Sunday 9 December 2012

TRUNG QUỐC : HAI GIẢI NOBEL - HAI TÌNH CẢNH (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
Friday, December 07, 2012 6:23:21 PM

Giải Nobel văn học năm nay về tay nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn (Mo Yan) và ông sẽ nhận lãnh bằng và phần thưởng trị giá 8 triệu crown Thụy Ðiển (1.2 triệu US dollars) tại Stockholm, Thuy Ðiển, ngày 10 tháng 12, 2012.

Nhân dịp này, dư luận thế giới cũng hướng đến một người dân Trung Quốc khác từng được giải Nobel hòa bình năm 2010 là Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) nhưng đã không được đến nhận giải tại Na Uy và cho đến nay vẫn còn ở trong tù.
Ủy Ban Nobel thuộc Viện Hàn Lâm Thụy Ðiển loan báo trao tặng giải Nobel văn học năm 2012 cho nhà văn Mạc Ngôn “có văn phong kết hợp chủ nghĩa hiện thực ảo với văn học dân gian, lịch sử và đương đại.”

Truyền thông nhà nước ca ngợi Mạc Ngôn là người đầu tiên của Trung Quốc đoạt giải Nobel văn học. Thật ra trước ông, nhà văn, nhà viết kịch và nhà phê bình Cao Hành Kiện đã được giải Nobel văn học năm 2000. Cao là một trong những văn nghệ sĩ tiền phong của Trung Quốc đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Chính phủ Trung Quốc coi ông là một phần tử chống đối và các tác phẩm của ông bị cấm lưu hành từ năm 1986. Năm 1989 sau vụ đàn áp Thiên An Môn ông bỏ đảng Cộng Sản Trung Quốc và năm 1988 sang Pháp sinh sống và nhập quốc tịch năm 1998, hiện cư ngụ tại vùng ngoại ô Paris. Năm 2000 với tác phẩm “Linh Sơn,” câu chuyện của người đi tìm sự an bình và tự do nội tâm, ông đoạt giải Nobel văn học, người Hoa đầu tiên và công dân Pháp thứ 13 đoạt giải này.

Mạc Ngôn là một nhà văn có danh tiếng ở Trung Quốc. Thế giới biết đến ông với tác phẩm “Cao Lương Ðỏ” viết năm 1987, đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim “Red Sorgum” với diễn viên nổi tiếng Củng Lợi và bộ phim được giải Palm d'Or (Cành Cọ Vàng) tại Ðại hội Ðiện ảnh Cannes 1994. Từ 1981 đến nay ông đã xuất bản được trên 200 tác phẩm bao gồm 10 truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút.

Một số tác phẩm của Mạc đã được dịch ra tiếng Việt như “Báu Vật Của Ðời,” “Ðàn Hương Hình,” “Ma Chiến Hữu,” “Cây Tỏi Nổi Giận,” “Rừng Xanh Lá Ðỏ”... Riêng “Ma Chiến Hữu” nói về thân phận người lính Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, đã gây nhiều tranh cãi trong một số giới ở Việt Nam.

Tác phẩm của Mạc Ngôn bao gồm những nội dung phức tạp, pha trộn những câu chuyện thực tế đầy khắc nghiệt về cuộc sống ở vùng nông thôn Trung Quốc với nét châm biếm tưởng tượng và đôi khi kỳ quặc, kể cả chuyện ăn thịt người và những cuộc ăn uống truy hoan trác táng.

Sau khi được giải Nobel, dân Trung Quốc đổ xô đi tìm đọc sách của Mạc Ngôn. Theo một khảo sát ở Trung Quốc, tiền nhuận bút ông thu được năm nay lên tới 21.5 triệu nhân dân tệ ($3.5 triệu) và ông là nhà văn có thu nhập cao đứng vào hạng thứ nhì.

Mạc Ngôn là bút hiệu của Quản Mô Nghiệp, năm nay 57 tuổi, gốc nông dân ở huyện Cao Mật tỉnh Sơn Ðông. Ông nhập ngũ năm 1976, tới 1984 ông trúng tuyển vào khoa Văn thuộc Học Viện Nghệ Thuật Quân Giải Phóng và tốt nghiệp năm 1986. Từ 1987 chuyển ngành hoạt động sang lĩnh vực báo chí, viết văn chuyên nghiệp và là sáng tác viên bậc 1 của Cục Chính Trị-Bộ Tổng Tham Mưu Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.

Lãnh đạo ngành tuyên truyền của đảng cộng sản, Lý Trường Xuân, nói rằng giải thưởng cho Mạc Ngôn phản ánh “sự thăng hoa của văn học Trung Quốc.” Mặc dầu được ca ngợi, nhưng ngay tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng liệu Mạc Ngôn có xứng đáng với giải Nobel văn học hay không. Một số dư luận phê phán ông là một đảng viên và quá gần với chủ trương chính sách của đảng Cộng Sản Trung Quốc và mạnh mẽ hơn coi ông “chỉ là một con rối của đảng cầm quyền.”

Hiện nay Mạc Ngôn là phó chủ tịch Hội Nhà Văn Trung Quốc, tổ chức do chính quyền bảo trợ. Nhà nghệ sĩ bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị gọi Mạc Ngôn là người luôn luôn đứng về phía quyền lực. Nhiều giới trí thức Trung Quốc nhắc lại vụ Mạc Ngôn đã tham gia phong trào chép lại một bài diễn văn năm 1942 của Mao Trạch Ðông cho mục tiêu tuyên truyền. Ông cũng đã tham gia hành động được chính quyền Trung Quốc đề xướng là rời khỏi một hội chợ sách ở Ðức để phản đối sự có mặt của các nhà văn bất đồng chính kiến.

Trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm ở Stockholm khi đến thủ đô Thụy Ðiển chuẩn bị nhận giải thưởng Nobel, Mạc Ngôn đã tạo ra một làn sóng tranh luận khi cho rằng “kiểm duyệt là cần thiết.” Ông cho rằng kiểm duyệt không phải là ngăn chặn sự thật nhưng những xuyên tạc, phỉ báng, cần phải được kiểm duyệt. Về vấn đề nhạy cảm là chế độ kiểm duyệt tại Trung Quốc, ông tìm cách đưa ra lối ví von: “Khi tôi lên máy bay từ Trung Quốc đến đây, đi qua kiểm soát an ninh họ xét tôi đủ thứ kể cả bắt tháo dây lưng và cởi giầy... Nhưng tôi nghĩ rằng những kiểm tra ấy là cần thiết.”

Tuy nhiên ông tránh né những câu hỏi về trường hợp ông Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel hòa bình năm 2010 và đến nay vẫn còn bị cầm tù. Hồi đầu tháng 10 sau khi được tin đoạt giải Nobel văn học, Mạc Ngôn đã khiến những người chỉ trích ngạc nhiên khi nhắc tới Lưu Hiểu Ba trong một cuộc họp báo và nói rằng, “Tôi hy vọng ông sẽ sớm được tự do.” Mạc Ngôn cũng cho biết đã từng đọc các bài phê bình văn học của Lưu Hiểu Ba trong thập niên 1980 nhưng không biết gì về việc làm của ông Lưu khi chuyển sang chủ đề chính trị. Bây giờ Mạc Ngôn né tránh đề cập thêm về chuyện này, nói với các phóng viên: “Ngay buổi chiều khi tôi được giải Nobel, tôi đã bày tỏ quan điểm và quý vị có thể lên mạng để tìm biết.”

Một nhà văn Trung Quốc trong phái bất đồng chính kiến đang sống lưu vong tại Ðức, ông Dư Kiệt, cho rằng giải dành cho Mạc Ngôn “là vụ tai tiếng lớn nhất trong lịch sử giải Nobel văn học.” Văn sĩ Herta Mueller dân Romania, giải Nobel văn học 2009, gọi Mạc Ngôn là một “tai họa với sự ca tụng kiểm duyệt.”

Bút hiệu “Mạc Ngôn” theo chữ Hán có nghĩa là “Không Lời” hay “Im Lặng” và tình cờ trong trường hợp này ông áp dụng cho một người đúng theo ý đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn như thế.

Chính cái tinh thần kiểm duyệt đã đưa đến việc ngược đãi Lưu Hiểu Ba một trí thức và nhà hoạt động nhân quyền, chủ trương bầu cử dân chủ, ủng hộ các giá trị tự do, ủng hộ việc phân rõ quyền hạn và kêu gọi chính phủ chịu trách nhiệm về việc làm sai trái của mình. Từ năm 1989 đến nay, ông đã bị kết án tù và lao động khổ sai bốn lần vì các hoạt động chính trị hòa bình của mình, bắt đầu với việc tham gia cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989.

Tháng 6 năm 1989 sau cuộc biểu tình Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba bị giam trong nhà tù và bị kết án về tội “tuyên truyền và kích động phản cách mạng.” Tới năm 1996, ông phải chịu ba năm cải tạo lao động về tội “gây rối trật tự công cộng” vì đã chỉ trích đảng Cộng Sản Trung Quốc và khi mãn án năm 1999 tiếp tục bị công an canh phòng theo dõi chặt chẽ tại nhà. Tháng 1 năm 2005, sau cái chết của cựu Thủ Tướng Triệu Tử Dương, người đã đồng cảm với phong trào biểu tình sinh viên trong năm 1989, Lưu Hiểu Ba đã ngay lập tức bị quản thúc tại gia trong hai tuần.
Ngày 8 tháng 12 năm 2008 Lưu Hiểu Ba bị bắt giam vì hậu quả của việc ông tham gia viết “Hiến Chương 08,” ông bị buộc tội dính líu tới việc “xúi giục chống phá nhà nước.” và ngày 25 tháng 12 năm 2009 bị tòa kết án 11 năm tù, hai năm tước quyền chính trị.

Mặc dầu có sự phản đối của Trung Quốc, Ủy Ban Nobel thuộc Viện Hàn Lâm Na Uy vẫn quyết định trao giải thưởng hòa bình cho Lưu Hiểu Ba năm 2010, nhưng ông không được phép đến Oslo lãnh giải. Bà Lưu Hà, vợ ông, cũng bị quản thúc tại gia cho đến ngày nay.

Hôm Thứ Ba, 134 nhân vật từng được giải Nobel đã ký tên chung trong một văn thư yêu cầu tân lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà. Văn thư có chữ ký của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, Tổng Giám Mục Nam Phi Desmond Tutu, văn sĩ Mỹ Toni Morrison gởi đến Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc. Văn thư này “chào đón tương lai có sự lãnh đạo mới với tư tưởng mới và để đạt được điều đó chúng tôi thúc giục trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, người duy nhất được giải Nobel hòa bình trên thế giới còn bị ở tù, cùng với bà Lưu Hà vợ ông.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng giải thích và phản đối đề nghị này, nói rằng: “Ông Lưu Hiểu Ba bị kết án với một án tù cố định vì vi phạm luật pháp Trung Quốc. Chúng tôi phản đối người nước ngoài tham gia vào vấn đề theo cách thức có thể can thiệp vào chủ quyền pháp lý và nội bộ Trung Quốc.” Phát ngôn viên này cũng chúc mừng ông Mạc Ngôn là “người yêu nước và nhân dân mình”

Mạc Ngôn lâm vào một tình thế tế nhị đối với nhà cầm quyền Trung Quốc và theo dự đoán ông sẽ không thể đề cập đến trường hợp Lưu Hiểu Ba trong bài phát biểu của mỗi người đoạt giải tại lễ trao giải Nobel văn học vào ngày Thứ Hai, 10 tháng 12 sắp tới.

BBC dẫn lời của Giáo sư văn học Mã Tương Vũ trường Ðại Học Nhân Dân Bắc Kinh, cho rằng ông Mạc Ngôn phải lựa bước trên làn ranh giới mỏng manh giữ sự chỉ trích chế độ và hợp tác với họ. Ông nói: “Suốt một thời gian dài, Mạc Ngôn giữ một vị trí trong chế độ này nhưng không hoàn toàn nằm trong chế độ đó. Các tác phẩm của ông thường chỉ trích xã hội và chính trị. Ông ta là một người quá phức tạp để có thể chịu bị đặt trong khuôn khổ.” Theo lời Giáo Sư Mã Tương Vũ: “Sẽ hoàn toàn không có chuyện Mạc Ngôn nhắc tới Lưu Hiểu Ba trong bài phát biểu ở buổi lễ nhận giải Nobel. Tôi cho rằng ông ta sẽ rất khiêm tốn, không trực tiếp chỉ trích chính phủ mà cũng không hết lời ca ngợi Trung Quốc.” (HC)



Đọc thêm :







No comments:

Post a Comment

View My Stats