Tuesday 14 October 2014

CON ĐƯỜNG CẢI TỔ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VIỆT NAM (Vũ Đức Vượng - GDVN)





VŨ ĐỨC VƯỢNG
11/10/14 07:17

(GDVN) -Tự chủ tài chính, tự trị quản lý và tự do học thuật là cái kiềng ba chân để nền giáo dục đại học ở Việt Nam có hy vọng hoàn thành được sứ mạng thật sự của mình.
Một thực tế không ai chối cãi là giáo dục ở Việt Nam đã đi tụt hậu và tệ hơn nữa, trong vòng hai thập kỷ gần đây, tham nhũng đã ăn sâu vào giáo dục - từ lớp mầm non đầu tiên tới văn bằng tiến sĩ - đến nỗi ít phụ huynh nào dám nghĩ là con mình sẽ được giáo huấn thành người trong thời buổi này.
Nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan đã gây ra tình trạng này và cũng đã được nhiều người trong mọi giới, từ chính các sinh viên đến các lãnh đạo nhà nước, mổ xẻ trong nhiều thập niên qua. 
Góp ý cho vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Vũ Đức Vượng, nguyên là giám đốc Chương Trình Giáo Dục Tổng Quát tại ĐH Hoa Sen, TP.HCM, và hiện biên tập tờ TRỒNG NGƯỜI, một “chợ đầu mối” về các vấn đề giáo dục tại Việt Nam, xuất bản hàng tháng ở San Francisco, Mỹ.
Bài viết này cũng đã được ông trình bày tại cuộc toạ đàm về hướng phát triển cho giáo dục ngoài công lập, mới được tổ chức gần đây tại TP.HCM.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của tác giả. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

-----------------

Tôi sẽ đi ngay vào vấn đề làm sao để các trường ngoài công lập (NCL) phát triển vững mạnh, đáp ứng các nhu cầu chính đáng của sinh viên và của đất nước.

Tôi nghĩ có ba điều kiện chính trong cuộc cải tổ giáo dục mà ai cũng tuyên bố là phải “căn bản” và “toàn diện”: tự chủ về tài chính, tự trị về quản lý, và tự do học thuật.


Tự chủ tài chính

Mảng này có lẽ đơn giản nhất trong ba khía cạnh cải tổ: để các trường ĐH tự chủ về tài chính của họ. 

Đa số các trường ngoài công lập mà thành công đã đạt được tự chủ này: họ thu học phí, trả lương giảng viên, nhân viên, xây cất trường ốc, tặng học bổng cho sinh viên ưu tú hay có hoàn cảnh khó khăn, mua sắm thiết bị, v.v.  và còn đóng thuế cho nhà nước nữa.  

Do đó, dự kiến tự chủ tài chính mà chính phủ đang thảo luận sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các trường công lập, vì cho tới nay các trường công vẫn còn dựa vào ngân sách quốc gia hơn là hoạt động như một doanh nghiệp có trách nhiệm. 

Kinh nghiệm của các trường công lập bên Mỹ, hầu hết là trường của tiểu bang trong hệ thống chính trị liên bang, từ sau Thế chiến II có thể là một thí dụ trong trường hợp này: nhà nước sẽ giảm ngân sách cho các trường công, buộc các trường này sẽ phải xét lại biên chế cho hiệu quả hơn, chắc chắn sẽ phải tăng học phí, và sẽ phải dần dần hành xử giống như các trường ngoài công lập.

Đây không phải là một đại họa hay một nguy cơ cho các trường công. Ở Mỹ, hệ thống trường công vẫn là cột trụ của GDĐH, nên các trường công ở Việt Nam cũng còn rất nhiều lợi thế để giữ cương vị chủ chốt của họ.  

Nhưng lý do trường ở Mỹ thành công cho đến nay là hai điều kiện khác nữa, quan trọng hơn tự chủ tài chính nhiều; và đây mới là hai vấn đề cốt lõi mà các ĐH ở Việt Nam, công cũng như tư, phải đạt được thì mới có hy vọng thành công.


Tự trị quản lý

Có người đã ví von gọi GDĐH ở Việt Nam là một con gà công nghiệp.

Như một đứa con “gà công nghiệp” năm nay đã 40 tuổi nhưng mẹ vẫn lo cho từng bữa ăn, từng ly nước; vẫn giặt ủi quần áo và chỉ cho con mỗi ngày mặc bộ nào; vẫn kiểm soát con đi chơi với ai, ở đâu, làm gì … bất cứ lúc nào; bố vẫn mua xe cho con và cho tiền đổ xăng, và tiếng là muốn có cháu để bồng nhưng thực tế thì vẫn không muốn con cưng của mình lọt vào tay bất cứ người nào khác. 

Thế nên chi bằng, cứ o bế nó, dù nó có đôi lúc nghẹt thở đi nữa, nhưng nó vẫn nằm trong vòng kiểm soát của mình.  Còn gì bảo đảm hơn ?

Cũng vậy, nền giáo dục ở Việt Nam là một con gà công nghiệp, không được dạy tư duy độc lập, càng không dám phản biện lại bố mẹ mình vì vừa sợ mất miếng ngon vừa không biết phản biện thế nào. 

Tôi nghĩ GDĐH nước ta còn tệ hơn gà công nghiệp nhiều: con gà không có mục đích gì khác trong cuộc đời ngắn ngủi của nó là “leo lên bàn” hoặc để cúng ông bà, hay để các tay bợm nhậu hả hê với nhau. 
Sau đó chỉ còn đống xương và lông, đem ra hố rác là xong. Giáo dục thì khác: học xong mới là lúc đem ra áp dụng và giúp mình, giúp đời. Vì thế, nếu không để cho giáo dục tự do và tự tin thì nó sẽ không bao giờ dám bay bổng, dám sáng tạo.

Ngược lại, ở Mỹ, trẻ con từ rất bé đã được trau dồi ý thức tự lập, tự quyết định cho chính mình, nhưng trong khuôn khổ mỗi người là một thành viên cơ hữu của xã hội chứ không ai là một “hải đảo.” 

Lớn lên, xã hội và giáo dục Mỹ luôn dạy mỗi người có trách nhiệm với xã hội, và khi thấy điều gì bất công thì người dân có quyền đòi thay đổi. Bao nhiêu cải tổ trong xã hội Mỹ là dẫn chứng cho lối tư duy này, từ những vấn đề bình quyền của mọi người đến những vấn đề xã hội như cấm lái xe khi say xỉn, bài trừ tệ nạn hút thuốc lá, hay những luật để bào vệ môi trường…  Tất cả đều do sáng kiến, đề xuất, và thường là tranh đấu của người dân đòi chính quyền thay đổi.

Về giáo dục, không những các trường Mỹ tự chủ về tài chính, như đã nói bên trên, mà còn tự trị về quản lý. Mấy tháng nay, truyền thông trong nước đầy những tranh luận về ĐH lợi nhuận hay phi lợi nhuận (LN v. PLN), nên chắc quí vị trong cử tọa hôm nay không lạ gì với vấn đề này cũng như việc tự trị của các trường NCL. Ở đây, tôi chỉ dùng các các trường công bên Mỹ để làm ví dụ về tự trị quản lý.  

Nói một cách đơn giản, chính quyền tiểu bang chỉ định thành phần Hội Đồng Quản Trị gồm những người am tường và thiện chí để bảo vệ quyền lợi cho mọi người trong bang. 

Dĩ nhiên, trong trường hợp này, sinh viên và giảng viên là ưu tiên. HĐQT tuyển chọn, công khai, Hiệu trưởng rồi để HT gần như tự do quản lý nhà trường. Nhưng một số thành phần khác cũng có ảnh hưởng đến các chính sách hay cách làm việc của HT như tổ chức của các giảng viên (Academic Senate hay Faculty Association), các công đoàn (Unions) các nhóm có quan tâm riêng (interest groups) và Đoàn sinh viên, v.v….  

Mỗi nhóm cố gắng bảo vệ những quyền lợi chính đáng của các thành viên, nên hiệu trưởng không thể là nhà độc tài, nhưng lại rất có hiệu quả nếu thuyết phục, thỏa hiệp được với các thành phần khác trong trường.  
Chính quyền liên bang cũng như tiểu bang không can thiệp vào vấn đề quản lý của trường, chẳng hạn như không tỉnh nào có quyền phê chuẩn hay bãi nhiệm HT, việc này chỉ có HĐQT làm được. Cũng không có chuyện “tuyển cử” từ chính quyền địa phương như chúng ta đọc trên báo cách đây vài tuần.  Chỉ khi nào có vấn đề phạm pháp thì chính quyền mới vào cuộc.

Chính sách tự trị quản lý này đã giúp các trường ĐH công cũng như tư ở Mỹ phát triển và đạt được mức hiệu quả như ta đã thấy.  


Tự do học thuật

Tôi nghĩ tự do học thuật là động lực then chốt và nét đặc trưng của các đại học tiên tiến và thành công trên thế giới.  Giáo dục là tranh luận, khám phá, so sánh, lựa  chọn, và là một tiến trình mà ai cũng phải tiếp tục suốt đời.  Nhất là trong thế giới hôm nay khi iPhone 6 chưa kịp bán thì Apple đã chuẩn bị cho các sản phẩm mới hơn, hay hơn vào năm tới.

Hiện thời ở các trường ĐH Việt Nam còn nhiều môn học đã hết hiệu lực nhưng Bộ GD-ĐT và chính quyền vẫn trung thành bắt buộc các trường dạy. Sinh viên chán các môn này, và thật ra cũng không còn áp dụng được vào đời sống nữa; nhưng nhiều trường vẫn phải dạy và các môn này thành nguồn thu nhập khá tốt cho các trường.

Có nhiều người đề nghị thay đổi sách giáo khoa và thay cả giáo trình nhưng đây mới chỉ là mặt nổi của tảng băng và một phần tương đối nhỏ trong công cuộc cải cách giáo dục.  Quyết định “Dạy cái gì?” thì đơn giản hơn những vấn đề khác như “Dạy thế nào?”  “Ai được dạy”  “Ai được học”  “Học thế nào?”  “Dạy để làm gì?” v.v…  

Giáo dục trên thế giới đã vượt xa chúng ta nên việc mượn giáo trình của họ không có gì khó. Cái khó là chúng ta có dám chấp nhận lối tư duy đằng sau các giáo trình đó không?  Hoăc nhà nước chúng ta có dám tin vào những người làm giáo dục và “cởi trói” để họ có thể làm giáo dục chân chính? Hay chúng ta vẫn khư khư “trói buộc” và kiểm soát từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong nhà trường, và hậu quả như ta đã thấy. 

Một tiêu cực nữa của những qui định và kiểm soát quá khắt khe, nhiều khi chồng chéo nhau trong giáo dục là tạo một chỗ trú ẩn cho những ai thiếu trách nhiệm hay thiếu khả năng: họ thường viện cớ là “không được làm” cái này, cái nọ…. để lười không phải sáng tạo cũng như trốn trách nhiệm những khi sai phạm. 

Tóm lại, chỉ khi nào tự chủ tài chính đi cùng với tự do học thuật và tự trị về quản lý thì chúng ta mới có hy vọng dạy và học nghiêm túc để đào tạo những thế hệ Việt trẻ vừa là công dân tốt vừa là con người tốt.

Hôm nay chúng ta chú trọng vào các trường NCL nhưng những bước tôi vừa trình bày ở trên tưởng cũng không khác lắm với các trường công. 

Chính phủ đang thảo luận phương cách để các trường công được tự chủ hơn về tài chính.  Đó có thể là một chính sách khá hay, buộc các trường công cũng phải thoát ra khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào ngân sách quốc gia và hành xử gần giống như các trường NCL. 

Nhưng tự chủ về tài chính này chỉ có ý nghĩa và hiệu quả khi mọi trường ĐH ở Việt Nam cùng được tự trị về quản lý và được bảo đảm tự do học thuật. Nói cách khác, tự chủ tài chính, tự trị quản lý và tự do học thuật là cái kiềng ba chân để nền giáo dục đại học ở Việt Nam có hy vọng hoàn thành được sứ mạng thật sự của chính nó. 


------------------------

Ngọc Quang - GDVN
13/10/14 06:45

(GDVN) - GS.TS, Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử: "Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, không có chữ là không có gì hết, không làm được gì hết".


Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS.TS.NGND Trần Đình Sử - nguyên Giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội (Tổng chủ biên nhiều sách ngữ văn Trung học và sách ngữ văn nâng cao PTTH) nhận định, đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” có tác động sâu sắc và toàn diện tới đời sống xã hội. 
Vì vậy, cần phải có đánh giá kỹ lưỡng các cơ sở khoa học của nó, để khi đi vào thực thi có thể đem lại những kết quả tốt đẹp như kỳ vọng, tránh gây xáo trộn, gây ra bất ổn, làm mất đi các giá trị chúng ta đã đạt được.


Nhận thức sai hay chỉ là lầm lẫn "kỹ thuật"?

Theo GS. Trần Đình Sử, dự thảo chương trình dựa trên sự đánh giá đối lập dạy kiến thức với đào tạo năng lực, đối lập dạy chữ với dạy người, dẫn đến yêu cầu sự hài hòa hai mặt ấy, một mặt nào đó thì đúng. Tuy nhiên, ngay tại dự thảo đã có cái sai là không xem đào tạo tri thức là đào tạo con người, đối lập dạy chữ với dạy người, dẫn đến coi nhẹ đào tạo kiến thức cơ bản thì rất không đúng.
Trong hệ thống các năng lực mà dự thảo đề cập chỉ thấy các năng lực gắn với đạo đức, hành vi xã hội, mà không thấy rõ vị trí của kiến thức trong việc tạo thành các năng lực đó như thế nào? Sự đối lập giữa dạy chữ với dạy người có vẻ như muốn gợi cho người ta thấy dạy người quan trọng hơn, mà không cho thấy chữ chính là một phẩm chất, năng lực cơ bản của con người.
Phân biệt dạy chữ và dạy người ở đây không đúng, chẳng những thế sẽ gây ngộ nhận theo lối thô thiển là cốt dạy người (dạy năng lực) còn kiến thức thế nào cũng được. Thí dụ, về kiến thức có còn nguyên tắc cơ bản, hiện đại nữa không? Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, không có chữ là không có gì hết, không làm được gì hết.
GS Trần Đình Sử nêu thí dụ: "Ý thức coi nhẹ kiến thức thể hiện rõ nhất khi thuyết minh về nguyên tắc cấu tạo môn tiếng Việt, ngữ văn trong phần phụ lục. Tại trang 40 ghi “Chương trình môn học được tổ chức theo bốn mạch tương ứng với bốn kỹ năng giao tiếp, đọc viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học không được biên soạn thành bài học riêng mà chỉ được dạy học như là công cụ bổ trợ”. 
Vậy ở đây tiếng Việt và văn học có mạch kiến thức riêng hay không, hay chỉ có mạch kỹ năng là đủ? Kỹ năng là hệ thống, còn tri thức là công cụ? Nếu thế thì học sinh lấy đâu ra học vấn phổ thông nền tảng? Nêu thí dụ này để thấy việc xử lý mối quan hệ giữa hệ thống tri thức và hệ thống năng lực cần có nhận thức thấy đáo để chỉ đạo biên soạn chương trình môn học".
Giáo sư Sử cũng cho rằng, trong hệ thống các năng lực đã cung cấp một hệ thống các năng lực cần phải có, nhưng thiếu hẳn năng lực tự nhận thức về bản thân mình. Thiếu năng lực này thì không thể nói đến năng lực tự trọng được.
“Ngoài ra, trong các năng lực này còn thiếu năng lực thẩm mỹ, trước đây khi tôi nêu ra thì được trả lời rằng đó là năng lực chuyên biệt. Tuy nhiên, tôi xin nói rằng nhận thức đó là không đúng, bởi vì theo quan điểm mác xít thì năng lực thẩm mỹ là năng lực phổ quát nhất. Con người làm mọi việc đều theo nguyên tắc của cái đẹp, từ ăn mặc cá nhân cho đến phép ứng xử với mọi người xung quanh; từ vệ sinh cá nhân đến vệ sinh chung đều theo nguyên tắc cán đẹp cả. Vậy tại sao lại hiểu là năng lực chuyên biệt, chỉ nằm trong phạm vi hội họa, âm nhạc?”, GS Sử đặt vấn đề


Tốt hay xấu cốt ở người thầy

Phương pháp dạy học không chỉ là phương pháp sư phạm nói chung mà còn là phương pháp dạy học bộ môn. Theo GS. Trần Đình Sử, chương trình – sách giáo khoa tốt và có chất lượng là một chuyện; còn năng lực quản lý, năng lực dạy học của giáo viên, việc tổ chức kiểm tra đánh giá thực tế không khích lệ được học sinh lại là chuyện khác.


GS. Sử phân tích: Thời gian qua, chính do quản lý yếu kém cũng như lúng túng trong phương pháp dạy học đã không chỉ hạn chế ưu thế của sách giáo khoa, mà còn gây nhiều bức xúc cho xã hội như học thêm dạy thêm, bài thi theo lối học tủ, bài học ghi theo lối đọc chép. Đó là yếu kém về phương pháp dạy học mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Theo chương trình mới lại phải tích hợp các môn khoa học xã hội (Sử, Địa) thì phương pháp dạy tích hợp này là mới hoàn toàn. Lại thêm giáo viên trước nay vẫn đào tạo theo từng môn Sử, Địa tách biệt, chưa đào tạo các môn tích hợp, vậy lấy đâu ra đội ngũ này?
GS Sử đánh giá: “Vấn đề phương pháp dạy học vẫn cần được coi trọng, đó là điều mà tôi thấy trong đề án, được xây dựng, coi như đã giải quyết xong rồi, không quan tâm nữa. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Ngay bộ môn ngữ văn, phương pháp dạy tiếng Việt, dạy đọc hiểu cũng chưa có tiến triển gì nhiều, nếu phương pháp tốt thì đã không tái mù, đã viết đúng chính tả và viết câu không sai ngữ pháp. Người ta có thể thấy ẩn ý của đề án ở đây là cố tránh né vấn đề khó. 
Nói thẳng thắn, việc soạn chương trình – sách giáo khoa không quá khó, mà việc tạo chuyển biến cho cả đội ngũ giáo viên đông đảo về phương pháp dạy học theo hướng mới thì khó hơn rất nhiều. Vì thế cần phải nêu rõ thực trạng về phương pháp dạy học và phương hướng giải quyết nó như thế nào, một khi toàn bộ chương trình đã thay đổi, còn phương hướng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa thấy có gì đổi mới cả”.
GS Trần Đình Sử đề nghị đề án lấy tên là “Đề án đổi mới giáo dục phổ thông”, trong đó có chương trình, sách giáo khoa và đổi mới quyết liệt phương pháp dạy học cùng vấn đề đổi mới đào tạo giáo viên, quản lý giáo dục… thành hệ thống có tính tổng thể.
“Tôi chưa hiểu vì sao Chính phủ lại tách chương trình và sách giáo khoa ra thành một đề án riêng, còn các vấn đề cơ bản quan trọng khác trong cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phổ thông thì để cho đề án khác hay sao? Hay là để tới sau năm 2020 mới làm? Như thế thì làm sao đồng bộ và đảm bảo được kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa lần này? Nếu có thêm các đề án khác song song thì sao không nêu ra để thấy sự đồng bộ?
Theo tôi, Chính phủ nên nhìn vào mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục như một bộ máy vận hành tổng thể để chỉ đạo dự thảo đề án, không nên coi chương trình – sách giáo khoa như là khâu quan trọng nhất, vì như vậy dễ rơi vào phiến diện. Việc thực hiện Nghị quyết 40/2000 đã làm như thế này rồi và thấy có nhiều hạn chế, chẳng lẽ chúng ta lại đi vào vết xe cũ?”, GS Sử nói.

--------------------

29/09/14 07:43




No comments:

Post a Comment

View My Stats