Saturday 18 October 2014

Chiến thuật nghiệt ngã của Mỹ ở Trung Đông (Lữ Giang)





Ngày 16.10.2014

Bản tin ngày 30.9.2014 của hãng AFP cho biết khi đến Washington gặp Tổng Thống Obama, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra D. Modi đã cảnh giác Hoa Kỳ đừng lặp lại “sai lầm” (mistake) của mình khi rút lui khỏi Iraq, bằng cách rút khỏi Afghanistan rất chậm. Ông nói: “Bởi vì sau một cuộc rút quân khỏi Iraq nhanh như thế, chuyện gì đã xảy ra ở đó? Tiến trình rút quân ở Afghanistan phải rất chậm.”
Trước đây ông Modi là Thống Đốc tiểu bang Gujarat của Ấn Độ, ông mới được bổ nhiệm làm Thủ Tướng Ấn Độ ngày 20.5.2014, nên chưa nắm vững chính sách Trung Đông của Mỹ và có thể chưa nghe đến kế hoạch một Trung Đông Lớn Hơn” (Greater Middle East) hay một “Trung Đông Mới” (New Middle East) của Hoa Kỳ nên ông mới nói như vậy.

Như chúng tôi đã nói nhiều lần, kế hoạch “Trung Đông Lớn Hơn” hay “Trung Đông Mới” của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 6 năm 2006 Tel Aviv bao gồm đến Afghanistan, theo đó có ít ra 3 nước sẽ bị chia làm ba để phân tán các nhóm Hồi Giáo thù nghịch, đó là ba nước Iraq, Syria và Afghanistan.
Iraq và Syria đang trong tiến trình được chia làm ba. Afghanistan rồi cũng sẽ bị chia làm ba, phía nam dành cho Taliban dưới danh nghĩa Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Ở giữa là Nhà nước Hồi giáo Afghanistan do Mỹ thành lập và bảo vệ. Phần phía bắc có thể giao cho Liên minh phương Bắc đang được tái lập. Đại khái là như vậy. Nếu không nắm vững kế hoạch này không thể hiểu được những gì đang diễn ra ở Trung Đông và sẽ diễn ra ở Afghanistan.


MỘT ĐÒN ĐỘC CỦA PHÓ TỔNG THỐNG BIDEN

Hôm 5.10.2013, trong một diễn đàn hỏi và trả lời tại trường John F. Kennedy School of Government thuộc đại học Harvard, Phó Tổng Thống Joe Biden tiết lộ rằng Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thú nhận là sai lầm vì để cho các tay súng ngoại quốc dùng hành lang Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào chiến đấu tại Syria, dần dần tiến tới việc thành lập của nhóm IS, còn được biết dưới tên ISIS hay ISIL. Ông cho rằng các đồng minh của Mỹ, cả Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Các tiểu vương quốc A-rập Thống Nhất (United Arab Emirates – UAE) đã tài trợ vô điều kiện về tài chánh và võ khí cho các thành phần giáo phái Sunni lật đổ chế độ Assad. Ông nói: “Họ đổ hàng trăm triệu đô la và hàng ngàn tấn vũ khí vào bất cứ ai sẽ chiến đấu chống lại Assad. Ngoại trừ những người đã được cung cấp là al-Nusra và al-Qaeda và các phần tử cực đoan của các chiến binh thánh chiến đến từ các phần khác của thế giới."

Những lời tuyên bố này đã đụng chạm khá nặng đến các quốc gia bị tố cáo đích danh. Vào sáng 7.10.2014, Tổng Thống Erdogan đòi hỏi ông Biden phải xin lỗi, nói rằng ông chưa bao giờ có phát biểu như vậy với ông Biden, còn Bộ trưởng Ngoại Giao UAE là Mohammed Gargash tuyên bố rất ngạc nhiên về lời phát biểu của ông Biden. Ngay sau đó, bà Kendra Barkoff, nữ phát ngôn viên của ông Biden, cho biết qua điện thoại Phó Tổng Thống Biden đã xin lỗi Tổng Thống Erdogan. Hôm Chúa nhật ông Biden cũng đã gọi điện thoại cho Thái tử của UAE là Mohammed bin Zayed và giải thích rằng ông không chủ ý ám chỉ UAE hỗ trợ khủng bố.

Hãng thông tấn ABC News ngày 6.10.2014 đã đặt câu hỏi: “Ông Biden đã xin lỗi vì nói lên sự thật?” (Did Biden Apologize for Telling the Truth?). Sau khi lặp lại các lời xin lỗi của ông Biden, hãng ABC News viết: “Tòa Bạch Ốc không hoàn toàn phủ nhận, tuy nhiên, bản chất của những gì Biden nói là sự thật(the substance of what Biden said was true) - rằng các quốc gia A-rập là một phần trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển của ISIS, một điểm mà Tổng thống Obama công bố công khai vào đầu năm nay, mặc dù ông đã không xác định cụ thể tên nước.”

Một câu hỏi thứ hai được đặt ra: Chắc chắn ông Biden biết rõ những sự thật ông nói ra sẽ tạo ra phản ứng ở một số nước đồng minh ở Trung Đông, tại sao ông lại nói ra? Phải chăng ông đã “lở mồm” (missing mouth) như một vài tờ báo đã nêu ra hay không?

Chúng tôi không tin ông Biden đã “lở mồm”. Đây là một sự tiết lộ có chiến thuật. Mục tiêu là đặt các nước A-rập đang ủng hộ ISIS vào cái thế phải từ bỏ sự ủng hộ này và quay về phía Mỹ. Chiến thuật này có hai giai đoạn.

Giai đoạn một là tạo cho ISIS một hình ảnh đáng ghê tởm để không ai dám công khai ủng hộ nhóm này nữa. Trong hai tháng qua, các cơ quan truyền thông Mỹ đã thành công trong sứ mạng này. Từ hình ảnh ISIS tàn sát hàng ngàn người Shiite mà ISIS đã bắt được, đến việc cắt cổ các ký giả Mỹ, Anh… và dọa cắt cổ các nhân vật khác đang bị họ bắt, đã chứng minh ISIS là một tổ chức tội ác chống nhân loại. Trong thế giới văn minh ngày nay, không ai chấp nhận những lối hành xử dã man như vậy.
Giai đoạn hai là để cho Phó Tổng Thống Biden “lở mồm” khi nói đích danh một số nước Hồi Giáo yểm trợ nhóm ISIS để đặt các nước này vào cái thế phải thanh minh, vì nếu không thanh minh, họ sẽ bị thế giới xếp vào hạng những kẻ đồng lõa với tội ác. Còn nếu thanh minh là phải tự tách ra khỏi ISIS và đứng vào hàng ngũ chống ISIS với Hoa Kỳ.

Nhưng trong chiến thuật này, Hoa Kỳ chỉ mới thành công được một nữa, tức mới tách được các nước A-rập ra khỏi ISIS, nhưng chưa huy động được họ hợp tác tích cực với Hoa Kỳ để thanh toán ISIS. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ là một thí dụ điển hình.


CON ĐƯỜNG ĐI TỚI CÒN CĂM GO

Như chúng tôi đã nói nhiều lần, người Việt tị nạn được coi là người có nhiều kinh nghiệm về Hoa Kỳ nhất vì họ đã từng hợp tác với Hoa Kỳ 20 năm và đã sống trên đất Mỹ gần 40 năm, chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc bể dâu. Nhưng đáng tiếc là đa số vẫn đi theo con đường của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, suy nghĩ và hành động theo cảm tính, không cần biết địch và đồng minh đang làm gì, nên đang tiếp tục thua. Nhiều “bình luận gia” nhìn vào cuộc chiến Mỹ đang theo đuổi tại Trung Đông và hỏi nhau: Nó sẽ kéo dài bao lâu và sẽ đi vể đâu? Nó có gióng Việt Nam không?

Điều chắc chắn là từ nay cho đến ngày bầu cử đang đến, Tổng Thống Obama sẽ không để cho biến cố quan trọng nào xảy ra tại Trung Đông vì nó có thể làm mất ghế của Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử. Nhưng những gì tiếp theo đã được hoạch định sẵn. Kế hoạch phân chia 5 nước Trung Đông thành 14 nước như đã dự liệu trong kế hoạch một “Trung Đông Mới” đang được thực hiện và nó đang trong giai đoạn thứ hai.

Biết rõ giữa khối Sunni và khối Shiite có mối thù truyền kiếp, lúc nào cũng sẵn sàng thanh toán nhau, Hoa Kỳ đã hình thành một lực lượng gọi là Đạo Binh Syria Tự do gồm những người thuộc giáo phái Sunni để phá vở lực lượng do khối Shiite lãnh đạo ở Syria. Năm quốc gia thuộc khối Sunni trong vùng đã yểm trợ tích cực đạo binh này, đó là Saudi Arabia, Qata, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ. Ba nước đóng vai trò tích cực nhất là Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qata. Họ yểm trợ cả tuyển mộ, huấn luyện, tài chánh và vũ khí.

Nhưng Đạo Binh Syria Tự Do không làm nên cơm cháo gì, nên họ đã yểm trợ cho một tổ chức Hồi Giáo Sunni khác là “Nhà Nước Hồi Giáo Irak” (Islamic State of Iraq - ISI) do Abu Bakr al-Baghdadi lãnh đạo để thực hiện kế hoạch này. Những lời tố cáo của Phó Tổng Thống Joe Biden là hoàn toàn đúng và chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều tài liệu để chứng minh sự kiện này. Nhờ sự yểm trợ cả tiền bạc lẫn vũ khí của 5 nước nói trên, ISIS đã thanh toán cả Binh Đoàn Syria Tự Do của Mỹ, “Mặt trận al-Nusra” (Al-Nusra Front) của al-Qaeda, chiếm 25% lãnh thổ Syria và 40% lãnh thổ phía bắc Iraq.

Có thể nói rằng khối Hồi Giáo Sunni ở Trung Đông đã vui mừng khi thấy ISIS đã thanh toán được một phần lực lượng của khối Shiite ở Syria và Iraq. Họ hy vọng nhóm này sẽ lật đổ Assad. Nhưng mục tiêu của Mỹ không phải là tiêu diệt khối Shiite. Mục tiêu của Mỹ là chia cắt hai quốc gia này, mỗi quốc gia thành 3 vùng tự trị, một cho Shiite, một cho Sunni và một cho người Kurd. Người Sunni nói ở đây phải là người Sunni của Mỹ chứ không phải nhóm Hồi Giáo cực đoan ISIS.

Có hai vấn đề được đặt ra: (1) Hình thành những lực lượng Sunni thân Mỹ có thể tiếp thu các vùng mà ISIS đã chiếm và (2) thanh toán tổ chức ISIS để đưa lực lượng Sunni này vào thay.


MỘNG TIÊU DIỆT SHIITE CỦA SUNNI BỊ CHẬN ĐỨNG

Ngày 15.9.2014, Hội nghị quốc tế về chiến lược chống ISIS đã diễn ra tại Paris gồm đại diện 20 quốc gia để giải quyết hai vấn đề vừa nêu. Saudi Arabia đã nhận tuyển mộ, huấn luyện và trang bị cho khoảng 3.000 quân Sunni để lấy lại các vùng ISIS đang chiếm đóng. Người Kurd sẽ bảo vệ các vùng ở phía bắc chạy dài từ Thổ Nhĩ Kỳ qua tới Syria, ngang qua Iraq, dài khoảng 900 km. Năm nước Hồi Giáo Trung Đông là Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc A-rập Thuống nhất, Bahrain và Jordan đã cam kết tham gia với các nước NATO trong chiến dịch oanh kích các vùng ISIS đang chiếm đống hay tấn công.

Tuy cam kết như vậy, nhưng 5 nước A-rập này đang gặp khó khăn trong vấn đề nội bộ, vì trước đây họ đã từng yểm trợ cho ISIS đánh chiếm các vùng của Shiite, nhất là Syria, nay phải quay lại thanh toán đứa con của họ là ISIS, chuyện hơi khó làm, nhưng bị Mỹ gài bẫy bắt phải làm. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thanh toán ISIS là giúp Assad phục hồi lại nên từ chối yểm trợ lực lượng người Kurd ở biên giới Syria đang bị ISIS tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sợ sau khi diệt ISIS, người Kurd sẽ hình thành một khu tự trị kéo dài từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria.

Khi mộng tiêu diệt Shiite của Sunni bị chận đứng, các nước Sunni trong vùng không còn hứng thú để tham chiến như Mỹ muốn nữa.

Mỹ xem ra cũng không muốn để cho khối Shiite ở Iraq tiến xa hơn 60% phần đất đã dành cho họ nên không yểm trợ võ khí cho Iraq để lấy lại phần đất đã mất, chỉ oanh kích để ngăn chận ISIS đánh chiếm tới Badagh mà thôi. Iraq phải mua vũ khí của Nga để tiếp tục chiến đấu.

Như vậy Mỹ đang tấn công cầm chừng để đừng cho ISIS tiến xa hơn. Mỹ hy vọng sau khi cắt các nguồn tiếp tế về vũ khí và tài chánh, ISIS sẽ yếu dần và sẽ bị thanh toán. Nhưng Mỹ phải đợi đến khi số quân Sunni đang được Saudi Arabia thiết lập và huấn luyện có được một lực lượng vững mạnh mới có thể đánh chiếm lại các vùng đang do ISIS chiếm giữ và hình thành hai khu tự trị của người Sunni ở Syria và Iraq.

Trên đây là một kế hoạch nghiệt ngã, rất phức tạp và kéo dài, nhưng Mỹ phải làm để khống chế sự lộng hành của khối Hồi Giáo và bảo vệ an ninh thế giới.

Ngày 16.10.2014
Lữ Giang

------------------------------



Được đăng ngày Thứ bảy, 30 Tháng 8 2014 15:57

Trong tuần qua hấu hết các cơ quan truyền thông tại Hoa Kỳ đã nhắc đi nhắc lại vụ ký giả Mỹ James Foley đã bị một một chiến binh thuộc nhóm Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State - IS) cắt cổ. Một số chú ý đến việc IS mở cuộc tấn công vào vùng của người Kurd ở phía bắc Iraq, bị không quân Hoa Kỳ ngăn chận, đã quay lại tấn công một phi trường ở Syria, tàn sát một cách dã man khoảng 200 người, và đặt ra câu hỏi: Liệu Hoa Kỳ có oanh kích phiến quân IS ở Syria như đã làm ở phía bắc Iraq hay không?

Muốn trả lời câu hỏi này, cần phải xác định lại một lần nữa chiến lược một "Trung Đông Mới" của Hoa Kỳ, mục tiêu và diễn biến của chiến lược này. Đây là một vấn đề khá phức tạp, nhưng chúng ta cố gắng tìm hiểu vì nó liên hệ đến nhiều biến cố lớn trên thế giới và chính nó đã đẻ ra vấn đề Biển Đông. Chiến lược này sẽ được tiếp tục triển khai theo các diễn biến của nó.


Bản đồ một Trung Đông Mới (New Middle East)

Những từ ngữ bí hiểm

Ngày 17/8/2006, Tổng thống Bush tuyên bố rằng một "Trung Đông Mới sẽ xuất hiện trong đó nền dân chủ sẽ chứng tỏ là một sức mạnh không thể kháng cự lại, sẽ lan rộng và hủy diệt khủng bố và chế độ chuyên chế" (would spread and eradicate terrorism and despotism).

Lời tuyên bố này đã tóm toàn bộ chiến lược của Hoa Kỳ về Trung Đông.

Lúc đầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nói đến một "Trung Đông Lớn Hơn" (Greater Middle East) hay một "Trung Đông Rộng Hơn" (Broader Middle East), nhưng trong chuyến viếng thăm Do Thái và Âu Châu vào tháng 6 năm 2006, khi họp báo tại Tel Aviv, Do Thái, bà Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đã dùng danh từ một "Trung Đông Mới" (New Middle East) thay hai danh từ nói trên (xem bản tin cuộc họp báo ngày 21/7/2006 tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ).

Một "Trung Đông Mới" là cái gì mà có thể lan rộng và diệt trừ khủng bố và chế độ chuyên chế? Lời tuyên bố của Tổng thống Bush lẫn bà Ngoại trưởng Rice đều chứa những từ ngữ bí hiểm. Các nhà phân tích đã viết khá nhiều bài về những từ ngữ này. Dona J. Stewart đã viết một cuốn sách với tên là "The Greater Middle East and Reform in the Bush Administration's Ideological Imagination" để nói về những bí hiểm này. Nhưng có thể nói đây là một chiến lược đầy tham vọng và nghiệt ngã.

Nhìn vào bản đồ một "Trung Đông Mới" được công bố chúng ta thấy Trung Đông mới bao gồm 22 nước Hồi Giáo của thế giới ả rập, thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Do Thái, Pakistan và Afghanistan.

Bản đồ Trung Đông Mới do báo New York Times công bố ngày 28/9/2013, trong đó 5 nước Hồi Giáo ả rập sẽ trở thành 14 nước. Iraq bể thành 3 nước như hiện nay. Lybia và Syria cũng sẽ bể thành 3, còn Yemen có thể bể thành 4, v.v. Không lẽ "dân chủ" có sức mạnh đến như vậy sao?


Thực hiện kế "sấn hỏa đả kiếp"

Khi cuộc "cách mạng hoa lài" bùng nổ ở một số nước ả rập, nhiều người tin rằng sau khi đem dân chủ đến cho một số nước chuyên chế tại Trung Đông. Nhưng tưởng vậy mà không phải vậy! Ông Putin cho rằng "cách mạng hoa lài" không đem lại "mùa xuân ả rập" mà đem lại ác mộng!
Trong "Tam thập lục kế" của Tàu, có kế thứ 7 là "sấn hỏa đã kiếp", có nghĩa là theo lửa mà đánh cướp, tức theo lửa mà hành động. Kế này có hai phương thức chính: Phương thức thứ nhất là lợi dụng lúc lửa cháy, tức lúc thời thế rối loạn, nương theo đó mà làm cho hỗn loạn thêm rồi thực hiện ý đồ của mình. Phương thức thứ hai là tự phóng hỏa, tức tự tạo nên tình thế hỗn loạn rồi nương vào đó thực hiện điều ta muốn. Khi thực hiện chiến lược "Trung Đông Mới" Hoa kỳ đã dùng cả hai phương thức này.

Như chúng tôi đã nói nhiều lần, kế hoạch Trung Đông của Hoa Kỳ nhắm ba mục tiêu chính sau đây:

(1) Thanh toán các lãnh tụ Hồi Giáo có chủ trương hình thành một chính quyền mạnh có thể lãnh đạo khối Hồi Giáo giống như đế chế Ottoman ngày xưa.

(2) Nghiền nát hay hủy diệt (eradicate) khối Hồi Giáo cực đoan bằng cách khống chế, phân hóa và để chúng tự thanh toán nhau.

(3) Tìm cách khai thác tối đa dầu lửa ở Trung Đông và loại dần Nga và Trung Quốc ra khỏi Trung Đông.

Nhưng cho đến nay chưa có mục tiêu nào hoàn tất. Với mục tiêu thứ nhất, Hoa Kỳ chỉ mới thanh toán được Saddam Hussein, Mubarak và Gaddafi, còn hai nhân vật nguy hiểm khác là Bashar al-Assad của Syria và Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei của Iran thì chưa thanh toán được. Với mục tiêu thứ hai, dù ở Iraq, Libya hay Syria, kế hoạch nghiền nát khối Hồi Giáo cực đoan không còn kiểm soát được. Với mục tiêu thứ ba, Hoa Kỳ đang phải đối phó vất vả với Nga ở Iran, Syria và Ukraine, và với Trung Quốc ở Biển Đông.

Chiến thuật "sấn hỏa đả kiếp" hình như đang trở thành "gậy ông đập lưng ông"?

Bãi lầy Syria và Iraq

Sở dĩ Hoa Kỳ chọn Iraq làm mục tiêu tấn công đầu tiên, không cần sự đồng ý của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vì hai lý do chính:

Lý do thứ nhất là vì Iraq có một trữ lượng dầu lửa rất cao, có thể đem lại một nguồn lợi lớn. Với trữ lượng dầu lửa 143,1 tỷ thùng (2,275×1010 m3) đã được xác định, Iraq được xếp hạng thứ 2 trên thế giới sau Saudi Arabia. Sản lượng dầu đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào tháng 12 năm 2012 và dự trù sẽ tăng đến 5 triệu/ngày vào năm 2014 nếu không có gì trở ngại. Hiện nay tại Iraq mới chỉ có khoảng 2.000 giếng dầu đã được khoan, trong khi ở Hoa Kỳ, chỉ riêng tiểu bang Texas đã có khoảng 1 triệu giếng. Do đó, triển vọng ở Iraq rất lớn.

Lý do thứ hai là Hoa Kỳ hy vọng khối Shia đa số (60%) và khối người Kurd ở bắc Iraq (khoảng 15%) sẽ giúp Hoa Kỳ ổn định tình hình. Nhưng khối Sunni chiếm đa số ở Trung Đông đã dùng chiến thuật khủng bố của Taliban để chống lại khiến tình hình Iraq không bao giờ ổn định được và việc khai thác dầu đang gặp nhiều trở ngại.

Sau Iraq, mục tiêu tiếp theo của Hoa Kỳ là Syria. Ngày 22/7/2006, Tổng thống Bush tố cáo Syria và Iran đã yểm trợ cho Hezbollah và các du kích quân Shia ở Lebanon chống lại Israel. Bà Ngoại trưởng Rice viết trên tờ Washington Post rằng Nghị quyết cấm vận số 1701 của Liên Hiệp Quốc là một sự thất bại của Iran và Syria. Nhưng năm 2011, để giúp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tái đắc cử, Tổng thống Obama đã ủng hộ cuộc tấn công Libya do Pháp dẫn đầu. Ngày 20/3/2011, tờ Los Angeles Times ở Mỹ đã đăng bài "As France takes the reins on Libya, Sarkozy triumphs" của Kim Willsher nói rõ âm mưu này. Gaddafi đã bị giết, nhưng Sarkozy vẫn thất cử! Mỹ quay lại tìm cách thanh toán Bashar al-Assad.

Một tổ chức có tên là "Quân Đội Syria Tự Do" (Free Syrian Army - FSA) được cơ quan tình báo Hoa Kỳ thành lập tại Thổ Nhĩ Kỳ do cựu Đại tá Riad Assad của Quân đội Syria làm Tư lệnh, kêu gọi các binh sĩ Syria đào ngũ và tham gia FSA chống lại Bashar al-Assad. Quân đội này được đưa qua Qatar huấn luyện và trang bị rồi cho xâm nhập vào Syria. Trận đánh đầu tiên đã xảy ra ngày 15/12/2011 khiến 27 quân nổi dậy bị tử nạn.

Nhưng khi FSA mở các cuộc tấn công, nhiều tổ chức khác của khối Sunni ở Trung Đông, nhất là các nhóm al-Qaeda, cũng nhảy vào tham chiếm làm cho tình hình rối loạn. Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc công bố, quân nổi dậy ở Syria có đến 600 nhóm, trong đó có hơn 300 nhóm mang lá cờ đen, biểu tượng của phe Thánh Chiến Hồi Giáo, nổi tiếng nhất là "Mặt trận al-Nusra" (al-Nusra Front) của al-Qaeda do Abu Mohammed al-Joulani lãnh đạo và "Nhà Nước Hồi Giáo Iraq" (Islamic State of Iraq - ISI) của Abu Bakr al-Baghdadi. Có khoảng 3000 quân tình nguyện từ các nước Tây phương và các nước Hồi Giáo ở xung quanh đã đến Syria để tham gia hai tổ chức này. Họ chẳng những chống Tổng thống Assad mà chống cả Quân Đội Syria Tự Do và chống lẫn nhau. Nhiều cuộc chiến đẫm máu đã xảy ra. Họ hành quyết chiến binh của nhóm khác giống như hành quyết những kẻ thù của Hồi Giáo. Abu Sakkar, người lãnh đạo đơn vị Omar al-Farouq al-Mustakila, đã đè lên thi thể một chiến binh của nhóm khác và nói: "Chúng ta thề trước Thượng đế là sẽ ăn tim gan bọn bay". Các chiến binh khác đứng xem với ánh mắt đầy thích thú. Nhân loại đang trở về thời Trung cổ.

Tình hình đang diễn biến phức tạp

Ngoài những võ khí tối tấn mà Nga đã cung cấp cho Syria để chống lại cuộc tấn công của Mỹ và Tây phương, các tổ chức kháng chiến ở Syria gặp nhiều khó khăn khi phải đối phó với các xe tăng và trực thăng chiến đấu của Syria, nhất là T-90S của Nga. Vì thế, Hoa Kỳ đã bán cho Saudi Arabia 15.000 hỏa tiễn chống tăng BCM-71 TOW của Tập Đoàn Raytheon, trị giá trên 1 tỷ USD. Saudi Arabia còn mua khoảng 4.000 hỏa tiển chống tăng Konkurs của Nga. Tất cả để cung cấp cho Quân đội Syria Tự Do. Điều oái oăm là đa số hỏa tiễn này và nhiều vũ khí khác do Saudi Arabia cung cấp cho FSA đã lọt vào tay của các nhóm Hồi giáo cực đoan!

Tháng 12/2013, al-Baghdadi đã đề nghi với al-Joulani sát nhập Mặt Trận al-Nusra với IS để quay lại đánh chiếm Iraq, nhưng Joulani từ chối. Một cuộc chiến đã xảy ra giữa hai lực lượng khiến khoảng 3.000 chiến binh bị giết. Sau đó, đa số tình nguyện quân từ ngoại quốc đến đã bỏ Mặt trận al-Nusra và gia nhập IS. Số quân của ISI lên đến từ 8.000 đến 12.000, còn Mặt Trận Nusra chỉ còn khoảng 3.000.

Đầu tháng 6/2014, IS bắt đầu đánh chiếm các thành phố phía bắc Iraq. Hôm 17/6/2014, IS chiếm thành phố Baquba chỉ cách thủ đô Baghdad khoảng 60 cây số, nhưng Mỹ chỉ gởi 275 binh sĩ tới bảo vệ sứ quán Mỹ. IS tuyên bố thành lập Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State – IS). Kết quả, IS đã chiếm được 5 mỏ dầu lớn và nhà máy lọc dầu Baiji của Iraq, cách thủ đô Baghdad 200 km, mỗi ngày có thể cung cấp khoảng 300.000 thùng.

Đầu tháng 8, khi IS tấn công vào vùng Sinjar của người Kurd và đập thủy điện Mossul ở vùng cực bắc Iraq thì Tổng thống Obama ra lệnh không quân can thiệp "để bảo vệ người dân". Vùng người Kurd quản lý có các mỏ dầu chứa khoảng 45 tỷ thùng dầu, hiện đang được các công ty sau đây khai thác: Exxon, Total, Chevron, Talisman Energy, Genel Energy, Hunt Oil, Gulf Keystone Petroleum và Marathon Oil. Mỹ can thiệp là chuyện chẳng có gì khó hiểu.

Không làm ăn được trong vùng dành cho người Kurd, IS quay lại Syria. Hôm 23/8/2014, IS đã tấn công căn cứ không quân Tabqa, gần thành phố Raqqa của Syria. Tại đây có khoảng 1.400 binh sĩ và 700 người. Họ đã tìm cách trốn thoát. Tuy nhiên, khoảng 200 người đã bị IS bắt lại và hành quyết hôm 27/8/2014. Liệu Mỹ có oanh kích lực lượng IS ở Syria như ở bắc Iraq không?

"Để cho chúng nó giết nhau"?

Về dầu lửa và khí đốt, hôm 4/7/2014, IS đã đánh bật Mặt trận al-Nusra ra khỏi nhà máy lọc dầu al-Omar, một nhà máy lớn nhất ở Syria. Nhưng nhà máy này chỉ còn sản xuất khoảng 30.000 thùng dầu/ngày. Các nhà phân tích cho biết nguồn dầu của Syria bắt đầu cạn dần và không còn hấp dẫn đối với Mỹ nữa.

Việc can thiệp bằng không quân vào Syria cũng không dễ vì hiện nay Nga đã cung cấp cho quân đội Syria những giàn hỏa tiễn địa đối không rất hữu hiệu và đây là những giàn lưu động nên khó phá hủy như của Iraq hay Libya trước đây. Ngoài ra, còn phải đề phòng phản ứng của cả Nga lẫn Trung Quốc.
Hôm 25/8/2014, Ngoại trưởng Syria tuyên bố Damas sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế, kể cả với Washington, để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng mọi cuộc tấn công tại Syria, đều phải được thực hiện trong hợp tác với chính quyền, nếu không sẽ bị coi là "hành động xâm lược".

Bản tin của AFP hôm 27/8/2014 cho biết Hoa Kỳ bắt đầu các chuyến bay do thám trên không phận Syria để xác định các vị trí của các nhóm quân của Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng cam đoan không hợp tác với chính quyền Syria chống kẻ thù chung. Phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói: "Không có bất cứ một dự án hợp tác nào với chế độ Damas, vào thời điểm chúng ta đang phải đối đầu với đe dọa khủng bố".

"Để cho chúng nó giết nhau" cũng nằm trong chiến lược hủy diệt (eradicate) các nhóm Hồi Giáo cực đoan mà Hoa Kỳ đã đưa ra. Tại sao lại phải can thiệp? Tuy nhiên, lãnh tụ cực đoan Abu Bakr al-Baghdadi của Nhà Nước Hồi Giáo phải được thanh toán như Bin Laden và Anwar al-Awlaki .
Chiến lược một "Trung Đông Mới" của Hoa Kỳ phải mất từ 10 đến 20 năm mới thấy hiệu quả. Nó không phải là một thứ "mì ăn liền" như nhiều người thường tưởng.

Lữ Giang (28/08/2014)



No comments:

Post a Comment

View My Stats