Monday, 10 December 2012

XIN LỖI EM, HỌC TRÒ CŨ CỦA TÔI (Cánh Cò)




Mon, 12/10/2012 - 19:36 — canhco

Có lẽ bài viết này không có cơ hội đến với em, lẽ đơn giản tôi nghĩ rằng em không phải là người có thú vui lướt mạng hay dùng facebook làm phương tiện trao đổi giữa bạn bè, những điều chí ít cũng giúp em có cơ hội hiểu thêm rất nhiều những gì đang xảy ra bên ngoài đời sống.

Tôi nảy ra ý định viết những dòng này từ Chúa Nhật vừa qua khi thấy em xuất hiện trên thềm Nhà hát lớn thành phố.

Em không đi biểu tình, trái lại em là người sẵn sàng theo lệnh bắt bớ, giải tán những người biểu tình mà đa số chỉ bằng tuổi em.

Khuôn mặt em làm tôi ngậm ngùi hơn là trách móc. Câu chuyện bỏ học nửa chừng của em vài năm trước đây trở lại trong tâm trí khiến tôi một lần nữa tự trách nhiều hơn vì biết mình làm chưa hết sức để kéo một học trò nhỏ về lại với trường, với lớp mặc dù em không tha thiết với việc học từ lâu. Tôi nhớ lúc ấy em đang theo học lớp 7 và tôi thay cô giáo chủ nhiệm của em trong một thời gian ngắn. Ngắn nhưng đủ lâu để biết hoàn cảnh của em, một điển hình trong các gia đình nghèo nhất trong cái xóm vốn dĩ đã nghèo và sự cơ cực theo đuổi họ hàng ngày, hàng giờ.
Cha mất sớm, mẹ bán ve chai nuôi ba đứa đi học. Việc học của các em trầy trật không phải vì lười nhác mà đồng tiền, bát gạo trong nhà là lý do chính để cuối cùng em lẫn trốn bạn bè, thầy cô rồi mất hút giữa dòng chảy cuộc đời. Nhiều người đã quên bẵng em, trong đó có tôi.

Sau đó ít lâu em trở lại trường xin rút học bạ để vào Thanh niên xung phong. Tôi nghe các bạn em kể lại và trong thâm tâm tôi cảm thấy mừng cho em. Ít ra em đã có chỗ để sống, để sinh hoạt và nếu may mắn em sẽ trở thành một nhân viên nhà nước sau khi hết hạn tình nguyện. Đời sống em sẽ như hàng ngàn người khác, lững lờ trôi nhưng không đến nỗi lầm than.

Sau một thời gian, hôm nay tôi thấy lại em. Thấy chứ không phải gặp, vì em không biết tôi đang đứng trong đám đông ấy, một đám đông không quen biết nhau nhưng con tim hình như cùng chung nhịp đập. Họ đến để biểu tình. Họ nghe thấy lồng ngực của nhau đang thổn thức. Họ cảm nhận sự lo âu của nhau khi lực lượng an ninh xuất hiện. Và họ chuyền tay nhau sức nóng, nhiệt huyết của lòng yêu nước thương nòi. Họ không biết tên nhau nhưng trong ánh mắt mỗi người tôi thấy họ truyền cho nhau những tín hiệu mà chỉ những người nồng nàn với vận nước lắm mới có.

Còn em, đứng trên cao với những người cùng tuổi trong đồng phục màu xanh lá cây. Gương mặt đằng đằng như sẵn sàng chiến đấu với những người biểu tình trong ấy có tôi, một cô giáo quá tuổi thanh niên để hô khẩu hiệu một cách hùng hồn nhưng chưa đủ già để được người khác nhường cho một chỗ đứng thoải mái phía trước trong cái đám đông hừng hực ấy.

Tôi không nói trực tiếp với em vì tôi biết, em không thể nghe trong lúc đồng đội và chỉ huy đang chăm chăm nhìn. Em cũng không muốn nghe vì tôi tin rằng cái tập thể mới này là tổ ấm của em, hay ít ra nó có thể cho em cơm áo qua ngày. Nhưng em ơi, cơm áo ấy có nghĩa gì khi hành động hôm nay của em và tập thể thanh niên xung phong thay vì làm những việc công ích như truyền thống của nó lại tuân lệnh bọn sai nha, cắm cúi thi hành những mệnh lệnh đàn áp anh em đồng bào mình khi họ thay cho chính em nói lên tiếng nói bất khuất của dân tộc.

Tôi biết em không hề thuộc những bài học lịch sử được giảng dạy trong trường, một phần do em chán những bài giảng khô cứng, một phần do lòng yêu nước của rất nhiều trong lứa tuổi các em không được kích thích vun bồi, để hôm nay em nhìn người biểu tình như những kẻ phá hoại cuộc sống an lành của người dân.

Em được triển khai trong các buổi tập huấn chống biểu tình với những kết luận đầy ác ý và phản động. Em học bạo lực nhanh hơn lòng tin của một người yêu nước. Em bị lây sở thích chứng tỏ quyền uy với người tay không tấc sắt. Em cảm thấy hãnh diện khi khiêng, vác, đè, đập những thanh niên yếu đuối hơn em và trong thâm tâm có thể em nghĩ mình là người hùng trong cái đám đông ấy.

Nhưng nếu em biết những chi tiết này thì có lẽ tay em sẽ chùn xuống, mồ hôi em sẽ vã ra và biết đâu em sẽ quay theo đoàn người biểu tình yếu ớt kia để chống lại bọn vô lại thật sự đang ăn ở, sống cùng với em trong thời gian vừa qua.

Nếu em biết người hiên ngang đứng trên bậc thềm nhà hát lớn hôm Chúa Nhật vừa qua là ông Huỳnh Tấn Mẫm, một lãnh tụ sinh viên thuở xưa đã dẫn đầu nhiều đoàn biểu tình của sinh viên để chống lại sự hà khắc, tham nhũng và thiếu dân chủ của chế độ Sài Gòn. Những cuộc biều tình có máu và nước ấy đã góp một phần vào nhận thức của người thành phố để sau đó 40 năm, ông lại đứng trước đám đông, cổ võ cho lòng yêu nước chống ngoại xâm Trung Quốc.

Bốn mươi năm trước em chưa sinh ra đề biết sự kiện này. Bốn mươi năm sau em cũng vẫn chưa sinh ra vì em mù lòa trước đám đông đầy chính nghĩa.

Nếu em biết trong cái ngày ấy có một vị giáo sư đáng kính tên là Tương Lai đã bị khống chế một cách ngu xuẩn và thô bạo khi ông lặn lội tới trước Nhà hát lớn. Em có biết ông ấy là ai không? Và nếu em biết rằng chức vụ, số năm cống hiến của ông cho cách mạng cũng như vị thế của ông trong cái đảng mà em đang ao ước muốn vào thì tôi tin chắc rằng em sẽ rất xấu hỗ khi biết mình đang trở thành con rối trong tay đám người đang đứng chia cơm cho em vào mỗi bữa ăn tập thể.

Hãy về hỏi lại họ: Vì sao một vị giáo sư khả kính như thế lại tham gia biều tình và vì sao các anh đang làm công việc bảo vệ an ninh lại cấm đoán ông ấy như vậy.

Em có bao giờ tin rằng giáo sư Tương Lai là người phản động, hay bị giật giây vì bọn xấu?

Em có tin rằng bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm sách động biểu tình vì muốn Đảng cộng sản sụp đổ hay chỉ với lý do duy nhất là chống đối sự trân tráo của Trung Quốc đang được chính quyền và cả những người như em đồng tình khi hù dọa, đàn áp và sẵn sàng giam giữ họ nếu điều kiện cho phép?

Còn nhiều thí dụ khác nhưng tôi biết em không có thời giờ để đọc, hay nói đúng ra em không có cơ hội để đọc vì em và hằng triệu người người đồng tuổi đang bị bao vây bởi những thông tin mà người có ý thức cho là trơ trẻn. Các em đã quá lâu bị nhúng trong những ao tù thông tin ấy và trí não đã bị nhuộm trắng mất rồi.

Tôi tin chắc em sẽ thích thú và hãnh diện khi đọc bản tin mà nhiều tờ báo đưa hôm nay về cái ngày kỷ niệm được hô hoán là "Điện biên phủ trên không" với cái tít: Anh hùng Phạm Tuân: “Chỉ sợ B52... chạy mất!”

Em sẽ bị mê hoặc về người được gọi là anh hùng ấy khi ông ta ngồi giữa tòa báo trả lời phỏng vấn với tâm thế của một con người trước đây đúng bốn mươi năm, vẫn mang thói quen coi Mỹ là kẻ thù, tưởng tượng ra một chiếc xe bò có thể cản nổi xe tăng với một niềm tin mù quáng của thời chiến tranh được gọi là thần thánh.

Cũng trong ngày kỷ niệm này em sẽ không thấy bất cứ bài báo nào nói về mối hiểm họa trước mắt là giặc phương Bắc và kết nối nhân quả những gì sẽ xảy ra nếu cứ đàn áp biểu tình.

Người Mỹ không phải là dân Tàu nên xem những bài báo kiểu Phạm Tuân là hề, lố bịch. Và Mỹ cũng không rỗi hơi để lên tiếng với chính phủ Việt Nam không được làm những việc có thể gây tổn hại bang giao hai nước.

Không như Trung Quốc, em ạ, họ ngang nhiên cấm cửa không cho Việt Nam nhắc lại những cái chết của những người từng xả thân trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979. Trung Quốc cũng không ngần ngại gì mà không triệu hồi đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh tới để ra lệnh cấm biểu tình vì làm xấu đi 16 chữ, 4 tốt.

Tôi tiếc rằng khi xưa trước khi em nghĩ học, phải chi tôi có một lời khuyên cho em: nếu không được tới trường thì em nên tới những quán cafe net học cách truy cập Internet để biết nhiều hơn. Các thông tin sẽ làm vỡ sự u tối trong tâm hồn mình. Tâm hồn em vào thời điểm ấy tôi tin rằng rất trong trằng, chỉ phải tội nghèo.

Vì nghèo nên em vào "thanh niên xung phong".

Vì vào thanh niên xung phong nên em thành "tội đồ của quần chúng".

Ôi xót xa cho một học trò cũ của tôi. Tôi xin lỗi em, vì tôi chưa làm tròn bổn phận của một nhà giáo.











No comments:

Post a Comment

View My Stats