Wednesday, 5 December 2012

SẦU OÁN VÌ TÂM THỨC ! (Nhà báo Minh Diện viết về Nguyễn Hữu Đang)




Minh Diện
Thứ ba, ngày 04 tháng mười hai năm 2012

Tháng 8 vừa qua nhân về quê làm đám giỗ, tôi sang Kiến Xương thăm quê ông Nguyễn Hữu Đang. Quê ông ở thôn Trà Vi, xã Vũ Công, cách nhà tôi gần bốn chục cây số.

Chiều Thu se lạnh. Những cánh diều chao nghiêng giữa trời xanh ngắt. Con đường nhựa phẳng phiu chạy giữa đồng lúa đang vào độ chín. Xa xa thấp thoáng mấy tháp chuông nhà thờ.

Tôi bỗng nhớ những câu thơ cháy lòng của ông Nguyễn Hữu Đang:

“Anh đến nhân gian lạc bến bờ.
Tìm sông lưu lạc núi bơ vơ !
Biết chăng sầu oán vì tâm thức!
Máu đẫm tay người dệt phím tơ!
Bước chân lịch sử đi không vội !
Tơ nhện thiên đường dệt ước mơ!”…

Quê tôi không phải đất địa linh nhân kiệt, nhưng đã sinh ra những con người như cụ Thượng thư Lương Quy Chính, Tướng Trần Độ, nhà báo Nguyễn Hữu Đang… những bậc tài đức đáng kính trọng. Nhưng tôi cũng băn khoăn tự hỏi, phài chăng quê mình đất bạc, nên các bậc tài danh ấy số phận quá truân chuyên? Cuộc đời của Thượng thư Lương Quy Chính, của Tướng Trần Độ, và đặc biệt nhà báo Nguyễn Hữu Đang nói lên điều đó.

Nguyễn Hữu Đang sinh năm 1913 trong một gia đình trí thức. Vì tham gia Hội sinh viên, thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, nên năm 17 tuổi đã bị thực dân Pháp bắt giam, đưa ra tòa xét xử. Được thả vì còn vị thành niên, ông lên Hà Nội học trường Cao đằng sư phạm, vừa tốt nghiệp dấn thân ngay vào con đường cách mạng. Ông là thành viên chủ chốt trong phong trảo Mặt trận dân chủ Đông Dương, làm biên tập viên báo Thời Báo, Ngày Mới, Tin Tức, là bạn bè chí cốt với các ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố. Khi đảng công sản rút vào hoạt động bí mật, ông được phân công ra công khai, vận động trí thưc, lo tài chính cho đảng. Các nhà tư sản ngày ấy sẵn sàng đưa tiền,vàng cho Nguyễn Hữu Đang, không cần bất kỳ một thứ chứng từ nào, người ta tin ông là một người trung thực,và biết tiền bạc của mình được sử dụng đúng mục đich.

Tháng 8-1945, Nguyễn Hữu Đang được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào bầu làm thành viên Uỷ ban dân tộc khởi nghĩa, đó là Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Có một câu chuyện, một thời gian dài người ta cố tình lờ đi là kỳ tích dựng Lễ đài độc lập của ông Nguyễn Hữu Đang.

Chuyện kể rằng, chiều 28-8-1945, ông Nguyễn Văn Tố dẫn Nguyễn Hữu Đang vào gặp Hồ Chủ tịch, nhận nhiệm vụ Trường ban Tổ chức ngày Lễ độc lập 2-9 và dựng Lễ đài. Thời gian chỉ còn đúng 48 tiếng đồng hồ, trong tay không có bất kỳ một thứ vật liệu nào. Ông Nguyễn Hữu Đang nói thật với Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch nói với ông: “Có khó thì mới cần đến chú!”

Chỉ một câu nói ấy, đã thôi thúc Nguyễn Hữu Đang lao vào công việc, và nhờ uy tín của ông, dân Hà Nội đã đóng góp tài năng, trí tuệ, sức người sức của, dưng lên Lễ đài Độc Lập sừng sững giữa vưởn hoa Ba Đình, Hà Nội, nơi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 2-9-1945.

Sau cách mang tháng 8, ông Nguyễn Hữu Đang lảm Thứ trưởng Bộ Thanh niên và nhiều chức vụ khác. Năm 1956 ông biên tập báo Nhân Văn, bị khép vào nhóm Nhân văn giai phẩm, ngày 21-1-1960, ông bị đưa ra tòa với tội danh làm gián điệp, bị phạt 15 năm tù, biệt giam ở Hà Giang.

Suốt 15 năm tù, ông Nguyễn Hữu Đang không được tiếp xúc với người thân, không hề biết có cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông còn sống mà như đã chết, bị tách ra khỏi thế giới loài người!

Năm 1974, Nguyễn Hữu Đang mãn hạn tù, tuổi 62, tóc râu bạc phơ, thơ thẩn như lạc vào cõi lạ.

Gót nhọc men về thung cũ
Quỳ dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo dưới chân

Những câu của nhà thơ Phùng Cung đã khắc họa ngày trở về của Nguyễn Hữu Đang như thế.

Ông trở về nơi ông sinh ra, làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Dù có anh em họ mạc, nhưng ông không muốn làm phiền họ. Lúc đầu ông ở trại nuôi lợn của hợp tác xã, sau về tá túc ở chái bếp khu tập thể giáo viên thôn Trà Vi.

Cái chái bếp nơi ông ở, có lần nhà văn Phùng Quán tới thăm, kể rằng, chỉ khoảng 5 mét vuông, nhằng nhịt giây nhợ, mái chạm đầu nên lúc nào cũng phải ở tư thế lom khom. Cách cái bếp tập thể một bức vách trát bùn ngào với rơm, khói bếp lùa sang, làm mắt ông cay xè, ông tự an ủi bởi thỉnh thoảng được ngửi mùi mỡ rán cũng đỡ thèm! Cái gường không có chân, kê bằng gạch vỡ, bàn ăn là đít cái thùng tôn gánh nước người ta vứt bỏ, ghế ngồi là cái lu sành vỡ lật ngược, ông gọi là đôn sứ, cái bàn viết mối mọt ăn hết hai chân, phải treo một đầu lên vách, ông dẫn lời Trang Tử: “Một cái bàn có bốn chân là một cái bàn. Một cái bàn có hai chân là một con người!”

Hơn hai mươi năm ông sống nhờ cóc, nhái, rắn chuột. Ông lượm những vỏ bao thuốc lả đổi cho trẻ chăn trâu lấy cóc nhái làm món ăn. Ông lấy nắp hộp dầu cù là xâu lại, làm cái lục lạc đeo ở hai mắt cá chân, mỗi bước đi nó phát ra tiếng lách cách, để cảm thấy mình còn hiện diện trên trái đất này, và bớt cô đơn! Ông sợ lúc chết phiền người khác, nên dọn sẵn một hố đất đười gốc bụi tre, cách chái bếp không xa, để có thể bò ra đó mà chết.

Khi ông còn ở tù đã đành, lúc ông đã ra tù, và nhiều người đã biết ông bị oan trái mà vẫn bỏ rơi ông. Những người bạn chí cốt ngày xưa, ông lo cho từng bộ quần áo, từng tập vở cây bút, không một lần ghé thăm. Tồ Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài dành cho ông những lời bịa đặt. Những bài bào vu khống đăng nhan nhản. Ông nhẫn nhục sống và viết, không oán ai nửa lời, cái nhân cách mới tuyệt vời làm sao!

Anh đến nhân gian lạc bến bờ
Tìm sông lưu lạc núi bơ vơ
Bước chân lịch sử đi không vội
Tơ nhện thiên đường dệt ước mơ!

Tâm hồn của ông Nguyễn Hữu Đang trong sáng và thấm đẫm tình yêu con người, yêu tự do. Ông khảng khái viết:
“Do pháp trị thiếu sót, mà cải cách ruộng đất hỏng to đến thế”“Hộ khẩu rình bên cừa sổ, khiến người ta mất ăn mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám xét nhà người kinh doanh, ép buộc người có nhà rộng phài nhường lại một phần cho cán bộ hay cơ quan ở, công an hỏi giấy hôn thú đôi vợ chồng ngồi ngắm trăng, thủ trưởng cơ quan đòi kiểm duyệt từng bài báo…”.

Những lời thẳng thắn của nhà báo Nguyễn Hữu Đang vẫn còn giá trị hiện thực, đóng góp vào việc sửa đổi hiến pháp.

Căn nhà bếp của giáo viên có cái chái nơi ông Nguyễn Hữu Đang ở, bụi tre có cái hố nông, ông chọn làm nơi vĩnh biệt cõi đời, giờ không còn dấu vết. Chính quyền địa phương đã xây dựng sân chơi và nhà văn hóa khang trang. Hương linh ông Nguyễn Hữu Đang đã được thờ cúng trong nhà từ đường họ Nguyễn ở thôn Trà Vi. Anh Nguyễn Văn Thịnh, một người cháu ông Nguyễn Hữu Đang nói với tôi: “Lịch sử đã ghi nhận công lao nhân cách của bác tôi, và chúng tôi tự hào vế ông!”

31-8, Nhâm Thìn

M D     

Bàiliên quan:


--------------------------------------------

TÀI LIỆU về NGUYỄN HỮU ĐANG :





No comments:

Post a Comment

View My Stats