Saturday 5 December 2015

CHÁY NHÀ RA MẶT... ĐẢNG CỘNG SẢN (Tạ Phong Tần)






Báo Tiền Phong ngày 30/11/2015 đăng thông tin khá “giật gân” nhưng không lạ:

Lãnh đạo Thành ủy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, kinh phí chỉ còn đủ trả lương và tiền điện nước đến hết tháng 11, sau đó chưa biết lấy tiền đâu trả lương. Kinh phí hoạt động đã thiếu mấy tháng nay. Bên cạnh đó, thành ủy còn nợ nhiều tỷ đồng. Theo sổ sách quỹ cơ quan còn hơn 2,748 tỷ đồng, nhưng thực tế không có tiền trong tài khoản lẫn tiền mặt. “Trưởng phòng Tài chính – Kế toán của thành phố Bạc Liêu, ông Huỳnh Chí Nguyện, nói rằng, ít nhất phải thuyết minh làm rõ hơn 2,5 tỷ đồng đã chi tiêu”.

Cộng các khoản thêm do đơn vị khác gởi công văn đòi nợ sau ngày 18/8/2015 (ngày bàn giao sổ sách giữa lãnh đạo mới và cũ, khoản tiền mặt phải giữ nguyên để chi lương cho cán bộ trong 5 tháng sau thì con số phát sinh này là 4,889 tỷ đồng. Như vậy, cộng thêm 2,5 tỷ thực chi nhưng chưa giải trình được, tổng số Thành ủy Bạc Liêu đã thực chi (bao gồm nợ phải trả đơn vị khác) là 7,398 tỷ đồng.

Từ trước đến nay, người dân Việt Nam chỉ biết một cách mơ hồ rằng tổ chức đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức ngoại vi của nó như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc, hội nông dân, hội chựu chiến binh, hội nhà văn, hội nhà báo, v.v… và v.v… đều hoạt động và nhận lương bằng ngân sách nhà nước, nhưng cụ thể bao nhiêu tiền thì không ai biết được, dù đó là tiền chi từ ngân sách, tức tiền thuế của dân đóng góp, mà thôi nguyên tắc thì dân phải được biết công khai, minh bạch.

Theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 của Tổng cục thống kê thì Việt Nam có 63 tỉnh thành, 713 quận (huyện, thị xã). Bạc Liêu là tỉnh nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà mức chi riêng cho Thành ủy (tổ chức đảng cộng sản của thành phố Bạc Liêu, đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Bạc Liêu, ngang cấp quản lý hành chính với quận, huyện, thị xã) trong một năm đã là 7,398 (bảy tỷ ba tám chín) tỷ đồng, nhân cho 713 quận (huyện, thị xã) cho ra tổng số tiền một năm phải chi cho hoạt động của đảng cộng sản cả nước là 8.111 (tám ngàn một một một) tỷ đồng/năm (không tính các tổ chức ngoại vi). Tương đương 1.474 (một ngàn bốn bảy bốn) cây cầu treo dân sinh (giá của Bộ Giao thông Vận tải), tương đương 162.220 (một trăm sáu hai ngàn hai trăm hai mươi) căn nhà tình thương, tương đương 1.931 (Một ngàn chín trăm ba mốt) trạm y tế cấp xã, tương đương 1.763 (Một ngàn bảy trăm sáu ba) trường tiểu học cho vùng sâu vùng xa.

Đây chỉ mới là lấy con số chi của một thành phố trực thuộc tỉnh vừa nhỏ vừa nghèo, nếu lấy chính xác số liệu thực chi của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng… thì con số thực chi để nuôi đảng cộng sản còn lớn hơn nhiều.
Trong cuộc tiếp xúc cư tri, cử tri Quan Thánh bức xúc: “Bộ trưởng Nội vụ chưa trả lời về 30% cắp ô, không làm được việc, trong khi nếu đúng thế thì con số là 700 nghìn người, tiêu tốn 17 nghìn tỷ đồng từ ngân sách”, “Chúng tôi đặc biệt lưu ý tình trạng công chức, viên chức toàn quốc chỉ tăng không giảm”. Như vậy, tổng chi lương công chức quản lý hành chính nhà nước là 56.666,67 tỷ đồng/năm. Nghĩa là ngân sách quốc gia cũng phải bỏ ra ngần ấy tiền để nuôi bộ máy đảng cộng sản, cũng ngần ấy tiền cho bộ máy tổ chức chính trị – xã hội ngoại vi của đảng cộng sản; chưa tính đến số tiền nuôi công an, quân đội bởi người dân không ai biết được con số công an, quân đội cả nước Việt Nam hiện nay là bao nhiêu và các chi phí cho việc “trang bị tận răng” muốn gì có nấy của nó.

“Theo số liệu của đồng hồ đếm công nợ toàn cầu trên trang The Economist ngày 3 tháng 5, công nợ của Việt Nam đang ở mức 89.07 tỷ Mỹ kim, chiếm 46.6% GDP. Bình quân công nợ đầu người là 979.77 Mỹ kim. Trước đó, vào tháng Giêng năm 2015, công nợ của Việt Nam ở mức 87.063 tỷ Mỹ kim (bình quân đầu người 960 Mỹ kim). Theo đồng hồ nợ công toàn cầu do Tạp chí The Economist công bố, đến thời điểm này nợ công của Việt Nam tăng 10,6%, chiếm 47,3% GDP. Điều này đồng nghĩa người dân Việt Nam sẽ phải gánh thêm 83,77 USD (khoảng 1,8 triệu)/người”, kể cả đứa bé mới sinh). (vietinfo.eu)

Ở tất cả các nước trên thế giới (trừ các nước theo đường lối cộng sản), kinh phí hoạt động của các tổ chức đảng phái đều do đảng phái đó “tự thân vận động”, ngân sách nhà nước là để nuôi bộ máy quản lý hành chính nhà nước và quân đội, các dịch vụ công ích phục vụ người dân, chớ không cấp cho hoạt động của đảng nào.

Ở Việt Nam thì ngược lại, ngoài việc ngân sách phải nuôi bộ máy quản lý hành chính quá cồng kềnh (nhưng làm việc thiếu hiệu quả), nuôi lực lượng công an và quân đội khổng lồ với mức lương được hưởng gấp đôi lương công chức hành chính (nhưng không chống được giặc mà “chính quy, hiện đại” chống nhân dân), thì ngân sách còn phải gánh thêm bộ máy đảng, tổ chức ngoại vi cũng cồng kềnh, đầy đủ ban bệ giống y như bộ máy quản lý hành chính nhà nước, và cơ cấu tổ chức tỏa ra từ trung ương xuống địa phương tận phường, xã, thị trấn.

Người dân Việt Nam chỉ biết è cổ đóng thuế cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Ai không chịu đóng có thể bị ghép vào tội trốn thuế và bắt bỏ tù. Ở các nước tư bản, khi người dân đóng thuế cho Chính phủ, người dân có quyền đòi hỏi Chính phủ phải giải trình công khai, minh bạch các khoản chi, người dân có quyền quyết định ai là người xứng đáng được thụ hưởng tiền từ ngân sách, ai không đáng thụ hưởng. Nhưng ở Việt Nam, người dân nào đòi hỏi được biết như vậy có thể bị nhà cầm quyền cộng sản đem “nhét vào tù” với những lý do vớ vẩn nào đó như: trốn thuế, lừa đảo, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp… Nếu công dân nào có ý thức “cảnh giác cao độ” với các thủ đoạn vu cáo của nhà nước, không để lộ ra chút gì dù nhỏ nhất cho nhà cầm quyền lợi dụng, thì trong trường hợp chẳng đặng dừng, nhà cầm quyền Việt Nam phải “chơi” luôn “hạ sách” để bịt mồm là bắt nhốt xử tội “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”, v.v…

Điểm 7 Điều 8 Luật ngân sách nhà nước về “Nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước” quy định: “Ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội”.

Trong khi dân chúng Việt Nam phải gánh món công của nhà cầm quyền đến ngập đầu ngập cổ, thì tại sao người dân lại phải è cổ gánh khoản nuôi “tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội” ăn bám vào bầu sữa ngân sách quốc gia, đi ngược lại xu hướng phát triển của cả thế giới văn minh?

Nhờ có báo Tiền Phong và tác giả Sáu Nghệ mà hôm nay người Việt Nam mới có thể “áng chừng” được số tiền họ phải “nuôi” đảng cộng sản ít nhất là 8.111 tỷ đồng/năm. Quý vị bạn đọc hãy tự mình nhân với con số 10 năm, 20 năm, 30 năm, hay 40 năm…

Ông Lưu Đức Khải – trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho biết: “Dân số nông thôn VN chiếm 2/3 tổng dân số, lao động trong nông nghiệp chiếm 46-47% nhưng giá trị GDP trong nông nghiệp chỉ dao động khoảng 20%. Số liệu này chứng tỏ năng suất lao động nông nghiệp rất thấp. Nếu so sánh năng suất lao động VN với các nước trong khu vực thì càng thấp hơn”, điều này dẫn tới thu nhập của nông dân Việt Nam hiện nay là cực thấp, bình quân ở mức 4 triệu đồng/năm.

Có thể nói, đảng cộng sản Việt Nam và các “cánh tay nối dài” của nó đang  ngày đêm vươn cái vòi bạch tuộc của nó siết chặt lấy hầu bao ngân sách quốc gia, ăn xương uống máu người dân lao động làm ăn lương thiện.

Tạ Phong Tần




No comments:

Post a Comment

View My Stats