Tuesday 28 April 2015

KHI BÀ HILLARY CLINTON NHẬP CUỘC (Mai Loan)





Thứ Hai, ngày 27 tháng 4 năm 2015

2016: ĐƯỜNG VÀO TOÀ BẠCH ỐC

Lời giới thiệu: Tuy lá phiếu của cử tri gốc Việt không hề có chút ảnh hưởng nào lên kết quả sau cùng do bởi những ngẫu nhiên của lịch sử với luật lệ về bầu cử phức tạp theo quy chế bầu cử tri đoàn của từng tiểu bang, và cộng đồng người Việt lại cư ngụ phần lớn tại những tiểu bang không ngang ngửa (swing states), nhưng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vẫn là sự kiện thời sự được nhiều người chú ý nhất mỗi 4 năm 1 lần. Loạt bài này nhằm giúp người đọc hiểu rõ thêm về nhiều góc cạnh lý thú và đa dạng của nó trong sinh hoạt chính trị đặc thù của nước Mỹ.

*

Cuối cùng thì mọi người cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi bà Hillary Clinton chính thức loan báo sẽ ra tranh cử tổng thống vào năm 2016 tới đây, một điều đã được hầu hết các chuyên gia thời sự tiên đoán từ lâu, và dù rằng trước đó bà Clinton đã nói bóng gió xa gần rằng dường như bà đã không còn có tham vọng chính trị gì nữa sau khi quyết định rời khỏi chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao vào đầu năm 2013.

Có nhiều lý do để giải thích vì sao chuyện bà cựu đệ nhất phu nhân, cựu nghị sĩ liên bang đại diện cho tiểu bang New York và cựu ngoại trưởng Mỹ được mọi người tiên đoán gần như chắc chắn rằng sẽ không thể nào không ra tranh cử lần này. Không phải chỉ có các chuyên gia bình luận, mà hầu như đa số người dân Mỹ, đều tin rằng đó là điều không thể tránh khỏi, có lẽ phần lớn vì bà Clinton là nhân vật nổi tiếng nhất trong số hơn một chục chính trị gia khác cũng có tham vọng để trở thành chủ nhân của Toà Bạch Ốc.

Tuy có một lịch sử gốc gác bình thường như nhiều người khác, và chỉ phấn đấu vươn lên nhờ vào sự thông minh, học giỏi, và cần cù siêng năng chứ không phải nhờ vào uy tín hay thế lực nổi tiếng của giòng họ như các tên tuổi Kennedy, Bush hoặc Romney, nhưng bà Clinton cũng đã có tham vọng ngồi vào chức vụ tối cao này từ lâu, nhất là từ sau khi bà cùng với ông chồng Bill Clinton bắt đầu bước vào cuộc sống của những gia đình có uy quyền khi ông ta đắc cử chức vụ thống đốc tiểu bang Arkansas vào cuối năm 1978 khi chỉ mới có 33 tuổi.
Đến năm 1992, khi ông Clinton đánh bại đương kim tổng thống Bush Bố trong cuộc bầu cử tay ba với nhà tỷ phú Ross Perot, thì hình ảnh của bà Hillary Clinton đã được nhắc đến như là một người bạn đời xứng đôi vừa lứa, cùng trình độ, kiến thức và khả năng chứ không chỉ đơn thuần là một phụ nữ đứng sau lưng yểm trợ cho chồng trên con đường công danh sự nghiệp. Vào lúc ấy, thỉnh thoảng người ta thường hay nhắc đến câu nói đùa “Buy one, get one free”, (tức là mua 1, tặng 1) của ông Clinton, ngụ ý là cả hai vợ chồng đều tài giỏi và thông minh, nên nếu như cử tri bầu cho ông Bill thì coi như cũng sẽ được hưởng thêm lợi có một người phụ tá đắc lực là Hillary. Điều này đã được chứng minh sau đó không lâu, khi ông quyết định trao cho bà vợ (tuy không nắm một chức vụ chính thức trong nội các) là người điều hành chiến dịch vận động cho dự luật cải tổ bảo hiểm y tế vào năm 1993, tuy rằng nó đã thất bại nặng và phải chờ đến năm 2010 thì mới được thông qua dưới thời TT Obama.
(Dĩ nhiên, những ai không thích thì cho rằng đó là một thái độ kiêu căng, mang thêm tính gia-đình-trị, nhưng cho đến nay chưa ai chứng minh được rằng bà Hillary Clinton là người không có tài cán gì và chỉ nhờ vào tên tuổi của chồng để nổi lên.)

Khách quan mà nói, không những nổi tiếng nhất, mà bà Clinton có thể được coi như là nhân vật sáng giá nhất hiện nay, và do đó cũng có xác suất thành công cao nhất, trong số hơn một chục các ứng viên khác (đã tuyên bố hoặc chuẩn bị nhập cuộc trong những ngày tháng tới). Về phía đảng Dân Chủ, gần như sẽ không có đối thủ nào muốn ra tranh cử với bà, bởi vì nhân vật kế thừa theo truyền thống là đương kim phó tổng thống, Joe Biden, dường như đã quyết định không tham dự có lẽ vì thấy trước rằng mình sẽ khó thắng được đối thủ. Những nhân vật khác như các ông Martin O’Malley (cựu thống đốc tiểu bang Maryland), Bernie Sanders (nghị sĩ liên bang tại Vermont), Jim Webb (cựu nghị sĩ liên bang tại Virginia), Lincoln Chafee (cựu thống đốc Rhode Island), hoặc Elizabeth Warren (nghị sĩ liên bang tại Massachusetts), tuy được sự ủng hộ nhiệt tình của khối dân cấp tiến khuynh tả bên đảng Dân Chủ, nhưng nhiều phần là họ chưa chắc sẽ đạt được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng trên toàn quốc bằng bà Clinton trong cuộc bầu cử chính vào cuối năm 2016.

Do vậy, phần lớn những nhà tài phiệt cũng như đa số cử tri ủng hộ riêng lẻ (một con số đã lên cao đáng kể trong những năm gần đây) sẽ hăng hái hơn để đóng góp vào quỹ vận động tranh cử của bà Clinton hơn là cho những ứng viên khác. Tiền bạc dồi dào chưa hẳn đã có sức mạnh vạn năng để đưa bất cứ một chính trị gia nào vào chức vụ tổng thống (như nhiều người thường lầm lẫn kết luận), nhưng quả tình là nếu không có một kho bạc kếch xù để làm quỹ vận động tranh cử (war chest), thì chiến dịch vận động của bất cứ ứng cử viên nào cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và khó đạt được thắng lợi.

Về phía đảng Cộng Hoà, họ phải đối phó với một tình trạng phân hoá trầm trọng (tương tự như đã xảy ra vào năm 2012) mà vẫn chưa có giải pháp khả quan và thoả đáng. Lý do nhiều người không muốn nhắc gì nhiều đến khía cạnh này vì phe Cộng Hoà còn đang “say men chiến thắng” sau kết quả thành công bất ngờ và to lớn vào cuối năm 2014 và đa số chỉ muốn dồn mọi nỗ lực công kích vào “kẻ thù chung” là Barack Obama. Nhưng nếu chịu khó đi sâu vào nội tình chính trị trong đảng, người ta sẽ thấy là cử tri phe Cộng Hoà vẫn luôn bị giằng co giữa nhiều khuynh hướng khác biệt và có phần đối chọi.

Đứng đầu nhóm bảo thủ cực đoan là những khuôn mặt được sự ủng hộ mạnh mẽ của phe Tea Party như các nghị sĩ liên bang Ted Cruz ở Texas và Rand Paul ở Kentucky. Một khuôn mặt trẻ có nhiều triển vọng sáng giá là nghị sĩ Marc Rubio ở Florida vì là người gốc Hispanic và cũng đã từng hỗ trợ cho chính sách cải tổ về di trú trước đây, nhưng sau đó đã im hơi lặng tiếng khi thấy phe bảo thủ cực đoan chống đối mãnh liệt bất cứ đề nghị ân xá nào cho thành phần di dân lậu.

Một nhân vật khác được xem là có tiềm năng thu hút được nhiều giới cử tri độc lập là ông Chris Christie, thống đốc New Jersey, thì lại gặp phải nhiều vụ tai tiếng gần đây khiến cho hào quang của ông đã bị lu mờ so với hồi năm 2012. Nhưng cả hai ông Rubio và Christie đều sẽ gặp rắc rối trước khối cử tri cực hữu luôn có mặt đông đảo trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hoà, và do đó cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để mong giành được chiến thắng, trở thành ứng viên chính thức của đảng trong kỳ đại hội toàn quốc vào tháng 7 năm 2016.
Cuộc chạy đua trong nội bộ đảng Cộng Hoà cũng còn có thêm sự hiện diện của nhiều ông bà chính trị gia khác đầy tham vọng, dù rằng tài năng và thực lực còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là rất bết bát. Chẳng hạn như ông Rick Perry, cựu thống đốc Texas, chỉ có khuôn mặt sáng sủa nhưng ăn nói quờ quạng, lắp bắp không thuộc bài, quên cả tên của một vài phủ bộ mà ông đòi dẹp bỏ nếu như đắc cử tổng thống. Hoặc là các ông Rick Santorum, cựu nghị sĩ tại Pennsylvania; Mike Huckabee, mực sư và cựu thống đốc tại Arkansas; Lindsey Graham, nghị sĩ liên bang tại South Carolina; John Kasich, thống đốc tại Ohio.

Cũng không quên nhắc đến một vài nhân vật muốn lợi dụng cơ hội để nhảy ra múa may đánh bóng tên tuổi của mình hơn là nuôi ảo tưởng có thể trở thành tổng thống: đó là nhà tài phiệt Donald Trump, từng có lúc hùng hổ khoe rằng mình có “bí mật” về hồ sơ giấy khai sinh của ông Obama; hoặc là bà Carly Fiorina, cựu tổng giám đốc của Hewlett-Packard, trước đó đã thua thê thảm trước bà Barbara Boxer trong cuộc bầu cử nghị sĩ liên bang tại California hồi năm 2010. Và sau cùng là những khuôn mặt gốc thiểu số rất thông minh, tài giỏi nhưng có lẽ vì quá hăng say chạy theo đảng Cộng Hoà nên cũng chỉ trích một cách mù quáng ông Obama mà quên đi sự kiện hiển nhiên rằng đa số cử tri trong đảng này cũng chẳng ưa gì họ; họ chỉ vỗ tay hoan hô vì những người này đã không ngần ngại đả kích kịch liệt vị tổng thống da đen: đó là ông Ben Carson, một bác sĩ giải phẫu Mỹ đen; và ông Bobby Jindal, thống đốc Louisiana gốc Ấn Độ nhưng cải đạo theo Cơ-đốc-giáo. (Giả sử như tất cả các ứng viên của đảng Cộng Hoà đều tiêu tùng hết và chỉ còn có 2 ông Carson và Jindal đại diện để so tài với bà Clinton, chưa chắc đại đa số cử tri Cộng Hoà Mỹ trắng sẽ bỏ phiếu cho hai ông này, mà thay vào đó họ có thể miễn cưỡng chấp nhận một phụ nữ Mỹ trắng còn hơn 2 anh da mầu này, một sự thật phũ phàng đã được biểu lộ từ ngày ông Obama lên nhậm chức tổng thống!)

Có hai nhân vật đáng được coi là có thể gây chú ý nhiều trong cuộc chạy đua chính thức vào cuối năm 2016 đối đầu với bà Hillary Clinton nếu như họ giành được chiến thắng trong nội bộ đảng Cộng Hoà: đó là ông Scott Walker, thống đốc tại Wisconsin và ông Jeb Bush, cựu thống đốc tại Florida, nổi tiếng vì có ông anh (Bush Con) và cha (Bush Bố) đã từng ngồi ở Toà Bạch Ốc trong 3 nhiệm kỳ. Trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa có giòng họ nào có 3 người được đắc cử tổng thống Mỹ, huống chi là 3 người vẫn còn sống và đang sinh hoạt tích cực. Nguồn gốc lập quốc của Hoa Kỳ là từ những người di dân từ Anh quốc sang, từ bỏ một chế độ quân chủ tại đây để đi lập nghiệp tại một vùng đất mới, tranh đấu để giành độc lập và tạo nên một quốc gia mới theo thể chế tự do dân chủ đầu tiên. Có lẽ vì thế nên nhiều người không mấy hào hứng trước viễn tượng người dân Mỹ gần ba trăm năm sau lại có thể đi vào vết xe cũ của một “vương triều” khác theo kiểu “cha truyền con nối” nếu như ông Bush Con II lần này lại đắc cử. Nói chi đâu xa, ngay cả chính bà mẹ ruột của hai anh em ông Bush là Barbara Bush (vợ của TT Bush Bố) cũng không ủng hộ chuyện này, với lời bình phẩm “Enough Bushes in the White House” (tạm dịch là có quá đủ những ông Bush trong Toà Bạch Ốc rồi).

Tuy vậy, ông Jeb Bush vẫn được xem là khuôn mặt sáng giá và có nhiều triển vọng nhất của phe Cộng Hoà để mong giành lại ngôi vị tổng thống từ phe Dân Chủ trong cuộc bầu cử lần này. Bởi vì ông có khả năng và thành tích khá hơn nhiều so với ông anh cả, có đầu óc và lập trường bảo thủ ôn hoà để có thể thu hút khối cử tri độc lập, và lại có thêm bà vợ gốc Mễ nên dễ dàng lôi cuốn sự ủng hộ của khối cử tri gốc Hispanic. Đây là thành phần cử tri càng ngày càng gia tăng trong các kỳ bầu cử từ gần hai thập niên qua, tuy chưa vững mạnh một cách đồng nhất nhưng cũng đủ sức để làm lệch cán cân trong vài cuộc bầu cử. Điển hình là tỉ lệ ủng hộ của họ rất khiêm nhường đối với các ông John McCain và Mitt Romney trong hai kỳ bầu cử vừa qua là một trong những nguyên nhân chính khiến cho phe Cộng Hoà thảm bại trước ông Obama. Tuy ông Jeb Bush chưa chính thức nhập cuộc, nhưng bộ máy vận động của ông đã hoạt động hữu hiệu, chỉ cần ông chính thức lên tiếng là đã có thể gây quỹ hàng trăm triệu Mỹ-kim ngay tức khắc để có thể đối đầu ngang sức với bộ máy vận động mạnh mẽ của bà Hillary Clinton. Jeb Bush được coi như là nhân vật được phe Cộng Hoà theo cánh chính thống (establishment) ủng hộ, nhưng lại bị nhiều phe cực hữu khác chống đối.
Nhân vật Scott Walker hiện nay tuy chưa được nhiều người biết đến vì chỉ là thống đốc một tiểu bang nhỏ, nhưng có tiềm năng quy tụ được cả hai cánh chính thống và cực hữu trong đảng Cộng Hoà. Lý do là vì ông ta có thành tích đánh bại được lực lượng các nghiệp đoàn tại đây (vốn là 1 thành phần ủng hộ trung kiên cho đảng Dân Chủ) nên được xem như là một người hùng của phe bảo thủ, được sự ủng hộ mạnh mẽ của phe Tea Party, nhưng đồng thời cũng không bị vướng mắc bởi những lời lẽ sặc mùi cực đoan nên cũng không bị giới chính thống e dè, tránh né.

Có thể nói tóm gọn là các ứng viên của phe Cộng Hoà được chia ra thành 2 nhóm với khuynh hướng khác biệt, và do đó đường lối vận động, thu hút cử tri của họ cũng hoàn toàn khác biệt, nếu không muốn nói là có phần đối chọi.

Phía thứ nhất gồm những người như các ông Scott Walker, Ted Cruz, Mike Huckabee, tức là những người bảo thủ theo khuynh hướng cực hữu, chủ trương rằng họ chỉ cần quyết chí bảo vệ những giá trị bảo thủ truyền thống của đảng Cộng Hoà, và do đó sẽ tạo hứng khởi và hăng hái cho cử tri bảo thủ để họ hăng say đến thùng phiếu và giành lấy thắng lợi. Điển hình là thí dụ thành công trong kỳ bầu cử vào cuối năm 2014 vừa qua.

Ngược lại, phía thứ nhì thì cho rằng đảng Cộng Hoà ngày nay cần phải mở rộng những cánh cửa để đón nhận những thành phần dân chúng đa dạng hơn, đặc biệt là giới thiểu số và dân gốc Latino, thay vì chỉ chú trọng vào dân da trắng. Phía này gồm những nhân vật như Jeb Bush, Rand Paul và Marc Rubio. Họ nhìn nhận rằng dân chúng tại Hoa Kỳ ngày nay đã rất đa dạng, và giới Mỹ trắng ngày càng trở nên ít hơn do bởi chiều hướng sinh sản và phát triển của các khối di dân cao hơn khối dân Mỹ trắng, đặc biệt là khối dân Hispanic, trong một tương lai gần sẽ vượt qua mặt khối dân Mỹ trắng tại Hoa Kỳ.

Phần còn lại là những nhân vật như Chris Christie hoặc Rick Perry thì chưa chính thức nhập cuộc cũng như chưa chọn lựa con đường của mình đứng về phía nào.

Muốn bàn luận thấu đáo về thời sự bầu cử tại Hoa Kỳ, người ta cần phải biết rõ về luật lệ rất đặc thù của nó: bầu cử vòng đầu ở kỳ sơ bộ (primary) trong nội bộ của đảng để trở thành ứng viên chính thức được đề cử, rồi sau đó mới đối đầu ở kỳ bầu cử tổng quát (general) với ứng viên chính thức của đảng đối lập. Đối với cuộc bầu cử tổng thống, còn có thêm luật lệ về bầu cử theo cử-tri-đoàn (electoral votes) tại từng tiểu bang, chứ không phải là theo phiếu phổ thông của cử tri trên toàn quốc. Hơn nữa, số phiếu của cử-tri-đoàn giành được tại từng tiểu bang lại theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”, tức là người về đầu được giành hết chiến thắng tại tiểu bang đó.

Chính vì thế mà cuộc bầu cử tổng thống, tuy diễn ra trên toàn quốc, nhưng thực chất là chỉ có tính cách quyết định tại khoảng một chục tiểu bang được coi là ngang ngửa. Do nhiều hoàn cảnh đưa đẩy, hiện nay có khoảng 40 tiểu bang trên Hoa Kỳ được coi như là rõ ràng theo khuynh hướng cấp tiến hoặc bảo thủ do sự lựa chọn của đa số người dân trong vùng, thường được mô tả bằng mầu xanh hoặc mầu đỏ. Tại những nơi này, sự lựa chọn của đa số cử tri dường như đã được tiên đoán từ trước, nên ứng cử viên của hai đảng gần như không thèm tích cực vận động. Chỉ riêng khoảng 10 tiểu bang còn lại được xem như là ngang ngửa, với cử tri hai phe gần như bằng nhau, và khối cử tri độc lập chiếm một phần quan trọng. Chính thành phần cử tri độc lập này, có thể thay đổi lá phiếu của họ tuỳ theo từng giai đoạn hoặc cá nhân ứng cử viên, mới là khối cử tri quan trọng mà cả hai phe đều nhắm đến. Cũng vì lý do đó mà các tiểu bang này cũng thường đưa ra những kết quả khít khao và thay đổi liên tục trong những kỳ bầu cử tổng thống. Tiếc thay, trong số những tiểu bang ngang ngửa này lại không có California và Texas, vốn là hai nơi có số lượng đông đảo cử tri gốc Việt nhất.

Cuộc tranh giành trong nội bộ của đảng Cộng Hoà kỳ này, cũng tương tự như tình cảnh đã xảy ra cách nay 4 năm, có phần hào hứng để người dân theo dõi nhiều trò múa may quay cuồng của các diễn viên trên chính trường, nhưng lại là nỗi lo nhức đầu to lớn cho các chiến lược gia của đảng. Lý do là vì không có một nhân vật nào được xem là sáng giá lâu dài, một thứ “front-runner” có khả năng vượt trội hơn đám đông còn lại và tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu của mình để từ đó dần dần lôi kéo theo nhiều người ủng hộ theo thói quen “phù thịnh” của đa số quần chúng. Luật lệ của các đảng phái chính trị tại Hoa Kỳ, tuy thay nhau cầm quyền, nhưng lại rất cởi mở và lỏng lẻo trong nội bộ, ít có màn trung ương chỉ đạo và lại không có màn trừng phạt những ai không tuân theo đảng. Chính vì thế nên các ứng viên tha hồ chỉ trích lẫn nhau, và những người ủng hộ cũng tự do bỏ tiền ra để yểm trợ cho các nhân vật vừa ý mình, giúp cho họ có thêm tiền để kéo dài cuộc chạy đua. Điều đáng ngại là một vài nhân vật trong đảng đã phải chật vật và tốn kém rất nhiều trong những cuộc đấu đá nội bộ này trước khi trở thành kẻ chiến thắng, để rồi sau đó thì không còn đủ sức hoặc phục hồi kịp phong độ trước khi nhập cuộc tranh tài quan trọng hơn với đối thủ chính là ứng viên của phe Dân Chủ.

Một lý do khác giải thích nỗi khó khăn của các ứng viên phe Cộng Hoà là trong kỳ bầu cử sơ bộ, đa số những cử tri hăng hái tham dự lại là những thành phần bảo thủ cực đoan. Vì thế nên các ông bà chính trị gia phải tìm cách tự vỗ ngực để khoe về thành tích “bảo thủ cực đoan” của mình, thi nhau lên tiếng chỉ trích những kẻ khác là “chưa đủ bảo thủ bằng tôi”. Hậu quả là họ thường hay phát biểu những lời nói hăng say nhưng hớ hênh, để rồi sau đó không thể rút lại được trong kỳ bầu cử chính thức vào cuối năm khi đối đầu với ứng viên của phe Dân Chủ.
Thông thường, ở mùa bầu cử sơ bộ, các ứng viên cũng đều thích đưa ra các lập luận cực đoan (khuynh hữu hoặc khuynh tả). Sau đó, nếu họ thành công ở vòng này thì liền tìm cách giảm bớt cường độ cực đoan trong vòng bầu cử tổng quát, vì muốn thu hút thêm sự ủng hộ của khối cử tri trung dung hay độc lập, vốn không tích cực ủng hộ cho phe nào và lá phiếu có thể thay đổi tuỳ theo mỗi mùa bầu cử hoặc tuỳ theo nhân vật. Tuy nhiên, trong thời đại truyền thông nhanh chóng hiện nay, với việc lưu giữ các hình ảnh và lời nói của các ứng viên sau đó được phát đi phát lại dễ dàng và nhanh chóng, việc rút lại những lời nói cực đoan của mình trước đây không còn là điều mà các chính trị gia có thể ung dung qua mặt được cử tri.

Trong bối cảnh “chia năm xẻ bảy” đó của phe Cộng Hoà, bà Hillary Clinton chắc chắn là sẽ gặp dễ dàng nhiều hơn vì phe Dân Chủ sẽ không tái diễn cảnh “nồi da xáo thịt” như đã xảy ra hồi năm 2008 với sự nhập cuộc của ba khuôn mặt là Hillary Clinton, Barack Obama và John Edwards khiến cho mỗi người chiếm một lực lượng đáng kể.

Thật ra, phải nói là tuy ông Obama có nhiều biệt tài, trong đó có tài tổ chức khéo léo và hiệu nghiệm vì biết rõ luật lệ, nhưng cũng không quên yếu tố may mắn bất ngờ khi có sự xuất hiện của ông John Edwards, một khuôn mặt sáng giá khác khiến cho nhiều giới Mỹ trắng sẵn sàng ủng hộ vì họ không hoàn toàn ưa thích hai vợ chồng Clinton. Chính vì lẽ đó nên bà Clinton đã không đè bẹp được ông Obama ngay từ lúc ban đầu, khiến cho nhiều nhân vật gạo cội khác trong đảng cũng lập lờ đứng giữa, để rồi sau đó không lâu, tình hình xoay chuyển theo chiều hướng bất lợi và đến khi ông Edwards rút lui thì đã quá trễ. Nếu như ông Edwards không nhập cuộc vào lúc đó, hoặc là chuyện ngoại tình lem nhem của ông ta bị bại lộ trước đó, thì có lẽ đa số cử tri phe Dân Chủ đã bỏ phiếu cho bà Clinton nhiều hơn là cho Barack Obama trong năm 2008, và nước Mỹ có lẽ đã có một nữ tổng thống từ lúc đó chứ không phải đợi đến 8 năm sau đó.

Phải chăng chính vì vậy mà nhiều người trong đảng Dân Chủ vẫn còn hăng hái để ủng hộ bà trong nhiều năm sau đó, với chiến dịch vận động của một tổ chức đấu tranh chính trị (PAC) có tên là “Ready for Hillary” tiếp tục quy tụ được cả triệu người ủng hộ để sẵn sàng nhập cuộc một khi bà chính thức nhập cuộc.  

Hiện nay, nhiều người nói đến chuyện dân chúng Mỹ không muốn thấy một hiện tượng chính trị theo “vương triều” nếu như xảy ra tình cảnh tranh cử giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Jeb Bush. Bởi vì nó cho thấy là trong vòng ba thập niên, bộ nước Mỹ hết nhân tài rồi sao mà các tổng thống lại chỉ thuộc có hai giòng họ Clinton và Bush, với thêm của một ông tổng thống da đen bỗng nhiên lọt vào giữa.

Thậm chí, người ta còn không muốn thấy chuyện bà Hillary Clinton có thể dễ dàng giành lấy ngôi vị ứng viên được đề cử của đảng Dân Chủ, thay vì được “đăng quang” một cách bán chính thức, tức là không phải chật vật đối chọi với các ứng viên khác trong nội bộ đảng này trước khi trở thành ứng viên được Đại Hội Đảng toàn quốc đề cử vào mùa hè năm 2016. Nhưng xem chừng như điều này có nhiều xác suất để diễn ra từ đây đến năm sau, dựa theo kết quả của một cuộc thăm dò dân ý mới nhất cho biết.

Cuộc thăm dò của CNN/ORC International vào trung tuần tháng 4 cho thấy là có đến 69% người được hỏi nói rằng họ sẽ ủng hộ cho bà Clinton, trong khi ông Joe Biden chỉ được có 11%. Các tên tuổi còn lại được ít hơn nhiều, như Bernie Sanders (5%), Jim Webb (3%), Lincoln Chafee (1%) và Martin O’Malley (1%).Về phía đảng Cộng Hoà thì tình trạng phân hoá rất rõ rệt khi không có một khuôn mặt nào tạo được thành tích ủng hộ đáng kể. Trong số các cử tri theo phe Cộng Hoà, chỉ có 17% ủng hộ ông Jeb Bush, tiếp theo sau là 12% ủng hộ ông Scott Walker. Hai nghị sĩ Rand Paul và Marco Rubio có cùng tỉ lệ ủng hộ 11%, còn cựu thống đốc Mike Huckabee được 9%, hơn nghị sĩ Ted Cruz chỉ có 7%. Riêng hai ông bác sĩ Ben Carlson và thống đốc Chris Christie mỗi người cũng chỉ có được 4% người ủng hộ.
Nhiều người cho rằng bà Clinton, tuy là một người nổi tiếng nhất trong đảng Dân Chủ, nhưng cũng bị xem là một khuôn mặt gây nhiều tranh cãi nhất, cũng như khiến cho nhiều người bảo thủ chống đối mạnh mẽ nhất. Giới truyền thông tại Mỹ gọi bà là một nhân vật thu hút quần chúng theo hai cực đối nghịch (polarizing figure), tức là hoặc họ ủng hộ triệt để hoặc họ chống đối mạnh mẽ. Thật ra, từ ngữ này có lẽ không còn hoàn toàn thích hợp nữa, bởi vì nó đã được dùng cho nhiều người, từ ông Bill Clinton rồi đến George W. Bush, rồi đến Barack Obama, và nay thì đến Hillary Clinton. Trong bối cảnh cử tri tại Mỹ ngày nay càng ngày càng phân hoá và ủng hộ gần như triệt để các ứng viên theo cùng phe phái với mình, có thể nói là hầu hết các chính trị gia trên toàn quốc đều bị coi là những nhân vật gây nhiều tranh cãi, và luôn đều là những người thu hút hai đối cực, tức là có nhiều người nhiệt tình ủng hộ, nhưng đồng thời cũng có nhiều người chống đối hết mình.

Hiện nay, cũng còn quá sớm để nhận định về triển vọng thành công của bà Clinton. Nên nhớ là vào năm 2007, bà Clinton cũng được mọi người đánh giá là con cờ sáng giá và chắc ăn nhất (a sure thing), để rồi sau đó không lâu thì bà đành phải nuốt hận chấp nhận thất bại trước đối thủ Obama. Hiện nay, người ta cũng nói đến Hillary Clinton như là một lá bài chắc ăn khác của phe Dân Chủ. Nhưng sự đời có những biến chuyển bất ngờ vượt qua khỏi trí tưởng tượng của nhiều người.

Và khoảng thời gian từ đây đến cuối năm 2016 khá dài đối với chính trường nước Mỹ, với nhiều biến cố có thể làm đảo lộn những suy nghĩ hoặc nhận định của người dân. Nhưng chính trong bối cảnh phân hoá vì đảng phái hiện nay mà bà Clinton có thể khoe với cử tri là bà được coi như là một chính trị gia có kinh nghiệm và khả năng để có thể lèo lái guồng máy chính quyền tại Washington có thể tiếp tục hoạt động hữu hiệu.

Bà có thể chứng minh là với thành tích từng sát cánh với ông chồng tại Toà Bạch ốc, sau đó là 2 nhiệm kỳ ở Thượng Viện Hoa Kỳ, rồi sau đó là Ngoại trưởng, bà đã trải qua nhiều sóng gió để có thể đương đầu với mọi khó khăn, hoặc bất trắc trong nhiệm vụ của một vị nguyên thủ quốc gia.

Cuộc thăm dò dân ý mới nhất của ABC News/Washington Post cho thấy là đa số 55% cử tri Mỹ mong muốn có một vị tổng thống dạn dầy kinh nghiệm. Chỉ có 37% là muốn thấy có một chiều hướng khác, tức là muốn thấy có một sự thay đổi ở chức vụ tân tổng thống. Điều này trái ngược với sự mong muốn của cử tri Mỹ vào thời điểm 2008, khi đa số lúc đó muốn có một sự thay đổi khác với chiều hướng cực hữu theo trường phái tân-bảo-thủ dưới thời TT Bush Con với những khuôn mặt nổi tiếng như Dick Cheney, Donald Rumsfeld v.v.

Và do đó, người ta có thể tiên đoán mà không trở thành võ đoán rằng bà Clinton rất có nhiều xác suất để trở thành người phụ nữ đầu tiên giành được chức vụ tổng thống Hoa Kỳ, tạo được một thành tích kỷ lục mà nhiều người cho rằng khó thể xảy ra, tương tự như kỷ lục của ông Obama là người da đen đầu tiên trở thành tổng thống, cũng là điều nhiều người trước đó cho rằng không thể nào xảy ra.     

MAI LOAN
Houston, Texas ngày 25/04/2015






1 comment:

View My Stats