Phạm Lê Vương
Các
gửi cho BBCVietnamese từ TP HCM
Cập nhật: 04:18 GMT - thứ ba, 11 tháng 12, 2012
Vào những ngày
này, thế giới hân hoan đón nhận bản Tuyên ngôn Phổ quát Nhân quyền 1948 ra đời
đánh dấu một bước tiến vĩ đại cho cả cộng đồng nhân loại.
Lần đầu tiên
trong lịch sử tiến hóa của loài người, đã ghi nhận lại một văn kiện lịch sử
vượt ra khỏi khác biệt và giới hạn của địa lý quốc qua, xung đột ý thức hệ, đặc
thù thể chế chính trị, và nền tảng văn hóa trong một thời điểm khó khăn nhất để
làm nên “một tiêu chuẩn thực hiện chung” cho tất cả các quốc gia và dân tộc
trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền làm người.
Khác biệt nhân quyền
Thế nhưng, vào
lúc thế giới đang dần được thắt chặt trong xu thế toàn cầu hóa thì cũng là lúc
giá trị nền tảng Nhân quyền lại bị chia rẽ và xung đột, thông qua cụm từ “khác
biệt nhân quyền” mà chúng ta nghe rất quen tai.
Xem ra sau 64
năm tồn tại, chuẩn mực chung của Nhân quyền đang bị thử thách hơn lúc nào hết.
Nhân quyền được
nhắc tới nhiều trong quan hệ quốc tế. Một bên thì muốn cho đi cái mình đang có,
nhưng bên kia thì “chê” không phù hợp với mình.
Chúng ta cũng
không lạ gì khi nghe điệp khúc “yêu cầu cải thiện nhân quyền” từ chính quyền Mỹ
và các nước Phương Tây dành cho Việt Nam.
Nhưng nhà nước
Việt Nam luôn cho rằng: chúng tôi có những “đặc điểm khác biệt riêng” về nhân
quyền. Đừng áp đặt cái tiêu chí của anh vào cho chúng tôi, các anh hãy tự xem
lại chính mình đi.
Để rồi chưa bao
giờ có một quốc gia nào trên thế giới tự nhận dân chúng của mình bị hạn chế
nhân quyền.
Quả bóng 'hạn
chế nhân quyền' được đá qua đá lại giữa các quốc gia, mà “trọng tài” là các Cơ
quan bảo vệ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không thể làm gì hơn ngoài kêu gọi sự tự
giác của người chơi, và “bày tỏ quan ngại sâu sắc” mỗi khi người dân bị chính
quyền xâm hại nhân quyền.
Từ bỏ quyền làm người
Khi không có cơ
chế bảo vệ hữu hiệu Nhân quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia, xem ra chủ đề được
chọn cho Ngày Nhân quyền 10/12/2012 năm nay của Liên Hiệp Quốc là “Quyền tham
gia” vào đời sống chính trị xã hội vào lúc này chẳng khác nào đi “xúi dại”
người dân.
Vì không có sự
thống nhất trong nhận thức về nhân quyền, sẽ là sự bất hạnh cho bất kỳ ai nếu
thực hiện quyền tự do thành lập công đoàn độc lập, quyền tự do lập hội, quyền
tự do xuất bản, hay quyền tự do biểu tình… theo tinh thần của Tuyên ngôn, ở
những quốc gia có “đặc thù riêng” vào thời điểm này.
Sẽ như thế nào
nếu việc thực hiện quyền tự do thành lập công đoàn độc lập theo tinh thần của
Điều 23, mà ở đó nhà cầm quyền còn đang bị “ám ảnh” bởi Công đoàn Đoàn kết Ba
Lan?
Sẽ như thế nào
nếu việc thực hiện quyền tự do lập hội ôn hòa theo tinh thần của Điều 20, mà ở
đó nhà cầm quyền vẫn xem Xã hội dân sự là “nguy hiểm”?
Sẽ là như thế
nào nếu thực hiện quyền tự do xuất bản mà ở đó nhà cầm quyền còn đang muốn “bao
cấp học thuật” và qua đó muốn bao cấp luôn tư duy?
Sẽ như thế nào
nếu việc thực hiện quyền tự do biểu tình mà ở đó nhà cầm quyền lại xem biểu tình
là đe dọa cho an ninh quốc gia và trật tự xã hội?
Và còn rất nhiều
câu hỏi “sẽ như thế nào (?)” cho những ai hiểu được tinh thần của bản Tuyên
ngôn Phổ quát Nhân quyền và những ai đang có nhu cầu làm con người theo đúng
nghĩa của một con người.
Nhìn thấy sự trả
giá của những người chỉ vì muốn thực hiện quyền làm người theo những gì Tuyên
ngôn đã ghi nhận, buộc rất nhiều người trên thế giới này, dù không muốn, nhưng
cũng phải từ bỏ các quyền chính đáng của mình để đổi lấy sự an toàn và yên
thân.
Nỗi sợ hãi
Xem ra đã đến
lúc cần phải xét lại mục đích ra đời của Tuyên ngôn.
Nó có còn nhằm
giúp cho mọi người dân trên thế giới đều ý thức được rằng họ có các quyền mà
không một chính quyền nào có thể tước đi được, và qua đó giúp mỗi người được
giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng như trong Lời mở đầu của Tuyên ngôn đã
nêu?
Bởi lẽ dường như
nó đang là một nghịch lý . Hiểu biết về Nhân quyền bao nhiêu lại tỉ lệ thuận
với với nỗi sợ hãi và khốn cùng bấy nhiêu.
Nhà cầm quyền
thì tỏ ra sợ hãi khi dân chúng ý thức được quyền con người để thoát khỏi sự kìm
kẹp và cai trị của mình, nên thường sử dụng đến các phương pháp khốn cùng để
hạn chế thông tin. Đây đang là nguy cơ đang đe dọa trực tiếp cho xã hội loài
người vì “có nhiều người từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi cũng không biết
mình có được những quyền gì”.
Còn dân chúng có
hiểu biết thì sợ cường quyền nên đành chấp nhận “ngoan ngoãn” mà khước từ các
quyền chính đáng của mình để tránh khỏi sự khốn cùng.
Chắc có lẽ sau
một kỷ nguyên Giáo dục Nhân quyền kết thúc, đã đến lúc Liên Hiệp Quốc cần mở ra
một kỷ nguyên mới : “Đừng sợ hãi khi làm người”.
Đừng sợ hãi không
chỉ dành mỗi người dân, mà còn đối với tất cả những nhà cầm quyền trên thế
giới.
Nhưng nhà cầm
quyền cần phải vượt qua nỗi sợ hãi trước tiên, để có những bước đột phá trong
việc phát triển Nhân quyền, sử dụng pháp luật với mục đích để bảo vệ và mở rộng
quyền tự do, cũng như đảm bảo những giá trị mà tạo hóa đã ban tặng cho loài
người.
Nếu dân chúng
một khi đã vượt qua nỗi sợ hãi nhanh hơn nhà cầm quyền, thì họ sẽ dùng đến biện
pháp cuối cùng là nổi dậy nhằm chống lại áp bức và cường quyền như trong Lời nói
đầu của bản Tuyên ngôn Nhân quyền đã khẳng định.
Đây không phải
là nhận định mang tính chất dự báo, mà nó là một phần từ lịch sử. Nó là một quy
luật tất yếu trong việc đòi hỏi quyền làm người.
Điều này đã đặt
ra một câu hỏi cho tất cả các nhà cầm quyền trên thế giới rằng: “Liệu các vị có
nên tiếp tục duy trì nỗi sợ hãi hay không?”.
Bài phản ánh
quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả, hiện đang là sinh viên
Luật năm thứ 3 ở TP. HCM.
No comments:
Post a Comment