02.04.2015
Cuộc hội thảo tại Trung tâm
nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS ở thủ đô Washington ngày 24/3/2015 rất bổ
ích cho những ai muốn biết mối quan hệ Việt- Mỹ đang ở trong tình thế cụ thể
như thế nào. Đâu là nút thắt? Làm thế nào để mở ra?
Có mặt tại cuộc họp, trên ghế
chủ tọa có nhà nghiên cứu Murray Hiebert, từng là phóng viên kỳ cựu của tuần
báo Far Eastern Economic Review, rất am hiểu Đông Nam Á, Việt Nam, nay là Phó
Giám đốc CSIS; bên phải ông là Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius, bên trái là Đại
sứ Việt Nam ở Washington Phạm Quang Vinh.
Tham dự cuộc hội thảo để đặt
câu hỏi, có Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, học giả tại Đại học George Washington,
Hoa Kỳ, và Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, Hoa Kỳ.
Qua cuộc hội thảo, có thể rút
ra những kết luận như sau:
Trong quan hệ Mỹ - Việt hiện
nay có khá nhiều vấn đề: vấn đề nhân quyền, quan hệ kinh tế - thương mại 2 chiều,
tăng vốn đầu tư FDI và viện trợ ODA từ Hoa Kỳ; mở rộng quan hệ Việt - Mỹ trong
lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chống khủng bố, việc bán vũ khí sát thương của
Hoa Kỳ cho Việt Nam; vấn đề cho nước ngoài sử dụng cảng Cam Ranh; việc đào tạo
cán bộ cho Việt Nam; việc gia nhập khối kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP; vấn
đề quyền người lao động, quyền công đoàn, lập hội.
Các vấn đề trên đều quan trọng,
đều cần được đặt ra để trao đổi, đàm phán, nhưng quan trọng hơn cả, «căng thẳng
hơn cả, khó khăn hơn cả cho cả hai bên là vấn đề nhân quyền». Đây là vấn đề
phía Việt Nam cần nhận rõ để có thể thu hẹp những bất đồng, «cần qua nhiều thử
thách», «có nhiều việc phải làm», « cần có những tiến bộ đáng kể, có thể
đo lường được ». Đại sứ Ted Osius nói rõ: «Chúng ta không đồng ý nhau về mọi
thứ», chỉ thẳng ra chuyện Việt Nam trả tự do cho tù chính trị là theo kiểu «cửa
quay vòng», nghĩa là có người cho ra tù thì lại có ngay người khác vào tù, như
kiểu cửa quay ở các khách sạn. Ông nhắc lại sự kiện trong năm 2014 Việt Nam đã
khởi tố 29 người bất đồng chính kiến.
Về tôn trọng nhân quyền, đại sứ
Ted Osius nêu cụ thể 3 vấn đề phía Việt Nam cần quan tâm giải quyết. Một là phải
sửa đổi những đạo luật không phù hợp với những văn kiện quốc tế về nhân quyền
mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng. Ai nấy đều biết, trước hết đó là các điều 79,
88 và 258 trong bộ Luật hình sự, rất mơ hồ, tùy tiện về các tội «hoạt động nhằm
lật đổ chính quyền nhân dân», «tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa»,
«lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước». Nhiều nhà luật
học, nhiều luật sư trong bộ máy tư pháp của Việt Nam, một số đại biểu Quốc hội
cũng phải công khai thừa nhận rằng các điều này cần được tu chính lại cho rõ
ràng, chặt chẽ, khắc phục những cách diễn giải tùy tiện, trái với Hiến pháp,
trái với các văn kiện quốc tế. Hai là nền tư pháp Việt Nam cần tỏ rõ vai trò độc
lập, nghĩa là chỉ xử theo luật pháp mà không chịu một ảnh hưởng nào khác; đây
là điều rất khó khăn vì Bộ Chính trị Đảng CS Việt Nam vẫn quyết định về các mức
án chính trị. Cần có một cuộc thay đổi rõ rệt về thể chế chính trị và tư pháp,
theo một chế độ pháp trị công minh. Ba là cần thể hiện rõ việc tôn trọng các
quyền tự do của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự
do công đoàn, tự do lập hội. Về mặt này cũng còn rất nhiều điều bất cập.
Đại sứ Ted Osius cho biết sắp đến
sẽ có cuộc đối thoại Mỹ - Việt về nhân quyền lần thứ 19 ở Hà Nội. Hai bên sẽ đi
vào cụ thể từng vấn đề để đánh giá. Cần có cố gắng lớn vì hiện nay «vấn đề nhân
quyền là vấn đề khó khăn nhất giữa 2 bên», còn có nhiều việc cụ thể cần phải
làm để «có thể đánh giá được».
Trả lời phỏng vấn của đài VOA mới
đây sau khi đi Việt Nam về, ông Tom Malinowski, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa
Kỳ đặc trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, đã khẳng định: «Phía Việt Nam không thể lấy điểm về tôn trọng
nhân quyền ở việc thả vài tù nhân bất đồng chính kiến. Việc quan trọng là sửa đổi
những luật lệ về tôn trọng nhân quyền; nhất thiết phải có những tiến bộ rõ rệt
về mặt này». Không có gì rõ ràng hơn, dứt khoát hơn.
Trong giới cầm quyền ở Hà Nội
có luồng suy nghĩ rằng «họ cần ta hơn ta cần họ», rằng Hoa Kỳ có quan điểm thực
dụng, quan tâm đến những lợi ích vật chất cụ thể hơn là những giá trị tinh thần,
trong đó có quyền con người. Bộ Chính trị vẫn nghĩ rằng mình đã có Đảng CS
Trung Quốc chống lưng thì không cần gì nhượng bộ về nhân quyền. Đây là tư duy cốt
lõi đi ngược hoàn toàn lợi ích của toàn dân, toàn quân, đi ngược lại xu thế hội
nhập quốc tế, hội nhập thời đại mới, làm cho đảng đối lập với nhân dân, đối lập
với toàn xã hội.
Lúc này hơn lúc nào hết, cần một
sức ép mạnh mẽ từ phía xã hội, từ phía đông đảo nhân dân, đặc biệt là các nhà
trí thức dân tộc, giới tuổi trẻ gắn bó với tiến bộ, với thời đại, đi đầu là
nhân dân thủ đô và các thành phố lớn, chỉ rõ con đường tôn trọng nhân quyền,
dân chủ và tự do, hòa nhập với thế giới dân chủ là con đường cứu nước duy nhất
hiện nay.
Chính quyền bảo thủ, giáo điều,
độc đảng đã phải đình chỉ chiến dịch tàn sát cây xanh, đã phải hoãn dự án thay
đổi dòng chảy sông Đồng Nai, và có thể phải hủy bỏ kế hoạch ngông cuồng xây Đài
phát thanh cao nhất thế giới.
Khi lòng dân đã quyết, chí dân
đã đồng thì không có gì là không thể đạt được, kể cả việc thay đổi hẳn hệ thống,
từ độc đoán sang dân chủ, từ chà đạp nhân quyền sang tôn trọng quyền làm người.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài
viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment