Sunday, 9 December 2012

RFI phỏng vân ĐỖ TRUNG QUÂN về CUỘC BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC SÁNG 9/12/2012




Tháng Mười Hai 9, 2012

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ hôm qua, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã bày tỏ suy nghĩ của ông về thái độ của chính quyền Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc :

ĐỖ TRUNG QUÂN: “Tôi xin trả lời với tư cách là một công dân Việt Nam. Trước những hình thái ngày càng ngạo mạn, lộ liễu, đối với dư luận, với thế giới thì họ vẫn bảo rằng họ không có mưu đồ ở Biển Đông. Nhưng tất cả những điều họ làm thì tôi thấy ngược lại với điều họ nói, thì điều này hầu hết những người có hiểu biết cũng đã thấy

Là một công dân Việt Nam, tôi phẫn nộ và phản ứng trước thái độ không thiện chí, không hữu hảo như họ nói đối với Việt Nam. Quan điểm của tôi là thế này. Nếu có mắc mứu ở cấp ngoại giao Việt Nam thì đó là đối ngoại, nhưng đối nội thì nhà nước nên dựa vào dân. Nếu không có dân thì xưa nay không một quốc gia nào đủ ưu thế mà đối thoại ngay trên bàn ngoại giao cả – với hiểu biết kém cỏi của tôi là như thế. Người ta vừa ngoại giao vừa phải dựa vào dân nữa.

Tôi thấy rằng là nhà nước Việt Nam hình như không phát huy sức mạnh người dân, không tin và không dựa vào dân. Tôi hoàn toàn phản đối việc đàn áp khi người dân biểu lộ thái độ chống những hình thái khiêu khích – mà mỗi ngày ở cường độ tăng lên chứ không giảm xuống, và với nhiều hình thái mới sâu xa hơn, thâm hiểm hơn, chiến lược hơn.

Tôi buồn, vì người dân cảm thấy biểu lộ thái độ với đất nước mà trong tâm trạng lo âu nhiều hơn, mặc dù họ phải làm. Như tôi, với tư cách một công dân Việt Nam, tôi phải làm.

Nếu để cho Nhà nước làm thì chúng tôi thấy rằng, lâu nay Nhà nước càng bảo để cho Đảng và Nhà nước lo thì ngược lại chúng ta cứ bị lấn tới, và mất dần cái phản xạ. Tôi rất sợ mất dần phản ứng, lo nhất là thái độ mệt mỏi và thờ ơ của một Nhà nước không tin dân, và vẫn còn những hình thái trấn áp với người dân.


Khi người ta biểu lộ chống ngoại xâm – tôi xin nhắc lại, chống ngoại xâm – ở đây tôi vẫn có những lời kêu gọi những anh chị em trẻ, khác chính kiến, trong điều kiện tổ quốc lâm nguy, bị uy hiếp chúng ta có thể gác lại những chính kiến khác nhau. Đừng tranh cãi những vấn đề xưa nay chúng ta tranh cãi kéo dài, tạm gác lại để có một thái độ chung. Tôi biết tôi bước xuống đường Nhà nước không hài lòng, một số người không hài lòng nhưng tôi khẳng định tôi chống ngoại xâm trước đã. Không phải tôi sợ, nhưng cái gì ra cái nấy.

Có một lần người dân Sài Gòn cũng đã xuống đường rẩt là đông đảo để phản kháng hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc. Thưa anh lần này có lời kêu gọi mít tinh, theo như kiến nghị của 42 công dân thành phố cách đây hơn bốn tháng…

Tôi thấy là các anh, những người đứng ra gởi lời hiệu triệu này, họ làm đúng điều họ nói là sẽ thông báo cho chính quyền Sài Gòn biết địa điểm, ngày giờ. Nếu Nhà nước không trả lời, thái độ vẫn im lặng thì họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quyền được xuống đường biểu tình trong Hiến pháp, quyền của người dân trước nạn ngoại xâm. Tôi thấy đến giờ này hình như không có một động thái trả lời nào. Khi tôi biết những nơi được nhận ở thành phố này, đã được đề ở dưới bản thông báo đó, thì tôi cũng không ngạc nhiên bởi vì sẽ không có trả lời đâu!

Chúng tôi vẫn nói ngay trong lần này cũng như lần trước, thái độ là 50/50. Chính quyền có thể đàn áp, có thể không, tùy vào diễn biến và tùy vào đánh giá của chính quyền như thế nào đối với thái độ của người dân thôi. Chúng tôi có bao giờ có được tâm trạng xuống đường một cách không âu lo đâu, nhưng vẫn phải làm.”

RFI: Thưa ông lúc nãy ông có nói, nếu không để người dân biểu lộ quan điểm bằng cách biểu tình phản kháng Trung Quốc chẳng hạn, thì sẽ mất dần phản xạ. Và cái nguy cơ người ta thờ ơ trước thời cuộc có lẽ còn đáng lo hơn việc biểu tình phản đối?

ĐỖ TRUNG QUÂN: “Khi tôi nói thờ ơ, không phải là tất cả nhưng số đông. Tôi cho rằng là hiện tại số người – không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp – quan tâm đến tình hình đất nước ít hơn là một đám đông khác. Tất nhiên tôi không hề kết luận họ sai. Tôi chỉ nói rằng là, một người có lý do riêng để quan tâm hoặc thờ ơ, nhưng sự thờ ơ lâu ngày khiến cho mọi phản xạ, hoặc chậm chạp đi, hoặc biến mất.
Thờ ơ và dửng dưng là thái độ rất là nguy hiểm của một đất nước mà không bình an. Tôi xin nói là đất nước chúng ta đang trong giai đoạn không bình yên, thì nếu sự thờ ơ và dửng dưng đối với vận mệnh của đất nước nhiều hơn, đó là điều đáng lo ngại. Và lẽ ra chính quyền hơn ai hết là người phải hiểu điều này. Còn nếu chính quyền muốn như thế thì tôi cũng không lý giải được
Tôi nói thật, đàn áp ai chả sợ – tôi cũng sợ nữa này! Thành ra câu chuyện này nằm ở thái độ của chính quyền đối với người dân. Nếu chính quyền tin cậy, biết dựa vào họ, không sợ hãi, không suy diễn thành cái khác, thì tôi nghĩ vấn đề đã khác.”

RFI: Xin rất cám ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân…

Theo FB Đỗ Trung Quân





No comments:

Post a Comment

View My Stats