Sunday, 23 December 2012

"QUAN, QUẦN, HƯNG, OÁN" TRONG THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN (Trần Phong Vũ)




22-12-2012

DCVOnline - Một số tổ chức sẽ phối hợp thực hiện buổi lễ tưởng niệm thi sĩ Nguyễn Chí Thiện tại phim trường đài Truyền Hình VHN từ 2 đến 4 giờ Chúa Nhật, ngày 06-01-2013. Buổi tưởng niệm sẽ được truyền hình trực tiếp.

DCVOnline xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Trần Phong Vũ, về tôn chỉ “Quan, Quần, Hưng, Oán” trong thơ của tác giả Hoa Địa Ngục.

*
*

Nhân Giỗ 100 ngày cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện, bàn về tôn chỉ “Quan, Quần, Hưng, Oán” trong thơ ông

Trong Lời Tựa thi phẩm Hoa Địa Ngục do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông, Hoa Kỳ ấn hành năm 2006, cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện viết:
“Khổng Tử có lời luận về thơ như sau: ‘Thi khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ hưng, khả dĩ oán’, nghĩa là thơ có khả năng giúp ta biết nhìn nhận, biết tập hợp, biết hưng khởi, biết oán giận’. Suốt cuộc đời làm thơ, lúc nào tôi cũng theo tôn chỉ ‘Quan, Quần, Hưng, Oán’ đó, vì tôi nghĩ nó tóm tắt khá đủ về chức năng của thơ”.
Với thái độ khiêm tốn cố hữu – và cũng có thể do ý hướng của một nhà thơ luôn cầu toàn – tác giả Hoa Địa Ngục viết tiếp: “Nhưng do năng lực giới hạn, thơ tôi chưa đạt được bốn tiêu chuẩn trên.”
Mời độc giả cùng người viết, đọc và tìm hiểu thơ Nguyễn Chí Thiện để coi tác giả đã đạt được đến đâu qua tôn chỉ Quan, Quần, Hưng, Oán theo lời bàn của Khổng Phu Tử.

Thi khả dĩ quan

Thơ có khả năng giúp ta biết nhìn nhận. Nhìn nhận cái gì nếu không là những hình tượng của người, vật hoặc sự việc diễn tả trong câu thơ hoặc toàn bộ bài thơ, từ dấu tích bề ngoài cho tới những ý tưởng hàm ngụ bên trong và đàng sau người, vật hoặc sự việc.

Đan cử bài “Một tay em trổ…” trang 211 Hoa Địa Ngục:
“Một tay em trổ: Đời xua đuổi!
Một tay em trổ: Hận vô bờ!
Thế giới ơi, ngươi có thể ngờ
Đó là một tù nhân tám tuổi!
Trên bước đường tù, tôi rong ruổi
Tôi gặp hàng nghìn em bé như em!”
(1971)
Qua sáu câu thơ ngắn ngủi trên đây, bằng cặp mắt quan sát và bằng khối óc suy tư, -với tầm hiểu biết sơ đẳng-, người đọc nhìn thấy và nhận ra ngay dáng vẻ bề ngoài dị thường của một em bé với những vết chàm mang tự dạng trên hai tay. Một bên là ba chữ Đời xua đuổi, và bên kia: Hận vô bờ! Tác giả thảng thốt kêu lên: liệu thế giới ngoài kia có thể ngờ rằng đấy chính là nhân dạng của một tù nhân lên tám?

Rồi qua hai câu cuối, tác giả cho người đọc biết thêm: trên bước đường rong ruổi lăn lộn hết nhà tù này sang nhà tù khác dưới chế độ cộng sản trong ngót ba thập niên, ông đã từng bắt gặp hàng nghìn tù nhân “con nít” như thế!

Nhìn dáng vẻ bề ngoài dị dạng với nét chữ xâm trên tay của em bé tù nhân, người đọc không thể không nêu lên câu hỏi: tại sao lại đời xua đuổi? và tại sao lại hận vô bờ? Rồi ngay lập tức câu trả lời hiện ra trong trí: xã hội, chế độ đã xua đuổi, trù giập em. Từ đấy đã để lại trong em mối hận thù chất ngất khôn nguôi! Xa hơn, trong trí người đọc thơ Nguyễn Chí Thiện còn nảy sinh biết bao câu hỏi về nguyên nhân, hệ quả của những thế hệ trẻ thơ bất hạnh đang kéo dài kiếp sống vất vưởng trên đất nước ta hôm nay. Nó là hậu quả tất nhiên của một xã hội băng hoại, một nền giáo dục suy đồi xuống giốc tại Việt Nam mà qua những thông tin được gửi ra hàng ngày ai cũng biết.

Năm 1966, tức 5 năm trước đó, trong bài “Những thiếu nhi…” trang 139-140, Hoa Địa Ngục, tác giả viết:
“Những thiếu nhi điển hình chế độ
Thuở mới đi tù trông em thật ngộ!
Lon xon không phải mặc quần
Chiếc áo tù dài phủ kín gót chân
Giờ thấm thoát mười năm đã lớn
Mặt mũi vêu vao, tính tình hung tợn
Mở miệng là chửi bới chẳng từ ai
Có thể giết người vì củ sắn, củ khoai!
(1966)
Vẫn chỉ là những nét chấm phá hình ảnh của một em nhỏ sớm sa chân vào vòng lao lý trong chế độ cộng sản Việt Nam. Khác chăng là ở đây nhà thơ đã cho người đọc thấy rõ những đổi thay từ tính khí tới nhân dáng bề ngoài của một em bé dễ thương, ngộ nghĩnh –cho dẫu đấy là cái dễ thương, ngộ nghĩnh “cười ra nước mắt” của những ngày đầu mới chân ướt chân ráo bị đẩy vào tù, còn ở truồng với “chiếc áo tù dài phủ kín gót chân”, cho tới khi trở thành một thanh niên hung hãn, bặm trợn, máu lạnh, có thể chỉ vì miếng khoai, củ sắn mà biến thành kẻ sát nhân, hậu quả của 10 năm được đảng và chế độ cộng sản đào luyện trong gông cùm, sắt máu!

Với cách diển tả cô đọng, hiện thực, chỉ trong 8 câu thơ ngắn, Nguyễn Chí Thiện đã vẽ ra trước mắt người đọc một chuỗi những hoạt hình linh động đầy kịch tính. Trong số 700 bài thơ trong toàn tập thi phẩm Hoa Địa Ngục, người đọc bắt gặp không ít những lời thơ đơn sơ, mộc mạc, dễ tiếp nhận như hai bài trích dẫn trên đây. Chi tiết này đã được chính ông xác nhận trong bài đọc Tuyển Tập thơ văn của người viết(1) khoảng ngót một tháng trước khi ông phải vào bệnh viện. Đây là bài viết duy nhất cùng loại và là bút tích cuối cùng của tác giả Hoa Địa Ngục trước khi từ giã cõi đời.

Nguyễn Chí Thiện viết:
“Tôi là người làm thơ. Nhưng hầu hết thơ của tôi được ghi lại trong cảnh tù đày, mang nặng những đau thương, uất nghẹn của thân phận con người (…) Nó là những hiện thực trần trụi, đơn sơ, không có tu từ văn chương, đọc thấy ngay, hiểu ngay…”


Thi khả dĩ quần

Thơ có khả năng giúp ta biết hợp quần, liên kết. Vẫn nội dung hai bài thơ sáu và tám câu trên đây, người đọc thấy văng vẳng đâu đó một lời mời gọi những con người còn có lương tâm phải hợp quần, phải chung lưng đấu cật để cùng nhau làm một cái gì hầu xóa tan đi cái thảm trạng những mái đầu xanh bị đọa đày một cách bất nhân, vô đạo. Là những người đang sống giữa một xã hội văn minh, dân chủ, tự do, chúng ta thấy tuổi thơ được tôn trọng, bảo vệ như thế nào. Chính từ cảm nhận ấy, những lời thơ gọi là “trần trụi, đơn sơ” trên đậy của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện quả thật đã có tác dụng liên kết mọi người thành một khối, biết gác ngoài mọi tư kiến, tư hiềm để cùng dấn thân vào một cuộc vận động chung hầu xóa tan đi những cảnh tượng đau lòng mà những ai còn có lương tâm, biết nghĩ tới tương lai quốc gia dân tộc không thể làm ngơ.

Bằng cái nhìn và lối suy nghĩ chủ quan, tôi rất tâm đắc và đánh giá cao bài “Sẽ có một ngày…” trong thi phẩm Hoa Địa Ngục của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Ngoài giá trị nhân bản hàm súc trong lời và ý thơ, nó còn hàm ẩn một khơi gợi, kích thích cho một cuộc hồi tâm, một chuyến trở về tập hợp bên nhau giữa bạn và thù, giữa những người đã bị những tháng năm dài chiến tranh, thù hận đẩy xa. Xin mời đọc lại toàn bộ bài thơ.

“Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất Đảng
Đội lại khăn tang
Đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan vào cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa
Kẻ bạo lực xô chân

Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trong mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ trên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!

Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng “Tiến Quân Ca”
Và tiếng “Quốc Tế Ca”
… Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!”
(1971)

Dĩ nhiên, những gì gói ghém trong những vần thơ tha thiết trên đây chỉ là mộng ước của tác giả, và cũng là mộng ước của mỗi người Việt Nam. Nhưng âm hưởng, tiết tấu hàm ngụ trong lời và ý thơ quyện vào không gian mờ ảo của khói hương nghi ngút có sức mạnh làm mềm những trái tim chai đá của những kẻ lạc đường, lâu nay bị lôi cuốn vào những tham vọng bất chính, trả lại cho đương sự những tình cảm thuần lương, chân thực, để còn biết bùi ngùi hối hận khi nghĩ về cơn ác mộng: người đối xử với người như loài lang sói! Giữa cảnh đen tối, tuyệt vọng của lao tù, bệnh hoạn, người thơ Nguyễn Chí Thiện mơ về một ngày nào đó, súng ống, vũ khí giết người, cờ quạt, Đảng, Đoàn… sẽ bị vất hết để cho những con người hiền lương tìm đến bên nhau, cùng thắp lại nén hương bên phần mộ người thân từng bị bỏ quên trong những năm dài chinh chiến, hận thù.

Cho dù ước mơ của tác giả chưa thành hiện thực, nhưng quả thật trong một chừng mực nào đó, ý tưởng tha thiết hàm ngụ trong bài thơ trên đây của ông đã có sức lay động lòng người mãnh liệt. Cách đây không lâu, thời gian nhà thơ Nguyễn Chí Thiện còn tại thế, chính ông và người đang viết những giòng này đã được nghe tâm tình của một người anh em từ trong nước ra thăm thân nhân ở Mỹ.

Lần đâu tiên gặp mặt tác giả Hoa Địa Ngục, mắt anh sáng lên một niềm vui. Anh công khai cho biết đã cùng bạn bè thân quen ở quốc nội đọc đi đọc lại đến thuộc lòng nhiều bài trong tập thơ của Nguyễn Chí Thiện trên mạng internet. Anh thấm thía chia sẻ nỗi lòng của tác giả gói ghém trọng bài “Sẽ có một ngày…” Nó là một trong những động cơ khiến cho anh và một số bạn bè anh, những đảng viên CS hoặc cảm tình viên của chế độ lâu năm, trong sớm chiều phải suy nghĩ và đặt lại những gì mình tin tưởng từ bao nhiêu thập niên qua.


Thi khả dĩ hưng

Thơ có khả năng giúp ta hưng khởi, phấn chấn. Nghiền ngẫm gần 500 câu thơ cảm khái của Nguyễn Chí Thiện trong trường thi Đồng lầy, người đọc không khỏi trạnh lòng. Đấy là toàn cảnh bức tranh ảm đạm vẽ lại tâm tình đớn đau, tuyệt vọng của người thơ trước cảnh tang thương thấm đẫm máu lệ của con người bị dìm ngập trong vũng lầy hôi thối, chết chóc của xã hội Việt Nam kể từ khi lá cờ máu lên ngôi. Dưới đây là vài trích đoạn.
“Ngỡ cờ sao rực rỡ
Tô thắm màu xứ sở yêu thương
Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường
Hung bạo phá bờ kim cổ
Tiếng mối rường rung đổ chuyển non sông
Mặt trời sự sống
Thổ ra
Từng vũng máu hồng
Ôi tiếc thương một mùa lúa vun trồng
Một Mùa Thu nước lũ
Trở thành bùn nước mênh mông
Lớp lớp sóng hồng
Man dại
Chìm trôi quá khứ tương lai
Máu, Lệ
Mồ hôi
Dớt dãi
Đi về ai nhận ra ai
Khiếp sợ!
Sững sờ!
Tê dại!
Lịch sử quay tít vòng ngược lại
Thời hùm beo rắn rết công khai
Ngàn vạn đấu trường mọc dậy giữa ban mai
Đúng lúc đất trời nhợt nhạt
Bọn giết người giảo hoạt
Nâng cốc mừng thắng lợi liên hoan

Đạo lý tối cao ở xứ đồng lầy
Là lừa thày phản bạn
Và tuyệt đối trung thành vô hạn
Với Đảng, với Đoàn, với lãnh tụ thiêng liêng!
Hạt thóc hạt ngô phút hóa xích xiềng
Họa phúc toàn quyền của Đảng

Tôi vẫn ngồi yên mơ màng như vậy
Mặc cho đàn muỗi quấy rầy
Bóng tối lan đầy khắp lối
Không còn phân biệt nổi
Trâu hay người lặn lội phía bờ xa…”
Nhưng, giữa hoản cảnh đau thương, tăm tối, tuyệt vọng ấy, từ đâu đó vẫn ngời lên một tia sáng hy vọng giữa đồng lầy ô trọc, đủ sức đánh động, phấn khích lòng người:
“Chúng tôi tuy chìm ngụp giữa bùn đen
Song sức sống con người hơn tất cả
Trước sau sẽ vùng lên quật ngã
Lũ quý yêu xuống tận đáy đồng lầy
Huyệt chôn vùi mùa Thu Nhục Nhã là đây
Hè, Xuân sẽ huy hoàng đứng dậy…, “

Bởi vì:
“Người dân đã có thừa kinh nghiệm // Bạo lực đen ngòm trắng nhởn nhe nanh // Trại lính, trại tù xây lũy thép vây quanh // Song bạo lực cũng đành bất lực // Trước sự chán chường tột bực của nhân tâm // Có những con người giả đui điếc thầm câm // Song rất thính và nhìn xa rất tốt // Đã thấy rõ ngày đồng lầy mai một // Con rắn hồng dù lột xác cũng không // Thoát khỏi lưới trời lồng lộng mênh mông // Lẽ cùng thông huyền bí vô chừng // Giờ phút lâm chung // Quỷ yêu làm sao ngờ nổi // Rồi đây // Khi đất trời gió nổi // Tàn hung ơi, bão lửa trốn vào đâu? // Bám vào đâu? // Lũ chúng bay dù cho có điên đầu // Lo âu, phòng bị // Bàn bạc cùng nhau // Chính đám sậy lau// Sẽ thiêu tất cả lũ bay thành tro xám! // Học thuyết Mác-Lê, một linh hồn u ám?// Không gốc rễ gì trên mảnh đất ông cha // Mấy chục năm phá nước, phá nhà // Đã tới lúc lũ tông đồ phải lôi ra pháp trường tất cả // Song bay vẫn tiệc tùng nhật dạ // Tưởng loài cây to khoẻ chặt đi rồi // Không gì nghi ngại nữa! // Bay có hay đâu sậy lau gặp lửa // Còn bùng to hơn cà đề, đa // Những con người chỉ có xương da // Sức bật, lật nhào tung hết // Hoa cuộc sống // Đảng xéo dày mong nát chết // Nhưng mà không, sông núi vẫn lưu hương // Mỗi bờ tre góc phố, vạn nẻo đường // Hương yêu dấu còn thầm vương thắm thiết // Nếu tất cả những tâm hồn rên xiết // Không cúi đầu cam chịu sống đau thương // Nếu chúng ta quyết định một con đường // Con đường máu, con đường giải thoát // Dù có phải xương tan, thịt nát // Trong lửa thiêng trừng phạt bọn yêu ma // Dù chết chưa trông thấy nở mùa hoa // Thì cũng sống cuộc đời không nhục nhã // Thì cũng sống cuộc đời oanh liệt đã // Nếu chúng ta cùng đồng tâm tất cả // Lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa // Máu ươm hoa, hoa máu chan hòa // Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đóa // Hoa hạnh phúc tự do vô giá // Máu căm hờn, phun đẫm mới đâm bông // Đất nước sa vào trong một hầm chông // Không phải một ngày thoát ra được đó // Con thuyền ra khơi phải chờ lộng gió // Phá xích, phá xiềng phải sức búa đao // Còn chúng ta phải lấy sức làm bè // Lấy máu trút ra, tạo thành sông nước // Mới mong nổi lên vũng lầy tàn ngược // Nắm lấy cây sào cứu nạn trên cao // Tiếp súng, tiếp gươm bè bạn viện vào // Phá núi, xẻ mây đón chào bão lộng // Nếu có thể tiến vào hang động // Tiêu diệt yêu ma // Thu lại đất trời // Thu lại màu xanh // Ánh sáng // Cuộc đời // Chuyện lâu dài, sự sống ngắn, chao ôi! // Nỗi chờ mong thắm thiết mãi trong tôi // Tôi mong mãi một tiếng gì như biển ầm vang dội

Tôi lắng nghe
Hình như tiếng đó đã bắt đầu
Nhưng tôi hiểu rằng đó là tiếng của lịch sử dài lâu
Nên trời đêm dù thăm thẳm ngòm sâu
Dường như vô giới hạn trên đầu
Tôi vẫn nguyện cầu
Vẫn sống và tin
Bình minh tới
Bình minh sẽ tới…”
Lời thơ dồn dập, ý thơ lồng lộng, quyết liệt như bài hịch xuất quân, tạo nên nguồn hưng phấn bất ngờ cho người đọc.

Trong bài “Khi Mỹ chạy…” trang 238-239 thi phẩm Hoa Địa Ngục, sau hai câu mang âm hưởng một tâm sự buồn đau: “Khi Mỹ chạy bỏ miền Nam cho Cộng sản,
Sức mạnh toàn cầu nhục nhã kêu than!!!”
Tiếp đó là những lời thơ có sức xuyên núi, phá thành, dù người viết đang sống “Giữa tù lao, bệnh hoạn, cơ hàn”, bởi vì:

“Thơ vẫn bắn và thưa dư sức đạn!
Vì thơ biết một ngày mai xa xôi nhưng xán lạn
Không dành cho thế lực yêu gian

Thơ vẫn đó, gông cùm trên ván
Âm thầm, thâm tím, kiên gan,
Biến trái tim thành ‘Chiếu Yêu Kính’ giúp nhân gian,
Tất cả suy tàn,
Sức thơ vô hạn
Thắng không gian và thắng cả thời gian
Sắt thép quân thù năm tháng gỉ han!”
(1975)

Và vẫn những lời thơ bốc lửa, phấn khích như thế, trong hai bài “Đảng đày tôi…” trang 222 và “Trong bóng đêm…” trang 249 Hoa Địa Ngục, người thơ đã truyền vào hơi thở vào huyết quản, vào tâm não người đọc ông một ý chí quật cường, một tinh thần hăng say, quyết liệt, bứt phá, để trong một giây xúc động tột cùng, dám hy sinh tất cả để mong làm một cái gì, chống lại những thế lực hung tàn, ác độc để cứu nguy dân nước.

“Đảng đày tôi trong rừng
Mong tôi, xác bón từng gốc sắn
Tôi hóa thành người săn bắn
Và trở về đầy ngọc rắn sừng tê

Đảng dìm tôi xuống bể
Mong tôi, đáy nước chìm sâu
Tôi hóa thành người thợ lặn
Và nổi lên ngời sáng ngọc châu

Đảng vùi tôi trong đất sâu
Mong tôi, hóa bùn đen dưới đó
Tôi hóa thành người thợ mỏ
Và đào lên quặng quý từng kho

- Không phải quặng kim cương hay quặng vàng chế đồ nữ trang xinh nhỏ
Mà quặng uranium chế bom nguyên tử!!!”
(1972)

“Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lớp người đói rét
Phục sẵn một đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử!”
(1976)

Nếu Khổng Tử tái sinh lúc này hẳn ngài không thể không gật đầu, vuốt râu tâm đắc khi đọc những vần thơ hùng tráng trên đây của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, vì hơn hết thảy, nó là biểu chứng rành rành cho định nghĩa “thi khả dĩ hưng” của ông.


Thi khả dĩ oán

Thơ có khả năng giúp ta biết oán hận. (Dĩ nhiên là những khi có nhu cầu phải oán hận, phải phẫn nộ để bảo toàn nhân cách, nhất là trong trường hợp đối tượng của oán ghét, phẫn hận là sự ác, gây tổn hại tới nhân quyền, nhân phẩm và sự sống con người.)

Có thể đoan quyết mà không sợ sai lầm là gần như mỗi câu, mỗi bài thơ của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đều gợi lên những tình cảm oán hờn, phẫn nộ trong ta. May mắn được quen thân và gần gũi tác giả Hoa Địa Ngục trong nhiều năm, cá nhân tôi nhận ra ở ông một nhân cách lớn, một con người có tâm hồn nhân bản, luôn bao dung, khoan thứ, chan hòa lòng yêu thương. Nó biểu hiện tròn đầy trong cung cách suy nghĩ, hành sử của ông trong đời sống ở bất cứ giai đoạn, cảnh ngộ nào. Cần xác định như vậy để chúng ta hiểu con người thật của Nguyễn Chí Thiện ngay cả khi đọc được những lời thơ bỗ bã, trần trụi, có thể nói là độc địa của ông chĩa vào đảng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản và những khuôn mặt biểu tượng cho thứ chủ nghĩa tàn độc, phi nhân bản này.

Mời độc giả đọc lại hai câu đầu trong mỗi khổ bốn câu của bài thơ “Đảng đày tôi” ở trên để thấy đảng cộng sản đã xếp loại ông vào hạng kẻ thù hàng đầu cần truy diệt:

“Đảng đày tôi trong rừng
Mong tôi, xác bón từng gốc sắn!”

“Đảng dìm tôi xuống bể
Mong tôi, đáy nước chìm sâu!”

“Đảng vùi tôi trong đất sâu
Mong tôi, hóa bùn đen dưới đó!”

Đọc lại tiểu sử tác giả Hoa Địa Ngục, người ta được biết căn nguyên khiến Nguyễn Chí Thiện bị cộng sản tống ngục lần đầu ở lứa tuổi đôi mươi chỉ vì khi nhận lời dạy thế môn sử cho một người bạn ông đã mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những chi tiết gian dối trong sách giáo khoa của chế độ Hà Nội(2). Kể từ đấy cho tới năm 1991, chỉ trong vòng ba thập niên, ông đã phải ở tù 27 năm dài không xét xử, không bản án, bao gồm cả chục năm bị hành hạ tàn nhẫn dưới chế độ kiên giam, tay chân bị cùm kẹp ngày đêm.

Bài “Xưa Lý Bạch…” một mặt vẽ lại cho người đọc thấy tâm tình và cảnh ngộ tang thương, khốn khó của tù nhân lương tâm Nguyễn Chí Thiện. Mặt khác nó còn là một bản đối chiếu giúp công luận nhận ra một sự thật khó tin là vào những năm cuối của thế kỷ 20, con người –kể cả thành phần ưu tuyển là nhà văn nhà thơ- dưới nanh vuốt của chế độ độc tài độc đàng cộng sản bị đối xử còn tàn tệ hơn cả thời phong kiến xa xưa:

“Xưa Lý Bạch, ngửng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ quê hương
Nay tôi, ngẩng đầu nhìn nhện giăng bụi bám
Và cúi đầu giết rệp, nhặt cơm vương
Lý Bạch rượu say gác chân lên bụng vua Đường
Tôi đói lả gác lên cùm gỉ xám
Lý Bạch sống thời độc tôn u ám
Phong kiến bạo tàn chẳng có tự do
Còn tôi sống thời cộng sản ấm no
Hạnh phúc tự do, thiên đường mặt đất
Rủi Lý Bạch, mà may tôi thật!”
(1967)

Trở lại với nội dung trường thi “Đồng lầy”, người đọc tìm thấy hàng trăm dẫn chứng về khả năng khơi gợi tình cảm “oán than, phẫn nộ” trước nỗi oan khiên mà đồng bào ta đã phải chịu trong hơn nửa thế kỷ qua, trong đó tác giả Hoa Địa Ngục là một điển hình bi đát. Để khỏi mất công tìm kiếm, mời quý vị đọc lại trích đoạn đầu trong trường thi “Đồng lầy” ở phần trên để cảm nhận tất cả nỗi đau đớn, uất nghẹn của con người bị bủa vây, cùm kẹp trên đất nước ta kể từ ngày chủ nghĩa cộng sản tràn vào.

Bài “Anh gặp em…”, trang 129 Hoa Địa Ngục, được nhà thơ Nguyễn Chí Thiện phô diễn lại hình ảnh tội nghiệp của người con gái miền Nam, khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954, vì nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ đã bỏ quê hương bản quán tập kết ra Bắc, để đến nỗi thân tàn ma dại khi đảng và chế độ đẩy vào vòng lao lý. Nội dung và âm hưởng hàm súc trong bài thơ này của cố thi sĩ họ Nguyễn gói ghém trọn vẹn tất cả bốn tiêu chuẩn Quan, Quần, Hưng, Oán theo cách nhìn về sứ mạng thi ca của người xưa.

Thứ nhất, bài thơ phơi bày trọn vẹn trước mắt ta hình tượng thảm thương, rách nát, ốm o, bệnh tật và cuối cùng là cái chết đau đớn, cô đơn của cô gái vì lỡ lầm chọn con đường tập kết từ Nam ra Bắc để trở thành tù nhân “bất đắc dĩ” của một chế độ bất nhân! Từ đấy cũng toát lên nhân cách và con người nhân bản của tác giả Hoa Địa Ngục.

Thứ hai, thứ ba rồi thứ tư, xuyên qua những nét chấm phá trên đây của người thơ Nguyễn Chí Thiện, những tiếng nói thầm câm hàm ngụ trong bài “Anh gặp em…” đã có tác dụng nối kết những người Việt Nam yêu nước thương nòi lại để tác động, phấn khích lẫn nhau, khơi gợi thất tình, biết căm thù, oán giận, phẫn nộ, biết ngẩng cao đầu trực diện với sự ác, ngõ hầu kiên vững một niềm tin vào nguyên lý bất di dịch là “đạo nghĩa tất thắng gian tà”, sớm hay muộn, chắc chắn “Bình minh tới // Bình minh sẽ tới”.

Bình minh của mỗi cá nhân và bình minh của toàn thể dân tộc.

“Anh gặp em trong bốn bức rào dày,
Má gầy, mắt trũng
Phổi em lao
Chân em phù thũng
Gió lạnh từng cơn rú qua thung lũng
Em ngồi run
Ôm ngực còm nhom
Y sĩ công an
Nhìn em
Thôi nạt nộ om sòm(3)
Em ngồi lọt thỏm
Giữa bọn người vàng bủng, co ro
Những tiếng ho
Những cục đờm màu
Mái tóc rối đầu em rũ xuống
Mình em
Teo nhỏ, lõa lồ!
Em có gì đâu mà em xấu hổ!
Em là đau khổ hiện thân
Ngấn lệ đêm qua còn dấu hoen nhòa
Trên gò má tái
Trong lòng anh bấy nay xám lại
Nhìn em
Lệ muốn chảy dài
Anh nắm chặt bàn tay, em hơi rụt lại
Em nhìn anh,
Mắt đen tròn, trẻ dại
Nước da xanh tái thoáng ửng màu
Trong quãng đời tù phiêu dạt bấy lâu
Đau ốm một mình tội thân em quá!
Chắc đã nhiều đêm em khóc như đêm qua
Khóc mẹ
Khóc nhà
Khóc buổi rời miền Nam thơ ấu
Chân trời hun hút nay đậu?
Rồi đây
Em nằm dưới đất sâu
Em sẽ hiểu một điều
Là đời em ở trên mặt đất
Đất nước đè em
Nặng chĩu hơn nhiều!
Những lúc nghĩ thân mình bó trong manh chiếu
Anh biết lòng em kinh hãi hơn ai!
Khi gió bấc ào ào qua vách ải
Những manh áo vải
Tả tơi!
Vật vã!
Vào thịt da
Em có lạnh lắm không?
Mưa gió mênh mông
Thung lũng
Sũng nước bùn
Bệnh xá mối đùn, ẩm mốc
Những khuôn mặt xanh vàng gầy dộc
Nhìn nhau
Đờ đẫn không lời
Nhát nhát em ho
Từng miếng phổi rụng rời
Bọt sùi, đỏ thắm!
Em chắc oán đời em nhiều lắm
Oán con tàu tập kết Ba Lan
Trên sóng năm nào
Đảo chao
Đưa em rời miền Nam chói nắng

Sớm qua ngồi, tay em anh nắm
Muốn truyền cho nhau chút tình lửa ấm
Mặc bao ngăn cấm đê hèn

Sáng nay em
Không trống
Không kèn
Giã từ cuộc sống!
Xác em dấp trên đồi cao gió lộng
Hồn anh trống rỗng!
Tả tơi!”
(1965)

Bài thơ chấm dứt bằng mấy chữ trống rỗng! tả tơi! dội lên trong hồn người đọc một niềm cảm thương chất ngất pha lẫn hận thù. Cảm thương cho thân phận xấu số của người con gái sinh bất phùng thời. Cảm thương cho mấy chục triệu đồng bào đang gặp cơn ma chướng mà những gì chụp xuống thân phận tù nhân lương tâm Nguyễn Chí Thiện trong suốt 27 năm trường là một minh chứng. Từ niềm cảm thương được nối kết trong tình tự dân tộc ấy, một cơn oán hận ngút ngàn bùng phát trong tim óc mọi con dân Việt Nam trước dã tâm và những hành vi ác độc của chủ nghĩa bạo tàn cộng sản.

Ai? Kẻ nào đã đem chủ thuyết Mác-Lê vào gieo rắc tang thương, máu lệ trên quê hương ta? Nguyễn Chí Thiện là người đã chọn ở lại miền Bắc sau tháng 7 năm 1954 khi đất nước bị chia đôi. Nhưng cũng chính ông là người đầu tiên đã sáng suốt nhận ra không ai khác hơn là Hồ Chí Minh để công khai lên án y là “tội đồ dân tộc”, kẻ mà cho đến nay, mặc dù đã chết rục xương hơn 40 năm trước, vẫn còn được những đồ tử đồ tôn của y coi như thần tượng, là một thứ “cha già” để làm chỗ dựa lưng cho chế độ.

Ngay từ năm 1964, khi họ Hồ còn ở ngai quyền lực, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã viết bài “chửi” thậm tệ nhân sinh nhật ông ta. Theo ông, Hồ Chí Minh chỉ là thứ “Chính trị gia sọt rác”, vì thế không xứng đáng để ông “Đổ mồ hôi… làm thơ” cho dẫu là làm thơ để “chửi”. Giữa thời vàng son của chế độ, giữa lúc thịnh thời của một kẻ đang được đảng và nhà nước xưng tụng, tâng bốc là “Cha Già Dân Tộc”, thế mà khi kết thúc bài thơ nhân sinh nhật “Bác”, Nguyễn Chí Thiện dám bạo tay viết ba chữ “Kệ cha Bác!”

Chưa hết, bốn năm sau, năm 1968 cũng là năm Hồ Chí Minh chết, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã hạ bút viết “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, câu nói từng được thốt ra từ cửa miêng họ Hồ để mở đầu cho một bài thơ bất hủ của ông. Trong bài này, tác giả đã dùng những danh xưng “xách mé” để chỉ họ Hồ, kẻ mà ngay từ buổi bình minh của chế độ đã huênh hoang phát ngôn như thế. Ông minh nhiên gọi Hồ Chí Minh là “nó”, là “thằng.” (Tò mò đếm thử, người ta đọc được trong bài thơ 54 câu, ngoài một chữ “thằng”, Nguyễn Chí Thiện đã dùng tới 32 chữ “nó” để chỉ danh tính Hồ Chí Minh).

Như đã nói ở trên, ngày nay khi nhân loại đã khởi sự bước vào thập niên thứ hai của đệ tam thiên niên, dù họ Hồ đã về với tổ sư Karl Max của ông ta, đảng và nhà nước CSVN vẫn tiếp tục sơn phết xưng tụng, coi y như một thứ thần tượng, và kể cả những phần tử phản tỉnh vẫn chưa dám trực diện nói động đến y. Có hiểu như vậy chúng ta mới thấy được hết sự căm hận của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đối với chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Từ mối căm hận đến tận xương tủy ấy, nhà thơ họ Nguyễn đã trút hết tất cả nỗi bực tức và cơn phẫn nộ ngất trời của ông lên kẻ “tội dồ dân tộc” là Hồ Chí Minh.

Hơn tất cả, từ cách dùng ngôn từ một cách bỗ bã, bộc trực cho tới lối vận dụng, nối kết ý tưởng trong thơ, tác giả đã khơi gợi được trong lòng người đọc một nỗi hờn oán, phẫn nộ thật chính đáng khiến mọi người mặc nhiên đồng thuận với người thơ khi nhận chân được bộ mặt giả nhân giả nghĩa, hoàn toàn lệ thuộc ngoại bang để công khai có những hành vi hèn với giặc ác với dân của họ Hồ, qua những động thái của thân phận tôi đòi “Lúc rụi vào Tàu // Lúc rúc vào Nga // Nó gọi Tàu, Nga, là cha anh nó // Và tinh nguyện làm con chó nhỏ // Xông xáo giữ nhà, gác ngõ cho cha anh”!!!

Để độc giả khỏi mất công mở Hoa Địa Ngục, xin ghi lại toàn văn bài thơ sau đây:

“Không có gì quý hơn độc lập tự do
Tôi biết nó, thằng nói câu đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm làm sao?
Nó đầu tiên đem râu nó bện vào
Hình xác lão Mao lông lá
Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá
Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa
Không phải xoa đầu mà túm tóc nó từ xa
Nó đứng không yên
Tất bật
Điên đầu
Lúc rụi vào Tàu
Lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tàu, Nga, là cha anh nó
Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà, gác cửa cha anh
Nó tận thu từ quả trứng, quả chanh
Học thói hung tàn của cha anh nó
Cuộc chiến tranh chết vợi hết thanh niên
Đương diễn ra triền miên ghê gớm đó
Cũng là do Nga giật, Tàu co
Tiếp nhiên liệu, gây mồi cho nó
Súng, tăng, tên lửa, tàu bay
Nếu không, nó đánh bằng tay?
Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó
Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõ
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó là tên trùm đao phủ năm nào
Hồi Cách Mạng đã đem tù, đem bắn
Độ nửa triệu nhân dân, rồi bảo là lầm lẫn!
Đường nó đi trùng điệp bất nhân
Hầm hập trời đêm nguyên thủy
Đói khổ dựng cờ Đại Súy
Con cá, lá rau nát nhầu quản lý
Tiếng thớt, tiếng dao vọng từ hồi ký
Tiếng thở, lời than, đem họa ụp vào thân!
Nó tập trung hàng chục vạn “ngụy quân”
Nạn nhân của đường lối
“Khoan hồng chí nhân”của nó
Mọi tầng lớp nhân dân bị cầm chân trên đất nó
Tự do, không thời hạn đi tù!
Mắt nó nhìn ai cũng hóa kẻ thù
Vì ai cũng đói mòn, nhục nhằn, cắn răng tạm nuốt
Hiếm có gia đình không có người bị nó cho đi suốt(4)
Đất nó thầm câm cũng chẳng được tha
Tất cả phải thành loa
Sa sả đêm ngày ngợi ca nó và Đảng nó
Đó là thứ tư do không có gì quý hơn của nó!

Ôi, Độc Lập, Tự Do!
Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đó
Đất Bắc mắc lừa mất vào tay nó!
Thế mà nay vẫn còn có người mơ hồ nghe nó
Nó mới vạn lần cần nguyền rủa thực to
(1968)


Lời cuối

Dù chỉ làm công việc sờ voi, mới lướt qua và lược trích một phần rất nhỏ trong số 700 bài trong thi phẩm Hoa Địa Ngục, người viết trộm nghĩ rằng: thơ Nguyễn Chí Thiện đã gói trọn được tôn chỉ Quan, Quần, Hưng, Oán theo quan điểm của Khổng Tử. Điều này dễ hiểu. Trước hết, vì ông là một nhà thơ có chân tài. Và tài năng siêu đẳng ấy đã chắp cánh cho thơ ông bay cao nhờ lòng yêu nước, thương dân cao như núi, dài như trường giang và sâu rộng như biển cả. Tất thảy đã trang bị cho ông một khối óc siêu phàm, một cặp mắt tinh tế, một trái tim bén nhạy, biết thương cảm trước nỗi khổ đau của con người và biết biện phân thiện ác, chân giả giữa một xã hội điên loạn, gian manh, trí trá của một miền Bắc Việt Nam bị áp đặt dưới chế độ bạo tàn cộng sản với một bộ máy cầm quyền được điều hành bởi những kẻ bất nhân, vô đạo mang những trái tim bằng đá.

Rất nhiều lần Nguyễn Chí Thiện công khai xác nhận ông không phải là người hùng. Trong Lời Tựa thi phẩm Hoa Địa Ngục, ông từng viết:

“Tôi cố lên gân, nhủ mình phải có khí phách anh hừng. Nhưng vì trong máu không có một tí chất anh hùng nào cả… nên lâm vào cảnh: ‘Năm rồi năm, trời đất mịt mùng // Khí phách anh hùng rũ lả’”

Nhưng đọc thơ ông rồi suy nghĩ về cuộc đời ra tù vào khám như cơm bữa của ông, nhất là qua những chứng từ của những tù nhân lương tâm chung cảnh ngộ với ông, chúng ta không thể có lời kết luận nào khác hơn: nếu từ anh hùng để chỉ những con người gạn dạ, đởm lược, kiên trì, dám làm những chuyện phi thường, ân oán, thương ghét phân minh, biết phò nguy, cứu khổ, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha… thì cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện phải được coi là người hội đủ hầu hết những đức tính ấy.

Thơ, văn ông và 73 năm cuộc đời ông đã chứng xác như vậy.

Viết trong niềm nhớ thương, quý trọng một người bạn, một thi sĩ, một nhân tài, một công dân gương mẫu của đất nước Việt Nam nhân những ngày chuẩn bị tưởng niệm 100 ngày ông giã từ đồng bào, bè bạn để đi về miền miên viễn.

Nam California ngày những ngày cuối năm 2012


Bài do tác giả gởi. DCVOnline đề tựa, biên tập và minh hoạ.

(1) Bài “Tôi đọc Tuyển Tập Trần Phong Vũ” nhà thơ Nguyễn Chí Thiện viết vào những ngày đầu mùa Thu năm 2012 và được đăng lên mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, DCVOnline khoảng trung tuần tháng 9-2012, đồng thời đã được đăng trên hai nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân (nam California), Kỷ Nguyên Mới (Washington DC) số phát hành tháng 10-2012. Đây là bài viết đầu tiên thuộc thể loại này của tác giả Hỏa Lò.

(2) Theo tài liệu của GS Nguyễn Xuân Vinh trong một bài viết được phổ biến rộng rãi trên NET ngày 03-10-2012, một ngày sau khi nhà thơ NCT qua đời, thì
“Vào khoảng cuối năm 1960, một người bạn là giáo sư môn Sử-Địa bậc trung học đã nhờ anh dậy giúp hai giờ khi ông ta bị ốm. Cuốn sách được dùng cho lớp học là “Cách Mạng Tháng Tám 1945” do nhà xuất bản Sự Thật ở Hà Nội phát hành. Vì thấy cuốn sách đã xuyên tạc sự thật khi viết rằng Đệ Nhị Thế Chiến được kết thúc là nhờ Quân đội Sô Viết đã chiến thắng Quân Đội Hoàng Gia Nhật Bản, nhà thơ với hào khí của tuổi trẻ, và vì tôn trọng sự thật đã giảng giải cho học sinh trong lớp anh dậy biết rằng Nhật đã đầu hàng vô điều kiện với Đồng Minh sau khi Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử lên những thành phố Hiroshima và Nagasaki. Vào khoảng hai tháng sau đó anh bị bắt và đưa ra toà kết án hai năm tù về tội phản tuyên truyền. Trên thực tế, bản án này đã giam giữ anh ba năm và sáu tháng ở những trại khổ sai ở Phú Thọ và Yên Bái”

(3) Trong Lời Tựa thi phẩm Hoa Địa Ngục, tác giả cho biết “…trong bài “Anh gặp em”, lúc đầu tôi viết: Y sĩ công an //Nhìn em // Nạt nộ om sòm. Đó là sự thực, nhưng chưa phải là sự thực hoàn toàn, người đọc có thể hiểu lầm, cho là vô lý. Tại sao khi tên Y sĩ công an nhìn cô gái trẻ miền Nam ho ra máu, sắp chết, lại nạt nộ? Cái tên y sĩ này lúc nào cũng nạt nộ, túm tóc, tát, đá bệnh nhân. Đó là thói quen của hắn, chứ không phải vì nhìn thấy cô gái đó mới nạt nộ. Tôi đọc cho anh Phùng Cung nghe để bàn thêm. Anh Cung suy nghĩ rồi nói “Thôi, nên đổi lại là: Y sĩ công an // Nhìn em // Thôi nạt nộ om sòm. Và chúng tôi đồng ý với nhau là cho tên Y sĩ vô lại đó được làm người một lần.”

(4) Tập trung

-----------------------------------

Re: “Quan, Quần, Hưng, Oán” trong thơ Nguyễn Chí Thiện
2012-12-22 01:09:12
http://www.minhduc7.blogspot.com/

Minh Đức
Trích: "Em chắc oán đời em nhiều lắm. Oán con tàu tập kết Ba Lan"

Tàu tập kết Ba Lan đó là tàu Kilinsky. Tàu này vào Cà Mau chở bộ đội tập kết ra Bắc. Lê Duẩn cũng xuống tàu Ba Lan này giả vờ làm như là đi tập kết ra Bắc rồi ban đêm lén leo xuống ở lại miền Nam để sau này chỉ huy việc cán bộ lấy vũ khí chôn dấu ra lật đổ chế độ miền Nam. Và tàu này cũng chở nhiều thiếu nhi ra Bắc để đảng CSVN giáo dục rồi đưa trở về miền Nam hoạt động. Nhà văn Võ Phiến kể chuyện này trong bài Bắt Trẻ Đồng Xanh [minhduc7.blogspot.ca]. Cô gái miền Nam này được đưa ra Bắc không biết làm gì mà bị vào tù nên Nguyễn Chí Thiện gặp, rồi cô ta chết ở trong tù. Người dân miền Bắc nói những thiếu nhi được đưa ra Bắc thời đó rất quậy phá, ngỗ nghịch. Còn có người thì nói trong số các thiếu nhi được đưa ra Bắc có lẫn nhiều thành phần bất hảo trong đó.



Re: “Quan, Quần, Hưng, Oán” trong thơ Nguyễn Chí Thiện
2012-12-23 00:58:56
Lê Văn
Gắn liền với chế độ CS ở VN, xuất hiện một loại thơ đặc biệt: thơ viết trong ngục tù. Trước đó nhân loại dĩ nhiên cũng đã có những bài thơ viết trong tù, nhưng thơ tù Việt Nam thời CS vẫn khác, vì hoàn cảnh nghiệt ngã cùng cực, mọi nhân phẩm bị tước đoạt, không còn một chút hy vọng cho một ngày trở lại làm người.

Nhưng "chúa ngục" CSVN, không chỉ hành hạ thể xác và tinh thần, mà còn cẩn thận bịt mọi khe hở người tù có thể tìm ra một chút TỰ DO: Tư do sáng tạo. Chúng tuyệt đối cấm không cho người tù có một mảnh giấy nhỏ, mẫu bút chì. Chúng hy vọng suy tư nhưng không viết ra được, sẽ có ngày người tù phải tự động từ bỏ luôn cái tư do cuối cùng đó hay điên lên... Trong hoàn cảnh đó, người tù cải tạo CSVN" chỉ có thể làm một cách sáng tạo: làm thơ. Giản di vì thơ có thể học thuộc, chính mình hay bạn tù học thuộc dùm.

Đặc tính của thơ tuyệt đỉnh vốn là cô sự đọng, chứa đựng những cái chính yếu. Điều này khiến cho Thơ tù CSVN thường đạt tới cao nhất và sâu nhất có thể...

Đó là sự sàng lọc tự nhiên. Người làm thơ trong tù CSVN được phải có tâm hồn tâm hồn của những viên ngọc quý, trong vắt đồng thời cứng như kim cương. Những nhà thơ tài ba từ trước khi vào tù, như TTT, CTT... vào tù đã làm nên những bài thơ trần trụi nhưng lại trong trẻo, sánh ngời hơn cả trước đó.

Riêng với NCT, ông hầu như chỉ làm thơ trong tù, thơ ông hoàn toàn mọc trên máu, nước mắt và tuyệt vọng.

Trước NCT cũng đã có thơ Flower of Hell, nhưng theo tôi chỉ có thơ NCT mới là thơ Địa Ngục: viết hoàn toàn trong bóng tối, nhưng lại chói lòa ánh sáng nhân bản và hy vọng.







No comments:

Post a Comment

View My Stats