Friday 7 December 2012

VŨ TRỌNG PHỤNG, NGUYỄN CHÍ THIỆN (Hoàng Hải Thuỷ - Công Tử Hà Đông)




Hoàng Hải Thuỷ  -  Công Tử Hà Đông
Posted on December 4, 2012 by hoanghaithuy

Tôi đọc Giông Tố năm tôi mười tuổi, những năm hai mươi, ba mươi, bốn mươi tuổi tôi không lần nào đọc lại Giông Tố — Nhà Xuất Bản Khai Trí Sài Gòn tái bản Giông Tố nhiều lần — nhưng tôi vẫn nhớ từng sự kiện chi tiết truyện Giông Tố, những sự kiện nhỏ trong quyển Giông Tố tôi đọc năm 1940, những sự kiện bị bỏ mất trong những quyển Giông Tố tái bản sau 1945.

Như chuyện Vạn Tóc Mai kể trong tiệm hút: Tây hạ thành Hà Nội, nhà kia bị lính Tây vào — lính Tây đây là chắc là lính người Ấn, người Mã lai, người Phi luật tân được tuyển vào quân đội Pháp — anh chồng trèo lên rường nhà trốn, chị vợ bị lính Tây hiếp. Khi lính Tây bỏ đi, anh chồng xuống đánh vợ.
Hàng xóm can:
“Sao anh lại đánh chị ấy? Chị ấy bị nó hiếp. Chị ấy có muốn thế đâu!”
Anh chồng hậm hực:
“Tôi đánh nó vì lúc nó bị hiếp nó cứ rên lên như là nó sướng lắm..”
Như chuyện Táo Tầu Nghị Hách, chuyện âm mao của Tuyết, chuyện Nghị Hách mần tình với Thị Tín, chuyện Mịch nằm nghiêng cho Long hưởng thụ ái tình… Tất cả những sự kiện tôi thấy là tuyệt hay tôi nhớ và tôi vừa kể đều bị cắt bỏ, đều không còn trong những bản in Giông Tố tái bản sau năm 1945. Tôi nghĩ: Không ai có quyền cắt bỏ những đoạn ấy.

Hôm nay tôi viết về chuyện Vũ Trọng Phụng bị những người cộng sản Hà Nội buộc tội “làm mật thám cho Pháp” và tội “chống đối chủ nghĩa cộng sản”, tôi viết về những nguyên nhân làm cho toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng — Giông Tố, Số Ðỏ, Vỡ Ðê, Dứt Tình, Cạm Bẫy Người, Cơm Thầy, Cơm Cô, Lục Sì, Làm Ðĩ, Trúng Số Ðộc Ðắc..vv.. — bị bọn cộng sản cấm không được tái bản ở miền Bắc Việt từ năm 1958 mãi cho đến năm 1990. Không những chỉ cấm in, cấm dân đọc những tác phẩm của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, bọn đảng viên Bắc Cộng còn vu cáo, chửi rủa, bôi bẩn lên đời tư Nhà Văn họ Vũ.

Tháng Bẩy 1954 Hiệp Ðịnh Geneve được ký, tháng Mười 1954 Việt Minh vào Hà Nội, năm 1956 một số văn nghệ sĩ Hà Nội viết về văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng, nhà xuất bản Minh Ðức tái bản những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. Gần như tất cả những văn nghệ sĩ, kể cả Tố Hữu, đều thấy, đều nhận Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có giá trị văn học.

Thế rồi xẩy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Ðảng Cộng sản, đích danh thủ phạm là Tố Hữu, mở cuộc khủng bố, đàn áp những văn nghệ sĩ đòi được tự do tư tưởng, tự do sáng tác. Nhà văn quá cố Vũ Trọng Phụng bị “đánh” cùng một lúc với những văn nghệ sĩ bị gọi là chống Ðảng. Người “đánh” Vũ Trọng Phụng là Hoàng văn Hoan, anh già vô tích sự, anh già Bình Vôi thứ hai sau Bình Vôi Hồ Chí Minh, anh già đảng viên có tuổi đảng cao nhất thời ấy. Năm 1978 Hoàng Văn Hoan ủng oẳng với Lê Duẩn, bỏ trốn sang Trung Cộng, rồi chết già trên đất Tầu Cộng mà không làm được trò trống gì.

Trên chuyến đi sang Trung Ðông, bọn Tầu Cộng đón Hoàng Văn Hoan ở phi trường Teheran, đưa HV Hoan sang Bắc Kinh. HV Hoan sống ở Bắc Kinh đến ngày y chết.

Trước khi xét HV Hoan, năm 1960, viết những gì về Vũ Trọng Phụng, chúng ta xem lại những dư luận về Vũ Trọng Phụng trong giới văn nghệ Việt Minh trước đó.

Nhà Văn Vũ trọng Phụng với chúng ta. Bài của Trần hữu Tá, viết năm 1999 nhân Kỷ Niệm 60 năm ngày Vũ Trọng Phụng qua đời.

Tại Hội nghị văn nghệ tổ chức ở Việt Bắc (9-1949) chỉ trong một buổi chiều thảo luận, ba nhà văn rất hiểu biết về tình hình văn học trước Cách Mạng Tháng Tám, rất đáng trọng về tài năng và phẩm chất chính trị đã không hẹn mà nên đều nhắc đến Vũ Trọng Phụng. Tác giả Bỉ Vỏ – Nguyên Hồng – đã khẳng định:
“Sáng tạo Số Ðỏ, Vũ Trọng Phụng đã có một thái độ, thái độ không công nhận cái xã hội ấy.” Nguyên Hồng ca ngợi thái độ cách mạng của nhà văn quá cố.
Nhà thơ Tố Hữu trân trọng hơn:
“Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng, nhưng cách mạng cảm ơn Vũ Trọng Phụng”.
Và theo Nguyễn đình Thi, Vũ Trọng Phụng cũng như Balzac: “tác phẩm ghi chép đúng thực tại là đã có giá trị cách mạng rồi.”
Những nhận xét thật khách quan, khoa học và “mắt xanh tri kỷ”.

Những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng (Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê) được in lại và được người đọc đón nhận nhiệt tình Nhà xuất bản Minh Ðức in tập “Vũ Trọng Phụng với chúng ta” gồm các bài viết của Ðào duy Anh, Phan Khôi, Nguyễn mạnh Tường, Trương Tửu, Hoàng Cầm, Văn Tâm. Cũng nhà xuất bản Minh Ðức đã tổ chức kỷ niệm Nhà Văn Vũ Trọng Phụng. Theo Chế lan Viên “Tố Hữu đã giục Nguyễn huy Tưởng làm kỉ niệm Vũ Trọng Phụng ké với Nhà Xuất bản Minh Ðức kì ấy, lúc ta còn trù trừ.” Trong một bài viết cho báo nước ngoài, giới thiệu văn học Việt Nam, khi nhắc đến Vũ Trọng Phụng, Nguyễn đình Thi ca ngợi ông là “tiểu thuyết gia trác tuyệt của văn học Việt Nam” (…) Ðáng chú ý hơn cả, ông Trường Chinh — một trong những vị lãnh đạo chủ chốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam — trong báo cáo tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thú hai (1957) đã xếp Vũ Trọng Phụng bên cạnh tên tuổi những nhà văn, nhà thơ gắn bó hết mình với cách mạng như Ngô tất Tố, Nguyễn công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tố Hữu..(…)

Thế nhưng năm 1958 lại có thể được coi là bước ngoặt trong việc đánh giá Vũ Trọng Phụng. Trong một số bài viết quan trọng, ông bị phủ nhận triệt để. Tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam Nguyễn đình Thi trong một bài viết nhân dịp kỉ niệm ngày Quốc Tế Lao động năm 1958 đã đi ngược lại với những đánh giá mấy năm trước đó của chính mình. Tác phẩm Vũ Trọng Phụng không còn có “giá trị cách mạng”, nhà văn Vũ Trọng Phụng không còn là “tiểu thuyết gia trác tuyệt của Việt Nam”. Theo Nguyễn đình Thi, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng như tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh “chỉ là hai mặt của cùng một dòng văn học tư sản trước cách mạng. Dòng văn học đó bắt nguồn từ lối sống mục nát của những lớp người trưởng giả bóc lột hoặc ăn bám bóp hầu bóp cổ nhân dân lao động”. Thật khó hiểu trước sự thay đổi thái độ, quan điểm quá nhanh và quá lớn của Nguyễn Ðình Thi.

Tiêu biểu hơn cả là bài viết về Nhà Văn Vũ Trọng Phụng của ông Hoàng văn Hoan. Ông này viết:
“Vũ Trọng Phụng sống một cách bừa bãi, trụy lạc, chơi bời lung tung, có thể nói là một người sống để mà sống, để hưởng lạc, không có lý tưởng lành mạnh. Dưới ngòi bút Vũ Trọng Phụng, cách mạng và người cách mạng đã bị xuyên tạc méo mó, quan niệm của Vũ Trọng Phụng đối với dân tộc càng bỉ ổi.”

HV Hoan viết:
“Xét về khuynh hướng văn học, văn Vũ Trọng Phụng là loại văn học đồi trụy, văn học đầu cơ. Chính vì đầu cơ, nên Vũ Trọng Phụng đã có tiền, có xe ôtô đưa đón đi hút thuốc phiện và công khai viết báo chửi cộng sản!”

Bạn vừa đọc vài đoạn trích bài viết về Vũ Trọng Phụng của Hoàng văn Hoan.

Tháng 6 năm 1960 ở Hà Nội, Hoàng văn Hoan là Ủy viên Bộ Chính Trị Ðảng Lao động VN, tức đảng Cộng sản. Y tham dự những buổi thảo luận về Vũ Trọng Phụng với tư cách cá nhân. Sau đó y gửi bài viết của y về Vũ Trọng Phụng đến tạp chí Nghiên Cứu Văn Học. Người chủ trương tạp chí NC Văn Học năm ấy là Ðặng Thái Mai đã không đăng bài viết của HV Hoan, nhưng bài viết vẫn được lưu truyền trong giới văn nghệ sĩ. Vì quá sợ bọn trong Bộ Chính Trị Ðảng CS, vì nhóm Nhân Văn Giai Phẩm vừa bị “đánh” tàn nhẫn, đánh đến rập đầu, quì mọp vẫn còn bị đánh, đánh chết dở vẫn không tha, tất cả văn nghệ sĩ đều câm miệng. Tố Hữu, Trường Chinh cũng im tiếng, Vũ Trọng Phụng bị HV Hoan “chôn” từ đấy.

Một vài ý kiến về tác phẩm Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam.” Ðấy là đầu đề bài viết của HV Hoan. Mở đầu HV Hoan đánh nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

HV Hoan: Năm 1956, trong lúc bọn Nhân Văn Giai Phẩm điên cuồng tiến công vào sự lãnh đạo của Ðảng, đặc biệt là lãnh đạo về văn nghệ, thì tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được nêu lên và được coi là đỉnh cao của văn học Việt Nam trong thời gian giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Bọn NVGP qua sự lũng đoạn các cơ quan văn hóa, đã in lại hàng nghìn cuốn những tiểu thuyết của VT Phụng, truyền bá rộng rãi trong nhân dân và làm giáo tài về khoa Văn ở một số trường học. Việc làm đầy ý thức của chúng cốt để chứng minh rằng: chỉ có văn chương trước Cách Mạng Tháng Tám mới có giá trị, còn sau Cách Mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhà văn phải phục vụ chính trị, phục vụ công nông binh, nghĩa là nhà văn đã mất tự do, nên văn chương chẳng ra hồn. Chúng đã nói ra mặt rằng: một nhà văn thiên tài như VT Phụng thì chẳng cần cách mạng, chẳng cần phải Ðảng lãnh đạo cũng vẫn có thể có tác phẩm tốt. Chúng cho rằng VT Phụng là nhà văn hiện thực chủ nghĩa xuất sắc nhất của chúng ta, chúng nói VT Phụng đã chết với thời gian, nhưng tác phẩm của anh sống vĩnh viễn với lịch sử văn học, chúng nói VT Phụng là bậc thầy của giới văn chương, VT Phụng là cách mạng hơn cả Ðảng.
Nhưng việc làm đầy ý thức của chúng vẫn không mang lại kết quả mong muốn. Rất nhiều người đã viết thư cho các báo và các cơ quan có trách nhiệm văn hóa, yêu cầu đình chỉ ngay việc xuất bản tác phẩm VT Phụng, đình chỉ ngay việc giảng dạy tác phẩm đó trong các trường. Sau một thời gian đấu tranh, bọn NVGP bị vạch trần, đã cúi đầu nhận lỗi trước nhân dân, và sau khi phát hiện VT Phụng là thư ký tòa soan của Ðông Dương Tạp Chí, đã viết bài công khai chửi cộng sản và Quốc tế cộng sản, thì việc yêu cầu đó mới được thực hiện. (…)
Các đồng chí ta đều biết VT Phụng công khai chửi Ðảng và chửi Quốc tế Cộng sản mà sao lại quan tâm đến tác phẩm VT Phụng một cách sâu sắc như thế? Chắc chắn đó phải là những áng văn chương có cái gì quí giá đặc biệt, nếu không đưa vào văn học sử Việt Nam thì sẽ là một sự đáng tiếc chăng? Ðể giải quyết lúng túng này, tôi đã tìm đọc ba quyển Số đỏ, Giông tố và Vỡ đê của VT Phụng viết hồi 1936 là hồi cao trào cách mạng, mà người ta đã coi là “bậc thầy”, “đỉnh cao của văn học”…

CTHÐ: Ðoạn viết của HV Hoan ta vừa đọc cho ta thấy hai chuyện:
1 — HV Hoan chưa bao giờ đọc VT Phụng, y mù tịt về những tác phẩm của VT Phụng. Như lời cung khai của y, đến lúc cần viết về VT Phụng y mới tìm đọc ba tác phẩm nòng cốt của VT Phụng là Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê. Tôi nghi không phải chính HV Hoan là người viết bài về VT Phụng, một tên văn sĩ tay sai nào đó đã viết bài để cho HV Hoan ký tên.
2 — Nguyên nhân làm HV Hoan cay cú và căm thù VT Phụng là “VT Phụng đã viết tố cáo những sai lầm và những tội ác của Ðảng Cộng sản Nga, đã tố cáo đích danh bọn Mạc tư khoa gây ra những cuộc biến động trên thế giới”, đã ví Stalin với Ấm B, đã xếp Chúa Ðỏ ngang hàng với tay cờ bạc bịp trong phóng sự Cạm Bẫy Người. Ðây là lời HV Hoan viết trong bài “Một vài ý kiến về tác phẩm Vũ trọng Phụng…”

HV Hoan: Ðối với Ðảng Cộng sản, Vũ Trọng Phụng viết: “có thể nói rằng những cuộc rối loạn xảy ra trên khắp mặt địa cầu phần nhiều do bàn tay bí mật của Mạc tư khoa gây nên, thì những cuộc thua xiểng liểng của bọn thờ “chủ nghĩa đổ bác” ở khắp Bắc kỳ cũng đều do cái bàn tay bí mật của ông Ấm B. (ý muốn nói Bolchevich) dính vào vậy. Hơn hẳn Stalin một phương diện. Ấm B. đã đặt cho tòa nhà mình ở Phố Hàng Cá là “kinh đô đảng bạc bịp”, trong khi Stalin chưa được lúc gọi “Moscou, Capital du Monde”. (Cạm bẫy người, trang 56-theo VT). Ðây là chưa kể những bài công khai chửi Quốc tế cộng sản trên mặt báo.

CTHÐ: Bồi bút Hoài Thanh, về hùa, theo đuôi, bám đít HV Hoan, viết về chuyện VT Phụng đả kích Nga Cộng trong bài “Tiếp thu phải có phê phán”:
Gần đây, chúng ta có nhắc đến bài báo dài của Vũ Trọng Phụng: “Nhân sự chia rẽ của Ðệ Tam và Ðệ Tứ quốc tế”, đăng trên Ðông Dương tạp chí vào tháng 9 và tháng 10-1937 và sau đó bọn tờrốtkít đem in lại thành tập cho dễ phổ biến. Tài liệu ấy chứng tỏ Vũ Trọng Phụng nhìn Ðảng rất sai, thậm chí đã đả kích vào Ðảng và ngả theo bọn tờrốtkít.”
Như vậy ta thấy nguyên nhân làm cho những người cộng sản Việt Nam ở Hà Nội mạ lỵ, vu khống nhà văn Vũ Trọng Phụng là vì nhà văn chống Cộng sản, chống những tàn ác của cộng sản. Không phải đến những năm 1955, 1960 mới có người Việt chống đảng cộng sản — nhà văn Vũ Trọng Phụng đã chống Cộng từ năm 1933 — những người cộng sản Việt không thể vu cho nhà văn chống Cộng ăn tiền của CIA Mỹ, họ vu cho nhà văn cái tội còn bẩn thỉu hơn là tội « làm mật thám cho Tây », người cộng sản ba láp Hoàng văn Hoan dựng lên chuyện “nhà văn VT Phụng được Pháp chi tiền, cho xe ôtô đưa rước đi hút thuốc phiện,” một chuyện mà những văn nghệ sĩ cùng thời với Vũ Trọng Phụng lúc đó sống nhăn ở Hà Nội như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Tô Hoài, Ngô Tất Tố, Vũ Ðình Liên biết là không có nhưng tất cả đều câm miệng hến, không ai dám hé răng nói nửa lời chống lại hành động vu cáo hèn mạt ấy.

Thời gian qua… 1960-1986… Cộng sản Việt thắng trận chiến tranh Việt Nam nhưng chủ nghĩa cộng sản lụn bại trên khắp thế giới, nhân dân Ba Lan vùng lên đập phá gông cùm cộng sản từ năm 1980, đảng Cộng sản Nga mất quyền độc đảng, Liên Xô — thành trì cộng sản thế giới — xụp đổ tan tành không còn mảnh vụn. Những người cộng sản Việt Nam không thể không đi vào cuộc đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh tuyên bố “cởi trói cho văn nghệ”, nền văn nghệ-báo chí bị rọ mõm dưới chế độ cộng sản bắt đầu ngọ nguậy, ve vẩy đuôi, le lưỡi, hít hà. Tên tuổi Vũ Trọng Phụng được nhắc đến, những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nằm trong những đáy tủ thời gian dài trong 26 năm được lấy ra, phủi bụi, lau chùi, đánh bóng, được nâng niu, hôn hít, được bưng lên đặt trên bàn thờ, bọn văn nô sì sụp quì lậy, phóng sự tiểu thuyết Số Ðỏ được thực hiện thành phim.

Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số tháng 3-4-1988 đăng bài “Vài ý kiến nhỏ” của Chế Lan Viên:
Chế Lan Viên:Sau khi chỉnh huấn, phân biệt bạn thù, phe nó, phe ta, thì anh (VT Phụng) là người của phe ta. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, qua giảm tô, cải cách ruộng đất, anh là người của phe ta. Về Hà Nội, trước các nhố nhăng của tư sản, anh lại càng là người của phe ta. Không phải chỉ tôi thấy như thế mà anh Trường Chinh cũng thấy như vậy khi anh xếp Vũ Trọng Phụng ngang hàng Nam Cao, Ngô tất Tố, Nguyễn công Hoan, Tố Hữu. Và Tố Hữu cũng thấy như vậy khi anh giục Nguyễn huy Tưởng kỉ niệm Vũ trọng Phụng ké với nhà xuất bản Minh Ðức tổ chức lễ ấy, lúc ta còn trù trừ.
Ấy thế mà đùng một cái, Vũ Trọng Phụng đang từ phe ta bỗng bị đẩy sang phe nó. Vừa rồi, anh Trần hữu Tá có công bố một tư liệu về “vụ”ấy. Ở đây, chỉ nhân cái vụ ấy, tôi muốn xin phép đặt một vấn đề này để suy nghĩ. Là cái nhớ tiềm thức có giá trị gì không bên cái biết nhờ kiến thức? Cố nhiên cái nhớ của anh Tố Hữu, của tôi là những người miền Trung, xa anh Vũ Trọng Phụng không đáng kể lắm. Nhưng cái ấn tượng, cái nhớ của anh Trường Chinh, sống giữa Hà Nội, cùng làm báo một thời với Vũ Trọng Phụng là phải tính đấy. Huống gì anh Trường Chinh lại là người lãnh đạo cách mạng, ai phe ta, phe nó, cái gì là nó, cái gì là ta, anh ở giữa vòng vây của địch, của mật thám, nhất nhất anh phải nhận ra ngay. Thế mà suốt một cuộc kháng chiến, về đến Hà Nội, anh vẫn nhớ ra Vũ Trọng Phụng là người của mình kia mà. Tại sao các nhà phê bình ta lúc ấy không tôn trọng sự nhớ ấy? Chỉ một vài lời phán, một vài tư liệu đâu đâu đã lật ngược, xóa nhào tất cả. Thật đáng buồn!

CTHÐ: Anh Chế Lan Viên buồn nôn viết bậy. Vũ Trọng Phụng không bao giờ ở trong phe cộng sản. Không những chỉ không bao giờ ở trong phe Cộng, Vũ Trọng Phụng còn tích cực chống Cộng, đúng ra là tố cáo, lên án những sai lầm, những tội ác của bọn Cộng Nga. Ngay từ năm 1932, khi tuyệt đại đa số dân Việt Nam chưa biết chủ nghĩa cộng sản là gì, Vũ Trọng Phụng đã chống cộng sản, bằng chứng là những bài báo VT Phụng phê phán âm mưu quấy phá thế giới hòng nhuộm đỏ thế giới của Chúa Ðỏ Stalin. Ngoài văn tài, tôi – CTHÐ – thán phục VT Phụng ở điểm ông có năng khiếu sắc bén về chính trị, ông đã nhìn thấy tính ác độc của những đảng viên cộng sản trước đồng bào của ông những năm mươi năm, ông đã chống Cộng trong khi những người được coi là “học giả” cùng thời với ông như Ðặng thái Mai, Bùi Kỷ, Lê Dư vẫn mù tịt về cộng sản. Ông đã một mình lên tiếng chống lại những người cộng sản. Nói ông làm việc ấy vì tiền của Pháp, nói người Pháp chi tiền cho ông làm công việc chống Cộng là nói láo.

Anh Chế lan Viên Lè Phè, kẻ suốt một đời bợ đít bọn Trường Chinh, Lê Duẩn, Tố Hữu.., mãi đến năm 1988 — 28 năm sau năm Vũ Trọng Phụng bị bôi nhọ, bị phết bẩn, bị chửi bới tàn tệ ở Hà Nội — mới lè phè góp tiếng. Trong bài nói chuyện ngắn không có ý tưởng gì mới cả anh vẫn bợ đít Trường Chinh, anh nâng bi Trường Chinh là “nhà lãnh đạo biết hết mọi chuyện”, lời nói của anh cho ta thấy rõ hơn tính cách bỉ ổi của bọn đầu xỏ cộng sản: Trường Chinh từng ca tụng Vũ Trọng Phụng, y biết Vũ Trọng Phụng không bao giờ làm mật thám cho Tây, y thấy Hoàng văn Hoan kết tội VT Phụng làm mật thám cho Tây là láo, nhưng y cứ ngậm miệng, y cứ để mặc.

Chế Lè Phè nói Trường Chinh “cùng làm báo một thời với VT Phụng”, lời đó tôi nghi cũng là nói láo. Tôi chưa từng nghe, từng đọc ở đâu chuyện trước 1945 anh Ðặng xuân Khu có thời làm báo, viết báo. Anh Lê Duẩn còn có thời hành nghề công nhân Sở Hỏa Xa Ðông Dương, anh giữ việc bẻ ghi đường tầu, nhưng Trường Chinh Ðặng xuân Khu dường như là anh vô nghề nghiệp. Kể cũng lạ, nghề văn, nghề báo vẫn bị mang tiếng là không nuôi nổi người, những người viết văn, làm báo vẫn bị rè bỉu là bọn sống trụy lạc, trác táng, lưu manh, viết khiêu dâm, viết láo — nhà báo nói láo ăn tiền — nhưng có không ít người vẫn cứ tự nhận mình là nhà văn, nhà báo. Phải chăng vì những người làm văn, viết báo có một cái hào quang hấp dẫn mà những người làm các nghề khác không có, đặc biệt là hấp dẫn những nữ độc giả — những nữ độc giả thân mến của bổn báo, những nữ độc giả thường bỏ tiền mua báo chứ không đọc báo cọp — ở Sài Gòn những năm 1960 thường xẩy ra chuyện có những anh ca la bương tự nhận là văn sĩ nổi danh, là người viết có tiểu thuyết đang ăn khách, đi lừa các nữ độc giả. Có lần một thiếu nữ bồng con đến tòa báo Lẽ Sống tìm người viết Ngọc Linh — người viết tiểu thuyết Ngọc Linh đã tạ thế ở Sài Gòn, thọ 72 tuổi — cô nói cô là vợ Ngọc Linh, con cô bồng trên tay là con Ngọc Linh, Ngọc Linh bỏ mẹ con cô nên cô đến tòa báo tìm. Tòa báo cho người đi mời Văn sĩ Ngọc Linh đến gấp để cô nhìn mặt. May quá Ngọc Linh Mái Tóc Dĩ Vãng không phải là anh chàng tự nhận Ngọc Linh văn sĩ đi gạt tiền, gạt tình.


Trong thời gian Vũ Trọng Phụng và những tác phẩm của ông bị bôi nhọ, bị vùi dập, bị lãng quên ở Hà Nội — từ 1960 đến 1988 — thì ở Sài Gòn, thủ đô Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, Vũ Trọng Phụng được tôn trọng, những tác phẩm Giông Tố, Số Ðỏ vv..vẫn có người đọc, toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được tái bản đều đều, được in và lưu hành tự do. Người đọc có thể đến nhà sách Khai Trí, hay bất cứ tiệm sách nào trong nước, tìm mua, dễ dàng, có ngay, bất cứ tác phẩm nào của Vũ Trọng Phụng. Chính quyền và văn giới Việt Nam Cộng Hòa không ca tụng Vũ Trọng Phụng thái quá, cũng có những bài phê bình văn phẩm Vũ Trọng Phụng, những bài viết, những số tạp chí đặc biệt về văn nghiệp của ông, thân thế ông. Nhưng với giọng điệu rất vừa phải. Chúng ta tôn trọng, yêu mến Vũ Trọng Phụng nhưng chúng ta không bốc ông lên mây xanh, chúng ta trang trọng, nhưng không khúm núm trước ông, không công kênh ông, chúng ta đặt ông vào đúng chỗ của ông trong văn học sử. Cũng trong thời gian đó những anh cộng sản ở Hà Nội sau khi vứt Vũ Trọng Phụng xuống cống nay lại moi Vũ Trọng Phụng lên, hôn hít, ca tụng…

Năm 1960 khi Hoàng văn Hoan kết tội láo Vũ Trọng Phụng, tất cả văn nghệ sĩ Hà Nội, nếu không hùa theo chửi hôi, đều câm như hến, Trường Chinh, Tố Hữu cũng ngậm miệng.. Thời gian qua.. Những ngày như lá, tháng như mây… 27 năm sau Ủy Viên bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Oai Như Hạch Hoàng văn Hoan được một người Hà Nội nhắc đến như sau:
Vũ Trọng Phụng và niềm căm uất không nguôi. Người viết Nguyễn đăng Mạnh, báo Thể Thao & Văn Hóa Việt Cộng số 42, ra ngày 17-10-1987.
Một điều may mắn đối với những giá trị văn học, thời gian vẫn là người thẩm định công minh nhất. Nhớ hồi năm 1960, có một kẻ kia đã viết hẳn một bài “nghiên cứu” đánh giá Vũ Trọng Phụng chỉ được có một tài xỏ xiên và gọi ông là một cây bút lưu manh. Sự nghiệp Vũ Trọng Phụng hồi ấy tưởng chừng bị dìm sâu xuống bùn đen không sao ngoi lên được nữa. Nhưng kẻ phát ra ý kiến ấy sau này đã trở thành một tên đại phản quốc, trong khi đó Vũ Trọng Phụng cứ từng bước được giải oan, chiêu tuyết. Giới nghiên cứu lại viết về ông. Rồi Vỡ Ðê được tái bản và Vũ Trọng Phụng trở lại chương trình văn học sử ở đại học. Và không lâu nữa Tuyển Tập Vũ Trọng Phụng sẽ ra mắt bạn đọc.

CTHÐ: Ðồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị Ban Chấp hành Trung Ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, người đảng viên cộng sản lão thành có tuổi đảng cao hơn tuổi đảng của Chủ Tịch Hồ chí Minh, người đồng chí trung kiên của Chủ Tịch… mà lại là “tên đại phản quốc..?” Ðồng chí khả kính Hoàng văn Hoan là Việt Gian? Kỳ dzậy? 27 năm sau ngày Hoàng văn Hoan kết tội láo văn tài Vũ Trọng Phụng, mười mấy năm sau ngày Hoàng văn Hoan chết già bên Tầu, người viết Nguyễn đăng Mạnh ở Hà Nội vẫn không dám gọi thẳng tên y, vẫn phải nhắc đến y một cách mơ hồ là “kẻ kia”. Người viết Nguyễn đăng Mạnh không dám, và không thể gọi đích danh Hoàng văn Hoan vì gọi đích danh anh sẽ phải nhắc đến việc Việt Gian Ðại Phản Quốc Hoàng văn Hoan là Ủy viên Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng..!

Hôm nay 70 năm sau ngày Nhà văn Vũ Trọng Phụng qua đời, tôi sống liêu lạc ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi viết những dòng chữ này về Nhà Văn Vũ Trọng Phụng. Tôi nghĩ nếu không từ trần về bệnh lao phổi năm 1938 Nhà Văn Vũ Trọng Phụng sẽ khó sống nổi với những người cộng sản Việt những năm 1945, 1946. Những người cộng sản Việt Nam sẽ giết ông trong năm 1945 hay năm 1946 như họ đã giết các ông Khái Hưng, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Sâm… Những năm trước 1945 các ông Khái Hưng, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật chỉ viết tiểu thuyết, đâu có ông nào công khai viết đả kích cộng sản Nga và Stalin như ông Vũ Trọng Phụng. Vậy mà ba nhà văn đó đã bị bọn đảng viên Công sản Việt Nam cắt cổ, cho đi “mò tôm” *, Nhà Văn Vũ Trọng Phụng chửi ông nội của bọn Cộng là Stalin, làm sao ông thoát được tay chúng nó!.

Tem Thư VŨ TRỌNG PHỤNG.

Rùng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Ngày 28 Tháng 11, năm 2012, viết thêm:
Tháng 10, 2012, bọn Cộng Hà Nội phát hành Tem Thư in hình Nhà Văn Vũ Trọng Phụng. Bọn Cộng Hà Nội làm Tem Thư in hình Hồ chí Minh, Các Mác, Trần Văn Giầu, nhưng không có Tem Thư in hình các ông Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Cho đến nay, Vũ Trọng Phụng là Nhà Văn Việt Nam Thứ Nhất và Duy Nhất đựợc ghi danh bằng Tem Thư.

Một ngày sẽ tới những người Việt đến cõi đời này sau chúng ta có thể thấy Tem Thư in hình Nhà Văn Phan Khôi, Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện.
Tại sao lại không?







No comments:

Post a Comment

View My Stats