Tuesday 14 October 2014

Những tín hiệu gởi đến từ các nhóm chống biểu tình tại Việt Nam (Dân Việt - SBTN)





Dân Việt  - (SBTN)
T2, 10/13/2014 - 20:08

Nhân dịp ngày 10 tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, chính quyền CSVN tìm cách ngăn chặn các cuộc biểu tình dân chủ có thể làm phá hỏng dịp lễ mừng ngày giải phóng thủ đô. Người dân lần đầu tiên thấy sự xuất hiện chính thức các nhóm “thường dân” chống biểu tình, tự xưng là dư luận viên “Ba Củ”. Các nhóm này nhân danh việc “bảo vệ chính quyền của chúng tôi”, đã tuyên bố sẽ làm mọi cách để “bảo vệ đồng bào được vui chơi lễ”, trong đó có việc sẵn sàng xô người biểu tình xuống hồ, ném mắm tôm vào người biểu tình…

Thực ra, đây không phải là một điều mới mẻ đối với những người đấu tranh bất bạo động vì tự do, dân chủ Việt Nam. Việc công an chìm và côn đồ được sử dụng để trấn áp người biểu tình ôn hòa, khủng bố những người yêu nước đã xảy ra từ lâu. Nhớ lại vụ án chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng vào năm 2008. Chính quyền CSVN đã làm ngơ để cho hàng trăm côn đồ giả dạng tu sĩ, đập phá chùa Bát Nhã, hành hung để buộc các tu sĩ Làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh phải rời khỏi nơi đây. Trong một tình trạng đầy bạo động như vậy, chính phủ CSVN vẫn cương quyết phủ nhận là mình chủ mưu làm việc này, chỉ giải thích rằng đó là việc “nội bộ của Phật Giáo”, cho nên không can thiệp. Trong một chế độ “công an- mật vụ trị”, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Khi cần, họ sẽ tạo ra đủ loại côn đồ: sư công đồ, công nhân côn đồ, trí thức… côn đồ!

Bình cũ, rượu mới. Sự ra mắt chính thức của các nhóm chống biểu tình này cũng đưa ra một vài tín hiệu mới đáng để dư luận quan tâm.

Đây là lần đầu tiên, các nhóm phản dân chủ hiện nguyên hình, có tổ chức, tên gọi, tự nói rõ về mình. Trước đây, họ xuất hiện như là “quần chúng tự phát”, hoặc ở dưới dạng du đãng làm càng, chứ không chính danh.

Qua thông điệp của họ, người dân thấy được tinh thần bạo lực vẫn còn in quá đậm trong tâm thức của người Việt. Ở những quốc gia tiến bộ, chuyện những nhóm biểu tình chống chính phủ và ủng hộ chính phủ vẫn đồng thời xảy ra. Nhưng luật pháp qui định cả hai phía phải ôn hòa, bất bạo động, không được phép xô xát với nhau. Còn ở Việt Nam, nhóm Ba Củ tuyên bố sẵn sàng xô người biểu tình xuống hồ, ném mắm tôm vào họ! Người biểu tình đòi dân chủ ở Việt Nam không được luật pháp bảo vệ, không có được cái quyền tối thiểu là bỏ phiếu để chọn người làm ra luật pháp cho nước mình. Nhưng phe “bảo vệ chính quyền” thì tự cho phép mình làm mọi thứ. Trong một xã hội mà người dân vẫn quen thuộc với bạo lực như Việt Nam, các cuộc biểu tình bất bạo động sẽ gặp khó khăn hơn. Lưu ý là ngay ở Hong Kong, các em sinh viên cũng đã tố cáo chính quyền không can thiệp khi họ bị các nhóm côn đồ tấn công.

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu lạc quan cho phong trào dân chủ Việt Nam từ những “dư luận viên côn đồ” này.

Chính quyền CSVN khi cho ra đời các nhóm chống biểu tình, tức là đã công nhận sức mạnh ngày càng tăng từ phe đòi dân chủ. Trước đây, phong trào đòi dân chủ chỉ là những cá nhân riêng lẻ, những nhóm nhỏ rời rạc, cho nên chính quyền có thể dễ dàng đàn áp mà không ai biết đến. Nhưng nay thì các nhóm biểu tình dân chủ đã bắt đầu có số đông, có sự liên kết, đã có nhiều thành phần khác nhau trong xã hội tham gia. CSVN phải có chiến lược đối phó dài hạn hơn với lực lượng người dân không một tấc sắt trong tay này. Khi các nhóm dư luận viên đi rêu rao về việc chống biểu tình, họ cũng vô tình đưa thông tin cho dân chúng về sự hiện hữu của các cuộc biểu tình trong tương lai.

Việc sử dụng những kẻ chống biểu tình mang hình thức dân sự như vậy, chứng tỏ chính quyền CSVN đang bị sức ép đáng kể của dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là các quốc gia Âu Mỹ đang đặt vấn đề làm ăn với Việt Nam kèm với điều kiện nhân quyền. Hình ảnh công an đàn áp trực tiếp dã man người biểu tình bất bạo động sẽ bị hạn chế. CSVN cũng đã biết sợ! Phong trào biểu tình dân chủ cần phải lấy dư luận làm phương tiện bảo vệ cho mình. Phải truyền bá hình ảnh các cuộc biểu tình đi khắp thế giới càng nhanh càng tốt, đặc biệt là những hình ảnh người biểu tình bất bạo động bị tấn công, kể cả bởi công an hay côn đồ.

Khi kẻ thù đã phải lộ diện thay vì chỉ đánh lén như trước đây, những người biểu tình vì dân chủ, vì yêu nước, hay vì dân oan… sẽ chủ động có kế hoạch đối phó. Đối với nhóm côn đồ thân chính quyền này, cách đối phó hữu hiệu vẫn là số đông. Bởi vì số đông người biểu tình đồng nghĩa với số đông người ủng hộ. Dư luận, phản ứng của người dân trong nước và thế giới là vũ khí vô cùng quan trọng của các phong trào bất bạo động. Khi những nhóm chống biểu tình côn đồ phải tấn công một nhóm người đông hơn mình nhiều lần, điều này sẽ khó khăn hơn cho họ. Rồi sẽ có lúc họ đàn áp chính bạn bè, người thân của họ. Đó là những sức ép có thể làm cho họ chùng tay.

Những kẻ núp bóng thường dân đàn áp biểu tình đa phần là người của công an, mật vụ. Nếu họ nhẫn tâm tấn công người dân vô tội, bất bạo động nhiều lần, những người lính- một lực lượng vũ trang nhưng thường gắn liền với quyền lợi của người dân hơn- có thể đứng về phe người biểu tình. Lúc đó, tình hình sẽ biến chuyển nhanh hơn, mà chính nhà cầm quyền CSVN cũng không muốn.

Tóm lại, những người đấu tranh dân chủ, tự do ở Việt Nam đang phải đối đấu với đủ mọi khó khăn, thách thức. Nhưng chính quyền CSVN với bạo quyền tập trung trong tay cũng có những khó khăn của họ. Khi biểu tình bất bạo động trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam hơn, được nhiều người tham gia, ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp hơn, người Việt Nam sẽ tiếp bước người Hong Kong trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài.

Dân Việt 
Bài viết được tác giả gởi đến SBTN
(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

----------------------


10/14/2014             19 Comments




No comments:

Post a Comment

View My Stats