06.12.2012
Chuyến bay kéo dài
dằng dặc hơn 15 tiếng từ Úc sang Dallas, Texas. Lại mất thêm gần một tiếng cho
các thủ tục nhập cảnh. Và chờ thêm ba tiếng nữa mới được lên một chiếc máy bay
nhỏ xíu hơn 50 ghế ngồi để đến thành phố Lubbock. Chuyến bay lần này khá ngắn,
theo lời phi công trưởng, chỉ mất 47 phút, nhưng trên thực tế, từ lúc bước lên
máy bay đến lúc ra khỏi phi trường, phải mất ít nhất một tiếng rưỡi. Tổng cộng,
từ nhà ở Úc đến nơi đây, tôi mất hơn 20 tiếng. Để làm gì ư? – Để chỉ thăm Trung
tâm Việt Nam (The Vietnam Center) thuộc trường Texas Tech University.
Tôi có ý định thăm Trung tâm Việt Nam đã lâu. Lâu lắm. Ít nhất từ cả 10 năm trước, lúc tôi mới mở một lớp mới tại Victoria University về chiến tranh Việt Nam với cái tên Many Vietnams: War, Culture and Memory (Nhiều nước Việt Nam: Văn hoá, chiến tranh và ký ức). Theo tôi, Trung tâm Việt Nam là nơi mà các nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam hoặc xã hội Việt Nam trước năm 1975 không thể không tới. Biết thế, nhưng tôi cứ lần khân mãi. Một phần vì bận bịu. Phần khác vì ngại sự xa xôi và heo hút của cái thành phố nơi trung tâm toạ lạc.
Được xem là thành phố đông dân thứ 11 của tiểu bang Texas, nhưng thật ra, theo thống kê dân số năm 2010, Lubbock chỉ có 229.573 người, tức gần bằng dân số của một quận trung bình ở Sài Gòn, hoặc gần gấp đôi dân số ở thị xã Hội An. Dân ít, đất lại rộng, nhà cửa thưa thớt nên cái ít ấy càng có vẻ ít hơn nữa. Cái ít và cái thưa ấy làm Lubbock trở thành một nơi hiu quạnh và buồn chán. Đi trên một trong những con đường chính của thành phố dẫn đến Texas Tech University, tôi thấy nhiều nhất hình như là nhà thờ. Đủ loại nhà thờ. Nhà thờ nào cũng nguy nga và cao chót vót. Nhưng các trung tâm văn hoá, nghệ thuật và giải trí thì lại khá hiếm hoi.
Trước năm 2009, thậm chí, trong thành phố không có cả một tiệm bán rượu sỉ và lẻ (dù một số tiệm ăn có thể phục vụ rượu)! Một nơi như thế, đến, chủ yếu là để làm việc và để… đi tu.
Nếu không đi tu thì đi… học.
Nét nổi bật nhất của thành phố Lubbock là đại học. Có tổng cộng ba đại học: Lubock Christian University, Texas Tech Univeristy Health Sciences Center và Texas Tech University. Tổng cộng số sinh viên ở Lubbock lên đến khoảng 50.000 người, tức chiếm khoảng một phần năm dân số của thành phố. Trong ba trường, lớn nhất là Texas Tech University, được thành lập từ năm 1923, với hơn 30.000 sinh viên đến từ khắp nơi trên nước Mỹ và trên 100 quốc gia trên thế giới. Tại tiểu bang Texas, đó là trường đại học đông sinh viên hàng thứ bảy nhưng lại là trường đại học có diện tích lớn hàng thứ nhì tại Mỹ.
Trường cung cấp 150 chương trình học bậc cử nhân, 100 chương trình học bậc thạc sĩ, 50 chương trình học bậc tiến sĩ và 60 viện và trung tâm nghiên cứu. Tại trường Texas Tech University, một trong những điểm son nổi bật nhất chính là Trung tâm Việt Nam.
Không phải ở những lãnh vực khác, Texas Tech University không có thành tựu gì đáng kể. Có. Nhìn chung, Texas Tech University được nằm trong danh sách 500 trường đại học giỏi nhất thế giới (xê xích từ khoảng 160 đến 350, tuỳ từng trung tâm đánh giá). Năm 2010, ngành Kỹ sư được U.S. News & World Report xếp hạng thứ 76; đặc biệt ngành Kỹ sư dầu khí được xếp hạng thứ 10 trên toàn nước Mỹ. Lãnh vực Kinh doanh cũng được xếp hạng cao: năm 2009, đứng hàng 36 trong số 800 trường chuyên về kinh doanh ở Mỹ.
Trong các trung tâm nghiên cứu của Texas Tech University, có một số trung tâm rất nổi tiếng. Ví dụ, về y học, Texas Tech University đang hợp tác với đại học Harvard nghiên cứu cách trị liệu bệnh liệt kháng. Họ cũng tham gia nhiều dự án nghiên cứu về không gian trị giá cả hàng mấy trăm triệu Mỹ kim với NASA… So với các trung tâm ấy, Trung tâm Việt Nam thuộc loại nhỏ. Nhỏ xíu. Nó chỉ có khoảng 10 nhân viên toàn thời (cộng thêm khoảng 20 nhân viên bán thời – tất cả đều là sinh viên hoặc Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ làm thêm mỗi tuần năm, mười giờ).
Tuy nhiên, cái trung tâm nhỏ xíu này lại là điểm đặc thù của Texas Tech University. Các trung tâm khác, dù thành công đến mấy, vẫn có thể thấy ở những nơi khác. Còn Trung tâm Việt Nam thì không. Nó chỉ có ở Texas Tech University.
Được thành lập từ năm 1989, Trung tâm Việt Nam có nhiệm vụ sưu tập và bảo quản các tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam từ nhiều phía khác nhau: miền Bắc và miền Nam Việt Nam, Mỹ trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh. Các tài liệu ấy bao gồm nhiều hình thức khác nhau: sách (không nhiều, chỉ khoảng trên 10.000 cuốn); báo (khá nhiều, đặc biệt báo chí chính trị ở cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam trước 1975); nhưng quan trọng nhất, theo tôi, chính là các tài liệu cá nhân tịch thu được trong chiến tranh Việt Nam.
Các tài liệu được xem là cá nhân ấy bao gồm nhật ký, thư từ, sổ ghi chép hoặc các tài liệu học tập chính trị in bằng thạch bản nhem nhuốc hoặc, thậm chí, được chép tay. Có cả hàng triệu trang tài liệu như thế. Ở đây, tôi được nhìn thấy tận mắt bản gốc cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm. Nhưng tôi thích hơn là những tài liệu chả có ý nghĩa chính trị hay văn học gì cả. Chúng giúp tôi hình dung ra không khí cuộc chiến tranh thời ấy. Ví dụ, nhân viên bảo quản phần thư khố của Trung tâm cho tôi xem một hồ sơ đựng trong một chiếc hộp riêng, trong đó, chỉ chứa 5,7 mẩu giấy vụn được xé ra từ một trang giấy vở học trò. Người ta ráp các mẩu vụn ấy lại với nhau, để trong một bọc nhựa; với lời ghi chú: nhặt được trên một chiếc phi cơ trao trả tù binh ra Hà Nội. Chữ viết chi chít, trên một tờ giấy vàng ố. Tôi cố gắng đọc. Chả có gì quan trọng cả. Đó chỉ là một trang ghi chép bài học về mâu thuẫn của Mao Trạch Đông. Thời ấy, trước 1975, tư tưởng Mao Trạch Đông được phát triển mạnh mẽ. Tất cả cán bộ và bộ đội miền Bắc đều phải học tập. Một anh tình báo Mỹ nào đó, nhặt được mảnh giấy xé vụn ấy, ngỡ nó chứa một bí mật gì quan trọng, đã nâng niu cất giữ. Và cuối cùng, nó lọt qua Mỹ; nằm ở Trung tâm Việt Nam thuộc Texas Tech University đến tận bây giờ.
Tôi thích nhìn những mẩu giấy như thế. Có những mẩu giấy làm tôi rợn người. Ví dụ mẩu án lệnh cho các phiên toà xét xử những người bị xem là “phản động”. Giấy xấu, chữ nhoè; phần chi tiết bỏ trống. Tôi tưởng tượng một số bộ đội, khi đến một làng nào đó, cứ việc bắt một người nào đó, ghi tên họ vào tờ án lệnh, rồi đọc to lên trong một phiên toà gọi là nhân dân; cuối cùng, phiên toà kết thúc bằng một loạt súng và những thây người tan nát.
Với tôi, đó là những tài liệu thuộc loại quý báu và không thể thay thế được.
Điều đáng quý nhất của Trung tâm Việt Nam là, từ năm 2000, họ bắt đầu xây dựng một Thư khố Việt Nam Ảo (Virtual Vietnam Archive) với nhiệm vụ chủ yếu là sao chụp các tài liệu có trong thư khố và đưa lên mạng để mọi người, ở bất cứ đâu trên thế giới, cũng có thể vào đọc được. Hiện nay, Thư khố ảo này đã có trên 3.2 triệu trang tài liệu từ trên 1.400 bộ sưu tập khác nhau; bao gồm cả mấy trăm cuộc phỏng vấn các cựu chiến binh thuộc nhiều phía trong Dự án Lịch sử Truyền khẩu (Oral History Project) của Trung tâm.
Bạn nào chưa có điều kiện đến Trung tâm Việt Nam, tôi nghĩ, cũng nên ghé thăm thư khố ảo này cho biết. Địa chỉ: Http://www.vietnam.ttu.edu/
Tôi có ý định thăm Trung tâm Việt Nam đã lâu. Lâu lắm. Ít nhất từ cả 10 năm trước, lúc tôi mới mở một lớp mới tại Victoria University về chiến tranh Việt Nam với cái tên Many Vietnams: War, Culture and Memory (Nhiều nước Việt Nam: Văn hoá, chiến tranh và ký ức). Theo tôi, Trung tâm Việt Nam là nơi mà các nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam hoặc xã hội Việt Nam trước năm 1975 không thể không tới. Biết thế, nhưng tôi cứ lần khân mãi. Một phần vì bận bịu. Phần khác vì ngại sự xa xôi và heo hút của cái thành phố nơi trung tâm toạ lạc.
Được xem là thành phố đông dân thứ 11 của tiểu bang Texas, nhưng thật ra, theo thống kê dân số năm 2010, Lubbock chỉ có 229.573 người, tức gần bằng dân số của một quận trung bình ở Sài Gòn, hoặc gần gấp đôi dân số ở thị xã Hội An. Dân ít, đất lại rộng, nhà cửa thưa thớt nên cái ít ấy càng có vẻ ít hơn nữa. Cái ít và cái thưa ấy làm Lubbock trở thành một nơi hiu quạnh và buồn chán. Đi trên một trong những con đường chính của thành phố dẫn đến Texas Tech University, tôi thấy nhiều nhất hình như là nhà thờ. Đủ loại nhà thờ. Nhà thờ nào cũng nguy nga và cao chót vót. Nhưng các trung tâm văn hoá, nghệ thuật và giải trí thì lại khá hiếm hoi.
Trước năm 2009, thậm chí, trong thành phố không có cả một tiệm bán rượu sỉ và lẻ (dù một số tiệm ăn có thể phục vụ rượu)! Một nơi như thế, đến, chủ yếu là để làm việc và để… đi tu.
Nếu không đi tu thì đi… học.
Nét nổi bật nhất của thành phố Lubbock là đại học. Có tổng cộng ba đại học: Lubock Christian University, Texas Tech Univeristy Health Sciences Center và Texas Tech University. Tổng cộng số sinh viên ở Lubbock lên đến khoảng 50.000 người, tức chiếm khoảng một phần năm dân số của thành phố. Trong ba trường, lớn nhất là Texas Tech University, được thành lập từ năm 1923, với hơn 30.000 sinh viên đến từ khắp nơi trên nước Mỹ và trên 100 quốc gia trên thế giới. Tại tiểu bang Texas, đó là trường đại học đông sinh viên hàng thứ bảy nhưng lại là trường đại học có diện tích lớn hàng thứ nhì tại Mỹ.
Trường cung cấp 150 chương trình học bậc cử nhân, 100 chương trình học bậc thạc sĩ, 50 chương trình học bậc tiến sĩ và 60 viện và trung tâm nghiên cứu. Tại trường Texas Tech University, một trong những điểm son nổi bật nhất chính là Trung tâm Việt Nam.
Không phải ở những lãnh vực khác, Texas Tech University không có thành tựu gì đáng kể. Có. Nhìn chung, Texas Tech University được nằm trong danh sách 500 trường đại học giỏi nhất thế giới (xê xích từ khoảng 160 đến 350, tuỳ từng trung tâm đánh giá). Năm 2010, ngành Kỹ sư được U.S. News & World Report xếp hạng thứ 76; đặc biệt ngành Kỹ sư dầu khí được xếp hạng thứ 10 trên toàn nước Mỹ. Lãnh vực Kinh doanh cũng được xếp hạng cao: năm 2009, đứng hàng 36 trong số 800 trường chuyên về kinh doanh ở Mỹ.
Trong các trung tâm nghiên cứu của Texas Tech University, có một số trung tâm rất nổi tiếng. Ví dụ, về y học, Texas Tech University đang hợp tác với đại học Harvard nghiên cứu cách trị liệu bệnh liệt kháng. Họ cũng tham gia nhiều dự án nghiên cứu về không gian trị giá cả hàng mấy trăm triệu Mỹ kim với NASA… So với các trung tâm ấy, Trung tâm Việt Nam thuộc loại nhỏ. Nhỏ xíu. Nó chỉ có khoảng 10 nhân viên toàn thời (cộng thêm khoảng 20 nhân viên bán thời – tất cả đều là sinh viên hoặc Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ làm thêm mỗi tuần năm, mười giờ).
Tuy nhiên, cái trung tâm nhỏ xíu này lại là điểm đặc thù của Texas Tech University. Các trung tâm khác, dù thành công đến mấy, vẫn có thể thấy ở những nơi khác. Còn Trung tâm Việt Nam thì không. Nó chỉ có ở Texas Tech University.
Được thành lập từ năm 1989, Trung tâm Việt Nam có nhiệm vụ sưu tập và bảo quản các tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam từ nhiều phía khác nhau: miền Bắc và miền Nam Việt Nam, Mỹ trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh. Các tài liệu ấy bao gồm nhiều hình thức khác nhau: sách (không nhiều, chỉ khoảng trên 10.000 cuốn); báo (khá nhiều, đặc biệt báo chí chính trị ở cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam trước 1975); nhưng quan trọng nhất, theo tôi, chính là các tài liệu cá nhân tịch thu được trong chiến tranh Việt Nam.
Các tài liệu được xem là cá nhân ấy bao gồm nhật ký, thư từ, sổ ghi chép hoặc các tài liệu học tập chính trị in bằng thạch bản nhem nhuốc hoặc, thậm chí, được chép tay. Có cả hàng triệu trang tài liệu như thế. Ở đây, tôi được nhìn thấy tận mắt bản gốc cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm. Nhưng tôi thích hơn là những tài liệu chả có ý nghĩa chính trị hay văn học gì cả. Chúng giúp tôi hình dung ra không khí cuộc chiến tranh thời ấy. Ví dụ, nhân viên bảo quản phần thư khố của Trung tâm cho tôi xem một hồ sơ đựng trong một chiếc hộp riêng, trong đó, chỉ chứa 5,7 mẩu giấy vụn được xé ra từ một trang giấy vở học trò. Người ta ráp các mẩu vụn ấy lại với nhau, để trong một bọc nhựa; với lời ghi chú: nhặt được trên một chiếc phi cơ trao trả tù binh ra Hà Nội. Chữ viết chi chít, trên một tờ giấy vàng ố. Tôi cố gắng đọc. Chả có gì quan trọng cả. Đó chỉ là một trang ghi chép bài học về mâu thuẫn của Mao Trạch Đông. Thời ấy, trước 1975, tư tưởng Mao Trạch Đông được phát triển mạnh mẽ. Tất cả cán bộ và bộ đội miền Bắc đều phải học tập. Một anh tình báo Mỹ nào đó, nhặt được mảnh giấy xé vụn ấy, ngỡ nó chứa một bí mật gì quan trọng, đã nâng niu cất giữ. Và cuối cùng, nó lọt qua Mỹ; nằm ở Trung tâm Việt Nam thuộc Texas Tech University đến tận bây giờ.
Tôi thích nhìn những mẩu giấy như thế. Có những mẩu giấy làm tôi rợn người. Ví dụ mẩu án lệnh cho các phiên toà xét xử những người bị xem là “phản động”. Giấy xấu, chữ nhoè; phần chi tiết bỏ trống. Tôi tưởng tượng một số bộ đội, khi đến một làng nào đó, cứ việc bắt một người nào đó, ghi tên họ vào tờ án lệnh, rồi đọc to lên trong một phiên toà gọi là nhân dân; cuối cùng, phiên toà kết thúc bằng một loạt súng và những thây người tan nát.
Với tôi, đó là những tài liệu thuộc loại quý báu và không thể thay thế được.
Điều đáng quý nhất của Trung tâm Việt Nam là, từ năm 2000, họ bắt đầu xây dựng một Thư khố Việt Nam Ảo (Virtual Vietnam Archive) với nhiệm vụ chủ yếu là sao chụp các tài liệu có trong thư khố và đưa lên mạng để mọi người, ở bất cứ đâu trên thế giới, cũng có thể vào đọc được. Hiện nay, Thư khố ảo này đã có trên 3.2 triệu trang tài liệu từ trên 1.400 bộ sưu tập khác nhau; bao gồm cả mấy trăm cuộc phỏng vấn các cựu chiến binh thuộc nhiều phía trong Dự án Lịch sử Truyền khẩu (Oral History Project) của Trung tâm.
Bạn nào chưa có điều kiện đến Trung tâm Việt Nam, tôi nghĩ, cũng nên ghé thăm thư khố ảo này cho biết. Địa chỉ: Http://www.vietnam.ttu.edu/
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment