Aung San
Suu Kyi
LTS
: Aung San Suu Kyi là con gái của Aung San, một vị anh hùng dân tộc đã góp phần
quyết định trong việc giành lại độc lập cho Miến Ðiện sau thế chiến thứ II. Vì
đấu tranh cho dân chủ bà bị chính quyền quân phiệt cầm tù và bị quản thúc tại
gia. Bà được tặng giải thưởng Nobel hoà bình năm 1991. Chúng tôi đăng dưới đây
bản dịch bài viết được công bố trong dịp Nghị viện Âu châu trao cho bà giải
thưởng Sakharov 1991 về Tự do Tư tưởng, nhưng bà không tham dự được.
*
*
Không
phải quyền lực làm cho người ta hư hỏng, mà chính là sự sợ hãi : những người có
quyền thì sợ mất quyền, còn những người bị quyền lực áp bức thì sợ dùi cui.
Phần lớn những người Miến Ðiện biết rõ bốn hình thức của sự thối nát, bốn
a-gati. Lòng tham (chanda-gati) làm ta đi ra ngoài con đường chính vì bị
mua chuộc hay vì muốn mua sự bình an cho những người mà mình thương yêu. Lòng
sân (dosa-gati) đẩy ta vào con đường xấu xa của sự trả thù, và sự si mê
hay vô minh (moga-gati) khiến ta lầm đường lạc lối. Tệ hại hơn cả là sự
sợ hãi (bhaya-gati) : không những nó bóp chết và huỷ diệt từ từ ý thức
về thiện ác, nó thường còn là nguồn gốc của ba hình thức thối nát nói trên.
Khi
nó không bắt nguồn từ sự hà tiện thuần tuý , lòng tham có thể đến từ nỗi sợ
không được hay bị mất sự quý trọng của những người mà mình thương yêu ; cũng
như vậy, nỗi sợ người khác vượt, làm nhục hay xúc phạm mình gây ra ý muốn trả
thù. Và rất khó quét sạch si mê vô minh khi ta chưa giải phóng chân lý ra khỏi
những trở lực của sợ hãi. Sợ hãi và thối nát gắn chặt với nhau đến độ, trong
những xã hội có nỗi sợ hoành hành, sự thối nát dưới mọi hình thức bám rễ rất
sâu.
Người
ta nói rằng phong trào dân chủ Miến Ðiện, do các cuộc biểu tình của sinh viên
phát động vào năm 1988, bắt nguồn trước hết từ nỗi bất bình chung do sự suy sụp
kinh tế gây ra. Ðúng là nền chính trị rời rạc, những biện pháp phi lý của chính
phủ, nạn lạm phát nhanh như ngựa phi nước đại, mức sống liên tục tụt dù trong
những năm qua đã đưa đất nước vào thảm hoạ. Thế nhưng, không phải chỉ những khó
khăn phải chịu đựng để sống sót qua ngày đã bào mòn lòng kiên nhẫn của một dân
tộc do truyền thống vốn hiếu hoà và không thích lộn xộn, có lẽ chính là sự cảm
thấy đời sống bị sự thối nát và sợ hãi làm biến đổi bản chất. Sinh viên không
chỉ phản đối bạn bè của mình bị giết, mà còn chống lại một chế độ toàn trị chối
bỏ quyền sống của họ bằng cách tước đoạt của hiện tại mọi ý nghĩa và tước đoạt
của tương lai mọi hy vọng và nếu những cuộc biểu tình của họ đã nhanh chóng
biến thành một phong trào toàn quốc, chính vì những yêu sách của họ là âm vang
của những bất mãn của cả một dân tộc, đến mức trong số những người ủng hộ họ
nhiệt thành nhất có cả những nhà kinh doanh đã làm ăn phát tài ngay trong lòng
chế độ nhờ lắm tài năng và quan hệ. Việc làm ăn phát tài đó đã không bảo đảm
cho họ được thực sự bình yên, thoả mãn ; chính họ cũng nhận thấy rằng, độc lập
với tình hình kinh tế của mình, mọi người, dù giàu hay nghèo, đều cần một chính
phủ tin cậy được, nếu họ muốn có một cuộc đời đáng sống. Nhân dân Miến Ðiện đã
quá mệt mỏi vì cái tình hình bấp bênh này rồi, mệt mỏi vì phải chịu sự sợ hãi,
mệt mỏi vì giống như “nước nằm trong lòng bàn tay" của nhà cầm quyền.
Chúng
ta có thể lạnh
như viên ngọc lục bảo,
như nước trong lòng bàn tay,
nhưng chúng ta cũng có thể
như những mảnh chai
trong lòng bàn tay
như viên ngọc lục bảo,
như nước trong lòng bàn tay,
nhưng chúng ta cũng có thể
như những mảnh chai
trong lòng bàn tay
Mảnh
chai nhỏ bé nhất cũng đủ sức bén để tự vệ chống lại bàn tay đang tìm cách bóp
vỡ nó ; nó là biểu tượng sinh động của tia lửa can đảm cần thiết cho ai muốn
thoát khỏi sự áp bức đang nghiến nát mình. Bogyoke Aung San tự xem mình là nhà
cách mạng ; ông đã không biết mệt mỏi đi tìm một giải pháp cho muôn vàn khó
khăn vây hãm Miến Ðiện vào cái thời quá nhiều thử thách ấy, bằng cách hô hào
nhân dân phải tỏ ra can đảm : “ Ðừng trông cậy ở sự can đảm và táo bạo của
những người khác. Mỗi người phải biết hy sinh để trở thành một người anh hùng
đầy can đảm và táo bạo. Ðối với mọi người, đó là điều kiện của sự tự do thật sự
".
Những
ai được may mắn sống trong một xã hội có nhà nước pháp quyền, thật khó tưởng
tượng nỗ lực cần có để kháng cự lại sự thối nát khi nỗi sợ là thành phần của
cuộc sống hàng ngày. Vai trò của luật pháp không giới hạn vào việc trừng phạt
những kẻ phạm tội, luật pháp cũng cho phép xây dựng một xã hội bảo vệ được phẩm
giá con người nhờ không dùng đến những thực tiễn làm người ta trở nên thối nát.
Ở đâu luật pháp không đảm nhận được nhiệm vụ của mình thì người dân thường phải
gánh vác lấy việc gìn giữ những nguyên tắc sơ đẳng nhất về công lý. Khi ý thức
và lý tính của một dân tộc bị sự sợ hãi làm cho hư hỏng, cần phải có sự kiên
định vượt qua được mọi thử thách để giúp luật pháp giành lấy thắng lợi và nhờ
thế cho phép mọi người thoả mãn được lòng ham muốn hoà hợp và công bằng, vừa
kìm hãm được những khuynh hướng phá hoại vốn có trong bản tính con người.
Vào
giờ phút mà những nhân vật đầy quyền lực nhưng ít lương tri có thể nắm trong
tay và thực sự nắm trong tay, nhờ những tiến bộ kỹ thuật vô cùng to lớn, những
vũ khí giết người chống lại những kẻ yếu đuối, nghèo khổ, phải khẩn cấp gắn
chặt chính trị vào đạo lý , ở mức độ quốc gia cũng như quốc tế. Bản Tuyên ngôn
nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội
phải nỗ lực thăng tiến những quyền và những tự do mà mọi người, không phân biệt
nòi giống, dân tộc hay tôn giáo, đáng ra đều được hưởng. Nhưng chừng nào các
chính phủ còn đặt uy quyền của mình trên sự cưỡng bức chứ không phải trên sự uỷ
nhiệm của nhân dân, chừng nào những tập đoàn còn để cho quyền lợi trước mắt của
họ đứng trước hoà bình và phồn vinh, hành động kết hợp của các tổ chức quốc tế
để bảo vệ và phát triển nhân quyền sẽ còn là, ngay trong trường hợp tốt nhất,
một cuộc đấu tranh chưa hoàn thành. Bởi vì đấu tranh còn tiếp tục và các nạn
nhân của sự áp bức sẽ còn phải trông cậy ở ngay chính sức mình để bảo vệ những
quyền không thể tước đoạt của họ được là thành viên của gia đình nhân loại.
Yếu
tính của cách mạng là cách mạng tinh thần, vì thế cần phải thay đổi não trạng
và những giá trị đã điều kiện hoá sự phát triển của một quốc gia. Khi một cuộc
cách mạng chỉ muốn thay đổi chính sách và định chế để cải thiện điều kiện sống
vật chất, nó ít có cơ may thành công. Không có một cuộc cách mạng tinh thần,
những lực lượng đã tạo ra bất công của trật tự cũ cứ tiếp tục tác động, đe doạ
liên tục những cải cách và sự hồi sinh đang xảy ra. Cầu khấn tự do, dân chủ và
nhân quyền cũng chẳng ích lợi gì ; còn phải kiên trì tranh đấu, trong sự thống
nhất và cương quyết, chấp nhận hy sinh nhân danh những chân lý không thể bị xâm
phạm đến, và kháng cự lại quyền lực làm thối nát của tham, sân, si và sợ hãi.
Người
ta nói : Bậc thánh nhân là kẻ phạm tội không ngừng tự bắt mình phải chịu thử
thách. Cũng như thế, người tự do là kẻ bị áp bức chấp nhận chịu thử thách. Và
trên đường tranh đấu, anh ta học cách đảm nhận những trách nhiệm của mình và
làm cho người khác phải tôn trọng các bổn phận để cho xã hội được mọi tự do.
Trong số những quyền tự do cơ bản mà con người cần có để sống một cuộc đời đáng
sống, thoát khỏi cái sợ là độc nhất vô nhị : nó vừa là phương tiện vừa là cứu
cánh. Ðể xây dựng một quốc gia có được những định chế dân chủ mạnh, có khả năng
tạo ra một sự bảo vệ vững chắc chống lại sự lạm quyền nhà nước, trước hết nhân
dân phải học cách tự giải phóng mình khỏi sự thụ động và sợ hãi.
Luôn
luôn thực hành những ý tưởng của mình, Aung San không ngừng tỏ ra không những
can đảm trước súng gươm mà cả can đảm nói lên sự thật, phát biểu ý kiến, chấp
nhận sự phê bình, thừa nhận những lỗi lầm, sửa chữa những sai trái, tôn trọng
đối lập, đối thoại với kẻ thù và để cho nhân dân phán đoán những khả năng làm
lãnh tụ của ông. Sự can đảm tinh thần đó đã làm cho nhân dân Miến Ðiện yêu kính
ông và thừa nhận ông không những như là vị anh hùng thời chiến mà đặc biệt còn
như là lương tâm và khuôn mẫu cho cả dân tộc. Câu nói sau đây của Jawaharlal
Nehru về Mahatma Gandhi cũng hoàn toàn phù hợp với Aung Sung : “ Vô úy (không
sợ hãi) và sự thật là những nguyên tắc chính mà ông dạy chúng ta ; chúng phải
là cơ sở của hành động ".
Gandhi
là người theo chủ trương bất bạo động, còn Aung San là người đã sáng lập một
quân đội quốc gia, chắc chắn hai người có nhân cách rất khác nhau. Nhưng cách
thách thức chính quyền của họ giống nhau (...). Với tư cách là một nhà chính
trị hiện đại, Nehru cho rằng một trong những thành công lớn nhất của Gandhi là
đã biết cho nhân dân Ấn Ðộ lòng can đảm . (...)
Không
sợ hãi có thể là một tính trời cho. Nhưng sự can đảm sinh ra từ nỗ lực, sự can
đảm sinh ra từ sự từ chối có hệ thống không để cho sự sợ hãi bắt mình hành
động, sự can đảm như là “ ân huệ đối diện với áp bức ", ân huệ luôn luôn
nảy sinh lại trước sự áp bức càng ngày càng dữ dội, khốc liệt, sự can đảm đó
lại càng quý giá hơn nữa.
Trong
một hệ thống chối bỏ các quyền làm người cơ bản, sự sợ hãi có khuynh hướng trở
thành một bộ phận của cuộc sống bình thường ; sợ bị tù hay bị tra tấn, sợ chết,
sợ mất bạn bè, gia đình, của cải hay phương tiện sinh sống, sợ nghèo đói, cô
lập hay thất bại. Dưới hình thức phỉnh phờ nhất, sợ hãi mang mặt nạ của sự khôn
ngoan và ngay cả của sự hiền minh (sagesse), lên án những hành vi can
đảm nho nhỏ hằng ngày như là ngu ngốc, thiếu thận trọng, vô hiệu quả hay vô ích
trong khi chính những hành vi đó giúp ta gìn giữ lòng tự trọng và nhân phẩm.
Một dân tộc bị nô lệ hoá bởi một luật pháp sắt thép và bị điều kiện hoá bởi sự
e ngại khó có thể không bị sự sợ hãi làm nhơ nhuốc, yếu hèn. Nhưng không một
guồng máy nhà nước nào, dù có sức nghiền nát mạnh đến đâu, có thể ngăn chận
lòng can đảm một ngày nào đó lại đột hiện, còn đó và mãi mãi, bởi vì sự sợ hãi
không phải là trạng thái tự nhiên của con người văn minh.
Ðối
diện với một quyền lực không giới hạn, cần phải làm sao cho lòng can đảm và
tính chiến đấu bám rễ thật sâu vào những nguyên tắc thiêng liêng của đạo lý ,
và cần phải nghe bài học của lịch sử tỏ rõ rằng, dù có khi thụt lùi, thân phận
con người rồi ra rốt cuộc cũng tiến tới trên bình diện vật chất cũng như tinh
thần. Khả năng cải thiện và tự chuộc tội này của con người khiến nó không phải
là đồ súc sinh. Trách nhiệm của con người bắt nguồn từ ý tưởng toàn thiện và từ
tất cả những gì nó đòi hỏi liên quan đến ham muốn, trí tuệ, và quyết tâm : cần
phải cháy bỏng ham muốn đạt đến sự toàn thiện, cần phải biết tìm ra con đường
đưa đến nó và kiên trì đi trên con đường đó, nếu không đến cùng thì ít ra cũng
đủ lâu để vượt qua những giới hạn cá nhân và khắc phục được những trở lực gặp
phải. Chính quan niệm về một nhân loại có đủ lý tính và văn minh này gây ra sự
táo bạo và sức mạnh xây dựng những xã hội rốt cuộc thoát khỏi nghèo đói và sợ
hãi. Những khái niệm về chân lý , công bằng và từ bi không bị lỗi thời ; đừng
vứt chúng vào sọt rác : chúng vẫn còn là bức thành duy nhất giúp chúng ta chống
lại một quyền lực không chút xót thương.
(N.T.N.
dịch)
No comments:
Post a Comment