Tuesday, 4 December 2012

KHỔNG TỬ & NHỮNG CƠN SỐT ĐỊNH KỲ CỦA NƯỚC TRUNG HOA (Lê Phú Khải)




Lê Phú Khải
3/12/2012

Có thể nói, trong lịch sử của Trung Hoa và nhân loại, chưa có triết gia nào mà triết thuyết của người ấy lại được tâng bốc đến mây xanh, hoặc phỉ báng không tiếc lời như triết thuyết của Khổng Tử (551- 479 trước CN). Nào là Đại Thánh, là Thánh của các ông Thánh, là “vạn thế sư biểu” (người thầy tiêu biểu của muôn đời), nhưng lại có bậc thức giả viết trên giấy trắng mực đen gọi ông là “con chó nhà tang” (!) (nhà có người chết).

Vì sao lại như vậy?

Không khó lắm để trả lời câu hỏi này nếu người ta chịu khó suy nghĩ một chút. Nói một cách dễ hiểu thì toàn bộ học thuyết của Khổng Tử là lý thuyết về người quân tử, tức kẻ cai trị đất nước (quân là cai trị, tử là người cai trị). Muốn trở thành người quân tử thì phải tu thân, để trở thành người có đạo đức. Đạo là mối quan hệ mà con người phải biết cách ứng xử. Theo Khổng Tử thì đạo vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh-em, bạn-bè... (quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu) là quan trọng, được gọi là ngũ luân. Đức theo Khổng Tử có ba điều: Nhân, trí, dũng. Sau này Mạnh Tử bỏ chữ “dũng” vì sợ bầy tôi có “dũng” thì dễ làm phản nên thay bằng lễ và nghĩa. Đến đời Hán thêm chữ “tín” thành năm đức: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín như ta hiểu ngày nay, còn được gọi là ngũ thường. Người đời sau hay nói đến luân thường đạo lý là nói đến triết lý của Khổng Mạnh.

Ngoài đạo đức, người quân tử còn phải biết thi, thư, lễ, nhạc... tức là phải có văn hóa cao. Tu thân rồi, người quân tử phải tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Vì thế, khác với đạo Lão, đạo Khổng là nhập thế, là hành động, là dấn thân cho xã hội, là thực thi lý tưởng của mình. Phương châm cho mọi hành động cai trị của Khổng Tử là nhân trị, là yêu người. Khổng Tử nói: “ Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Hay: “Mình muốn lập thân thì phải giúp người khác lập thân, mình muốn thành đạt thì phải giúp người khác thành đạt” (sách Luận ngữ).

Phương châm thứ hai của kẻ cai trị là thuyết chính danh. “Nếu danh không chính thì lời nói không thuận. Lời nói không thuận thì việc làm chẳng thành” (sách Luận ngữ). Khổng Tử còn dạy: “ Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha,con ra con”.

Rõ ràng, học thuyết của Khổng Tử là đức trị. Yêu người để trị người. Vì thế đạo Khổng có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người. Người đời gọi ông là “người thầy tiêu biểu” là không có gì sai. Nhưng Khổng Tử là người không thích cách mạng xã hội. Ông không tán thành cách mạng để thay đổi thời thế, cho dù thời thế của bọn hôn quân bạo chúa. Đó là tính chất bảo thủ trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Nói như nhà văn hóa Việt Nam Nguyễn Khắc Viện là hoàn toàn chính xác: “ Khổng Tử bỏ qua vấn đề pháp luật, từ chối mọi cải cách” (Bàn về đạo Nho – NKV). Chính vì thế mà từ đời Hán trở đi các triều vua đều triệt để lợi dụng học thuyết Khổng Mạnh để kéo dài chế độ phong kiến bảo thủ trì trệ ở Trung Hoa cho đến đầu thế kỷ XX. Sử Trung Quốc chép rằng, khi Lưu Bang diệt được Hạng Vũ để lên ngôi vua, có lần ông nói với Lục Giả: “Ta ngồi trên lưng ngựa mà giành được thiên hạ thì cần gì mà phải học Thi, Thư”. Nhưng rồi Lưu Bang Hán Cao Tổ biết rút kinh nghiệm của triều Tần trước đó, nghe lời Lục Giả đề cao đạo Khổng, đưa đạo Khổng lên địa vị quốc giáo nên nhà Hán trị vì được 400 năm. Không những thế, từ đó Khổng giáo còn được truyền bá ở nhiều nước châu Á.

Những kẻ muốn ổn định ngai vàng, muốn duy trì trật tự đương đại đã hết lời đề cao đạo Khổng. Nhưng những kẻ muốn lật đổ, muốn thay đổi, muốn cải cách thì không tiếc lời lăng mạ Khổng Tử. Có người đã nói rất sâu sắc rằng, học Khổng Tử là học quỳ lạy. Khổng Tử dạy học trò để làm quan, để được quỳ lạy dưới ngai vàng. Trong lịch sử Trung Hoa, phần lớn trí thức nước này chỉ biết quỳ lạy. Tài cán như Khổng Minh Gia Cát Lượng cũng không dám “thế thiên hành đạo” để rồi rốt cuộc cũng chỉ quỳ lạy trước một thằng bé mồm còn hơi sữa là Hậu Chủ, con của Lưu Bị nối nghiệp cha làm vua nước Thục. Mao Trạch Đông khi thất thế sau “Đại nhảy vọt”, muốn lật ngược thế cờ, lật đổ Lưu Thiếu Kỳ và những người cả gan chống Mao đã chẳng lớn tiếng “phê Lâm, phê Khổng” là gì? (phê Lâm Bưu, phê Khổng Tử). Khen rồi chê, chê rồi khen. Chưa có ai bị lợi dụng suốt chiều dài lịch sử nước Trung Hoa như thầy Khổng.

Bây giờ ở Trung Hoa, Mác-Lê Nin đã bị vứt đi không còn xài được nữa. Mao cũng “hết đát” rồi. Thuyết “mèo trắng, mèo đen” ba đại diện của Đặng của Giang chỉ là thứ lý thuyết ve chai, chụp giật, thiếu hệ thống, thiếu sức thuyết phục mà người ta lại muốn “ổn định” ngai vàng của Đảng Cộng sản để duy trì quyền lực cai trị độc đoán, độc tôn thì phải làm sao đây? Một nước Trung Hoa vĩ đại với hai hình ảnh thật trái ngược: Giáo sư Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nô-ben thì đang ngồi tù, còn nhà văn Mạc Ngôn cũng đoạt giải Nô-ben thì được tung hô.

Thử hỏi, một nước Trung Hoa mà hầu như tất cả những người giàu có nhờ tham những, chụp giật được trong một nền kinh tế thị trường độc đảng... đều gửi tiền, mua nhà và cho con cái đi học ở các nước tư bản “giẫy chết” thì lấy gì để biện minh cho tính “chính danh” của Đảng cầm quyền? Một nước Trung Hoa mà người mẹ phải xích chân con mình bên cỗ máy vì không có tiền gửi con đi nhà trẻ, để bán sức lao động cho ông chủ tư bản đỏ thì lấy gì để tự hào với thế giới?

Và lúc này, thật đúng lúc Khổng Tử lại được người ta nậy nắp quan tài để dựng lên thành “giá trị Trung Hoa”. Hàng trăm Viện Khổng Tử  được lập nên để nghiên cứu nền đức trị cho một xã hội có hàng trăm ngàn cuộc bạo loạn của dân chúng hàng năm vì bất công xã hội, giàu nghèo ngày càng như nước với lửa, và cả đất nước là cả một cái lò khổng lồ ô nhiễm độc hại với muôn nghìn cách xả rác thải hóa chất ra môi trường. Chính lúc này, Khổng Tử là ly rượu tốt nhất để các công dân nghèo khổ Trung Quốc (đang chết lần mòn vì đói, vì mất nhà mất cửa, vì ăn phải nhiều chất độc) uống vào cho mau lên cơn nhập đồng, nổi máu AQ đại Hán siêu cường!

Còn nhớ ngày nào cả nước Trung Hoa đã quên ngay chuyện mấy chục triệu dân chết dưới tay họ Mao, để vui mừng tung hô Mao đón tiếp Ních-xơn ở Trung Nam Hải. Máu AQ lại nổi lên vì nếu mình không phải nước lớn thì làm sao Tổng thống một siêu cường như Ních-xơn phải đến “triều kiến” nước mình?! Thế là Mao lại trở thành vĩ nhân sau khi đã giết đến mấy chục triệu người! Nghe đâu ở Trung Quốc hiện nay người ta đã loại bỏ Lỗ Tấn ra khỏi chương trình giảng dạy trong nhà trường vì ông nhà văn này đã phê phán kịch liệt thứ chủ nghĩa thắng lợi tinh thần AQ của người Trung Quốc.

Ở những nước dân chủ văn minh, thực tế đời sống xã hội đã biện minh cho chính thể của họ, cho nhà cầm quyền. Còn ở những xã hội độc tài như Trung Quốc, Việt Nam, nơi có “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, không có tự do ngôn luận, không có tam quyền phân lập, không có Quốc hội do dân thực sự bầu lên thì chính quyền phải nặn ra những giá trị ảo để lừa mỵ dân chúng. Giải thưởng toán học của Ngô Bảo Châu là rất xứng đáng nhưng làm rùm beng lên cả nước là có dụng ý gì? Thủ tướng tổ chức đón rước, truyền hình tường thuật tại chỗ... để người dân quên đi độc tài, tham nhũng, bất công... đang diễn ra quanh mình? Trong khi chính người được giải Nô-ben ở một quốc gia dân chủ thì có khi người sống cùng địa bàn cũng không hay và không ai đón rước cả!

Nói tóm lại, Khổng Tử như tác giả Lý Linh sau khi nghiên cứu kỹ Luận ngữ, tác phẩm chính của Khổng Tử gồm những lời đối đáp của ông với học trò... đã cho Nhà xuất bản Nhân dân tỉnh Sơn Tây in cuốn “ Tôi đọc Khổng Tử” (Ngã độc Luận ngữ) vào năm 2007 là công bằng nhất. Đại ý, Lý Linh cho rằng không nên đặt Khổng Tử lên bàn thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn đen. Ổng chỉ là một người hoải cổ, một người bình dân, không quyền lực. Ông hiếu học, có lòng tốt, luôn khuyên người ta cải tà quy chính. Ông dấn thân đi thuyết khách nhưng chẳng được ai dùng “như con chó vô chủ, lang bạt, không nhà”. Nên gọi ông là Don Quichotte! Khổng Tử do vua chúa xưa nặn ra là Khổng Tử nhân tạo. Vậy mà những cơn sốt định kỳ Khổng Tử luôn làm ngạt thở nước Trung Hoa do người ta lợi dụng ông vì những lợi ích bẩn thỉu của kẻ cầm quyền. Ông từng bị khinh rẻ, xem là hủ Nho, rồi bỗng hóa thành ông Thánh của mọi ông Thánh. Là thầy của muôn đời trong hàng ngàn năm phong kiến tăm tối. Rồi trong Cách mạng văn hóa với khẩu hiệu “phê Lâm, phê Khổng” ông lại bị các hồng vệ binh đập nát tấm bia “vạn thế sư biểu” tại đền thờ ông. Tượng ông bị khoét mắt, khoét tim và 100.000 tác phẩm của ông bị thiêu hủy. Rồi bỗng dưng ông được những người “từ chối mọi cải cách” chính trị ở Trung Quốc phục chế ở thời đại @, thành “giá trị Trung Hoa” ở thời đại kinh tế toàn cầu. Giải thưởng hòa bình Khổng Tử năm 2010 được trao cho ngài cựu Phó Tổng thống Đài Loan Liên Chiến và nhiều người khác. Năm 2011 được trao cho nhà độc tài Putin. Nhưng thật bất ngờ là những người đoạt giải đều phát biểu không biết nó là cái gì và không ai đi nhận giải. Vì thế cho nên những người Nga mới chế giễu rằng nó “nhảm nhí vô giá trị”.

Không thể “đi giật lùi đến tương lai” (NTB) được, thưa các nhà độc tài Trung Quốc! Không thể lừa bịp ai được ở thời đại thông tin toàn cầu này. Một nhà nước không “chính danh” sinh ra và tồn tại trên đầu ngọn súng mà tôn thờ một học thuyết nhân nghĩa yêu người thì thật là đại bịp.

Tháng 12/2012
L.P.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN





No comments:

Post a Comment

View My Stats