Friday, 10 October 2014

Lời nào cho nhà văn sắp đi tù vì Điều 87, 88 (Nguyễn Thị Thanh Bình - Danlambao)





10/10/2014             9 Comments

Cách nào thì những kẻ tội lỗi vẫn cứ bình thân như vại, và những kẻ không tội lỗi thì cứ bị đẩy tới vực tối giam giữ không còn biết than vãn vào đâu. Ngoài cách tự an ủi phải an nhiên lãnh nhận, để hạt giống giam cầm bóng tối của hôm nay, sẽ gieo trong tim người mầm sống ánh sáng tự do của tương lai.

Như một Điếu Cày mai kia sắp trở về để có thể tiếp tục đi “cà nhong” bằng những bước chân tự do, và rồi nói như Phùng Quán: “Có những nỗi đau tự mình phải kết thúc...”

*

Có thể rồi thì chúng ta lại ngợi ca, bênh vực cho Tự Do bằng cách viết kháng thư, ra tuyên bố, tuyên cáo, yêu cầu, ký kiến nghị, thỉnh nguyện thư... vì chừng như cũng đã quá tuyệt vọng chẳng biết phải bám víu vào đâu. Giữa thời điểm chúng ta bỗng chợt hồi sinh trong giấc mơ được trỗi dậy làm người, như giới trẻ trí thức Hồng Kông không chỉ dám mơ, mà còn dám biến giấc mơ thành hiện thực, và nhà lãnh đạo giàu lòng yêu nước thương dân của Miến Điện không chỉ hứa mà làm ngay những việc cần làm là thả nốt 3073 tù nhân và chắc hẳn trong số này không thiếu những tù nhân chính trị còn sót lại, thế thì sao lại cũng chính vào lúc này, một tin không mấy vui giữa giờ hy vọng lại đến: hết blogger Bà Đầm Xòe Phạm Thành và bây giờ đến phiên nhà văn/nhà thơ của chúng ta Nguyễn Viện bị bắt đi triệu tập sẽ là lần thứ ba và có thể đang bị thu hồi “quyền được mở miệng, được viết” bất cứ lúc nào, về một cáo buộc đã được giám định thuộc Điều 87 (phá hoại chính sách đoàn kết) cũng như Điều 88 (tuyên truyền chống phá nhà nước). Coi bộ họ cứ “đùa dai” với lao lý như thế là cùng, khi muốn tròng chiếc vòng kim cô thuộc Bộ Luật Hình Sự lên đầu lên cổ một nhà văn 65 tuổi chỉ có “Chữ Dưới Chân Tường” (tên một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện)

Điều này nếu xảy ra sẽ nói lên điều gì cho những người cầm bút còn lại trong chúng ta chưa bị tống đi “nhập kho”? Không phải những thứ điều khoản này, kể cả Điều 258 mới đây, đều luôn sử dụng ngôn ngữ pháp lý bìa rừng, như thể lưới trời lồng lộng ai cũng có thể lọt vô được, nếu cứ phản biện trúng huyệt của chính quyền chăng?

Quả thật nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh rất giỏi pha trò, khi gọi những cuộc bắt bớ này chỉ là những chuyến “nhập kho” cho đông vui. “Nhập kho” hay “vô rọ” cho thấy những động thái như “thả mười một bắt mười hai”, hoặc đem những tù nhân lương tâm nặng ký hoặc nhẹ ký so đo trên cán cân “đàm phán” (thay vì cán cân công lý) đã là một thói quen làm thành phong cách chính trị của họ, và nghĩ cho cùng chúng ta cũng đã chẳng trông mong gì ở bất kỳ một lời cam kết nào của đường đường là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, hoặc đi một đường lả lướt sửa đổi Hiến pháp Việt Nam cho “hoành tráng”, để chỉ cần vài nghị quyết, nghị định là Đảng cộng sản VN tha hồ cầm chịch phán quyết đất nước theo khuôn mẫu của quan thầy Đảng cộng sản Tàu.

Đừng tưởng những vụ đàn áp bắt bớ chỉ xảy ra khi nhà cầm quyền cảm thấy không mấy an lành cho những lợi dụng của thế-lực-thù-địch, mà dường như với họ, ngay cả những nhà văn chẳng bao giờ có trong tay một tấc sắt nào, họ cũng khoái ra oai bằng tù đày bạo lực, không lẽ vì sợ hãi cho thứ quyền lực tưởng như có nguy cơ bị lung lay chăng?

Họ trừng trị, đe dọa người dân không một cơ man nào tả xiết, nói chi đến những sách nhiễu cấm đoán quyền tự do đi lại của nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà văn Phạm Đình Trọng, blogger Paulo Nguyễn Hồ Nhật Thành, blogger Huỳnh Trọng Hiếu, Huỳnh Thục Vy, hoặc đã còng tay khóa miệng nhà báo Basam Nguyễn Hữu Vinh... không chỉ để tự “ảo tưởng” điều hành đất nước này khá hơn, mà chỉ để áp đảo, áp chế cuộc đời của tất cả những con người còn chút lương tri tự trọng buộc phải lên tiếng nên bị cắt đứt chấm dứt, mặc dù không phải chỉ chúng ta mới có quyền quyết định cho mình lúc nào cần bắt đầu, và sự chấm dứt là chỉ đồng nghĩa với giờ phút chúng ta để bị tước mất quyền-được-nói, quyền-được-biết mà thôi!

Trong lá thư nhắn gởi cùng “các bạn” cho lần nghiêm trọng này, chúng tôi cảm phục câu nói của một nhà văn chân chính Nguyễn Viện: “Tôi chẳng bao giờ muốn làm anh hùng, nhưng cũng tuyệt đối không thể sống hèn.” Nghe sao hừng hực hơi hướm của một Hoàng Chi Phong mới đây của Hồng Kông: “Tôi không phải là anh hùng” (tựa của cuốn sách người trẻ tuổi này đã viết)

Ơi, sao mà trân quý quá thứ “đá tảng” chất chứa trong tim Nguyễn Viện, hệt như những lằn vân thạch của những vần thơ khao khát “Tự Do hay là chết”, đồng hành với một Phùng Quán đam mê quyết liệt: “Bút giấy tôi ai cướp giật đi / Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.”

Triệu tập nhà văn Nguyễn Viện, một tác giả khá đồ sộ với 15 tác phẩm, đã từng làm việc và cộng tác với khá nhiều báo, đài trong cũng như ngoài nước: Thanh Niên, Gia Đình & Xã Hội, Thể Thao & Văn Hóa, Đẹp, SaiGon City Life, BBC... và hầu hết các mạng tạp chí văn học, cũng như hơn một lần là một trong nhóm khởi xướng của Kiến nghị 72, ký tên kháng thư..., chúng tôi không biết họ muốn nhà văn này trả lời như thế nào về những bài viết, những tác phẩm đã công bố trên mạng cũng như in ấn, để có thể giám định buộc tội Nguyễn Viện vi phạm Điều 87, 88? Với sức mạnh của truyền thông tin học như hiện nay, chúng tôi tin rằng sẽ không ai buồn biện hộ cho những điều chúng tôi đã viết ra và điều này cũng dễ hiểu thôi, vì chúng tôi cũng chẳng mang một tội (tình) gì, ngoài nỗi niềm khao khát tự do. Trong đó dĩ nhiên tự do lớn nhất vẫn là được phổ biến văn chương và một chút gì đó nếu cần, trao gởi cho thế hệ tương lai đất nước ngày mai.

Vậy liệu có kho chứa người (nhập kho?) hoặc những chấn song, nhà tù nào đủ rộng, để nhốt hết những người tù nhân lương tâm dự khuyết, hoặc khi mà những bản án viết sẵn trong túi áo người công an đã biến khá nhiều người trong chúng ta thành những cuộc “tự xử” không lời đầy oan uổng?

Thật ra nếu Nguyễn Viện bị bắt thật, thì rất có thể tôi sẽ phải tranh thủ cơ hội này để nói với nhà văn mà tôi yêu mến nhất: những trang tiểu thuyết của chúng ta dẫu sao cũng quá mỏng mảnh và biết đâu, tù tội sẽ làm những trang sách ấy dày dạn hơn (dù chúng ta cũng chả biết mình mắc tội gì, nếu không là tội... tổ tông ngoại lai?) Một trích đoạn của Nguyễn Viện mà mỗi lần đọc lại, tôi vẫn không thoát khỏi những sửng sờ thích thú, mường tượng “lỗi cả hệ thống” cứ khệnh khạng bước tới, trong thứ xã hội đầy những bất ổn: “Lẽ ra anh nên chết đi. Một cuộc tự sát sẽ là ý nghĩa lớn nhất cuộc đời anh và nó minh chứng cho sự hiện hữu của anh. Cũng như chưa bao giờ anh dám sống hết ý nghĩa của mình. Anh là một con sâu ngọ nguậy. Nó làm ngứa háng em và làm bẩn cái háng em. Tại sao em phải vuốt ve nó chứ? Em nghĩ anh nên cắt bỏ nó, vì nó chỉ là một cục thịt thừa tuyên xưng thời ảm đạm. Thay vì nổi loạn, nó chỉ biết cúi đầu sám hối vì những điều không phải nó gây ra…” (Nhảy Múa Rồi Chết) 

Ngày mai 10/10, đúng vào ngày 60 năm Giải Phóng Thủ Đô, anh nói họ cần “làm việc” với anh lần nữa. Tôi biết bình thường anh là người giàu lý luận sắc bén và một nhà văn đã “chọn lựa ở lại với đất nước mình để viết cùng dân tộc, thay vì có cơ hội ra đi” như Nguyễn Viện, tôi tin mọi người sẽ nhìn thấy được con người văn chương đầy cá tính ấy mà không cần anh phải bận tâm nói năng thêm điều gì, khi vào thời gian này không hiếm người tự hỏi: “Chào mừng Giải Phóng, khi độc lập mà không có tự do tư duy, tự do hạnh phúc... thì đất nước có thực sự được giải phóng không?” Mặc dù có thể anh và tôi đều đồng tình với câu nói của một tác giả: “Nếu người bình thường yên lặng, đó là một thủ thuật sống. Nếu một nhà văn đồng lõa với yên lặng, y là một tên đang nói láo”.

Xin lỗi tôi không nhớ ai nói câu nói hay ho này, cũng như tôi không thể đoán biết ai là người có thẩm quyền đi truyền lệnh tống giam những nhà văn như Nguyễn Viện, nhà báo Trương Duy Nhất hay blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh...?

Kỳ thực cũng chính họ, những kẻ không hề biết hay không thích xài những điều luật, bộ luật đã ghi rõ rành rành trong luật pháp, hiến pháp để tự biên tự diễn lời sấm truyền bắt nhốt rừng rú.

Cách nào thì những kẻ tội lỗi vẫn cứ bình thân như vại, và những kẻ không tội lỗi thì cứ bị đẩy tới vực tối giam giữ không còn biết than vãn vào đâu. Ngoài cách tự an ủi phải an nhiên lãnh nhận, để hạt giống giam cầm bóng tối của hôm nay, sẽ gieo trong tim người mầm sống ánh sáng tự do của tương lai.

Như một Điếu Cày mai kia sắp trở về để có thể tiếp tục đi “cà nhong” bằng những bước chân tự do, và rồi nói như Phùng Quán: “Có những nỗi đau tự mình phải kết thúc...”



--------------------------------------

Phạm Thị Hoài  -  pro&contra
Tháng 10 8, 2014



No comments:

Post a Comment

View My Stats