Friday 21 December 2012

QUAN ĐIỂM & Ý KIẾN của ĐẢNG VÌ DÂN VIỆT NAM về MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỐI THOẠI VỚI ĐẢNG CSVN (Lê Nguyên Bình - ĐVDVN)




Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
Thứ Sáu, 21/12/2012


Thưa ông Nguyễn Ngọc Già và quý bạn đọc Dân Luận.

Chúng tôi rất hân hạnh được trình bày quan điểm và ý kiến về những điều được ông nêu ra (theo thứ tự câu hỏi của ông) để cùng chia sẻ. Chúng tôi xin phép chỉ trả lời với tư cách của Đảng Vì Dân chứ không thể đại diện cho tiếng nói chung của "các tổ chức chính trị và người Việt hải ngoại".

1. Tại sao ĐCSVN đầy tự hào và "ngang nhiên" kết nạp đảng viên, sinh hoạt chi bộ một cách thong dong và "nghênh ngang" ngay trên đất nước mà họ không chắc thiện cảm lắm? Tại sao người CSVN có thể tung tăng khắp chốn để tuyên truyền nghị quyết đảng và "lẫm liệt" đứng ngay trên xứ giãy chết để oang oang nói về "thế lực thù địch" thế này không?

- Hoa Kỳ là một nước tự do và nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) có bang giao chính thức với Hoa Kỳ (từ năm 1995) nên việc đi lại, tiếp xúc và phát biểu là hợp pháp -- miễn rằng không xâm phạm đến luật pháp và nền an ninh của Hoa Kỳ. Các tổ chức chống Cộng sản có quyền phản đối song không thể buộc chính phủ Hoa kỳ ngăn cấm những lời phát biểu, hay việc làm không vi luật của phái đoàn Nhà Nước Việt Nam (NNVN). Khả năng cao nhất là các thành phố có đông người Việt định cư cùng lập nghị quyết hoặc luật thành phố để giới hạn sự xuất hiện công khai của các phái đoàn, viên chức CSVN. Hướng này đã thành công ở nhiều thành phố trên đất Mỹ.
Riêng việc họ kết nạp đảng viên hay sinh hoạt Chi bộ thế nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ, thì đây là công việc của cơ quan FBI, rất tiếc là chúng tôi không có đủ thông tin để có nhận định cụ thể được.

*
2. Có khi nào các tổ chức, cá nhân nghĩ đến việc đòi Mỹ, Canada yêu cầu giới cầm quyền Việt Nam cũng phải "fair play" với những tổ chức hợp pháp do nhà nước Mỹ, Canada công nhận, các tổ chức Việt Tân, Vì Dân, THTNDC, THDCĐN v.v... cũng có quyền tung tăng khắp Việt Nam để tuyên truyền như tổ chức ĐCSVN cử người "bôn ba" thế này không?

- Các nhân sỹ và đoàn thể có điều kiện ngoại vận vẫn thường xuyên yêu cầu các chính phủ áp lực Nhà Nước Việt Nam thực thi nhân quyền, trong đó tất nhiên có quyền tự do ngôn luận của các cá nhân, đoàn thể đối lập. Tuy nhiên, Nhà Nước Việt Nam không bao giờ nhượng bộ lời khuyến cáo hay đề nghị của Hoa Kỳ và các chính phủ khác, kể cả những điều khoản đã cam kết trong Hiệp ước mậu dịch WTO. Sự kiện Nhà Nước Việt Nam thiếu thiện chí hợp tác trong chuỗi "Đối thoại Nhân quyền" với Hoa Kỳ cho thấy là việc đòi hỏi Nhà Nước Việt Nam phải chứng tỏ tinh thần "fair play" là chưa khả thi, dù rằng nỗ lực này luôn có những "trao đổi lợi ích" đi kèm theo như là sự khích lệ.

*
3. Với mệnh đề "nếu... muốn" của tác giả, tôi mạo muội đặt vấn đề: tại sao ĐCSVN cần mệnh đề "nếu..muốn"?
Mệnh đề "nếu... muốn" chúng tôi đặt ra chỉ là một cách giả định để tham luận.
Song song đó, tác giả đặt vấn đề: ĐCSVN cần "khởi đầu bằng việc đối thoại với những nhà dân chủ và đoàn thể bất đồng chính kiến ở Việt Nam trước". Xin hỏi:
1.1- Những khuôn mặt nào có đủ uy tín để ĐCSVN BUỘC phải làm điều này? Ở Việt Nam cho đến nay hoàn toàn chưa có "đoàn thể bất đồng chính kiến", vậy làm sao tác giả đặt vấn đề đoàn thể trong bài viết?

- Những nhà dân chủ được nhiều người biết đến, kể cả các Bloggers có uy tín, đều là những người đang tạo áp lực chính trị một cách nặng nề lên đảng cầm quyền hiện nay, kể cả những người đang bị cầm tù. Phản ứng của Nhà Nước Việt Nam qua những lời công kích, buộc tội, hay số năm tù trong các bản án, đã tự nó nói lên tầm vóc của những người đối lập này. Có thể nói, khi có cơ hội đối thoại để tìm kiếm các giải pháp tốt đẹp nhất cho đất nước, chỉ riêng hàng ngũ Bloggers cũng sẽ có thể nói lên được nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu khẩn thiết của toàn xã hội.
Định nghĩa về "đoàn thể đối lập" ở Việt Nam có thể là một đề tài đáng bàn thảo. Riêng đối với Đảng Vì Dân, chúng tôi nhận định là các tập hợp đấu tranh đông người, có chủ trương rõ ràng, có lãnh đạo, và có mục đích dân chủ hóa Việt Nam... đều có thể được xem là đoàn thể đối lập. Song song với các đoàn thể chưa có điều kiện minh danh hiện nay, chúng tôi quan niệm rằng: Các tổ chức có thành viên và hoạt động ở Việt Nam là các đoàn thể đối lập; cụ thể là các chính đảng, các tổ chức chính trị và phong trào.
Đảng Vì Dân Việt Nam là một đoàn thể đối lập trong định nghĩa nêu trên, vì đại đa số thành viên là ở Việt Nam, và hầu hết hoạt động cũng được thực hiện trên địa bàn Việt Nam.

*
1.2- Những khuôn mặt dân chủ đó (giả sử tác giả tìm ra), xin hỏi tác giả có căn cứ nào? tiêu chuẩn gì? do tổ chức, cộng đồng nào? công nhận họ CÓ QUYỀN THAY MẶT người dân trong nước để ĐỐI THOẠI với ĐCSVN?

- Không ai có thể và có quyền chọn lựa vài khuôn mặt nào để đại diện tất cả, song tiến trình đấu tranh sẽ sàng lọc tự nhiên, và những người xứng đáng nhất sẽ được đa số nhìn nhận. Với tình trạng được xem là "khủng hoảng lãnh đạo trong hàng ngũ đấu tranh", chúng ta sẽ không thể có một thành phần đại diện nào được toàn thể quần chúng và đoàn thể người Việt chấp thuận. Cho nên, khi việc đối thoại đúng nghĩa xảy ra, chúng ta chỉ có thể có một giải pháp tương đối nào đó về mặt nhân sự đại diện. Những người này sẽ chịu trách nhiệm về khả năng và kết quả đàm phán.
Tóm lại, theo thiển ý chúng tôi, trước khi đối thoại với CSVN, có thể là những nhà dân chủ và đoàn thể chính trị cần phải đối thoại với nhau trước để thống nhất quan điểm và định hướng chung.

*
1.3- Liệu họ mạo muội nhận thay mặt (vì lòng yêu nước, thương dân thật sự của họ), họ có bị phản đối không?

- Việc các cá nhân hay đoàn thể nào đó dấn thân làm công việc đàm phán này bị phản đối... sẽ là diễn tiến tất nhiên. Vấn đề là họ có đủ bản lãnh và thiện chí để hoàn thành công việc quan trọng đó hay không? Theo quan điểm của chúng tôi, mọi người có quyền cảnh giác, thậm chí là nghi ngờ song không nên có kết luận quá sớm khi chưa có diễn tiến cụ thể. Những sự phản đối cũng cần thiết vì sẽ là một áp lực khác đối với NNVN, và là yếu tố thúc đẩy những ai đứng ra đối thoại sẽ phải cố gắng hết sức để chứng tỏ khả năng.

*
1.4- Tác giả nghĩ gì về nhận định của ông Phil Robertson: "Việc thiếu vắng một nhân vật đối lập có khả năng tập hợp được mọi người như Aung San Suu Kyi đặt các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam vào thế cực kỳ bất lợi..? 1.5 - Các đảng phái, hội đoàn, cộng đồng ở hải ngoại có đồng ý và có biện pháp gì để khắc phục điều mà ông Phil Robertson nói?

- Hoàn cảnh hàng ngũ đối lập của Việt Nam khác hoàn toàn với Miến Điện. Tính chất của đảng cầm quyền ở Việt Nam cũng khác hẳn tập đoàn quân phiệt ở Miến Điện. Mối tương quan của lực lượng đối lập ở Việt Nam đối với Hoa Kỳ và các nước tự do cũng không giống như trường hợp của bà Aung San Suu Kyi. Cho nên, diễn biến dân chủ hóa của Việt Nam rất có thể sẽ không xảy ra như ở Miến Điện.
Riêng Đảng Vì Dân, chúng tôi phải xót xa để đồng ý về nhận xét khách quan của ông Phil Robertson. Tuy nhiên, việc khắc phục phải từ thiện chí và nỗ lực chung của nhiều người, nhiều đoàn thể trong một đồng thuận lớn. Mặt khác, ý thức và ý chí quật khởi đòi dân chủ tự do của nhân dân Việt Nam cũng là một yếu tố không thể thiếu. Một khi Việt Nam chưa có được những đợt đấu tranh quyết liệt với nhà cầm quyền như đã từng xảy ra ở Miến Điện, thì chúng ta chưa thể đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi thuận lợi như Miến Điện.
Câu hỏi ngoài lề ngược lại và đáng suy gẫm là: Nếu như vì lý do gì đó Nguyễn tấn Dũng, hay Trương tấn Sang bất ngờ có quyết định đổi mới tương tự như của ông Thein Sein của Miến Điện, thì người VN sẽ có phản ứng, thái độ ra sao?

*
2. Cũng với mệnh đề "nếu...muốn" trong trích dẫn trên, tôi xin phép đặt tiếp câu hỏi:
2.1- "nhu cầu khách quan nào cho thấy ĐCSVN cần "hòa giải" với cộng đồng người Việt hải ngoại?

- Cho đến nay, chưa thấy có bằng chứng, kể cả dấu hiệu, là đảng CSVN thật sự muốn hòa giải với cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ có nhiều nỗ lực tiếp cận nhưng hầu như chỉ nhằm mục đích vận động sự hợp tác, ủng hộ cho chế độ.
Đối với các đoàn thể, họ cũng có những hình thức tiếp xúc khéo léo, trực tiếp hoặc gián tiếp, song cũng chỉ là để hóa giải sự căng thẳng và nhằm thuyết phục cho việc ngưng chống đối Nhà Nước Việt Nam, hơn là đối thoại để hòa giải một cách đúng nghĩa.

*
2.2- Nhu cầu "hòa giải" tại sao nhất thiết phải xuất phát từ CSVN (theo quan điểm của DVD)?

Việc hòa giải cần xuất phát từ Nhà Nước Việt Nam vì họ là phía cầm quyền, là phía đang nắm những yếu tố then chốt để hóa giải các bế tắc của đất nước và dân tộc. Việc hòa giải sẽ không thể tiến hành hiệu quả nếu như người Việt hải ngoại (là phía nạn nhân) tiếp tục hòa hoãn nhưng phía cầm quyền (là phía đàn áp) tiếp tục gây thêm mâu thuẫn.

*
2.3- Căn cứ khoa học nào để nói: "Bên Thắng Cuộc" phải chủ động hòa giải với "Bên Thua Cuộc", khi chúng ta đặt trong bối cảnh xã hội điêu tàn hiện nay và "dân tộc tính" người VN (tính nông dân vẫn còn đậm đặc: hơn thua, chi ly, vặt vãnh v.v... mà ngay cả những người sống lâu ở hải ngoại vẫn không gột rửa được tính xấu này)? Tôi nhấn mạnh yếu tố dân tộc tính người VN, vì e rằng tác giả sẽ dẫn chứng cuộc nội chiến của Mỹ vào thế kỷ 18 như là ví dụ "Bên Thắng Cuộc" CHỦ ĐỘNG hòa giải với "Bên Thua Cuộc".

- Theo quan điểm của Đảng Vì Dân, việc hòa giải từ phía đảng cầm quyền chỉ xảy ra ở hai trạng thái: 1. bị yếu thế và cần có lối thoát, và 2. là chiêu bài để vô hiệu hóa sự chống đối.
Ở thời điểm này, thực tế cho thấy là giải thích #2 hợp lý nhiều hơn, vì qua nội dung các cuộc phỏng vấn (ở Hoa Kỳ) với ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện Nhà Nước Việt Nam tiếp xúc một số người Việt ở Hoa Kỳ là để chiêu dụ hơn là hòa giải đúng nghĩa.
Riêng ở vế #1, hiện tại chưa xảy ra nhưng không có nghĩa là sẽ không xảy ra. Kinh nghiệm ở các nước Đông Âu, ở Liên Xô và gần đây là ở Tunisia, Ai Cập, v.v... cho thấy là không ai lường trước được đột biến có khả năng thay đổi cả thể chế chính trị. Việt Nam đang chất chứa nhiều yếu tố gây ra đột biến và hứa hẹn một tương lai nhiều thay đổi. Đến một mức độ nào đó, "Bên Thắng Cuộc" ngày nào sẽ không còn khả năng chủ động như đã có. Và khi đó, đảng CSVN có thể sẽ phải kêu gọi hòa giải, thương lượng tìm giải pháp để không bị mất hết.

*
3.1 Tại sao tác giả không đồng ý "thỏa hiệp chính trị để chia quyền lãnh đạo với đảng CSVN"?

- Vấn đề Việt Nam ngày nay không phải chỉ là sai lầm về chính sách của đảng cầm quyền, mà là bản chất của chế độ độc tài Cộng sản.
Đối với một chính phủ dân chủ, các sai lầm về chính sách có thể được điều chỉnh hoặc hoàn chỉnh bởi những sự hợp tác cần thiết.
Đối với các chế độ độc tài, đặc biệt là Cộng sản, mọi thỏa hiệp chia quyền lãnh đạo là một sự đồng lõa thống trị có chủ ý. Điều này không những không giải quyết được vấn đề của đất nước mà còn làm cho phức tạp hơn, nguy hiểm hơn khi chế độ có được sự cấu kết quyền lực để duy trì tình trạng thống trị độc tài. Sự khác biệt trong trường hợp này là độc tài đa đảng, thay vì là độc tài chuyên chính như đang có. Chính phủ đa đảng dân cử khác với nhà cầm quyền đa đảng do sự thỏa hiệp chính trị với đảng độc tài. Có thể khẳng định: Việc "thỏa hiệp chính trị để chia quyền lãnh đạo với đảng CSVN" sẽ không phải là giải pháp tốt cho Việt Nam, chưa kể là điều đó cũng rất khó xảy ra.

*
3.2- Tác giả nghĩ gì về cụm từ "nhuộm đỏ" mà người ta hay dùng để nói về việc thôn tính của người CS trước đây?

- Theo hiểu biết và thiển ý của chúng tôi, từ "nhuộm đỏ" được dùng để tố cáo sự bành trướng của chủ nghĩa và thế lực thống trị Cộng sản trong giai đoạn chiến tranh lạnh. Khi chủ nghĩa Cộng sản mất ảnh hưởng, từ ngữ này vẫn tiêu biểu cho sự độc tài, tàn bạo -- đi ngược lại với nền tảng dân chủ, tự do và nhân quyền.

*
3.3- Tác giả có bao giờ nghĩ đến việc "nhuộm vàng" trở lại từ màu đỏ máu me phủ khắp Việt Nam từ 1975 không?

- Nếu hiểu màu "vàng" là tiêu biểu cho chế độ VNCH và màu "đỏ" là của Cộng sản, thì thay đổi thể chế chính trị sắp tới sẽ không cần thiết là một sự hoán đổi vị trí. Thể chế mới sẽ không phải, và cũng không nên, là sự phục hồi chế độ VNCH ngày nào. Nhưng nếu nói về tinh thần và ý nghĩa của một chính thể đã từng có giai đoạn chiến đấu chống lại làn sóng xâm lấn của Cộng sản, thì điều đó có thể sẽ được nhiều người đồng thuận.
Quan điểm của Đảng Vì Dân là tính chất của chính thể mới sắp tới phải phù hợp với bối cảnh xã hội mới, nhu cầu của các thế hệ mới và tâm thức của thời đại mới.

*
3.4- Thỏa hiệp để có chỗ đứng, rồi từ thế đứng đó mới có thể làm những gì tiếp theo?

Đây cũng là một lập luận có cơ sở và được chứng nghiệm ở một số nước khác. Nhưng riêng ở Việt Nam thì KHÔNG thích hợp. Với bản chất của chế độ thì những người đối lập sẽ không thể có chỗ đứng nào thích hợp và tương xứng (qua việc thỏa hiệp) để có thể từ đó vận động phát triển dân chủ. Khi thực tế cho thấy không có bất cứ hình thức đấu tranh ôn hòa nào được chấp nhận thì việc thỏa hiệp với đảng cầm quyền chỉ là một hành động đồng lõa nguy hiểm. Tuy nhiên, khi đảng CSVN thật sự đổi mới chính trị, cụ thể là chấp nhận các ứng cử viên độc lập/đối lập tham gia Quốc Hội với tư cách Đại biểu, thì vấn đề lúc đó có thể sẽ khác.

3.5- Người Việt Nam có một lịch sử tị nạn CS độc nhất vô nhị trên thế giới, khác xa cả Bắc Hàn, Triều Tiên hay Cuba, đó là: một cộng đồng đông đảo và thành đạt và quan trọng là đa số không ưa chế độ CS ra mặt, cũng như có vị thế và vai vế trong chính quyền Hoa Kỳ, Canada, Úc..., vậy tại sao mãi cho đến nay vẫn chưa có được sự đồng tâm như là một khối kết đoàn như mong muốn?

- Chúng ta không có một thống kê hay nghiên cứu chi tiết về tâm tình, nguyện vọng của tập thể người Việt tỵ nạn Cộng sản nên rất khó để có một câu trả lời ngắn gọn cho vấn đề phức tạp này. Tuy nhiên, dù cộng đồng người Việt ở ngoài nước chưa có hình thức một sự đoàn kết rõ nét qua dạng kết hợp thành một Khối, nguyện vọng chung của tập thể này cũng đã được phản ảnh qua những sự kiện lớn như biểu tình chống ông Trần Trường vào năm 1999, hàng trăm ngàn người nhiệt tình ký thỉnh nguyện thư vào đầu năm 2012, và ủng hộ chiến dịch "Triệu con tim một tiếng nói" vào cuối năm 2012. Sự đồng tâm đã có, còn sự thống nhất thành một Khối thì phải chờ đợi có thêm một số yếu tố cụ thể nữa.

*
3.6- Các đảng phái lâu năm như VT, VD, THDCĐN, THTNDC v.v... có phải rất chậm chạp trong vấn đề tập hợp lực lượng? Hay không có đủ uy tín để tập hợp lực lượng?

- Riêng Đảng Vì Dân, chúng tôi nhìn nhận là khả năng và thành quả hoạt động của tổ chức chưa tương xứng được với danh xưng và lòng kỳ vọng của nhiều người. Tuy không phải là để biện bạch song nếu nói đến lý do thì đó là những giới hạn chủ quan và khó khăn khách quan.
Hoàn cảnh của hầu hết các tổ chức chính trị và chính đảng tân lập ngày nay không được thuận lợi như giai đoạn đảng CSVN thành hình và hoạt động. Ngày trước, các đảng CS có sự yểm trợ dồi dào mọi mặt của khối CS quốc tế. Những nước CS đã luôn hỗ trợ nhau hết lòng và lâu dài cho đến khi họ đều đạt được mục tiêu sau cùng là chiếm được chính quyền. Sau đó, họ vẫn sát cánh tương trợ cho nhau để nắm giữ chính quyền.
Ngày nay, các đảng chống CS phải hoạt động trong một hoàn cảnh khắc nghiệt hơn: Phải bắt đầu bằng con số '0', phải tự lực cánh sinh, và phải đấu tranh để tồn tại dưới sự đàn áp khốc liệt ở trong nước, và những ràng buộc bởi pháp luật ở các nước tạm dung. Khốn khổ hơn nữa là thời thế mới không cho phép các tổ chức đấu tranh được có các đồng minh đúng nghĩa. Những đồng minh cũ của chế độ VNCH, kể cả Hoa Kỳ, đều đã bang giao, bắt tay với chế độ CS vì các quyền lợi thực tiễn của mỗi nước.
Tóm lại, chưa có đủ điều kiện để vận động sự ủng hộ của quần chúng cũng đúng, và chưa có đủ thế lực để tạo thành uy tín có sức tập hợp lớn cũng không sai. Vấn đề là mỗi tổ chức phải vũng vẫy hết sức để tồn tại và theo đuổi lý tưởng. Tổ chức nào không đủ khả năng tồn tại, sẽ bị thực tế và quần chúng đào thải. Chúng tôi chấp nhận, chịu đựng những sự phê phán nặng nề; xem đó là những thử thách cần thiết cho một tổ chức chính đảng trong bối cảnh chính trị khắc nghiệt ngày nay.

*
3.7- Tại sao một người không theo đoàn thể, đảng phái gì như NS. Trúc Hồ lại thành công ngay lập tức trong việc vận động NVHN qua hai chiến dịch "We the people" và "million hearts one voice", trong khi các đảng phái khác không làm được điều này?

- Đây là vấn đề tế nhị. Khi những sự vận động không nhân danh tổ chức, đảng phái lại thành công hơn thì đó có thể là biểu hiện của tình trạng niềm tin đặt vào khả năng của các tổ chức chưa đủ lớn. Dù sao, khi các vận động phong trào hoặc cá thể tạo được sự thành công thì đó cũng là điều khích lệ chung. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đó và luôn cố gắng hơn nữa để sớm xứng đáng với vai trò của một chính đảng tân lập.

*
3.8- Có bao giờ DVD nói riêng và các đảng khác nói chung, đặt trọng tâm việc thu hút vai trò người nổi tiếng cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam?
- Chúng tôi, cũng như các tổ chức khác, đều nhận thức được ảnh hưởng của những người nổi tiếng trong xã hội. Tuy nhiên, mời gọi được hay không là còn tùy vào quan điểm của những nhân vật này, và cơ duyên đối với tổ chức.

*
4. Câu hỏi cuối cùng: Đấu tranh bất bạo động ngày nay có cần linh hoạt, sáng tạo hay vẫn theo phương cách cũ (ví dụ: tẩy chay, tố cáo, lên án, bất hợp tác, chia rẽ nội bộ đối phương v.v...)?

- Theo quan điểm của Đảng Vì Dân: "Đấu tranh bất bạo động" là không chủ trương gây chiến tranh, sử dụng khủng bố hay bạo lực. Nhưng bất bạo động, hoặc ôn hòa, không có nghĩa là thụ động, hoặc tệ hơn nữa là bị động.
Trong đấu tranh, muốn thành công thì phải tạo được thế Chủ Động. Ngay cả thế Thủ thì cũng phải THỦ như thế nào, và khi cần Lùi thì phải LÙI ra sao cho có lợi nhất.
Kinh nghiệm các nước thoát khỏi cảnh độc tài từ chế độ Cộng sản hoặc quân phiệt, đều có một yếu tố mà Việt Nam chưa có là Điều Kiện Biểu Tình Đông Người.
Sức mạnh quần chúng chỉ có ý nghĩa thực dụng khi có điều kiện tập trung sự hiện diện của một khối lớn quần chúng, hoặc ý chí vùng dậy của đông đảo người dân cùng một lúc, cùng một hướng, và cùng một mục tiêu.
CSVN biết rất rõ điều này nên luôn ngăn chận, đàn áp mọi sự tập hợp đông người từ trong trứng nước. Thực tế các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng bị trấn dẹp... cho thấy rõ điều đó.
Ưu điểm mà CSVN khai dụng được để giao thương với thế giới là sự "ổn định chính trị", cho dù đó là giả tạo. Nhà Nước Việt Nam không bao giờ nhận là Việt Nam có Tù nhân Chính trị là vì không muốn mặc nhiên xác nhận là có đối lập chính trị ở Việt Nam. Đây là "ưu điểm" và cũng là "tử huyệt" của chế độ.
Nếu như những khủng hoảng kinh tế, mâu thuẫn quyền lợi xã hội, và đặc biệt là bức xúc trước nguy cơ đất nước bị Bắc phương thôn tín dâng cao đến mức độ "tức nước vỡ bờ", tình hình Việt Nam sẽ trở thành BẤT ỔN CHÍNH TRỊ.
Một khi Việt Nam được thế giới xem là "bất ổn chính trị" thì giới doanh thương các nước sẽ không dám đến Việt Nam để làm kinh tế, người đang có cơ sở sẽ tìm cách rút công ty ra vì thấy Việt Nam mất an ninh, du khách nước ngoài thấy Việt Nam quá lộn xộn sẽ không dám đến du lịch... Tình trạng "bất ổn chính trị" sẽ dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của nền kinh tế què quặt. Ảnh hưởng dây chuyền của tình trạng mất ổn định chính trị sẽ buộc đảng CSVN đến chỗ phải tìm cách tháo gỡ bế tắc để có thể tồn tại tiếp tục dưới một hình thức, danh nghĩa mới. Nếu biến động bộc phát mạnh mẽ và không có thể điều hướng, Việt Nam sẽ đi đến tình trạng "vô chính phủ" để nhu cầu thành hình một chính phủ mới sẽ mặc nhiên thành hình.
Trong tiến trình này, mọi hình thức đấu tranh như "tẩy chay, tố cáo, lên án, bất hợp tác, chia rẽ nội bộ đối phương v.v..." đều cần thiết để tạo thêm áp lực chính trị lên đảng CSVN.

***
Thưa ông Nguyễn Ngọc Già và quý bạn đọc,

Những câu hỏi trên tuy ngắn ngủi song đều là những vấn đề lớn, ở đó, nếu muốn có câu trả lời tòan vẹn nhất thì phải có ý kiến đóng góp và sự phản biện nghiêm chỉnh của nhiều người.
Chúng tôi mạo muội chia sẻ ngắn gọn một số quan điểm, ý kiến về các vấn đề này và rất mong nhận được các ý kiến xây dựng từ Ông và quý bạn đọc.
Hy vọng rằng những trao đổi này được xem như là một hình thức đối thoại giữa những người có cùng chung quan tâm về hiện tình và tương lai đất nước.

Kính chúc Ông và toàn thể quý Anh Chị một năm mới nhiều sức khỏe, và thành công trong mọi nỗ lực chung.

Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)


Tin liên quan :












No comments:

Post a Comment

View My Stats