Thứ
Năm, 13/12/2012
Sau những ngày đêm trăn trở, tôi quyết định
tham gia cuộc mít tinh ngày 9/12/2012.
Là người Việt Nam tôi không thể “thấy nước
nhục mà không biết thẹn”.
Là công dân của một nước độc lập, tôi muốn
ít nhất một lần trong đời được thực thi quyền hiến định của mình.
Và trên hết, 5 vị nhân sĩ trí thức đứng tên
trong THÔNG BÁO VỀ VIỆC TỔ CHỨC MÍT TINH PHẢN ĐỐI NHỮNG HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN NHỮNG
NGÀY GẦN ĐÂY CỦA NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC là những vị đã cống hiến máu xương,
trí tuệ, công sức để xây dựng chính quyền này. Họ dứt khoát không phải là “thế
lực thù địch”.
Lý lẽ là như vậy nhưng sâu thẳm trong lòng
vẫn là nỗi lo sợ mơ hồ. Nhất là vào trước ngày tổ chức mít tinh, tôi được biết
cả 5 vị đã được thành ủy mời lên. Chính vì nỗi lo sợ mơ hồ đó mà khi con tôi
ngỏ ý muốn đi theo thì tôi đã ngăn cháu bằng câu nói đùa rằng “cần phải có một
người ở lại để nếu có việc gì thì còn có người thăm nuôi”.
Sáng sớm ngày 9/12/2012, tôi lại mở mạng
internet để cập nhật thông tin và được biết nhà ông Lê Hiếu Đằng và ông Lê Công
Giàu đã bị công an gác. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng rằng với kinh nghiệm hoạt
động trước đây, chắc hẳn các vị đó đã lường trước và chuẩn bị sẵn phương án dự
phòng cho tình huống xấu nhất.
Tám giờ sáng, tôi cùng một người bạn lên xe
hướng về Nhà hát thành phố. Đứng từ Thương xá Tax, rất dễ nhận thấy các lực
lượng công an, thanh niên tình nguyện qua sắc phục của họ. Khu vực quanh Nhà
hát thành phố đã bị chặn mọi hướng ra vào bằng các rào sắt. Dưới lòng đường xe
máy vẫn lưu thông, còn taxi buộc phải chạy hướng khác.
Chúng tôi đi vào quảng trường Nhà hát Thành
phố. Vì còn rất nhiều thời gian nên tôi cùng bạn dạo một vòng xung quanh nhà
hát rồi ngồi xuống bờ hàng rào bao quanh vườn hoa nhà hát để chờ đợi. Dàn quân
nhạc chơi những bài mà tôi không thấy quen thuộc. Cho đến khi họ chơi nhạc bài
“Cháu lên ba, cháu đi mẫu giáo…” thì không hiểu vì sao, cảm giác bất an trong
tôi càng tăng.
Hình như họ đã kết thúc bằng nhạc bài “Như
có Bác Hồ….”. Tôi thật sự không nhớ vì lúc đó đã qua 8 giờ 30, giờ chính thức
bắt đầu cuộc mít tinh. Tôi nhìn đồng hồ liên tục và cảm thấy từng phút cứ nặng
nề trôi qua.
Rồi nghe có tiếng reo hò. Nhìn về phía vườn
hoa đối diện Nhà hát Thành phố thì thấy một đoàn người mang cờ và khẩu hiệu
tiến vào quảng trường nhà hát. Đoàn người hô các khẩu hiệu và hát. Không có ai
phát biểu như những cuộc mít tinh thông thường.
Rồi đoàn người rời quảng trường nhà hát và
bắt đầu đi theo đường Lê Lợi hướng ra đường Nguyễn Huệ. Chúng tôi đi theo đoàn
người và gặp thêm một người bạn. Người này nói với chúng tôi rằng các vị Lê
Hiếu Đằng, Lê Công Giàu không thể đến được vì công an đã không cho họ ra khỏi
nhà. Khi nghe câu kết của người đó rằng “rắn mất đầu rồi, còn cái đuôi muốn
quẫy sao thì quẫy” thì tôi thấy đất dưới chân mình như muốn sụt xuống. Tôi vẫn
đi theo đoàn người, nhưng họ không thể ra khỏi khu vực đã bị chặn bằng các rào
sắt. Đành quay trở lại.
Những người trẻ tuổi xung quanh tôi vừa đi
vừa hào hứng vỗ tay và hát theo một giọng nam nào đó được tăng âm nhờ loa cầm
tay nên mọi người đều nghe được. Cho đến khi cái giọng nam đó bắt nhịp cho tất
cả hát theo nào là “Cha thương con vì con giống mẹ….”, nào là “Bắc kim thang,
cà lang bí rợ…” và thậm chí là “một con vịt xòe ra hai cái cánh…” thì tôi phải
tự hỏi: Chống Trung Quốc là thế này đây sao?
Chúng tôi quay trở lại quảng trường nhà hát
thành phố. Sự xuất hiện của ông Huỳnh Tấn Mẫm rõ ràng đã mang lại sinh khí cho
cuộc mít tinh. Tất cả như trút được gánh nặng. Những lời hô khẩu hiệu, những
bài hát trở nên khí thế hơn. Trên
bậc thềm cao nhất của Nhà Hát Thành phố, ông Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu gì đó.
Nhưng không có loa. Tôi đứng ngay dưới mà vẫn không thể nghe ông nói gì.
Và tôi lại tự hỏi, phải chăng người cầm loa hát để bắt nhịp cho các bạn trẻ hát
“một con vịt… ” lúc nãy cũng là người của chính quyền cài vào?
Rồi các lực lượng thanh niên tình nguyện
tràn lên để dồn nhóm người trong đó có ông Huỳnh Tấn Mẫm xuống các bậc thang
thấp hơn. Tôi đưa máy ảnh lên để chụp lại cảnh này. Ngay bên cạnh tôi, một
giọng nói lạnh lùng cất lên “Cất máy ảnh ngay. Không được quay phim chụp ảnh ở
đây”. Tôi quay sang bên cạnh, nhìn thẳng vào mắt gã thanh niên mặc thường phục
vừa nói những lời đó và không thể tin được đằng sau vẻ thư sinh kia lại là một
gã công an chìm.
Hình 2 chụp ngay trước khi gã công an chìm
đứng cạnh yêu cầu tôi cất máy ảnh nên tôi đã không thể chụp lại cho tốt hơn.
Có vẻ như cuộc mít tinh đã kết thúc. Chúng
tôi chuẩn bị ra về. Bỗng có tiếng la lớn “Không được bắt người yêu nước”. Tôi
quay lại thì thấy bạn thanh niên mang lá cờ đỏ sao vàng đang bị một nhóm mặc
thường phục xông vào không biết định bắt người hay định giật cờ. Mọi người bắt
đầu nhốn nháo. Rồi đám mặc thường phục đó quay sang giằng co với bạn vừa la.
Tôi nhìn thấy bạn cầm cờ quàng lá cờ vào cổ mình. Giờ đây, khi viết những dòng
này, tôi vẫn nhìn thấy nét mặt của bạn và lại thấy nghẹn ngào. Cầu mong cho bạn
được bình an. Lại có tiếng la “coi chừng móc túi”. Tôi quay lại nhìn kẻ vừa la.
Một gương mặt mà nếu đoán tuổi thì tôi nghĩ là còn đang học phổ thông. Nó la
như vậy nhưng mặt tỉnh queo, chẳng có ai móc túi ai cả.
Trên đường ra về, chúng tôi lại gặp một
người bạn nữa. Chúng tôi nhận ra bạn, nhưng bạn lại không nhận ra chúng tôi.
Khi người bạn đi cùng tôi đến gần và hỏi có phải bạn là H. không thì tôi có cảm
giác bạn kia hốt hoảng. Chúng tôi phải giải thích để bạn đó nhớ ra và đứng nói
chuyện với nhau một lúc trước khi ra về. Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện,
có khoảng 2, 3 đứa con gái còn trẻ đi ngang và nói trỏng rất to như cố ý để tất
cả cùng nghe: “Muộn rồi. Đi về đi.” Với kinh nghiệm thu thập được trong cuộc
mít tinh vừa qua, tôi đoán chắc đám này đến đây đâu phải để dự mà để phá cuộc
mít tinh.
Tôi trở về nhà. Lòng trĩu nặng. Không có
tâm trạng nào ngay cả để trả lời câu hỏi của con tôi về cuộc mít tinh.
Hôm nay, khi tất cả tạm lắng xuống. Tôi
bình tĩnh để viết những dòng này.
Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói một điều với
những người đã kêu gọi chúng tôi xuống đường rằng: trong khi các vị còn bận
thanh minh với đảng rằng chúng tôi chỉ chống Trung Quốc chứ không chống đảng
thì đảng ta có đủ thời gian để sau khi lãnh đạo nhân dân “…đánh thắng hai đế
quốc to là Pháp và Mỹ…” thì sẽ tiếp tục lãnh đạo để xây dựng nước CHXHCNVN, xin
được đọc lại là nước “Chư Hầu Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Cay đắng thay, chư
hầu cho chính “kẻ thù truyền kiếp”.
Hồng Minh
No comments:
Post a Comment