Wednesday, 15 October 2014

19 nạn nhân ở Algérie cầu cứu (Mạch Sống)




Posted on Thursday, October 09, 2014 @ 13:44:03 EDT

Gần một tháng nay Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) đang thực hiện kế hoạch giải cứu cho 19 người Việt bị bóc lột lao động và đang kẹt ở Algérie, một quốc gia Phi Châu.

Phần lớn số người lao động này đã được công ty Công ty Cổ Phần Quốc Tế Nhật Minh (Namico) có trụ sở ở Hà Nội đưa sang Algérie với lời hứa hẹn là làm việc cho công ty xây cất của Pháp với lương xấp xỉ 600 USD một tháng. Nhiều người phải cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để trả phí dịch vụ cho Namico từ 3 đến 3.2 nghìn USD.

Họ lên đường đi Algérie tháng 4 năm nay.

Khi đến nơi họ mới vỡ lẽ là làm cho một công ty của người Trung Quốc -- công ty SOCIÉTÉ ALGÉRO CHINOISE -- ở thành phố biển Oran của Algérie. Họ bị công ty tịch thu tất cả hộ chiếu, và phải làm nhiều giờ hơn trong hợp đồng với mức lương chỉ bằng phân nửa số lương được cam kết trong hợp đồng.

"Chúng em không có giấy tờ đi làm và không được trả lương cho các tháng 4, 7 và 8", anh Trần Văn Duy, một công nhân, cho biết.

9 công nhân đình công, Algérie, tháng 9, 2014

Họ cho biết là rất lo lắng sẽ mất nhà cửa, ruộng vườn đã thế chấp vì không có khả năng trả nợ.
Chế độ ăn uống rất khắc nghiệt: một bát cháo hoa cho bữa sáng, một quả trứng với cơm cho bữa trưa, và ít thịt gà với rau cho bữa chiều. Ngày nào cũng thế.

Các công nhân không có bảo hiểm sức khoẻ và không được cung cấp thiết bị bảo hộ lao động thích nghi. Hậu quả là một công nhân trong số họ đã dẫm phải đinh vì không có giầy bảo hộ. Một công nhân khác bị gẫy xương tay vì một mũi khoan từ bên cạnh văng vào. Công nhân phải tự lo vấn đề sức khoẻ.

Công trường lao động

Họ đã nhiều lần liên lạc công ty Namico và Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội ở Hà Nội nhưng không được hồi đáp thoả đáng.

"Namico hứa sẽ làm việc với chủ sử dụng lao động nhưng không kết quả gì", anh Duy cho biết.

Cuối tháng 8, họ dốc hết tiền dành dụm  để lấy xe đò đến cầu cứu Toà Đại Sứ Việt Nam ở thủ đô Algiers, cách nơi lao động là 500 km. Một nhân viên tên Dũng của Toà Đại Sứ nhận đơn thỉnh cầu của các công nhân và hứa sẽ giúp đỡ. Tuy nhiên sau đó, Ông Dũng cho biết là Toà Đại Sứ không giúp gì được vì đây là vấn đề giữa Namico và công ty sử dụng lao động của Trung Quốc.

Sau nhiều lần đòi trả lương không được, 9 trong số 19 công nhân đã đình công.

Ngày 13 tháng 9 họ lại đến Toà Đại Sứ Việt Nam, lần này để yêu cầu được đưa về nước. Toà Đại Sứ không tiếp và gọi cảnh sát trục xuất họ ra bến xe đò. Vì hết tiền ăn nên họ bị đói. Các cảnh sát viên Algéri thương tình cho họ ít tiền để ăn bánh mì không. Họ ngủ qua đêm ngoài bến xe và hôm sau đi bộ 25 km từ  bến xe đến Toà Đại Sứ để lần nữa thỉnh cầu sự can thiệp. Lần nữa Toà Đại Sứ Việt Nam yêu cầu cảnh sát trục xuất và đưa họ ra bến xe đò. Các anh em này phải bán máy điện thoại di động để mua vé xe đò về lại nơi làm việc.

video: cảnh 9 công nhân ngủ bến xe đò ở thủ đô Algiers, Algéri, ngày 13 tháng 9, 2014

Đó là lúc họ lần mò ra được cách liên lạc với BPSOS, một thành viên sáng lập Liên Minh CAMSA, để cầu cứu.

"Chúng tôi làm việc ngay với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về kế hoạch giải cứu các nạn nhân này", Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc BPSOS, cho biết.

Theo Ông, vụ này có nhiều dấu hiệu của tình trạng buôn lao động.

"Trước hết là yếu tố lường gạt -- hợp đồng mà các công nhân ký với Namico hoàn toàn khác với thoả thuận ký kết giữa Namico và công ty sử dụng lao động ở Algéri", Ts. Thắng nói. "Đó là chưa kể tiền phí dịch vụ quá mức cho phép của luật pháp Việt Nam."

Theo luật, tiền phí dịch vụ không được quá một tháng lương cho mỗi năm hợp đồng. Vì hợp đồng là 2 năm và mỗi tháng mức lương chỉ là 315 USD, phí dịch vụ không được phép vượt quá mức 630 USD.
Công ty Namico cũng không hề huấn luyện ngôn ngữ hay tay nghề cho các người được tuyển dụng trước khi gửi họ sang Algéri.

"Mỗi người đã phải đóng 800 nghìn đồng, tương đương 40 USD, để được cấp giấy hành nghề xây cất dù không có tay nghề và không được huấn luyện", Ts. Thắng giải thích. "Namico rõ ràng có ý đánh lừa cả công ty sử dụng lao động và qua mặt luật pháp Việt Nam."

Dấu hiệu thứ hai là những biện pháp khống chế các hành động phản đối hay chạy thoát của công nhân như là giữ passport, cấm đình công, và các khoản phạt hành chính.

"Hợp đồng mà Namico yêu cầu công nhân ký ở Việt Nam có điều khoản 'không được tiêu cực đình công' và điều khoản kỷ luật là xử phạt tài chính", Ts. Thắng giải thích.

Khoản phạt tài chính nếu đình công hay nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng là gần 2.500 USD và bồi hoàn tiền vé máy bay khứ hồi, khoảng 1.500 USD, mà thực ra đã phải tính trong tiền phí dịch vụ quá cao. 

"Công ty Namico yêu cầu công nhân phải làm đơn xin về nước", anh Duy cho biết.

Theo Ts. Thắng, như vậy là Namico sẽ đổ lỗi cho công nhân là tự ý xin về nước trước thời hạn hợp đồng, nghĩa là họ tự ý vi phạm hợp đồng và phải đóng tiền phạt lên đến 4 nghìn USD, một khoản tiền họ không thể có được.

Dấu hiệu thứ ba là tình trạng nợ nần và nguy cơ mất gia sản do không có khả năng trả nợ, làm cho nạn nhân bị áp lực phải tiếp tục lao động dù bị bóc lột.

Theo các nạn nhân cho biết, thay vì can thiệp để bảo vệ quyền lợi của các công nhân mà họ gởi sang Algéri, công ty Namico tiếp tục kêu gọi họ ở lại làm việc cho công ty sử dụng lao động.

***

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm 4 tổ chức thành viên: BPSOS, Liên Hội Người Việt Canada, VETO! (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau 6  năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 60 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến trên 10 nghìn nạn nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia liên hệ.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA


Bài liên quan:

Công nhân Việt Nam tại Algeri bị thầu Trung Quốc bóc lột
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141007-cong-nhan-viet-nam-tai-algeri-bi-thau-trung-quoc-boc-lot/


No comments:

Post a Comment

View My Stats