Wednesday 29 April 2015

Nghệ sĩ hồi tưởng về 30 Tháng Tư sau 40 năm - Phần 1, 2, 3 (Ðức Tuấn/Người Việt)





Ðức Tuấn/Người Việt (ghi)
Thursday, April 16, 2015 2:31:16 PM

WESTMINSTER, California (NV) - Mỗi năm, cứ vào Tháng Tư, là lòng mọi người bồi hồi, ngậm ngùi, vì những niềm đau thương, tang tóc của ngày mất nước, “tan hàng rã ngũ,” lại trở về mồn một...
Trong niềm đau chung đó, bắt đầu tuần này, trang Ca Nhạc nhật báo Người Việt sẽ cùng những anh chị em ca nghệ sĩ ôn lại những kỷ niệm đau buồn đó, như sự nhắc nhở lý do vì sao tất cả chúng ta có mặt nơi đây.

Mai Lệ Huyền
Ngày đó là ngày hỗn loạn nhất, tôi ra đi là tối 29 Tháng Tư, lúc đó tôi đang thu hình ở bên đài truyền hình, thì tôi chạy sang cái cao ốc đối diện, lúc ấy tôi bỏ hết tất cả lại, chỉ dắt người em trai đi theo, vì em trai tôi lúc đó đang ở tuổi quân dịch, tôi còn nhớ anh Trần Văn Trạch, đứng khoát khoát tay nói là “thôi, Mai Lệ Huyền đi nha, nhưng nhớ chừng nào trung lập trở về với anh em...”
Nhớ lại lúc chen chân được vào cao ốc đó, cũng nhờ tấm thẻ hồi tôi hát cho các “club” Mỹ, nên họ cho một cái thẻ đeo trước ngực khi vào cổng, và cũng nhờ tấm thẻ đó, hai chị em chúng tôi chen được vào bên trong, rồi lên sân thượng, ngồi chờ máy bay trực thăng bốc người đưa ra Ðệ Thất Hạm Ðội.
Lúc ngồi trên chiếc trực thăng, tôi nhìn ra bên ngoài thấy có biết bao nhiêu chiếc trực thăng khác bay dọc, bay ngang. Cái đó là ở trên trời, còn ở dưới đất thì súng đạn bắn lên như sao xẹt, lòng tôi khi đó thật sự hỗn loạn, ngổn ngang, đầu óc tôi như trống rỗng và không còn suy nghĩ được điều gì nữa.
Cho đến khi sang được tới đảo Wake, mình mới bắt đầu hoàn hồn trở lại, và hiểu được ra một điều là chuyến đi này là chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại quê hương mình được nữa.

Phương Hồng Quế
Lúc đó nhà chị ở đường Hai bà Trưng, từ trên lầu nhà chị nhìn xuống là cầu Kiệu, Tân Ðịnh.
Lúc đó chị chỉ mới vừa qua khỏi tuổi 20, còn trẻ lắm, nhưng mặc dù còn trẻ, cũng đã hát cho lính nhiều rồi, thì trước đó vài ngày những anh lính, cũng như mấy ông sĩ quan có khuyên chị là nên sắp xếp để đi vì sợ Việt Cộng vào sẽ không yên thân với chúng, nhưng mà vì từ nhỏ tới lớn, mình chưa hề sống xa nhà, cứ quanh quẩn với gia đình, cha mẹ, anh em.
Bởi vậy đến ngày 30 Tháng Tư, mặc dù thấy bà con nay đi người này, mai người kia ra đi, lòng mình cũng bồn chồn lắm chứ, nhưng vì hai vai còn có gia đình, cha mẹ nữa, nên không hề tính chuyện ra đi.
Sáng 30 Tháng Tư, mấy người trong xóm xôn xao nói mở đài radio nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thì mình cũng mở đài ra nghe, và nhìn xuống phía dưới đường, thấy xe tăng, xe của bọn Việt Cộng chạy vào thành phố, có cờ của họ dương lên. Thiệt tình lòng chị đau như cắt, nước mắt chảy ròng ròng, không cầm được.
Cứ nhớ cái cảnh, mấy người lính của mình vừa chạy, vừa cởi bỏ bộ quân phục, mặt họ ngơ ngác, hốt hoảng và những người dân cũng thế, ai cũng trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ.
Nói thật chứ, ngày hôm đó tâm trạng mình vừa buồn chán, mà tim thì đau nhói giống như có ai đó cầm dao đâm vào trái tim mình..
NV: Lúc đó chị chỉ khoảng 20 hay 21 tuổi thôi mà chị đã có nhận thức được sự mất nước như thế nào sao?
Phương Hồng Quế: Biết chứ em... Vì chị đã đi hát cho lính khá lâu trong thời gian đó rồi, nên đối với chị bộ đồ lính, lá cờ vàng ba sọc đỏ là chính nghĩa, là tất cả những gì mình yêu quý nhất, bởi vậy khi nhìn thấy lá cờ của bên kia, mình thật sự quá đau lòng.
Mặt khác, chỉ cách đó không lâu, mình còn thấy quân đội mình hùng mạnh, những người lính của Việt Nam Cộng Hòa hào hùng, lừng lẫy báo nhiêu, vậy mà chỉ trong thoáng chốc tất cả đều cởi bỏ, buông súng để bó tay, chịu thua. Trời ơi! điều đó giống như mình trên trời rơi xuống, mặc dù đó là sự thật nhưng mình vẫn không thể nào chấp nhận được.
Trở lại buổi sáng 30 Tháng Tư, chị nhảy lên xe, lái đi ra bến tàu, ở đó chị thấy chiếc xe màu cam của anh Elvis Phương, và chiếc xe hơi màu trắng của nhạc sĩ Lam Phương, và ngoài kia thì chiếc tàu bắt đầu nhổ neo, tách bến.
Thiệt tình, khi nhìn thấy như vậy, lòng chị rất lo lắng, rối bời, vì biết là bạn bè đi hết cả rồi, vậy mình ở lại với ai đây?
Nhưng mà nếu như chiếc tàu còn mở cửa, chắc chị cũng không dám bước xuống một mình, vì còn cha mẹ ở nhà, mình đâu dám bỏ ông bà mà đi.
NV: Hệ lụy của ngày 30 Tháng Tư, 1975 kéo dài, ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống của chị, sau 40 năm nhìn lại?
Phương Hồng Quế: Cho dù sau 40 năm hay 50 năm hoặc nhiều hơn nữa, chị nghĩ ngày nào còn sống, ngày đó chị vẫn còn nặng lòng với ý nghĩ cả đất nước, vẫn còn đang chịu khổ đau bởi sự đày đọa của Cộng Sản, hoặc nghĩ tới nhiều người dân vô tội đang bị chúng nó giam cầm chỉ vì họ tranh đấu cho hai chữ tự do.
Như vậy nỗi đau của mỗi lần Tháng Tư về lúc nào cũng canh cánh bên lòng, băn khoăn với sự suy nghĩ mình ở hải ngoại này phải làm gì để giúp những người trong nước, để có tiếng nói với quốc tế về sự hà hiếp dân, sự bất công trong nước mà người Cộng Sản đang áp đặt cho hơn 90 triệu dân ở đó.

Thanh Mai
Ngày 30 Tháng Tư, 1975, lúc đó chị đang ở nhà với má chị, và mấy anh em trong gia đình, còn ba chị đang đóng quân ở Cần Thơ.
Khi đó chị chỉ mới 19 tuổi, gia đình chị đang ở khu gia binh đường Tô Hiến Thành.
Cảm giác của chị ngày 30 Tháng Tư là gì à? Là sự hụt hẫng, vì không ngờ quân đội hùng mạnh như quân đội Việt Nam Cộng Hòa của mình mà phải chịu thua bọn Cộng Sản dễ dàng như thế. Nhất là những ngày đi xem quân đội của mình diễn hành, mình thấy được người lính Việt Nam Cộng Hòa rất kiêu hùng, giỏi giang nữa, vậy mà không ngờ chỉ một thoáng qua thôi tất cả đều mất hết.
Sự suy nghĩ nhiều nhất của chị là ngỡ ngàng, buồn, và giống như đang ở một chỗ cao rơi xuống vực thẳm.
Em hỏi chị hệ lụy của ngày 30 Tháng Tư, 1975 ảnh hưởng thế nào đến đời sống hôm nay, mặc dù đã sau 40 năm hả?
Ảnh hưởng nhiều chứ, cũng vì ngày đó mà đời sống gia đình chị, bản thân chị thay đổi rất nhiều.
Nói thật mặc dù đang sống ở Mỹ, là một quốc gia giàu có, tự do, nhưng mà trong lòng chị lúc nào cũng chỉ nghĩ đây là đất tạm dung.
Chị thật sự không muốn ở nước ngoài, lưu vong như thế này đâu, chị vẫn thích được sống tại Sài Gòn những ngày tháng trước 30 Tháng Tư, 1975 chứ.
Nhưng mà hôm nay dường như tất cả là định mệnh, mình không cưỡng lại được. Bởi vậy thôi thì tới đâu hay tới đó.
Chỉ có điều cho dù chị sống ở ngoại quốc nhiều năm, qua nhiều quốc gia khác nhau, thế nhưng chị vẫn nghĩ về Việt Nam, nhiều khi nhìn đồng hồ ở đây, mà chị cứ hỏi: “Giờ này ở Sài Gòn là mấy giờ rồi?”

(Còn tiếp)

*
*

Ðức Tuấn/Người Việt (ghi)
Tuesday, April 21, 2015 5:11:08 PM

Phượng Liên
Ngày 30 Tháng Tư, cô đang ở Cần Thơ, vì ông xã của cô đóng quân ở đó. Lúc đó cô cũng đã không còn đi hát nhiều nữa, thật ra lúc mất nước cũng đã biết trước, vì tòa lãnh sự Mỹ ở đó, họ có mời ông xã cô sang để thông báo rằng sẽ có chuyện di tản giống như Cambodia.
Sau đó ông xã của cô về mới hỏi cô là có muốn đi không vì phía Mỹ, họ hứa sẽ đưa cả gia đình di tản an toàn, nhưng mà thật sự lúc đó không ai nghĩ rằng miền Nam bị mất hẳn, và mọi người phải lưu vong ra nước ngoài để sống...
Mặt khác cô về hỏi má cô là có muốn đi với gia đình cô hay không? Bà từ chối, và nói rằng nếu cô muốn đi thì cứ dắt con cái đi đi, bà ở lại.
Làm sao cô có thể bỏ mẹ mình ở lại được chứ, bởi vì cô là con mồ côi cha, chỉ sống với mẹ, bởi vậy chẳng lẽ đến lúc hiểm nguy mình bỏ mẹ mình sao?
Còn phía ông xã cô cũng không muốn đi, ông chỉ muốn cô dắt con cái đi thôi, còn để ông ở lại một mình.
Vậy đó, cả mẹ và chồng đều quyết định không đi, thử hỏi lòng dạ nào mình dắt con cái ra đi chứ?
Nhớ lúc đó hai ông tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng tự sát rồi, mà hai ông đó cũng là sếp của ổng, nên những người lính dưới quyền cũng sợ là chú sẽ tự sát giống như hai vị tướng kia...
Còn cô lúc đó ở bên nhà má cô, nên cũng không biết tin tức chú thế nào sống chết ra sao?
Cho mãi đến khi ổng bàn giao mọi việc xong đâu đó ông mới về nhà, và cho biết là tất cả đã hết...
Họ bắt ông chỉ vài ngày sau đó và đưa vào tù ở suốt đến mười mấy năm sau.
Nói tóm lại, ngày 30 Tháng Tư, năm 1975 là biến cố lớn nhất xảy ra trong cuộc đời cô, vì cô không nghĩ có ngày đó xảy đến.
Còn câu hỏi hệ lụy của ngày 30 Tháng Tư, 1975 có ảnh hưởng gì đến đời sống hôm nay không?
Câu trả lời là có chứ, vì cứ tính đi từ năm 54 đến 75 chỉ là trên 20 năm, lúc đó nước mình có chiến tranh, nhưng mà đời sống của dân cũng không đến nỗi, vậy mà từ sau 1975 đến nay chỉ 40 năm thôi, không còn chiến tranh, vậy mà đời sống của hơn 90 triệu dân tan nát, giáo dục suy đồi, dân đói, dân nghèo... Nói tóm lại là ảnh hưởng đến cả một thế hệ chứ không phải ít.

Thế Sơn
NV: Trong ký ức của bạn ngày 30 Tháng Tư 1975 đã xảy ra như thế nào ? Hoàn cảnh trong gia đình bạn lúc đó ra sao? Còn đối với bạn nhớ nhất là hình ảnh gì?
Thế Sơn: Thời điểm tháng 4, 1975 tôi còn là 1 đứa trẻ gần 10 tuổi và nghe ngóng được chung quanh là Việt Cộng sắp đánh vô tới Saigon rồi nên cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng vì mình đã từng nghe người lớn nói VC rất ác độc (thảm sát dân Huế, Tết Mậu Thân).
Rồi nhiều người cũng như gia đình của một vài thằng bạn bỏ trốn đi Mỹ làm mình cũng nôn nao muốn đi lắm, còn nhớ cả nhà cứ thuyết phục ba tôi tìm đường đi hoài mà ông nhất quyết không chịu đi vì không muốn đào ngũ (Ba tôi làm việc ngay Bến Bạch Ðằng nên rất dễ dàng đi theo các tàu hải quân đậu ngay đó)...
Những ngày cuối Tháng Tư năm đó, trời Saigon ảm đạm kèm theo những tiếng súng, pháo, bom ầm ầm như sấm rền vang nên má tôi bắt các con ở trong nhà không cho đi đâu hết thành ra 3 chị em chúng tôi không thấy được khung cảnh đường phố Saigon hoảng loạn như thế nào!
Ba tôi thì vẫn ngày ngày đi làm tại Nha Quân Pháp cho đến tận sáng 30 Tháng Tư mới về nhà khi nghe lệnh đầu hàng của ông Dương Văn Minh.
Thú thật, cho đến tận bây giờ sau 40 năm, khi nhắc lại ngày này mình vẫn nghe đâu đây văng vẳng tiếng nói giọng nam của ông Dương Văn Minh kêu gọi anh em binh sĩ buông súng đầu hàng vô điều kiện! Ðau nhói vô cùng!
NV: Sau 40 năm, từ một đứa trẻ đến bây giờ là người trung niên, suy nghĩ của bạn như thế nào khi nhìn lại 40 năm đã qua? Thay đổi ra sao?
Thế Sơn: 1975, tôi biết Việt Cộng là ác độc, 2015 tôi biết Việt Cộng vẫn là ác độc còn thêm xảo trá và hèn nhát nữa...
Giờ đây nhìn lại chiến tranh VN sau 40 năm, kết luận ngắn gọn của riêng tôi là: Kẻ thua cuộc là đất nước và dân tộc Việt Nam.

Nhà báo Kỳ Phát
Trước ngày 30 Tháng Tư khoảng một tháng, tôi nghe tin Ðà Nẵng mất, lúc đó tôi nghe một số bạn bè nói là khi Cộng Sản chiếm Ðà Nẵng, thì họ lên án những người làm nhạc trẻ, coi họ là đồi trụy, do vậy tâm trạng tôi lúc đó rất hoang mang, lo lắng, vì dù sao mình cũng dính dáng đến những thành phần như thế, mặt khác người ta còn nói là những người phía bên kia còn nêu đích danh nhóm ca nghệ sĩ, báo chí làm nhạc trẻ như anh Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, hay ngay cả tên tôi...
Bởi vì họ lên án nhóm anh em chúng tôi là những tay tổ chức làm băng hoại xã hội, suy đồi giới trẻ.
Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, có một số anh em nhạc trẻ, rủ tôi tìm đường đi, thì lúc đó sáng nào anh em cũng tập trung chỗ cafeteria của anh Joe Marcel, bởi vì mọi người nói rằng, tập trung ở đó, để chờ những người Mỹ đón đưa đi...
Tôi cũng có ghé đến đó mấy lần, nhưng chỉ là ban ngày, còn đến tối thì tôi về nhà, chứ không ở lại như những anh em khác...
Ðến tối 29 Tháng Tư, phía Mỹ họ gửi một chiếc xe buýt đến đón anh em ca nghệ sĩ ở địa điểm đó, thì ngày hôm sau tôi đến nơi, thì nghe nói là anh em đi hết rồi, lúc đó lòng tôi thật sự hoang mang quá.
Nhà tôi lúc đó ở số 53 Hồng Thập Tự, túc là bên góc của Dinh Ðộc Lập, và gần bên tòa Ðại Sứ Mỹ, cho nên tối đó tôi chạy qua tòa Ðại Sứ Mỹ để tìm đường đi, nhưng không vào được vì đông quá, sau đó tôi đi với mấy người bạn xuống bến Bạch Ðằng, để tìm đường đi bằng tàu thủy.
Tôi nhớ là đã leo lên được tàu Trường Xuân rồi, đứng bơ vơ ở đó, nhìn vào trong không thấy ai quen biết cả, cũng lo chứ, đến khi gặp người bạn, anh ta nói chờ anh ta chạy lên lấy gì đó rồi trở lại, cùng đi chung... Chờ mãi, đến khi chiếc tàu Trường Xuân tách bến, mình đứng ở trên cầu tầu mà không dám nhảy xuống vì xa lắm, nguy hiểm nữa...
Thế là mình hụt chuyến đi, đành phải quay lên, đi dọc theo khu Khánh Hội, thấy chiếc tàu Singapore, leo xuống đó ngồi, trên tầu rất đông... Nhưng rồi chiếc tầu đó cũng không tìm được tài công, nên loay hoay cuối cùng phải đi lên...

Trang Thanh Lan
Lúc đó chị mới 20, 21 tuổi, ngơ ngác nhìn Cộng Sản bước vào...
Ngay ngày 30 Tháng Tư, chị đang ở Gò Vấp, ngã tư Xóm Gà, bữa đó chở mẹ chị vào Sài Gòn để trú tạm nhà bà bác.
Chạy giữa đường thấy người ta chạy loạn, thấy người ta bị thương, sợ quá, nên má chị kêu chở về nhà...
Về đến nhà nghe đài radio, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, lúc đó là chị biết hết tất cả rồi...
Khi Cộng Sản vào, họ tịch thu, bắt đốt tất cả những thứ gì có dính dáng đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa, từ quần áo lính, là những bộ đồ chị mặc đi hát cho lính, đến từng lá thư của bà chị ở Mỹ gửi về, và ngay cả thư tình hồi nhỏ của chị với những anh lính cũng bị chúng mang ra đốt sạch.
Chị vẫn còn nhớ, có một lần ngồi uống cafe ở một căn quán nhỏ dưới quê, nghe lại những bài hát của các chị Phương Dung, Thanh Tuyền hát mà tự nhiên mình ngồi khóc ngon lành.
Hệ lụy 75 có ảnh hưởng đến cuộc sống ngày hôm nay không?
Có chứ, vì đó là nỗi đau không bao giờ dứt, cho đến ngày mình nhắm mắt xuôi tay...
Chị vẫn có giấc mơ có ngày trở về quê hương, mơ đất nước mình thanh bình, người dân ấm no giống như những năm tháng trước 1975, và mơ ước lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu của mình một ngày nào đó sẽ được tung bay phất phới trên thành phố Sài Gòn ngày xưa.

*
*

Ðức Tuấn/Người Việt
Tuesday, April 28, 2015 2:31:51 PM 

Thanh Tuyền
Nhớ lại chiều tối ngày 29 Tháng Tư, là buổi chiều trời vần vũ, mây đen, mưa dầm dề, bão tố, sấm sét mà còn pháo kích nữa, ngày hôm đó bé Shayla bị bệnh nên hai mẹ con nằm bệnh viện Grant, mà phải chui xuống gầm của giường bệnh để trốn pháo kích.
Sáng 30 Tháng Tư, lúc đó chị nghe tin tức từ đài phát thanh là Việt Cộng đã vào Sài Gòn rồi. Thiệt sự tâm tình của chị lúc đó rất xáo trộn, xáo trộn từ ông xã của chị, lúc đó là sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, vào ngày 28, anh nói đi vào trại để sắp xếp việc, vậy là chị mất tin tức anh từ đó luôn.
Cho mãi đến ba năm sau, khi chị vượt biên rồi, mới nghe được tin tức anh còn sống.
Khi Cộng Sản Bắc Việt vào xâm chiếm miền Nam của mình, lúc đó chị mới 26 tuổi, thật sự hồi đó chị hoàn toàn bị động, không biết mình phải làm gì, sống thế nào, và đi đâu?
Ngày 30 Tháng Tư, chị bị bấn loạn, bởi vì một bên là gia đình tan nát, ly tán, còn một bên là đất nước mất, có nghĩa là mình mất tất cả.
Nhớ sáng hôm đó, khi Việt Cộng vào, ba chị lúc đó thất thần lắm, vì ông là sĩ quan cảnh sát, chị nhờ ba mẹ chị giữ cháu Shayla, chị dắt cháu Bảo Trân, là con gái thứ hai, chạy xuống bến tàu, nhưng khi đến nơi thì chị chỉ đứng đó, tần ngần rất lâu, chị thật sự không biết mình sẽ phải đi về đâu, vì tin tức chồng thì biệt tăm, con trai lớn còn kẹt ở Ðà Lạt, con gái út thì bệnh, nhờ ông bà ngoại giữ.
Trả lời câu hỏi hệ lụy đó của biến cố 1975 ảnh hưởng thế nào lên đời sống của chị sau 40 năm?
Nhiều chứ! Ðối với chị, cứ mỗi năm, khi ngày 30 Tháng Tư đến, giống như đó là ngày giỗ, bởi vì bao nhiêu những kỷ niệm đau thương, những nước mắt chan hòa và sự hụt hẫng chưa bao giờ xảy đến trong đời sống, tất cả là những liều thuốc đắng, và sự thử thách để mình vượt qua, cho đến ngày hôm nay, chị còn đi hát được, đời sống không giàu, cũng chẳng nghèo, nhưng chị vui vì ít nhất vẫn còn giúp cho đời, cho tha nhân.

MC Diệu Quyên
Chuyện đã xảy ra 40 năm nhưng mỗi khi nhắc lại thì cảnh tượng của quá khứ vẫn làm cho tâm hồn tôi phải chùng xuống trong khoảng khắc. Thật khó để nhớ lại những gì đã xảy ra 40 năm trước, những chi tiết của ngày Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản.
Vào ngày 28 Tháng Tư, 1975 ba mẹ và anh chị em chúng tôi được đưa vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tại đó, đã có rất đông người chờ để được bốc lên máy bay, gia đình tôi phải chờ đến chiều tối nhưng vẫn không được cho lên máy bay, nên ba mẹ tôi quyết định đưa anh chị em tôi quay về nhà.
Ngày hôm sau, ba mẹ bắt tất cả bảy anh chị em đều phải ở trong nhà với bà nội. Tuy không được ra bên ngoài nhưng chúng tôi rất thắc mắc và tò mò muốn xem bên ngoài xảy ra chuyện gì. Qua cửa sổ nhìn ra đường, chúng tôi thấy nhiều người mang vật dụng trong nhà như TV, tủ lạnh, quần áo vất bỏ đầy trước ngã ba đường. Lúc ấy, tôi còn nhỏ khoảng 11 tuổi nên không hiểu tại sao người ta làm như vậy. Nhiều lúc muốn chạy ra lượm vào nhưng bà nội không cho. Vài ngày sau trong một bữa cơm tối, tôi nghe ba mẹ nói chuyện về một người mà sau này tôi mới biết đó là Tướng Nguyễn Khoa Nam. Ba nói: “Chú Nam tuẫn tiết rồi.” Mẹ nhìn ba im lặng, kín đáo, xót xa.
Sau này, khi trưởng thành, vào mỗi dịp 30 Tháng Tư, gia đình tôi lại quây quần để nhắc lại chuyện vượt biển ngày trước, và đây cũng là dịp ba mẹ nhắc đến sự hy sinh của Tướng Nguyễn Khoa Nam. Sau này, trung tâm Asia thực hiện một cuốn DVD về cuộc đời chiến đấu với trách nhiệm cao của ông. Qua phỏng vấn bác Nguyễn Khoa Phước, bào đệ của Tướng Nam, tôi đã có niềm hãnh diện vô vàn, cùng lòng kính phục sâu xa do được mang danh tính tộc Nguyễn Khoa của vị tướng đã hy sinh. Trong một vài lần tiếp xúc với các nữ nghệ sĩ thường trình diễn trong những chương trình về lính, tôi được nghe các chị tâm sự rằng: Khi đến hát tại các tiền đồn ủy lạo các anh chiến sĩ, các chị đã có dịp gặp Tướng Nam. Và tất cả đều có nhận xét: Ðó là một người rất hiền với khuôn mặt phúc hậu, nghiêm nghị. Cũng như sau này, khi có dịp cộng tác với Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh hàng năm, chúng tôi cũng được nghe nhiều lời chia sẻ tốt đẹp từ các cựu tướng lãnh, cũng như quân binh các cấp, về Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, vị tư lệnh đã bất khuất hy sinh cùng vận nước.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Cứ nhớ ngày 30 Tháng Tư, 1975 lúc đó chán chường, cả bầu trời như có mây mù u ám, giông bão sắp tới, trùm xuống đời sống của mình.
Lúc đó tôi có những người bạn là hạm trưởng, nên tôi có dặn họ giúp đưa gia đình tôi ra đi, nhưng cũng đồng thời lúc đó, tôi chạy đi khắp nơi để tìm nhiều đường khác ra đi.
Rồi có có một hôm, khi tôi đi vắng, thì người bạn hạm trưởng đó, ghé lại nhà đón tôi và gia đình theo tàu của họ lên đường, nhưng vì tôi không có nhà nên mọi người không ai dám đi hết, cho đến khi tôi trở về nhà, nghe thuật lại, mình mới thấy tức, buồn tủi, và lo lắng nữa.
Thế rồi đến ngày 30 Tháng Tư, tôi chứng kiến rất nhiều bạn bè, người thân leo lên những chiếc trực thăng để bay ra Hạm Ðội 7, thế nhưng với mình thì không thể nào làm được chuyện đó, vì lúc ấy các con tôi còn nhỏ lắm.
Sau đó, tôi ở lại với Cộng Sản suốt bảy năm, cho đến 1982 cả gia đình tôi vượt biên thoát, trong suốt bảy năm đó tôi đối mặt với họ từng ngày, nên tôi biết thế nào là sự cay đắng, chán nản khi sống chung với người Cộng Sản.
Tuy rằng sau 1975, những người anh em trong gia đình, họ hàng từ ngoài Bắc vào, họ đã tìm đủ mọi cách để giúp đỡ, níu kéo, cũng như giữ tôi lại, thế nhưng tôi vẫn quyết tâm tìm đường ra đi, chứ không thể nào ở lại, mặc dù biết rằng ra đi một lần là không bao giờ trở lại.
Thế đấy, khi vượt thoát sang đến đảo, tôi có viết bài “Nỗi Niềm,” trong đó có câu: “Từng hạt sương khuya long lanh giá buốt...” Các cô ca sĩ vẫn hát sai lời của bài hát là “Sao khi chia ly hôn em một lần vội vã...” chứ không phải “Sau khi chia ly hôn em một lần vội vã.”
Tại vì nếu như chia ly rồi, sau khi đó thì còn gì để hôn nhau nữa mà còn là vội vã? Bởi vậy lời đúng phải là “Sao khi chia ly hôn em một lần vội vã” vì người lái xe ôm đang đứng chờ ngoài cửa từng giây, từng phút một, để chở mình ra bãi đi vượt biên mà.





No comments:

Post a Comment

View My Stats