02.04.2015
Trong cuộc chạy đua nước rút giữa
nhóm 5+1 và Teheran tìm thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân Iran, mọi chú ý đang dồn về
phía Ngoại trưởng Kerry và Javad Zarif. Hai ông này đã liên tục đóng đô tại
Lausanne từ 8 ngày qua, nhiều lần thức trắng đêm để tìm ra bằng được một đồng
thuận trước khi đúc kết văn bản cuối cùng về hạt nhân Iran trước ngày
30/06/2015.
Sau hơn một năm rưỡi đàm phán
gay go, từ Genève đến Lausanne, Vienna hay New York sau nhiều vòng thương lượng
ở cấp ngoại giao, chuyên gia, cho tới giờ phút này bất đồng sâu rộng giữa nhóm
5+1, gồm 5 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức, cùng với Iran vẫn
gặp trở ngại trên hai điểm chính.
Một là quốc tế đòi Iran đưa ra
những bằng chứng cụ thể là quốc gia Hồi giáo này từ bỏ tham vọng chế tạo bom
nguyên tử, cam kết không nâng cấp các lò ly tâm, không làm giàu chất uranium để
phục vụ cho các mục tiêu quân sự. Về điểm này, cho tới sáng nay, Ngoại trưởng
Iran, Mohammad Javad Zarif vẫn trấn an nhóm 5+1 về thiện chí của chính quyền
Teheran nhưng nói rõ là Iran không chấp nhận áp lực.
Bất đồng thứ nhì liên quan đến
tiến trình bãi bỏ chính sách trừng phạt Iran. Bản thân Teheran thì đòi nhóm
5+1, nhanh chóng giảm các biện pháp cấm vận, bóp nghẹt kinh tế Iran. Nga và Trung
Quốc sẵn sàng chiều theo ý của Iran, nhưng các nước Âu Mỹ vẫn chủ trương chỉ giảm
nhẹ các biện pháp cấm vận từng bước.
Hạn chót để đạt được thỏa thuận
chính trị cho hồ sơ Iran được ấn định vào ngày 31/03/2015 đã đi qua. Tại Hoa Kỳ,
Tổng thống Barack Obama trấn an công luận khi cho rằng, quốc tế đã đàm phán với
Iran trong hơn một năm trời ròng rã, « đợi thêm một vài ngày nữa không là điều
gì quá đáng ». Chính Washington đã đề ra hạn định ngày 31/03/2015, một cột
mốc quan trọng trước khi các bên chính thức đóng lại hồ sơ hạt nhân Iran vào cuối
tháng 6/2015.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích,
hơn ai hết Nhà Trắng đang cần đạt được điều gì cụ thể với Iran trên hồ sơ này để
thuyết phục công luận Mỹ trong bối cảnh chính quyền Obama đang bị Quốc hội lưỡng
viện, trong tay đảng Cộng Hòa « chọc gậy bánh xe ».
Ngày 09/03/2015, 47 trong số 54
thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa công bố một bức thư ngỏ gửi đến các nhà lãnh đạo
Iran, trong đó các tác giả nêu lên khả năng cản trở việc xóa bỏ cấm vận cho
Iran. Thậm chí có nhiều chính khách Hoa Kỳ còn không loại trừ kịch bản đảng Mỹ
sẽ xét lại những thỏa thuận mà chính quyền của Tổng thống Obama đã đạt được với
Iran một khi đảng Cộng Hòa trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm
2016. Giới quan sát cho rằng, lập trường của bên đảng Cộng Hòa đã gây ra một sự
ngờ vực cho phía Teheran và đã làm chậm trễ tiến trình đàm phán tại Lausanne lần
này.
Đối với bản thân Barack Obama
thì ông không còn nhiều thời gian. Giải quyết dứt điểm khủng hoảng hạt nhân
Iran kéo dài từ năm 2002 qua là một ưu tiên hàng đầu trước khi ông chấm dứt nhiệm
kỳ. Về mặt đối nội, Nhà Trắng muốn Ngoại trưởng Kerry đem về những thỏa thuận cụ
thể chứng minh cho thiện chí của Iran trên hồ sơ này trước khi các dân biểu Mỹ
nghỉ lễ Phục sinh.
Theo phân tích của chuyên gia
Suzanne Maloney thuộc viện nghiên cứu Brookings, ý thức được những khó khăn nội
bộ trên chính trường Mỹ, ngoại trưởng Javad Zarif lại càng có cơ hội gây áp lực
khi đàm phán với đồng nhiệm John Kerry. Nói cách khách đàm phán kéo dài ở Lausanne phần nào là lỗi
của các dân biểu Cộng Hòa. Nhưng dù vậy theo bà Maloney, nếu như đàm
phán ở Thụy Sĩ thất bại, phía Mỹ thiệt thòi hơn Iran và đảng Dân Chủ sẽ phải trả
giá về mặt chính trị.
-----------------------
Đăng ngày 02-04-2015
Đàm phán quốc tế về hạt nhân
Iran không đạt kết quả, sau mốc dự kiến 31/03/2015, và thậm chí sau một đêm
thương thuyết quyết liệt tại Lausan hôm qua, 01/04. Sự việc này đặt các nhà ngoại
giao trước một tình thế mới. Báo Libération có bài “Thỏa thuận về hạt nhân
Iran : ba kịch bản” do thông tín viên gửi về từ Vienna.
« Thừa nhận thất bại »
là giả thuyết thứ nhất. Thời hạn đạt thỏa thuận đã được triển hạn hai lần, kể từ
24/12/2013, thời điểm một tạm ước được ký kết tại Genève, mà không đạt kết quả.
Hai bên thương lượng chính, phái cải cách Iran và chính phủ Hoa Kỳ, ngày càng đuối
lý trong việc biện minh cho việc đàm phán kéo dài. Hiện tại, theo Libération điều
căn bản trong các đàm phán đã lộ rõ : vấn đề thuần túy là quyết định chính trị,
chứ không còn là các phức tạp về mặt kỹ thuật. Teheran cần phải trả lời rõ có
muốn từ bỏ tham vọng hạt nhân quân sự hay không. Và nếu như đàm phán thất bại, Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ bỏ
phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới, và điều này càng khiến Iran có
thêm lý do để tái khởi động các máy ly tâm. Đây là một vòng xoáy tồi tệ,
điều kinh khủng nhất trong một bối cảnh vốn đã khủng khiếp tại Trung Đông, với
một thủ tướng Israel có quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan vừa tái đắc cử, và
khối các nước Ả Rập vừa bắt đầu công khai tấn công chống lại các lợi ích của
Iran ở Syria và Yemen (cụ thể ở Yemen qua chiến dịch nhắm vào phe Houthi theo
Shia, đang tràn xuống phía nam chiếm căn cứ địa cuối cùng của Tổng thống dân cử
Hadi).
Giả thuyết thứ hai mang tính lạc
quan, đó là « một thỏa thuận sẽ đạt được trong những ngày tới ». Nếu
xảy ra, kịch bản này cho thấy hiệu quả của các trừng phạt chống lại những chế độ
lạm dụng quyền lực tác oai tác quái. Lúc đó cần phải xem xét kỹ rất nhiều
« hệ quả địa chính trị ». « Tại Teheran, phái cải cách – nhờ trừng
phạt được dỡ bỏ - có thể bảo đảm với dân chúng là đời sống của họ sẽ được cải
thiện nhanh chóng. Trong mọi trường hợp, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế
AIEA sẽ phải kiểm tra lần nữa để xem chính quyền Iran có biến lời nói thành
hành động hay không.
Kịch bản cuối cùng, ít lạc quan
hơn, là « một thỏa thuận sẽ đạt được, nhưng chỉ trên hình thức ». Thực
chất của giả thuyết này là các bên tiếp tục nguyên trạng. Tuy nhiên, theo
Libération, « chẳng thà chưa đạt thỏa thuận, còn hơn đạt một thỏa thuận tồi »,
hay « hoàn toàn không có thỏa thuận ». Tờ báo giải thích :
« Tình hình hiện nay là an toàn nhất, với một chương trình hạt nhân đã bị
đóng băng và được kiểm soát, cho dù các thanh tra của AIEA không được quyền vào
tất cả các địa điểm » bị tình nghi. Các tin tức rò rỉ ra bên ngoài cho thấy
Iran đã có nhiều nhượng bộ đáng kể. Như vậy, « người ta có thể dỡ bỏ một số
trừng phạt » và chuẩn bị hẹn nhau « tiếp tục thêm một vòng đàm phán nữa ».
No comments:
Post a Comment