Monday 20 October 2014

Cái ác của nhà cầm quyền không ngăn được khát vọng công lý của người dân (HT, VRNs)





HT, VRNs
Đăng ngày: 20.10.2014

VRNs (20.10.2014) – Sài Gòn – Hai ngày qua, cư dân mạng xôn xao vụ việc ông Nguyễn Văn Sửu quê ở Quảng Ninh bị đột tử trong nhà tạm giữ của công an Tp Móng Cái, tại buồng giam số 7. Thi thể của ông được gia đình mang đi diễu khắp các tuyến phố trên phường, đến trụ sở UBND phường và cổng trụ sở Công an TP.Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh với mục đích yêu cầu nhà chức trách làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông.

Những video quay lại cảnh diễu hành này cho thấy, lực lượng công quyền đã dùng các xe tải nhỏ, cùng với xe công an chắn ngang con đường tiến vào UBND phường và cổng trụ sở Công an TP.Móng Cái, nhưng rất đông người dân đã phẫn nộ cùng hợp sức lại để đẩy các xe này ra.

Nguyen Thien Nhan nói: “Một quan tài diễu phố đã trở thành bạo động! Không có cái ác nào tồn tại “muôn năm”. Video quay cảnh người dân tức giận trước những cái chết khuất tất trong đồn công an. Bọn công an lộng quyền mấy năm nay gây bao cái chết oan ức, đột ngột cho người dân rồi chối tội…Những người dân thấp cổ bé họng cùng đường đã nổi lên, đã nhiều vụ lắm rồi, và sẽ còn tiếp tục…” Minh Tâm Pham tiếp lời: “Đó là hậu quả của nhiều vụ công an đánh đập, cướp, áp bức, giết dân liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, khi người dân bị dồn đến đường cùng thì sẽ vùng lên hành động không còn kiểm soát, bởi không còn gì để mất.”

Bạn đọc Chuẩn Không Phải Chỉnh chia buồn cùng gia đình: “Tôi nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận. Khi họ chết người thân của họ chỉ muốn mồ yên. Họ không mong muốn đưa quan tài phơi bày thế này đâu. Có lẽ có nỗi khuất tất quá lớn. Tôi xin chia buồn.”

Ông Sửu bị bắt tạm giam vào ngày 14.10, nhưng ba ngày sau đó ông đã chết.

Nói về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Sửu thì báo chí trong nước loan tin, công an Tp Móng Cái phát hiện ông Sửu chết trong tư thế treo cổ vào lúc 14 giờ 30, ngày 17.10 vừa qua. Dẫn nguồn báo Tuổi trẻ cho hay, “cơ quan chức năng cho biết đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và xác định ông Sửu đã dùng mảnh vải xé ở ống quấn nối thành dây vắt qua ô thoáng cửa vào buồng giam để tự tử.”

VOV cho biết thêm, “Hội đồng khám nghiệm của tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.”

Tuy nhiên, gia đình nạn nhân bác bỏ lời giải thích của công an Tp.Móng Cái.

Ngay sau đó, bạn đọc Đoan Đinh nhận xét cụt lủn: “Quá nhiều cái chết được lập luận theo kiểu này.”
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi của ông Sửu, LS Lê Công Định viết trên facebook cá nhân của ông: “Ai đã ở trong tù thì đều biết, tìm chỗ giăng mùng để ngủ còn khó, nói chi đến treo cổ. Mọi buồng giam đều được thiết kế và xây dựng theo quy định chung của nhà nước nhằm ngăn ngừa hành động tự sát và trốn thoát.”

Nhiều bạn đọc còm với những giả định rất tếu để phù hợp với hành vi gây ra cái chết của ông Sửu do cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận. Uyên Vũ phản hồi: “Hay là kiến nghị mỗi buồng giam nên đặt 1 xà ngang cao khoảng 2,5m nhỉ? Cho dễ giải thích.” Đỗ Chí Kiên cho một giả thuyết khôi hài: “Lần này chắc “phạm nhân” tự tử bằng cách dùng mạng nhện để treo cổ”. Tran Manh Quyen nói mỉa mai: “Bất kì ai bị bắt vào đồn công an đều thích tự tử???!! Nếu không tự tử thì tự va đập vào nền nhà để dập lá lách??, hoặc góc bàn, cạnh ghế để sưng mặt, gáy, gây chảy máu??”.

Bạn đọc Cấn Văn Cù nhận xét cách trào phúng: “Ở Việt Nam, người dân cứ gặp công an, bất kể là vì lý do gì, đều rất hay tự tử và tự đả thương. Thậm chí chẳng vì lý do gì, đang đi giữa đường, thấy công an là người dân húc ngay đầu vào dùi cui công an, khiến công an không kịp trở tay. Lại có người, cứ lấy đầu lấy mặt mình mà nhè bàn chân công an dận thật lực… Những chuyện như thế diễn ra như cơm bữa, nhiều không kể xiết, khiến người nước ngoài tưởng họ bị lạc tới hành tinh lạ, dù nhà cầm quyền đã ra sức tuyên truyền, giáo dục, nhưng nhân dân vẫn bướng bỉnh không chịu sửa đổi, thật đáng lo ngại cho đất nước. Cứ cái đà này, nếu người dân cứ cố tình tự sát, tự đả thương, hay tự lao đầu đập mặt vào dùi cui, giày đinh của công an, thì thử hỏi nhà cầm quyền biết thương yêu dân thế nào đây?”.
Chấn Phong kết luận: “Cứ vào đồn Công an là người dân được quyền im lặng mãi mãi.” Trong khi đó ‘Quyền im lặng’- một quyền cơ bản của người dân vẫn đang được Ủy Ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo và tranh luận.

Một số bạn đọc nhận định rằng, ở VN, một khi xảy ra cái chết cho người thân rồi thì mới vùng dậy đòi quyền cho người chết, còn những quyền của người sống đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng thì lại làm ngơ.

Ngoc Nhi Nguyen bình luận: “Việt Nam sẽ có cách mạng … quan tài ? Liên Xô có cách mạng nhung, Tunisia có cách mạng Hoa Lài, HK thì có cách mạng dù… Còn VN ta chắc sẽ có cách mạng … quan tài, vì chỉ khi người nhà mình bị đánh chết rồi thì mới chịu thức tỉnh mà đẩy quan tài đi đấu tranh đòi công lý !! Công lý cho người chết thì đòi, còn công lý cho người sống thì .. mackeno !?! Dân Việt ta thật là đặc biệt !!”. Nguyễn Trường Giang tiếp lời: “Cách mạng quan tài….công lý cho người chết…Còn công lý cho người sống thì sao…???”. Dao Lam đặt câu hỏi: “Người chết còn đi biểu tình ! Không lẽ người sống lặng thinh?”

Có một ‘góc nhìn khác’ được các cơ quan chức năng cho rằng, sự việc diễu hành quan tài của gia đình ông Sửu là do một số đối tượng kích động để đòi yêu sách và có ý đồ đưa đến trụ sở các cơ quan của TP.Móng Cái.

Dang Tien Dung phản hồi lại: “CON GIUN XÉO QUÁ CŨNG OẰN! Người nhà của nạn nhân có ngu ngơ gì đâu để không hiểu là người thân của họ làm sao mà tự tử khi chưa có bản án! Cảnh nhiều người dân bất bình, nổi giận, … bất chấp sự trù dập sau đó cho thấy khi “con giun bị xéo quá” thì “có lúc phải oằn” là chuyện không phải không xảy ra! Khi nỗi cay đắng của nhiều người khắp đất nước cùng tràn dâng; khi đa số hiểu được rằng nhà cầm quyền không thật sự vì dân vì nước mang lại hạnh phúc, cơm no, áo ấm… thì họ sẽ nhìn thấy quyền lợi của người dân đang bị xâm phạm và họ sẽ tạo cơ hội đòi cho bằng được – tức họ có trách nhiệm với quyền lợi!”

Kịch bản có thể có trong thời gian tới sẽ là kết luận giám định một lần nữa rằng, ông Nguyễn Văn Sửu tự tử; và sau đó, công an khởi tố một vài người dân cho rằng đã “lợi dụng, kích động, gây rối… rồi tình trạng tự tử trong trại giam lại tiếp tục xảy ra. Không loại trừ chính cả những người tham gia đòi quyề’ cho ông Sửu, thì cũng chọn tự tử trong trại tạm giam khi bị khởi tố.

HT, VRNs




No comments:

Post a Comment

View My Stats