%. Tuy nhiên, thật sự nó không phù hợp với mức lạm phát rất thấp năm nay, bởi vì mức lạm phát thấp thì nó phản ánh cầu ở trong nước thấp và đầu tư của doanh nghiệp phải thấp thì nó làm cho lạm phát thấp. Tất nhiên nó có yếu tố giá cả, trên thị trường thế giới cũng như ở Việt Nam một loạt giá cả ở mức thấp chứ không ở mức cao như trước đây và có thể làm cho lạm phát thấp xuống. Tuy nhiên tôi nghĩ nợ công thực sự đang là vấn đề rất lớn ở Việt Nam và tại diễn đàn Quốc hội vừa rồi có nhiều mối lo lắng đã được các đại biểu thể hiện.”

Cuối năm 2015, các chuyên gia còn thể hiện mối âu lo đối với khuyết tật của hệ thống Nhà nước. Báo Điện tử Một Thế giới dẫn lời Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, theo đó một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là tái cơ cấu ngân sách. Chuyên gia Lê Đăng Doanh đã phát biểu trong  cuộc hội thảo ‘Đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2014 tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội.

TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh cơ cấu ngân sách dành chi thường xuyên 70% tổng chi thì phải thẳng thắn mà nói với bộ máy như thế, ai mà nuôi cho nổi.

Trong dịp trả lời chúng tôi, chuyên gia kinh tế PGSTS Ngô Trí Long hiện làm việc ở Hà Nội cũng chia sẻ vấn đề này:

“Với một bộ máy, cồng kềnh như của Việt Nam mà ngay đại biểu Quốc hội cũng nói là, rất nhiều tổ chức cùng song hành như tổ chức Đảng, tổ chức Chính quyền, tổ chức các đoàn thể và tất cả đều ăn lương nhà nước, trong khi đó năng suất lao động thì thấp, đây là sự nguy hiểm. Ở Quảng Ninh đã thí điểm nhất thể hóa giữa cơ quan Đảng với cơ quan Chính quyền. Người ta thấy vấn đề đó nhưng họ không triển khai, không thực hiện và với một bộ máy cồng kềnh lớn như hiện nay thì không có một nguồn ngân sách nào có thể kham nổi, đủ nuôi nổi bộ máy như vậy.”

Cảnh báo rủi ro kinh tế có thể xảy ra với Việt Nam vào năm 2016 đã được các chuyên gia kinh tế trong ngoài nước báo động. Tuy vậy, đúng ngày 24/12/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết trên truyền thông nhà nước, nợ công sẽ không vượt quá 65% GDP, điều chỉnh giảm bội chi an toàn ngân sách trong giai đoạn 2016 – 2020. Thủ tướng cũng tin tưởng mức tăng trưởng từ 6,5% tới 7% GDP trong giai đoạn này.

Kinh tế tăng trưởng với chỉ số đẹp không làm cho người dân Việt bớt lo âu, bởi vì điều đáng sợ đã được nhìn thấy. Các thế hệ tương lai của nước Việt sẽ phải lãnh trách nhiệm trả gánh nợ công mà các chính quyền hiện tại để lại.






No comments:

Post a Comment

View My Stats